LỆNH CẤM NHẬP KHẨU VÀ BÁN XE ĐIỆN Ở MỸ
Các quan chức Mỹ cho biết sắp tới, có thể cấm hàng loạt các loại xe điện của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đặc biệt các xe dùng nhu liệu tự lái. Tổng thống Joe Biden trước đây từng cảnh báo rằng chính sách của Trung Quốc là muốn phủ thị trường Mỹ với các phương tiện của từ Trung Quốc, không đơn giản chỉ là vấn đề kinh tế.
Dự kiến, việc ngăn chặn nhập khẩu và bán xe hơi điện dựa vào nhu liệu của Trung Quốc do Bộ Thương mại Hoa Kỳ đề xuất sẽ có hiệu lực đối với các mẫu xe mới từ năm 2027. Lệnh cấm thêm đối với các loại thiết bị xe hơi khác của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ năm 2030. Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng lớn đến công nghệ của Nga và Trung Quốc, trong mục đích ngăn chặn việc bán xe hơi bao gồm nhu liệu hoặc thiết bị được thiết kế để kết nối xe hơi với internet, kể cả vi mạch được sử dụng để nhận và truyền thông tin như dữ liệu vị trí, hoặc giao thông, hoặc tự động cập nhật công nghệ tự lái. Lệnh cấm này được đề xuất trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối lo ngại rằng công nghệ có thể bị lợi dụng bởi các đối thủ nước ngoài, trong các hoạt động gián điệp nhằm quyền truy cập vào thông tin quốc gia quan trọng của Mỹ.
Trong một bình luận được báo Washington Post đưa tin, Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết: “Xe hơi ngày nay có camera, micro, theo dõi GPS và các công nghệ khác kết nối với internet. “Không cần nhiều trí tưởng tượng, ai cũng có thể hiểu làm thế nào một kẻ thù nước ngoài có quyền truy cập vào thông tin này có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho cả an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân Hoa Kỳ. “Trong một tình huống cực đoan được tính tới, đối thủ nước ngoài có thể làm sụp đổ hoặc kiểm soát tất cả các phương tiện đang hoạt động ở Hoa Kỳ cùng một lúc.” Với sự phát triển khoa học ngày nay, tất cả xe hơi đều có thể kết nối với internet và thu thập, can thiệp một lượng lớn dữ liệu về đường và môi trường xung quanh qua camera và cảm biến, cũng như theo dõi chuyển động và hành vi của tài xế.
Một số xe hơi cũng có hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến và công nghệ tự lái có thể bị tác động, thay đổi từ xa qua internet. Lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến các nguyên liệu gốc của xe hơi trên các mẫu xe mới từ năm 2027, và thiết bị theo xe từ năm 2030. Lệnh cấm được đề xuất cũng có thể bao gồm những chiếc xe sử dụng công nghệ của Trung Quốc có thể mở khóa qua lệnh máy tính không cần chìa khóa, Reuters đưa tin cho hay. Vào Tháng Hai năm nay, Hoa Kỳ đã bắt đầu điều tra những chiếc xe kết nối trực tuyến, và tìm ra nhiều chứng cứ rằng chúng có thể được sử dụng để “thu thập một lượng lớn dữ liệu quan trọng về tài xế và hành khách của họ” và việc “thường xuyên sử dụng camera và cảm biến của từng xe, sẽ ghi lại thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ”.
Tổng thống Biden cho biết chính sách của Trung Quốc là lợi dụng Hoa Kỳ như một thị trường tự do để “làm tràn ngập thị trường của chúng ta bằng xe cộ, và có thể gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia của chúng ta”. Nhưng các nhà sản xuất ô tô đã cảnh báo việc ngăn chặn các nhu liệu điều khiển và phụ tùng do Trung Quốc sản xuất có thể sẽ gặp khó khăn. Lệnh này cũng có khả năng thúc đẩy hành động trả đũa từ Bắc Kinh. Đây là một phần của cuộc tranh cãi ngày càng mở rộng về vấn đề Trung Quốc, với việc Tòa Bạch Ốc tuần trước đã áp mức thuế nặng đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc cũng như pin và các vật liệu lắp đặt. Hiện tại có tương đối ít thương hiệu xe hơi nổi tiếng của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, mặc dù các nhà sản xuất xe hơi lớn như BYD từng có ý, nhưng nay đang nhắm mục tiêu mở rộng mạnh mẽ ở châu Âu.
Tuy nhiên, hiện có khoảng một chục công ty Trung Quốc có giấy phép thử nghiệm nhu liệu xe tự lái ở Mỹ và đã chạy thử hàng chục ngàn dặm trên đường California. Trong một cuộc điều trần, các ví dụ về phương tiện kết nối có thể bị thao túng trong thời kỳ xung đột, đã dẫn ra chuyện năm 2022, John Deere, nhà sản xuất khổng lồ ngành nông nghiệp Mỹ, được cho là đã dùng lệnh khóa từ xa máy kéo và máy gặt đập liên hợp trị giá hàng triệu đô la đã bị quân đội Nga cướp được trong cuộc xâm lược Ukraine.
Tin này cũng có thể là một nỗi lo cho dự tính phát triển xe điện của ông Phạm Nhật Vượng tại Mỹ, mà vốn sản phẩm được đánh giá là cũng có nhiều thành phần xuất xưởng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dấu hiệu Vinfast mở rộng sản xuất và bán xe trong nước cũng có thể coi là đồng bộ với những dự báo tương lai đang được đặt ra tại Hoa Kỳ.
KHANH NGUYEN
_______________
Hoang Nguyen gởi