Lấy chồng Mỹ
Ngày nay nhiều gia đình Việt Nam ở Mỹ con cháu lấy người Mỹ, hay bất cứ người nước ngoài nào chẳng là điều ngạc nhiên hay hiếm hoi gì.
Tại Việt Nam, người miền Bắc từng bao năm thù ghét và chống Mỹ trong thời chiến tranh nay con cháu họ cũng lấy Mỹ đầy ra.
Ngày xưa khoảng thời gian quân đội Mỹ sang chiến đấu bảo vệ tự do dân chủ cho miền Nam Việt Nam, ai lấy chồng Mỹ hầu như đều bị xã hội kỳ thị và lên án gọi bằng hai từ “me Mỹ” một cách miệt thị.
Có lẽ họ ấn tượng từ những hình ảnh cô gái bán bar ăn mặc diêm dúa hở hang, váy mini ngắn cũn cỡn ngả ngớn với lính Mỹ trên hè phố hay tại các quán bar. Ðó là những cô gái quê, gái nhà nghèo vì thời thế, vì cuộc sống phải đi kiếm tiền trong môi trường ấy. Ðó là những người lính Mỹ tuổi thanh xuân, rời xa quê hương an bình của họ đến Việt Nam trong cuộc chiến khốc liệt, hàng ngày đối diện với hiểm nguy chết chóc họ tìm niềm vui nơi những quán bar với bia rượu và cuộc tình. Xã hội đã không nhìn họ bao dung và thương cảm.
Ngày đó chị Bông là cô gái mới lớn.
Nhà mẹ cô Bông bán tạp hóa nho nhỏ trong xóm, đối diện nhà cô Bông là nhà ông Giàu, mà ông rất …nghèo, lại có hai vợ, con đông.Tất cả ở chung một nhà, cuộc sống hòa thuận vì hai bà vợ đều biết sợ ông chồng và bà vợ hai biết thân phận kẻ đến sau luôn vâng lời bà vợ cả.
Căn nhà của ông Giàu vừa nhỏ vừa dơ bẩn, ban ngày các con ông phải ùa ra sân cho nhà bớt chật chội.
Ông Giàu làm nghề bán thịt chó đã lâu năm, tên ông luôn đi liền với nghề nghiệp là “Giàu thịt chó”,
Mặt tiền nhà ông Giàu mở ra một khung cửa sổ, ở đó là cửa hàng của ông, có treo một tấm bảng bằng miếng carton viết nguệch ngoạc mấy chữ “Giàu thịt chó nơi đây”
Một con chó làm xong buổi sáng bán đến chiều là hết, các con ông chỉ được ăn cơm với nước xáo chó hay gặm xương.
Hai bà vợ thi nhau gánh nước thuê trong xóm để thêm tiền. Họ nghèo khổ và túng thiếu quanh năm nhưng hai bà cũng thi nhau đẻ năm một chứng tỏ ta đây được chồng yêu. Tổng cộng hai bà cho ông Giàu đàn con 12 đứa, mấy đứa lớn chỉ học xong tiểu học là ở nhà vì chẳng có tiền đâu mà quần áo, sách vở đi học tiếp, đứa lớn theo hai bà mẹ đi gánh nước mướn, những đứa nhỡ nhỡ thì trông đứa nhỏ hơn..
Ông Giàu rảnh rang uống rượu và đi vòng vòng trong xóm tìm mua chó, ông đi đến đâu chó sủa đến đó, con này sủa con khác hùa theo, hèn gì trong dân gian có câu “Chó hùa”
Ông tên Giàu nên đặt tên con toàn là cao sang và tử tế cho xứng nào là Ngọc, Ngà, Châu, Báu, Vàng, Tiền, Nghĩa, Nhân….
Ðứa con gái lớn con của bà Cả tên Ngọc vừa 17 tuổi là đi bán quán snack bar cho lính Mỹ ở Sài Gòn để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi đàn em. Cả nhà ông Giàu đều giấu diếm chuyện cô Ngọc đi bán quán snack bar nhưng ở đời chẳng có sự thật nào giấu được mãi.
Ðứa con gái lớn tên Ngà 16 tuổi của bà hai thì đi ở đợ cho một nhà giàu ở Sài Gòn.
Hai cô đi một thời gian khi về xóm đã trở nên xinh đẹp và khôn ngoan lanh lợi hẳn ra.
Cô Ngọc sang tiệm tạp hóa nhà mẹ cô Bông mua đồ và khoe với cô Bông tiếng Mỹ dễ học lắm, em biết nói tiếng Mỹ rồi.
Cô Bông liền thử tài cô Ngọc:
– Ngọc thử nói một câu tiếng Mỹ đi
– Em nói nè “xe đạp” đố chị là gì?
Thấy cô Bông ngẩn ngơ, cô Ngọc liền giải đáp:
– Chị đi học mà không hiểu tiếng Mỹ bằng em “Xe Ðạp” có nghĩa là “Im miệng lại” đó.
Suy nghĩ mãi cô Bông mới hiểu chữ “xe đạp” là từ chữ “Shut up”
Cô Ngọc mua đồ trả tiền xong và đòi xem sổ nợ của mẹ cô đã mua thiếu, tờ giấy ghi nợ của mẹ cô dài như sớ táo quân, bao nhiêu là cô móc bóp ra trả bấy nhiêu.
Cô Ngà không nhiều tiền bằng chị nhưng cô ở với chủ sang trọng giàu có, cô mặc quần áo thừa của con gái ông bà chủ trông cũng ra vẻ tiểu thư, ai biết là cô đi ở đợ.
Một hôm bà Cả sang nhà cô Bông mua thiếu mấy bó củi và tâm sự với mẹ cô Bông là con Ngọc sẽ lấy chồng Mỹ, bà đau khổ lắm vì nó sẽ là me Mỹ mang nỗi nhục về cho gia đình, nó lấy Mỹ thì đừng hòng mang thằng Mỹ về nhà tôi. Bà đe dọa thế.
Cô Ngọc lấy chồng Mỹ thật, anh Mỹ gặp cô ở quán bar và yêu cô đòi lấy cô, anh không phải là anh lính Mỹ quèn, chức vụ cố vấn gì đó, anh thuê một căn biệt thự to lớn ở đường Nguyễn Huệ Phú Nhuận để hai vợ chồng ở.
Cô Ngọc bị cha mẹ chửi mắng và cấm cửa không dẫn chồng về thăm nhà đã đành, chính cô cũng không dám về thăm, nhưng cô vẫn nhờ người quen mang tiền về giúp đỡ cha mẹ.
Dần dần không biết vì nỗi đau nguôi ngoai hay vì họ nghèo khổ túng thiếu cần giúp đỡ, ông Giàu, bà Cả đã lén lút đến nhà thăm con gái, thấy nhà cửa cô Ngọc to lớn sang trọng vợ chồng ông Giàu hoa mắt không tin là đứa con ít học nhếch nhác đầu bù tóc rối ngày nào của họ lại làm vợ một ông cố vấn Mỹ trí thức đẹp trai và ở nhà đẹp như dinh thự thế này. Mỗi lần thăm con gái bà Cả lại mang về bao nhiêu là đồ ăn và bánh trái đồ hộp của Mỹ mà con gái bà ăn không hết. Bà Cả đã dặn dò cô Ngọc:
– Hai vợ chồng sao mà mua nhiều thứ thế ăn làm sao hết, Con cứ để dành những thứ còn thừa lần sau mẹ lên lấy về, đừng cho ai hay đổ đi.
Bà Cả bắt đầu hí ra và khoe với mẹ cô Bông rồi khoe khắp hàng xóm về con rể Mỹ, về cuộc sống đầy đủ sung sướng của cô Ngọc. Nghe ai đó nói con bà là “me Mỹ” thì bà Cả liền bênh con đối đáp:
– Tại tôi cấm cản không cho nó cưới hỏi, con gái tôi lấy Mỹ nhà cao cửa rộng kia kìa, bộ tưởng ai lấy Mỹ cũng được sao!
Cô Bông có lần đi qua đường Nguyễn Huệ ở Phú Nhuận đã tin những gì bà Cả khoe là đúng. Căn biệt thự to kín cổng cao tường, ai muốn vào nhà thăm cô Ngọc đâu phải dễ, đứng xớ rớ ngoài cổng có khi còn bị chó trong nhà nhảy ra đòi cắn thì toi mạng.…
Từ ngày có con gái lấy Mỹ ông Giàu vẫn làm thịt chó còn hai bà vợ đỡ phải gánh nước mướn. Ông Giàu hãnh diện tuyên bố với hàng xóm:
– Con Ngọc nó giúp đỡ tôi không cần làm thịt chó cũng đủ ăn, nhưng…cái nghiệp của tôi rồi, không làm thịt chó thì nhớ lắm.
Cô Ngọc là người đầu tiên lấy chồng Mỹ trong cái xóm này, người thứ hai là cô Thi con gái út của ông giáo Thịnh về hưu, cô Thi là người có ăn học, cô làm thư ký hãng Mỹ và quen một anh kỹ sư Mỹ. Họ muốn kết hôn.
Gia đình ông Thịnh ra sức ngăn cản y như gia đình ông Giàu trước kia.
Cô Thi mang chuyện cô Ngọc lấy chồng Mỹ ra, khen chồng cô Ngọc là người Mỹ tử tế liền bị mẹ đay nghiến:
– Cô có ăn học mà so sánh với con nhà ấy à? Nó vô học đi bán bar, thứ ấy không lấy Mỹ thì lấy ai?
Cô Thi bất bình và cố thuyết phục bố mẹ:
– Mẹ làm như người Mỹ là rơm rác không bằng, họ sang giúp Việt Nam chiến đấu và cả hy sinh tính mạng trên quê hương mình, mẹ không biết ơn họ lại khinh thường và kỳ thị là sao?
Bà Thịnh ngang tàng:
– Chẳng sao cả, cô mà lấy Mỹ, làm me Mỹ thì nhà này từ cô.
Và nhà ông giáo Thịnh từ cô con gái út thật, từ ngày cô Thi lấy Mỹ không ai thấy cô về xóm, không ai nghe ngóng tin gì từ ông bà giáo,
Một năm sau nhà ông giáo Thịnh dọn đi vì xấu hổ với hàng xóm láng giềng, con gái cãi lời cha mẹ, tự kết hôn với Mỹ chẳng khác nào từ bỏ gia đình đi theo trai.
Biến cố 1975 cô Ngọc theo chồng về Mỹ cùng với hai con nhỏ, gia đình ông Giàu phải đi kinh tế mới, chẳng biết nơi vùng đất mới ấy ông Giàu có bỏ nghề làm thịt chó cùng hai bà vợ cày cấy ruộng vườn được không?
Khoảng chừng 10 năm sau thì thằng em cô Ngọc tên Nghĩa về thăm xóm cũ, gặp chị Bông hỏi thăm gia đình thì Nghĩa kể:
– Vợ chồng chị Ngọc vẫn sống với nhau. Cha em đã bỏ kinh tế mới dọn ra phố ở, cha trở về nghề làm thịt chó, hai bà mẹ nhờ có vốn của chị Ngọc gởi về và các con đã lớn đỡ đần nên ra chợ bán buôn đỡ vất vả hơn làm ruộng làm vườn kinh tế mới.
Chị Bông khó mà hình dung ra cô Ngọc lúc này, cô Ngọc đang ở nước Mỹ văn minh giàu có còn chị Bông thì nhếch nhác nơi quê nhà xã hội chủ nghĩa…
-oOo-
Khi gia đình chị Bông sang Mỹ định cư, tình cờ ở cùng thành phố với nhà ông giáo Thịnh, kết cục huy hoàng hơn nhà ông Giàu thịt chó, cả nhà ông giáo Thịnh, dâu, rể con cháu đều theo vợ chồng cô Thi sang Mỹ từ tháng Tư năm 1975, dĩ nhiên là nhờ công chàng rể Mỹ.
Ðám con cháu ông giáo Thịnh theo truyền thống của gia đình và đất lành chim đậu đều ăn học giỏi giang thành tài, ông bà Thịnh rất quý chàng rể Mỹ, nhờ nó mà cả nhà ông đã đổi đời.
Cô Thi kể bây giờ bố mẹ chị yêu mến nước Mỹ và người Mỹ lắm, sống ở Mỹ lâu năm họ đã biết những người lính Mỹ đi chiến đấu khắp nơi và có người trở về trong quan tài phủ lá cờ Mỹ. Bố mẹ chị xót xa, chỉ mong những nơi ấy hết chiến tranh để đừng tổn thất thêm tiền bạc và nhân mạng của Mỹ, để những người lính Mỹ bình yên sớm trở về quê hương với gia đình và người thân của họ.
Nguyễn Thị Thanh Dương
_____________________
Đỗ Hứng gởi