Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
LAI - Truyện ngắn 
 


Vợ Thoan đang sắp xếp ba lô cho chồng thì mẹ của Cường sang , bà ngập ngừng :
-Anh Thoan này ,anh là bạn chiến đấu với Cường lại biết nơi em nó hy sinh , nhưng để anh đi một mình tôi áy náy quá . Phải cái nhà tôi neo người , lại đang giữa ngày mùa ngày màng thế này ....
- Bác cứ yên tâm , cháu sẽ cố gắng tìm ra nơi Cường nằm . Đi tháng này thuận lợi nhiều vì trong ấy đang là mùa khô bác ạ !
 Thế là ba lô lộn ngược ,Thoan trở lại chiến trường xưa .

Xuống xe lửa ở ga Huế , Thoan đi ô tô khách ngược lên miền Tây . Cái thung lũng xưa bạt ngàn lau lách , loang lổ đạn bom đã xanh mướt mát . Con đường rải nhựa phẳng phiu rộng rãi nằm vắt lên hai con đèo trấn giữ hai đầu thung lũng nhìn thật đẹp . Hai bên đường những dãy nhà mới dựng khang trang , một thị trấn đã hình thành đông vui nhộn nhịp .
     
Làm việc với huyện đội Thoan được biết khu vực Cường hy sinh bây giờ thuộc địa phận nước bạn Lào . Để công việc thuận lợi các anh ấy giới thiệu Thoan tìm gặp Lai là xã đội trưởng hiện đang ở bản Tà - Rụt .

Huyện đội trưởng còn cho ô tô đưa Thoan hết đường cái lớn , lội suối , leo dốc hai tiếng đồng hồ đi bộ nữa mới tới bản . Cứ như lời anh ấy thì Lai là thổ công của vùng này , bản Tà - rụt cũng là khu dân cư gần biên giới nhất .

Bản người Pa- cô đã khác nhiều , nhà cửa được làm chắc chắn vì dân đã bỏ tập quán du canh du cư . Nhà xã đội trưởng vắng ngắt , Thoan tháo ba- lô sà vào bếp lửa . Nhà của người Pa - Cô nào cũng thế , bếp lửa âm ỉ suốt ngày .
- Chào đồng chí , tôi đang đánh cá ngoài suối , dân bản bảo có người vào nhà , có phải đồng chí tìm tôi không ?
- Vâng tôi được huyện giới thiệu...Thoan bỗng kêu lên : Có phải mày không , Lai ! Đen đi nhiều nhưng tao vẫn nhớ .
- Anh là Thoan à ? Hai người ôm nhau cười nói oang oang nhưng mắt người nào cũng ầng ậc nước .
- Anh lặn lội vào tận đây tìm tôi chắc là có việc gì quan trọng lắm phải không ?
- Việc gì cũng để sau , mày phải cho biết tại sao mày lại là xã đội trưởng ở cái xã Tà- Rụt heo hút này !
 
                                                *
                                          *.          *

Đấy là mùa mưa năm 1971 , đơn vị vận tải bộ của binh trạm vắng hẳn vì sốt rét nhiều quá . Huyện đội cho du kích bổ sung . Lai là trung độ trưởng được cử sang phụ trách hơn bốn chục du kích cả nam cả nữ . Kan Luông là cô gái trẻ đẹp nhất , là người Pa Cô nhưng cô không cưa răng , căng tai , không hút thuốc rê khét lẹt . Thật lạ là sống giữa một dân tộc đen đúa , chắc nịch như cây lim , cây gụ mà Kan Luông lại trắng trẻo mảnh mai như người thành phố . Lúc đầu là tình thương , Lai thương Kan Luông như em gái của mình . Anh buộc gùi giúp cô , dắt cô qua những đoạn đường cheo leo , thỉnh thoảng còn gùi đỡ hàng cho cô nữa . Những ngày mưa tầm tã , anh lấy quần áo của mình cho cô mặc tạm khi mà quần áo của cô còn hong trên bếp lửa . Sau hai tháng vất vả , nhiệm vụ vận chuyển hàng hoàn thành cũng là lúc tình yêu đến với họ . Cái lý lẽ của tình yêu thật khó hiểu nhưng với Kan Luông thì đơn giản :
- Mình thương Lai nhiều lắm , nhưng không cho anh được đâu , cho một lần nó quen đi không giữ được nữa , nó làm tổ trong bụng mình thì xấu hổ lắm , đoàn thể kỷ luật biết làm sao được .

Nói là vậy nhưng lại không phải vậy , cái gì đến vẫn cứ đến , họ đã cho nhau và đã quen không dứt ra được . Rồi đến một ngày Kan Luông nói với Lai là nó đã làm tổ trong bụng của mình .
     
Kỷ luật ngày ấy với chuyện này là nặng lắm. Lẽ ra phải tước quân tịch trả về địa phương , nhưng đang ở chiến trường nên Lai bị hạ cấp , cách chức và phân công làm chiến sỹ giữ kho .
     
Giọng Lai trầm xuống :
- Tôi không buồn vì kỷ luật , mình làm mình chịu , nhưng không lẽ cứ để Kan Luông như vậy . Tôi đánh bạo xin đơn vị cho cưới cô ấy làm vợ . Cũng không hình dung nổi cuộc sống sau này sẽ ra sao , chỉ vì thương quá mà cưới thôi . Bàn bạc mãi đơn vị cũng đồng ý . Thế là tôi với Kan Luông về sống cạnh kho vũ khí vừa trông kho vừa làm rẫy nuôi nhau . Tôi nói thế vì Kan Luông chẳng có tiêu chuẩn gì , tôi lại giữ kho vũ khí nên không có cái gì cho vào bụng được . Anh cũng biết đấy , vũ khí là rất quan trọng nhưng chả ai lấy cắp làm gì , chỉ có gạo , muối , lương khô , thịt hộp mới cần trông coi cẩn thận .
     
Đầu năm 1972 họ sinh được bé trai kháu khỉnh đặt tên là Lâm . Mặt trận chuyển dần xuống đồng bằng , kho vũ khí lại ở xa heo hút nên rất ít người qua lại . Thỉnh thoảng mới có đoàn vận tải đến nhận hàng ồn ào một lúc rồi lại biến đi , thành thử cả một khoảng rừng chỉ có ba con người cặm cụi bên nhau .
- Đơn vị đến nhận hàng cuối cùng là ngày 28/12/1972 .
- Sao cậu nhớ rõ thế !
- Tôi quên sao được . Hôm ấy cả đại đội vận tải bộ , chính là đại đội cũ của tôi mang  lệnh của binh trạm trưởng đến nhận bộc phá cho công binh mở đường . Vừa dừng chân thì bị một loạt bom tọa độ hy sinh tại chỗ năm người . Đại đội tổ chức mai táng ngay cạnh kho , thế là từ đấy tôi vừa trông kho vừa chăm sóc phần mộ năm người bạn cũ .
- Sau đó đơn vị không quay lại nữa sao ?
- Có , có nhưng mãi cuối năm 1975 không hiểu vì sao người ta nhớ ra ở đây còn kho vũ khí và cho người khuân ra đường tuyến ' chất lên ô tô chở về tỉnh đội . Cũng phải gần một tháng mới xong .
   
Một tháng trời đấu tranh dai dẳng với bao ý nghĩ giằng xé khiến Lai rộc hẳn đi . Thương chồng , Kan Luông không muốn chồng trở lại đơn vị , cô sợ anh đi mất . Lai hiểu và thương vợ nhưng hoà bình rồi không lẽ cứ sống lang thang mãi . Thuyết phục mãi anh mới được vợ đồng ý cho theo chuyến xe cuối cùng về đơn vị cũ . Nhận được quyết định ra quân , anh lại ngược lên rừng đưa hai mẹ con về Bắc . Được một thời gian vì quê hương đất chật người đông nhân một đợt phát động đi xây dựng vùng kinh tế mới , anh xin với xã đưa cả nhà trở lại mảnh đất đã nuôi dưỡng tình yêu của họ .
- Nói là như vậy thôi , nhưng có hai lý do khiến tôi quay lại mà tôi chưa thổ lộ với ai , hôm nay gặp anh tôi cho anh biết luôn - Lai bỗng trở lên hóm hỉnh : Thứ nhất là tôi thương Kan Luông quá , cô ấy không hợp với quê mình , làm cái gì cũng lóng ngóng cũng sợ hỏng , lúc nào cũng tỏ vẻ sợ sệt không dám nhìn thẳng vào ai . Tuy không đòi về nhưng nhiều lần tôi bắt gặp cô ấy khóc một mình . Khi biết tôi có ý định quay lại chiến trường xưa Kan Luông vui vẻ hẳn lên . Điều thứ hai khiến tôi không yên tâm phải quay lại chính là năm ngôi mộ liệt sỹ . Trước khi đi tôi cũng đã báo cáo đơn vị nhưng không biết đã tìm thấy chưa ? Khi đi vội quá , tấm sơ đồ mộ chí vẫn còn ở đáy ba lô , anh tính núi rừng thay đổi như thế không có sơ đồ chắc gì đã tìm được !
 
Lai trở lại chiến trường xưa , việc đầu tiên là ngược dốc , lội suối tìm ra cái nền nhà kho cũ . Từ đây anh ước lượng để tìm mấy ngôi mộ . Anh không tin vào mắt mình nữa , năm ngôi mộ vẫn còn nguyên , vậy là chưa có ai tìm đến đây . Việc ổn định nhà cửa , nương rẫy anh giao cả cho hai mẹ con . Lai mang tấm sơ đồ cùng tên tuổi các liệt sỹ đến sở LĐTBXH tỉnh , anh chờ bằng được để dẫn đường đoàn công tác đến bốc và đưa hài cốt về nghĩa trang dưới đồng bằng .

Giọng Lai trở lên nhẹ nhõm :
- Xong cái việc lớn đó tôi bắt tay vào lo cuộc sống lâu dài .
- Tối rồi sao không thấy vợ con cậu đâu ?
- Anh không gặp may rồi . Vợ tôi xuống Huế với vợ chồng thằng Lâm để chăm sóc cháu nội . Chả là thằng Lâm học xong ra làm việc rồi lấy vợ luôn dưới đó , chúng nó vừa sinh con trai .
- Thế còn những đứa khác chả lẽ .....
- Có đứa nào nữa đâu , chỉ mỗi thằng Lâm thôi . Nghĩ cũng lạ thật , ngày ấy cứ dấm da dấm dúi mà lại dễ có con , sau này sao mà khó thế , mong mãi chả được , cứ nhắc đến chuyện này là Kan Luông lại buồn .
- Thế sao vợ chồng không về cả dưới xuôi mà ở 
- Nếu thích ở dưới xuôi thì việc gì vợ chồng tôi phải vào đây ! Tôi là người Pa Cô rồi , mà người Pa Cô thì không xa núi rừng được . Với lại tôi ở đây vẫn còn có ích cho đồng đội ngày xưa , biết đâu lại có những người cần tìm đến như anh chẳng hạn .
- Tôi chịu ông ! Bây giờ là việc của tôi . Chả là cái hôm đơn vị quay lại kho nhận bộc phá mình bị ốm nên cử đông chí đại đội phó đi thay . Trong số anh em hy sinh có cậu Cường người làng mình . Hoà bình rồi , Cường đã có giấy báo tử nhưng hiện mai táng ở đâu thì vẫn chưa biết . Mẹ Cường có ý nhờ mình , thu xếp mãi bây giờ mới đi được .
- Thế là anh yên tâm rồi . Cường đã được đưa về dưới xuôi , anh cứ ở đây chơi với tôi vài tuần , sau đó về sở LĐTBXH gặp ban chính sách các anh ấy sẽ cho biết nghĩa trang Cường nằm , khi nào thuận tiện thì chuyển về quê ngoài đó .
 
Nói là ở chơi cả tuần , nhưng chỉ sau vài ngày theo Lai lên rẫy , ra suối bắt cá Thoan đã thấy nóng ruột . Ngày mai anh quyết định quay về thành phố . Đêm chia tay sao mà dài đến thế , chuyện vãn một lúc Lai đã ngáy vang nhà . Thoan thì không sao chợp mắt được , chả biết đến khi nào anh mới trở lại nơi đây , nơi những đồng đội của anh đã chia tay chiến tranh về xây dựng cuộc sống ở mọi miền đất nước . Những người hy sinh đã được yên nghỉ dưới đài TỔ QUỐC GHI CÔNG hết cả chưa hay vẫn còn ai đó nằm dưới ngàn lau (!) Bất giác ý nghĩ của anh lại quay về bên Lai , một người bạn lính bình thường , giản dị đã trụ lại với đất đai chiến trường cũ vì tình yêu , vì những người còn nằm lại hay còn vì những điều gì khác nữa ...?....?.....


Nguyễn Phú Ninh 

________________


Hoang Nguyen gởi