Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và những ngày Tháng Tư Đen 1975
GĐ81/BCND
Những chi tiết trong bài này được tóm tắt theo ký ức của các quân nhân thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù (*) nhằm vẽ lại một góc độ nhỏ nhoi của chung cuộc đau thương bức tử mà những người lính LĐ81/BCND nói riêng, và của toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung đã phải gánh chịu vào những ngày tháng Tư năm 1975 và những năm sau đó…
Suốt năm 1974 cho đến ngày 30/4/75, Liên Đoàn 81/BCND tăng phái cho Quân Đoàn III để hoạt động trong các chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu D, và các vùng rừng núi thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, và Biên Hòa.
Nhiệm vụ của Liên Đoàn 81 là thả các toán thám sát vào hoạt động những nơi mà những đơn vị khác ít khi hành quân vào vì lực lượng địch quá đông, vì điạ thế hiểm trở, vì ngoài tầm hoạt động của pháo binh, vì xa nơi hoạt động của các đơn vị bạn, v.v. Các toán thám sát có cái lợi điểm là quân số ít (mỗi toán chỉ có 6 người), dễ dàng lẫn tránh khi gặp địch, dễ dàng thoát hiểm khi bị địch truy kích vì đã được huấn luyện kỹ về mưu sinh thoát hiểm. Nhiệm vụ các toán là thu lượm tin tức hoạt động của địch để báo cáo lên cấp trên, tùy theo mục tiêu, các toán có thể tổ chức đột kích, phục kích bắt tù binh khai thác tin tức. Có những mục tiêu ngoài khả năng của toán và theo yêu cầu của Quân Đoàn, Liên Đoàn 81 thỉnh thoảng cũng mở những cuộc đột kích vào hậu tuyến địch như trận phục kích tiêu diệt đoàn xe tiếp tế của địch ở thung lũng Ashau thuộc tỉnh Thừa Thiên năm 1968 và ở vùng tam biên (biên giới Việt, Miên, Lào) thuộc tỉnh Kontum năm 1972. Ngoài nhiệm vụ phục kích, đột kích nói trên, tùy theo tình hình Liên Đoàn 81 còn có thể tập trung lại để hành quân phối hợp với các đơn vị khác như ở tại thành phố An Lộc năm 72, Quảng Trị năm 73, và Phước Long năm 75.
LĐ81/BCND trong trận Phước Long
Ngày 3 tháng 1 năm 75, Liên Đoàn 81 được lệnh tăng viện cho tỉnh lỵ Phước Long, trung tá Vũ xuân Thông và thiếu tá Nguyễn Sơn chỉ huy 300 quân chuẩn bị nhảy vào Phước Long. Cuộc đổ quân được chia ra làm hai đợt, nhưng ngày hôm đó không thực hiện được vì phi trường Biên Hòa bị pháo kích khá nặng, một số trực thăng bị hư hại, một số phi công có nhà ở ngoài không vào phi trường sớm được. Giờ xuất quân ấn định là 9 giờ sáng nhưng mãi đến chiều, số trực thăng tập trung ở phi trường Long Bình để đưa BCD nhẩy vào chiến trận Phước Long mới đủ túc số ấn định. Đúng 2 giờ chiều, 30 trực thăng cùng cất cánh. Sau một giờ bay, chiến trận Phước Long hiện ra trước mắt vị CHT/LĐ81. Đỉnh núi Bà Rá đã lọt vào tay Việt Cộng. Từ đó, pháo địch rót vào quân ta không một viên nào ra ngoài mục tiêu, tất cả thành phố như chìm trong biển lửa. Có thể thả BCD xuống được nhưng sao giờ đổ quân đó, các phi tuần oanh tạc vẫn chưa thấy xuất hiện để làm tê liệt địch quân ở núi Bà Rá? Qua hai vòng bay ngoài thành phố Phước Long để tránh cao xạ phòng không, vẫn không thấy phi tuần đến, lại thêm trời chiều Phước Long với khói súng mù mịt khắp thành phố, với núi rừng âm u bao quanh Phước Long, màn đêm kéo đến những nơi này sớm hơn ở đồng bằng. Nếu thả BCD xuống vào khoảng 3 giờ 30 chiều thì với khoảng cách từ sân bay Long Bình đến Phước Long là gần 100 cây số, sớm nhất là phải 5 giờ 30 chiều đợt đổ quân thứ hai mới đến kịp. Giờ đó, màn đêm đã hoàn toàn phủ kín Phước Long, trực thăng và phi cơ oanh kích đành bó tay, chắc chắn anh em BCD đã thả xuống đợt đầu không thể nào đương đầu với làn sóng người “sinh Bắc tử Nam” được. Không thể hy sinh BCD ngu xuẩn như thế, CHT/LĐ81 quyết định không thả quân BCD và sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm và mọi hậu quả.
Ngày 4/1/75, trước 9 giờ đã có đầy đủ số trực thăng như dự định nên 300 quân đã vào được Phước Long với một số tổn thất tương đối. 300 quân nhảy vào một chiến trường mà hết 90% vị trí phòng thủ đã lọt vào tay địch quân cộng với tinh thần quân trú phòng quá suy sụp, hàng ngũ chiến đấu không còn nguyên vẹn thì giờ phút khai tử Phước Long chẳng còn bao lâu nếu không được tiếp tục đưa thêm quân tăng viện vào. Phần lực lượng còn laị của Liên Đoàn 81 đã sẵn sàng để vào tiếp viện nhưng lệnh trên không cho nên ngày 6/1/75, Phước Long đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng quân. Liên Đoàn 81 đã xử dụng trực thăng cứu thoát được trên 100 quân ở xung quanh rừng Phước Long, trong số này có 7 quân nhân thuộc đơn vị bạn, số còn lại kể như bị chết, bị bắt hay mất tích.
Trớ trêu thay, sau khi Phước Long thất thủ, Không quân đã phải ra tòa vì tội “mất Phước Long”, đó là một quyết định bất công. Đúng ra là BTL/QĐIII, BTL/KQ và chính CHT/LĐ81 phải ra tòa mới đúng. Đúng hơn nữa, người đã quyết định đưa BCD vào “biển lửa” khi đã có ý định bỏ rơi Phước Long mới là kẻ có tội. Khi KĐ43 Chiến Thuật phải ra điều trần trước hội đồng tướng lãnh, CHT/LĐ81 đã đến buổi họp, ông xin được phát biểu trước và sau đó vội vã ra về vì Phước Long mất, bộ chỉ huy BCD chỉ mới cứu ra được trên 100 quân, trong đó có trung tá Vũ Xuân Thông, CHT Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật, thiếu tá Nguyễn Sơn (CHP/BCH/CT), đại úy Trương Việt Lâm (biệt đôi trưởng BĐ 811), và đại úy Lê Đắc Lực (biệt đội trưởng BĐ 814), (những vị này hiện đang ở Hoa Kỳ), còn trên 100 BCD khác nữa đang cần có CHT/LĐ81 trên các phi vụ tìm kiếm. Gần 9 năm liên tục lặn lội trên các chiến trường với anh em BCD, CHT/LĐ81 nhận thấy Không Quân, nhất là anh em trực thăng đã thường cùng chết chung với BCD, do đó CHT/LĐ81 đã xin sẵn sàng nhận tội làm mất Phước Long trước tòa án binh chứ không phải Không Đoàn 43 Chiến thuật.
Xin được trích đăng một đoạn do Không Quân Đào Vũ Anh Hùng đã viết trên đặc san Lý Tưởng của Không Quân liên quan đến “sự kiện Phước Long” :
Đại tá Triệu, xước danh “pilot Thái Bình” mà Dương Hùng Cường mô tả là “lái máy bay trước khi biết lái xe đạp”, Không Đoàn Trưởng KĐ43 Chiến Thuật yêu cầu tôi đại diện Không Đoàn, làm “luật sư” trong buổi điều trần trước hội đồng tướng lãnh. Đại tá Phan Văn Huấn, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù có một thiếu úy tùy viên đi theo, vào phòng họp sau cùng. Ông xin được nói trước với lời lẽ hiên ngang đầy khí phách:
– “Mất Phước Long, lý do tại sao, quý vị đều biết nhưng không ai nói ra. Phần BCD 81, chúng tôi vào chỗ chết đã đành, bởi nghề nghiệp chúng tôi là chọn chỗ chết để đi vào. Riêng với anh em Không Quân, các phi hành đoàn trực thăng đã làm quá bổn phận của họ, chết lây với chúng tôi thật tội nghiệp. Nay đưa họ ra tòa là điều tôi cho là vô lý. Nếu có lỗi làm mất Phước Long, tôi nhận lỗi. Xin quý vị ở lại tiếp tục họp và cho tôi biết kết quả. Tôi xin phép ra về vì còn nhiều việc phải làm”.
Đại tá Huấn đứng nghiêm chào và quay ngắt đi ra. Ông đến như một cơn gió và ông đi cũng như cơn gió. Ông xuất hiện chưa đầy năm phút, nói một lời ngắn ngủi nhưng tôi ghi nhớ mãi cái giây phút lịch sử và hình ảnh đó của ông. Hội đồng tướng lãnh ra về, giao việc điều tra cho Đại tá Nguyễn Huy Lợi, Nha Quân Pháp, ở lại làm việc. Tôi đã làm trọn vẹn vai trò “luật sư”, biện hộ cho Không Đoàn 43 Chiến Thuật. Ngày di tản, gặp lại Đại tá Nguyễn Huy Lợi trên boong tầu Mỹ, trước đông anh em, ông đã khen tôi không tiếc lời về việc tôi dám nói ra sự thật vụ mất Phước Long.
Bộ Chỉ Huy 3 Chiến Thuật của LĐ81/BCND tại Bộ Tổng Tham Mưu
Công việc thả các toán thám sát vào sâu trong các vùng hoạt động của Cộng quân để thu thập tin tức vẫn được tiếp tục như trước. Đến ngày 26 tháng 4 năm 75, Liên Đoàn 81 được lệnh đưa một bộ chỉ huy chiến thuật khoảng 1000 quân về tăng cường phòng thủ bộ Tổng Tham Mưu. Bộ chỉ huy 3 chiến thuật do thiếu tá Phạm châu Tài nhận lãnh trách nhiệm này. Thiếu tá Phạm châu Tài đặt bộ chỉ huy ở cao ốc trước cổng bộ Tổng Tham Mưu và chia quân bố trí những điểm trọng yếu xung quanh bộ Tổng Tham Mưu như sân banh quân đội, nghĩa trang Bắc Việt, ngã năm quân khuyển, sân golf, v.v. Riêng việc bố phòng bên trong hàng rào bộ Tổng Tham Mưu thì do quân sĩ cơ hữu của bộ Tổng Tham Mưu đảm trách.
Ngày 30 tháng 4 năm 75, Cộng quân từ hướng ngã ba ông Tạ tiến về ngã tư Bảy Hiền thì bị chận đánh bởi hậu cứ Sư đoàn Nhảy Dù, từ Lăng Cha Cả đến cổng Bộ Tổng Tham Mưu thì gặp sự chống trả của LĐ81 Biệt Cách Dù và Nha Kỹ Thuật. Lực lượng địch gồm có bộ binh và chiến xa được pháo binh yểm trợ, tuy địch đông và mạnh như thế nhưng địch vẫn không dập tắt được sức kháng cự của Nhảy Dù, Biệt Cách Dù, và Nha Kỹ Thuật. Mặc dầu lệnh tổng thống Dương văn Minh đã phát đi từ sáng sớm, kêu gọi QLVNCH ngưng chiến và giao nạp vũ khí cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Cuộc điện đàm giữa thiếu tá Phạm châu Tài với chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh và tổng thống Dương văn Minh sau này đã được thiếu tá Phạm châu Tài vắn tắt lại như sau :
9:00 giờ sáng ngày 30-4-75 Bộ chỉ huy 3 chiến thuật của LĐ81 / BCND đang quần thảo với Việt Cộng trước cổng bộ Tổng Tham Mưu ở Lăng Cha Cả thì lệnh đầu hàng của tổng thống Dương văn Minh đã ban ra. Tôi chạy vào văn phòng trong bộ TTM mà đêm hôm trước tôi đã họp với tướng Vĩnh Lộc, nhưng những người lính cơ hữu gác ở đó cho biết tướng Vĩnh Lộc đã rời Bộ Tổng Tham Mưu từ 6:00 giờ sáng. Tất cả các tướng lãnh và các sĩ quan mang cấp bậc đại tá đã họp trong phòng này với tôi vào đêm 29 tháng 4 đều vắng mặt. Tôi bốc điện thoại lên quay số của văn phòng Phủ Tổng Thống để được đàm thoại với tổng thống Dương văn Minh, tôi hết sức ngạc nhiên khi người trả lời xưng danh là chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh. Tôi nói muốn được nói chuyện với tổng thống Dương văn Minh, tướng Hạnh hỏi lại tôi là ai? Tôi trả lời:
– “Tôi là Th/tá Phạm châu Tài, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy 3 chiến thuật của Liên Đoàn 81/ Biệt Cách Dù đang đóng quân ở Bộ Tổng Tham Mưu”
Tướng Hạnh đã biết tôi vì tướng Hạnh cũng có mặt trong buổi họp ở BTTM vào đêm 29/4/75 nên khoảng vài giây đồng hồ sau tướng Hạnh đưa diện thoại cho tổng thống Dương văn Minh. T/t Minh nói :
– Đại tướng Dương văn Minh tôi nghe đây, có chuyện gì đó ?
Tôi mới trình bày với T/t Minh:
– “Tôi là chỉ huy trưởng cánh quân đang tử chiến với Việt Cộng ở Bộ Tổng Tham Mưu, tôi đang cố liên lạc với bộ TTM thì lệnh ngưng chiến đã ban ra và quân của Việt Cộng vẫn còn đang tiến về thủ đô. Tôi vào trong bộ Tổng Tham Mưu thì không còn một tướng lãnh nào ở đây, họ đã bỏ chạy hết do đó tôi muốn nói chuyện với tổng thống để xin quyết định” – T/t Minh trả lời rằng :
– Các em chuẩn bị bàn giao đi.
– Có phải là đầu hàng không ? – Tôi hỏi lại.
– Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng của Việt Cộng đang tiến vào dinh Độc Lập. – T/t Minh trả lời.
Tôi mới nói rằng:
– “Nếu xe tăng của Việt Cộng tiến về dinh Độc Lập thì chúng tôi sẽ đến cứu tổng thống, nếu tổng thống ra lệnh đầu hàng thì tổng thống có chịu trách nhiệm với hơn 1000 quân đang tử chiến ở Bộ Tổng Tham Mưu hay không?”.
T/t Minh trả lời:
– “Tuỳ ý các anh em” xong cúp máy….
Mặc dù đã có lệnh đầu hàng của tổng thống Dương văn Minh nhưng sự chiến đấu của nhiều đơn vị thuộc QLVNCH vẫn tiếp tục. Diễn tiến của bộ chỉ huy 3 chiến thuật thuộc LĐ81/BCND kể từ ngày 29/4/75 được đúc kết như sau :
12:30 giờ trưa ngày 29/4/75, trung đội 1 do th/úy Nguyễn công Danh thuộc biệt đội 819 đã giải vây và bảo vệ 2 chuyến xe buýt đang bị cướp có võ trang uy hiếp tại cổng phi trường Tân Sơn Nhất. Sau khi ổn định tình hình trung đội 1 đã hộ tống 2 chuyến xe này vào phi trường. Hành khách lên phi cơ, và phi cơ cất cánh lúc 2:45 phút chiều. Đây cũng là chuyến phi cơ cuối cùng cất cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất vào thời điểm đó. Sau đó trung đội 1 trở về phối trí với biệt đội 819 do Đại úy Trương việt Lâm chỉ huy đang rải quân ở trường Sinh Ngữ Quân Đội và Lục Quân Công Xưởng. Đại úy Lâm đã cho các quân nhân biết xử dụng thiết giáp M113 lái 3 thiết giáp M113 còn mới tinh chạy ra khỏi công xưởng để lập tuyến phòng thủ bên ngoài.
Trong đêm 29/4/75 Đại úy Nguyễn Hiền nhận lệnh chỉ huy đoàn quân xa chuyên chở những quân dụng nặng, và tải thương binh của LĐ81/BCND từ Biên Hoà trở về trại hậu cứ của LĐ81/BCND là trại Bắc Tiến ở Trung Chánh. Lúc 3 giờ sáng ngày 30/4/75. Khi đoàn quân xa đến cầu Bình Phước thì Địa Phương Quân gác đầu cầu cho biết trại Bắc Tiến và các cơ sở quân sự trong vùng đó đã bị VC chiếm đóng. Đ/úy Hiền liền cho đoàn quân xa đổi hướng tiến đến cầu Bình Triệu và tìm đường về bộ Tổng Tham Mưu để sát nhập lại với bộ chỉ huy 3 chiến thuật của LĐ81/BCND đang cố thủ tại đó. Đ/úy Hiền bắt tay liên lạc với BCH/3/CT của LĐ81/BCND lúc 5:30 sáng.
Cùng ngày 30/4/75 lúc 2 giờ sáng, trận chiến tại cổng phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham Mưu vẫn tiếp tục giữa VC và các đơn vị của LĐ81/BCND. Các chốt của LĐ81/BCND phía sau cổng bộ Tổng Tham Mưu đã dùng lựu đạn mini để ngăn chặn các toán đặc công của Việt Cộng đang tìm cách đột nhập. Lựu đạn và chất nổ được xử dụng tối đa, sau 1 giờ rưỡi giao tranh VC không tiến được đành rút lui khỏi cổng sau của Bộ Tổng Tham Mưu.
Đến 6 giờ sáng, 5 chiến xa T54 và đoàn quân tùng thiết của VC trên đường tiến vào Sài Gòn đã bị lực lượng của Sư Đoàn Nhẩy Dù và Liên Đoàn 81/BCND chận đánh trước cổng phi trường Tân Sơn Nhất, 4 chiến xa của VC bị phá huỷ, chiếc sau cùng quay trở lại chạy thoát.
Các biệt đội của LĐ81/BCND trấn thủ trước cổng bộ TTM là biệt đội 817 do trung úy Lê văn Lợi chỉ huy, và biệt đội 818 do đại úy Nguyễn Ánh chỉ huy.
7 giờ sáng một đoàn chiến xa khác của Việt Cộng hướng vào cổng chính bộ Tổng Tham Mưu… Một toán của LĐ81/BCND phòng thủ trên cao ốc đã dùng M72 bắn cháy chiếc đầu tiên, chiếc thứ 2 đã dùng súng đại pháo trên pháo tháp bắn vào cao ốc làm tê liệt tuyến phòng thủ đó, nhưng chiến xa này cũng bị bắn cháy trước cổng bộ Tổng Tham Mưu do quân nhân thuộc biệt đội 817 của trung úy Lê văn Lợi.
Sau 10 giờ sáng, VC đã tràn ngập vào phi trường Tân Sơn Nhất, có một xe Toyota Corona dân sự chạy đến cổng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị quân nhân LĐ81/BCND chận lại không cho vào. Trên xe có hai người đàn ông, một người tên Quân mặc quân phục của Quân Vận mang cấp bậc thiếu tá, người kia mặc thường phục xưng là nhà báo muốn vào bộ TTM để treo cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đại úy Nguyễn Hiền đã cho binh sĩ tịch thu cờ và bắt giữ 2 nhân vật đó. Sau khi hỏi cung được biết họ chỉ là thành phần đón gió trở cờ nên BCH 3 chiến thuật đã thả 2 người đó trước cổng bộ TTM.
10:30 sáng, đại úy Nguyễn hữu Hưng chỉ huy phó bộ chỉ huy 3 chiến thuật của LĐ81/BCND và đại úy Nguyễn Hiền đi đến quyết định rút đơn vị khỏi bộ TTM, trở về Biên-Hoà để tái hợp với bộ chỉ huy hành quân của LĐ81/BCND. Trên đoàn quân xa gồm những quân nhân của tất cả các đơn vị còn muốn chiến đấu, trong đoàn quân xa này được tăng cường thêm 8 chiếc thiết giáp M41 và M113 từ phi trường Tân Sơn Nhất về phối hợp. Nhưng khi đoàn xe đang di chuyển trên đường Võ di Nguy, Phú Nhuận thì bị VC phục kích, chiếc quân xa đầu tiên bị bắn cháy, đoàn xe bị nghẹt lại, đại úy Hưng cho lệnh anh em bỏ đoàn quân xa và tìm đường thoát thân để tránh sự trả thù.
1 giờ trưa ngày 30/4/75. Riêng biệt đội 819 của đại úy Trương việt Lâm sau khi tập họp được quân nhân của biệt đội, các anh em đã chất vũ khí, đạn được từ Lục quân công xưởng lên 2 xe GMC bít bùng để chạy về Biên Hoà hy vọng kết hợp với bộ chỉ huy Liên Đoàn 81/BCND tại đó. Nhưng khi 2 chiếc quân xa này chạy đến ngã 5 Hạnh Thông Tây bị Việt Cộng chặn lại. Dân chúng bên đường bu quanh 2 chiếc GMC kêu gọi anh em biệt đội 819 bỏ súng, họ nói: “Hết chiến tranh rồi, các anh buông súng đi, Biệt Cách Dù buông súng đi…” – Biệt đội 819/LĐ81/BCND đã giao nạp vũ khí tại ngã 5 Hạnh Thông Tây lúc 2:15’ chiều 30/4/1975. Anh em biệt đội 819/ LĐ81 / BCND chia tay nhau tại đó.
Bộ chỉ huy Liên Đoàn 81/BCND và 2 bộ chỉ huy chiến thuật ở Biên Hoà
Thủ đô VNCH trong giờ phút đó chỉ còn 2 điểm kháng cự ở ngã tư Bảy Hiền và Lăng Cha Cả. Chẳng bao lâu sau đó, tiếng súng cả hai nơi không còn nổ nữa, anh em rời vũ khí và chia tay nhau mỗi người mỗi ngả!
Bộ chỉ huy 1 chiến thuật do tr/tá Vũ xuân Thông chỉ huy, bộ chỉ huy 2 chiến thuật do th/tá Nguyễn Sơn chỉ huy cùng với bộ chỉ huy Liên Đoàn 81 do đại tá Phan văn Huấn chỉ huy với quân số vào khoảng 2000 quân nhân đang đóng quân ở phía bắc phi trường Biên Hòa. Ngày 28 tháng 4/75 lúc 12 giờ trưa, đ/tá Huấn được lệnh tr/tướng Nguyễn văn Toàn gọi về bộ tư lệnh QDIII họp khẩn, nhưng Liên Đoàn 81 không còn có trực thăng tăng phái ngày hôm đó và đường xe đến bộ tư lệnh QDIII không còn chạy được nên tr/tướng Toàn đã cho trực thăng đến đón đ/tá Huấn về họp. Tr/tướng Toàn chủ tọa buổi họp với các sĩ quan gồm có: đ/tá Lưu Yểm tỉnh trưởng Biên Hòa, tr/tá Lô tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, đ/tá Phan văn Huấn chỉ huy trưởng Liên Đoàn 81/BCND và chừng 20 sĩ quan của bộ tư lệnh QDIII.
Trong phòng họp không khí thật căng thẳng và hồi hộp, tr/tướng Toàn nói: “Ngày mai (29/4/75) chúng ta rút khỏi Biên Hòa để về phòng thủ tuyến Thủ Đức, các đơn vị tuần tự rút lui, nhưng phải có trật tự không được lộn xộn như ở vùng I và vùng II; Liên Đoàn 81/ BCND là lực lượng đi sau cùng (đoạn hậu) và có nhiệm vụ phá hủy chiếc cầu trên xa lộ Đại Hàn gần phi trường Biên Hòa”.
Sau khi họp ở QĐIII về, đêm 28/4/75 Liên Đoàn 81/BCND liền di chuyển vào phi trường Biên Hòa bố trí quân ở đó. Riêng biệt đội 812 do đại úy La-Cao chỉ huy có nhiệm vụ phải giữ an-ninh và kiểm soát lưu thông trên cầu Mới cho đến khi các đơn vị bạn và LĐ81/BCND qua khỏi cầu để tiến về Thủ Đức lập tuyến phòng thủ. Sáng 29/4/75 đơn vị di chuyển qua cầu xa lộ Đại Hàn, rút khỏi thành phố Biên Hòa đúng theo lệnh tr/tướng Toàn đã nói (phi trường Biên Hòa do sư đoàn 3 Không Quân trấn đóng nhưng Không Quân đã rút đi từ mấy ngày trước). Đúng 8 giờ sáng thì Liên Đoàn 81/BCND qua khỏi cầu Mới và biệt đội 812 cùng toán công-binh của đại úy Hoàng tăng phái cho Liên-Đoàn 81 là đơn vị sau cùng qua cầu và đã hoàn tất nhiệm vụ dùng chất nổ phá chiếc cầu đó. Đơn vị vừa qua khỏi cầu thì nghe lệnh ông Vũ văn Mẫu, tân thủ tướng VN yêu cầu người Mỹ rút ra khỏi VN trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Đây là một sự kiện quan trọng diễn ra trong giờ phút hấp hối của miền Nam. Trước tình thế đó, Liên Đoàn 81/BCND liền rút thẳng vào rừng Cò Mi bố trí và tìm cách liên lạc với thượng cấp và các đơn vị bạn để hiểu rõ tình hình, ngõ hầu chọn lựa đường lối hành quân thích hợp cho Liên Đoàn 81/BCND. Suốt đêm hôm đó, bộ chỉ huy và ban truyền tin của Liên Đoàn 81/BCND đã cố gắng bắt liên lạc với các đơn vị bạn qua các tần số nhưng không có kết quả ! Sáng 30/4/75, Liên Đoàn 81/BCND men theo đường rừng di chuyển dần về hướng Thủ Đức để hy vọng gặp được đơn vị bạn nhưng hoàn toàn tuyệt vọng. Trên đường di chuyển, LĐ81/BCND chỉ thỉnh thoảng bắt gặp quân trang quân dụng của các đơn vị bạn bỏ lại! Khi Liên Đoàn 81/BCND đến gần lăng chú Hỏa (gần núi Châu Thới), đơn vị dừng quân và tung các toán thám sát ra các xa lộ Lái Thiêu, Đại Hàn quan sát tình hình.
Các toán thám sát báo về bộ chỉ huy LĐ81/BCND quân xa của Việt Cộng đang chạy công khai trên các trục lộ mà không gặp một sự kháng cự nào của đơn vị trách nhiệm trong vùng. Tất cả các nơi như là đều đã rã ngũ hết rồi!
Sau đó Đ/tá Huấn liền họp các cấp chỉ huy và nói:
– “Chúng ta đã cố gắng liên lạc với cấp trên và các đơn vị bạn nhưng tất cả đều vô vọng, bây giờ tình hình như thế này xin anh em cho biết ý kiến.”
Đại đa số ý kiến anh em đều nói:
– “Một con én không làm nổi mùa xuân, hơn nữa chúng ta không nhận được lệnh gì của thượng cấp hết, nếu bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục chiến đấu mà không còn đơn vị yểm trợ thì cuối cùng đơn vị ta sẽ bị Việt Cộng tập trung tiêu diệt mà thôi, không còn cách nào khác chúng ta phải bắt buộc làm theo lệnh của tổng thống Dương văn Minh.”
Đ/tá Huấn yêu cầu các cấp chỉ huy tập họp anh em xung quanh một ngôi mộ có gò mả khá cao. Đứng trên gò mả, đ/tá Huấn bùi ngùi nói trước hàng quân:
– “Chúng ta sinh trưởng ở miền Nam, chúng ta có bổn phận phải bảo vệ miền Nam, bây giờ chúng ta thua rồi, chúng ta phải cay đắng tuân lệnh tổng thống Dương văn Minh, giao nạp vũ khí cho Việt Cộng. Thưa anh em, chúng ta là một đơn vị ưu tú của QLVNCH, qua bao nhiêu năm chiến đấu bên nhau, trong giờ phút lịch sử này, chúng ta phải chứng tỏ là một đơn vị có kỷ luật không như những đội quân ô hợp, vậy yêu cầu anh em theo tôi tiến ra xa lộ Đại Hàn, các biệt đội sắp hàng tư và di chuyển về hướng Saigòn để tiếp xúc với đơn vị Việt Cộng mà bàn giao vũ khí rồi anh em chúng ta giải tán và chia tay nhau; Xin anh em nhớ rằng, anh em không có tội gì cả, vì anh em phải tuân hành theo lệnh của tôi, tôi sẵn sàng nhận tội và tôi sẽ đi đầu, nếu Việt Cộng có bắn thì họ sẽ bắn tôi trước”.
Trên xa lộ Đại Hàn gần lăng chú Hỏa, quân nhân của Liên Đoàn 81/BCND sắp hàng tư tiến về hướng Saigòn. Hai bộ chỉ huy chiến thuật và bộ chỉ huy Liên Đoàn 81 quân số gần 2000 quân nhân, đội hình hàng tư dài hơn cây số. Đoàn quân yên lặng di chuyển trên xa lộ, không khí thật ngột ngạt khó thở, những người lính súng đạn còn trên tay nhưng cái lệnh đầu hàng đã làm cay cay lòng mắt. Những hình ảnh nhạt nhoà của những người dân đứng trước mái nhà tranh nhìn đoàn quân não nề tiến bước. Khi LĐ81/BCND đang di chuyển trên xa lộ Đại Hàn thì xe Việt Cộng cũng di chuyển ngược xuôi bên đội hình Liên Đoàn 81/BCND, các cán binh Cộng Sản trên xe nhìn Liên Đoàn 81/BCND với nét mặt tò mò và ngạc nhiên khi thấy quân nhân của LĐ81/BCND trên tay vẫn còn mang vũ khí. Khi Liên Đoàn 81/BCND đã di chuyển khá xa thì có 2 xe từ hướng Saigòn chạy đến, trên mỗi xe có đặt máy quay phim. Việt Cộng quay phim từ đầu đội hình cho đến cuối và ngược lại từ cuối lên đầu đội hình, Việt Cộng quay nhiều về toán quân đi đầu gồm nhiều cấp chỉ huy của Liên Đoàn 81/BCND.
Khi Liên Đoàn 81/BCND dừng lại cho anh em nghỉ ngơi thì đơn vị Việt Cộng đến tiếp xúc và quân nhân Liên Đoàn 81/BCND để vũ khí tại chỗ và giải tán…
Xin viết thêm là khi Liên Đoàn 81/BCND đang di chuyển trên xa lộ thì thấy rất nhiều thanh niên từ hướng Saigòn chạy ngược về Biên Hòa, đầu trần, đi chân không, mình mặc áo quần lót, tay cầm các giấy tờ tùy thân và tiền bạc cá nhân; đ/tá Huấn đi đầu đội hình liền kéo một anh chạy gần và hỏi:
– “Các anh chạy đi đâu mà ăn mặc như thế? “
Anh đó liền trả lời:
– “Chúng tôi là lính, Việt Cộng tước vũ khí rồi bắt phải cởi áo quần giày dép và cho về nhà.”
Chính đó là lý do mà khi tiếp xúc giao nạp vũ khí cho Việt Cộng, đ/tá Huấn đã yêu cầu Việt Cộng đừng bắt anh em 81 Biệt Cách Dù làm như thế vì sợ anh em chạm tự ái vì bị sỉ nhục mà sẽ không tuân theo lệnh giao nạp vũ khí; Việt Cộng đã đồng ý và cho xe đến chở các sĩ quan về nhà.
Riêng biệt đội 812 do đại úy La-Cao chỉ huy, binh sĩ dưới quyền đã được đ/úy La-Cao chỉ thị:
– “Các anh em khi tháo băng đạn ra khỏi súng nhưng nên để lại một viên trong buồng đạn để tránh sự tấn công bất ngờ hoặc trường hợp khi gặp Việt-Cộng nếu bị sỉ nhục quá đáng nếu anh em không dằn lòng được, anh em có thể xử dụng viên đạn cuối cùng.”
Sau đó có 2 chiếc xe đến chở các sĩ quan về Saigòn, khi xe chạy đến làng đại học Thủ Đức, đ/tá Huấn yêu cầu xe dừng lại và nói với Việt Cộng:
– “Sĩ quan chúng tôi có nhà ở trong khu này”.
Thật tình thì anh em sĩ quan đâu có nhà ở trong khu sang trọng đó, vì anh em sĩ quan không muốn cho Việt Cộng biết nhà ở của mình.
Tại nơi đây anh em sĩ quan đã ngậm ngùi chia tay nhau !
Biệt Đội 813/LĐ81/BCND tại Tây Ninh
Giữa tháng 3/75, đại bộ phận Liên Đoàn 81/BCND do Trung Tá Chỉ Huy Phó Nguyễn Văn Lân chỉ huy được điều động lên Tây Ninh để cùng với Sư Đoàn 25 phòng thủ vùng Tây Bắc Sài Gòn (Tư Lệnh Sư Đoàn 25 lúc đó là Cựu Thiếu Sinh Quân Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá).
Khi Liên Đoàn 81/BCND đến Tây Ninh, Căn Cứ Hành Quân đóng tại Xóm Chàm và Biệt Đội 813/BCND là thành phần trừ bị, có nhiệm vụ phòng thủ vòng ngoài Căn Cứ Hành Quân. Khoảng một tuần sau, Biệt Đội 813 được điều động lên Trảng Sụp, tiền đồn cực Tây của Tỉnh Tây Ninh để thay thế cho Biệt Đội 816/BCND của Đại Uý Lễ.
Cuối tháng tư, tình hình Tỉnh Tây Ninh rất căng thẳng, Tr/Tướng Toàn ra lệnh cho Liên Đoàn 81/BCND phải duy trì một Biệt Đội ở đó để giữ vững tinh thần quân sĩ tại tỉnh Tây Ninh khi đại bộ phận của LĐ81/BCND về Biên Hoà để nhận lệnh hành quân mới. Biệt Đội 813/BCND do Tr/Úy Lai Đình Hợi chỉ huy nhận lãnh trách nhiệm này. Trước khi rời Tây Ninh Tr/Tá Lân giao cho Tr/Úy Hợi một bao thư niêm mật và nói chỉ được mở khi hữu sự.
Lực lượng tại Tây Ninh lúc đó, ngoài các đơn vị cơ hữu của Tỉnh, chỉ còn có Trung Đoàn 49 của Sư Đoàn 25, do Trung Tá Khoa làm Trung Đoàn Trưởng và Biệt Đội 813/BCND.
Vài ngày sau, Đại Tá Tài, Tỉnh Trưởng Tỉnh Tây Ninh, ra lệnh đưa Biệt Đội 813 về phòng thủ dinh Tỉnh Tây Ninh. Vào thời điểm này, nhiều sự kiện xẩy ra như: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Tổng Thống Hương giao quyền cho Đại Tướng Minh.
Sáng ngày 29/4/75, Tr/Tá Khoa báo cho Tr/Úy Hợi biết: Đã mấy ngày qua, ông mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 25. Biệt Đội 813 cũng mất liên lạc truyền tin với Trung Tâm Hành Quân Liên Đoàn 81/BCND đang đóng ở Suối Máu và cả với hậu cứ tại Ngã Tư Anh Sương. Tr/Tá Khoa cho Tr/Úy Hợi biết thêm là ông đã họp bàn với Đại Tá Tài và một số các đơn vị trưởng của Tỉnh là ông có ý định ngày mai (30/4/75) ông sẽ rút về Sài Gòn, nếu Sài Gòn cũng mất, ông sẽ về Vùng 4 để tiếp tục chiến đấu vì ông có một số bạn bè ở đó. Tr/Tá Khoa hỏi Tr/Úy Hợi xin giúp ông một điều. Ông nói:
– “Chiều nay, khi Trung Uý đi họp, (chiều nào Đại Tá Tài cũng chủ tọa buổi họp gồm các đơn vị trưởng của Tỉnh, và các đơn vị biệt phái) giữa buổi họp, Trung Uý cho một toán Biệt Cách Dù ập vào phòng họp dùng súng uy hiếp và ra lệnh cho tôi rút về Sài Gòn.”
Trung úy Hợi nói:
– “Tôi không làm được việc này vì nếu chưa có lệnh của Đại Tá Huấn thì tôi sẽ không rút, cho dù Tây Ninh chỉ còn mỗi Biệt Đội 813/BCND của tôi”.
Tr/Tá Khoa cố gắng thuyết phục Tr/Úy Hợi cùng rút và giải thích là mình rút để có thể tiếp tục chiến đấu chứ không phải để chạy. Tr/Úy Hợi hẹn sẽ trả lời ông vào buổi chiều.
Trưa ngày 29/4/75, Tr/Úy Hợi họp tất cả các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan trong Biệt Đội. Sau khi thuật lại cuộc nói chuyện với Tr/Tá Khoa, Tr/Úy Hợi cho các anh em biết, trong lần tiếp tế gần nhất bằng trực thăng, Tr/Úy Hợi có nhận được lá thư tay của Đại Tá Huấn trong đó, ngoài những lời chỉ bảo, còn có câu nhắn nhủ ngắn gọn: “Hợi, tình hình rất nặng, nếu có gì, cùng Tử Thủ với Liên Đoàn”. Sau khi bàn luận, tất cả đồng ý rút.
Chiều ngày 29/4/75, Tr/Úy Hợi trả lời Tr/Tá Khoa là sẽ cùng rút với ông, nếu Tr/Tá Khoa cùng đồng ý rút chứ Tr/Úy Hợi không cho lính của Biệt Đội uy hiếp ông (Tr/Tá Khoa đồng ý và do đó đã không có buổi họp chiều hôm đó). Sau đó Tr/Úy Hợi ra lệnh cho Biệt Đội 813/BCND chuẩn bị để ngày mai di chuyển về hậu cứ, đồng thời bảo Trung Uý Phan Anh Tuấn, Biệt Đội Phó vào Quân Y Viện Tỉnh để thông báo với các thương bệnh binh của BCND.
Sáng ngày 30/4/75, Tr/Tá Khoa cho biết lực lượng rút khỏi Tây Ninh chỉ có Trung Đoàn của ông và Biệt Đội 813/BCND (Đại Tá Tài ở lại không đi). Lệnh hành quân như sau: Di chuyển bằng xe về Sài Gòn, nếu bị phục kích, xuống xe đánh bật rồi đi tiếp (lúc đó quốc lộ nhiều đoạn bị cắt). Biệt Đội 813/BCND được phân chia đi cùng với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 49. Khoảng 7 giờ sáng, tất cả đã lên xe chuẩn bị di chuyển. Đi theo Biệt Đội 813/BCND, ngoài các thương bệnh binh của BCND, còn có một người nữa là Trung Tá Trưởng Ty Cảnh Sát Tỉnh Tây Ninh (không nhớ tên vị Tr/Tá này). Đoàn xe đi được một đoạn, khoảng 8 giờ sáng, thì bị chặn lại. Tr/Úy Hợi cho quân nhân Biệt Đội xuống xe, tạt sâu vào bên phải quốc lộ, bố trí đợi lệnh. Kiểm điểm lại quân số, Biệt Đội 813 không thiếu một ai, kể cả các thương binh của BCND, ngoài ra còn có Tr/Tá Khoa và Tr/Tá Cảnh Sát. Lúc đó, Tr/Úy Hợi mở bao thư mật của Tr/Tá Lân khi ông rời Tây Ninh, trong bao thư có một bản đồ chỉ dẫn các điểm tập trung để đợi triệt xuất khi gặp nạn. Tr/Tá Khoa cho biết Việt Cộng đã chiếm Tỉnh Tây Ninh ngay sau khi đoàn xe rời Tây Ninh. Tr/Tá Khoa và Tr/Úy HợI quyết định di chuyển bộ về Sài Gòn. Để tránh gặp địch, Biệt Đội 813 đi men theo bờ ruộng, xa Quốc Lộ. Tr/Tá Khoa cho biết là ông đã mất liên lạc với Trung Đoàn của ông.
Trưa ngày 30/4/75, trong lúc đang di chuyển, một binh sĩ BCND mở radio đang phát ra: lời kêu gọi đầu hàng của Tổng Thống Dương văn Minh. Sau khi dừng quân bố trí, Tr/Tá Khoa nghĩ Vùng 4 bây giờ vẫn còn và ông muốn cùng anh em Biệt Đội 813 về đó. Sau đó đoàn quân 813/BCND lại vững tay súng tiến bước lên đường mặc bỏ sau lưng lời kêu gọi đầu hàng của Tổng Thống Minh.
4 giờ chiều ngày 30/4/75, Tr/Úy Hợi họp tất cả các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan để hỏi ý kiến. Tất cả đều đồng ý để súng tại bờ ruộng ấp Bầu Nâu và đi ra quốc lộ.
Ngày 1/5/75, các anh em trong Biệt Đội 813/BCND vẫn giữ kỷ luật nghiêm minh theo lệnh Tiểu Đội Trưởng, Trung Đội Trưởng, Biệt Đội Phó Tuấn và Biệt Đội Trưởng Lai Đình Hợi.
Khoảng 9 giờ tối ngày 1/5/75, Biệt Đội 813 và các anh em thuộc Sư Đoàn 25 được lệnh tập họp để nghe “Chính Sách Khoan Hồng Của Cách Mạng”. Trước khi chấm dứt, một Cán Binh nói: “Tất cả các Sĩ Quan ở lại, Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ được ra về”. Tr/Úy Hợi nói nhỏ: “Tất cả đi hết, không ai ở lại.”. Khoảng 10 giờ đêm ngày 1/5/75, tất cả Biệt Đội 813/BCND kéo nhau ra quốc lộ, đi bộ suốt đêm về Gò Dầu để đón xe đò về Sài Gòn. Đoàn xe đò chở Biệt Đội 813/BCND về đến Ngã Tư An Sương vào khoảng trưa ngày 2/5/75 và anh em Biệt Đội 813/LĐ81BCND chia tay nhau tại đó.
Số phận của 6 toán thám sát của LĐ81/BCND trong chiến khu D
Riêng về 6 toán thám sát được trực thăng thả sâu trong mật khu VC đã hoàn toàn mất liên lạc. Hệ thống vô tuyến liên lạc của toán bằng máy PRC25, UHF-1 phải qua các trạm chuyển tiếp (Radio Relay Station) bằng phi cơ L-19 hoặc các đài tiếp vận truyền tin ở các núi cao. Nhưng sau ngày 29/4/75 các toán này không liên lạc bằng truyền tin với bộ chỉ huy LĐ81/BCND được nữa, vì những đài yểm trợ tiếp vận truyền tin đã không còn. Các toán thám sát chưa biết lệnh buông súng của T/t Dương văn Minh ngày 30/4/75. Mười tám anh em của 3 toán liên lạc truyền tin được với nhau, lương khô 5 ngày đã cạn, họ đã phải nhịn đói, mưu sinh thoát hiểm, lặn lội từ rừng sâu, khi về đến một làng ở quận Tân Uyên cạnh sông Đồng Nai gần thác Trị An (đồn Đại An ngày xưa). Họ đã quá đói nên men vào làng để xin ăn và thăm hỏi sự tình. Ba toán thám sát này đã bị Việt Cộng bao vây, nên anh em đành buông súng vào ngày 5/5/1975. Mười tám anh em bị Việt Cộng giam, bỏ đói, sau đó bắn hết rồi thả trôi sông. Những xác của anh em thám sát thả trôi sông, sau bị sình thối nên Việt Cộng bắt dân vớt lên chôn dọc theo bờ sông Đồng Nai, còn 8 xác anh em khác đã chôn tập thể trong một cái giếng bỏ hoang. Theo dân làng cho biết thì có một anh chưa chết, được hai vợ chồng già trong làng đem dấu và cứu sống. Anh này tên là Đức. Hàng năm mỗi khi Tết đến anh Đức đều trở lại để đền đáp và tạ ơn cứu tử của ân nhân. Nhưng từ năm 1995 hai ông bà cụ đó đã qua đời nên anh Đức không còn đến nữa. Một toán viên khác tên Nguyễn văn Một, khi dân làng chôn cất thì có giữ được một cuốn nhật ký nhưng nay cuốn nhật ký đó cũng đã thất lạc. Mặc dầu Liên Đoàn 81/BCND đã cố gắng tìm kiếm để mua lại nhưng không được. Còn phần mộ anh Tuấn là sĩ quan toán trưởng đã được gia đình đến bốc cốt từ năm 93.
Còn toán của chuẩn úy Lê Xuân Hiền trở về ngày 7/5/75 và toán của thiếu úy Nguyễn Minh trở về ngày 15/5/75 cũng tại vùng Đại An nhưng không bị Việt Cộng xử bắn nữa. Anh Lê xuân Hiền và Nguyễn Minh nay đã được định cư ở Hoa Kỳ.
Theo dư luận địa phương cho biết sở dĩ hai toán này không bị VC giết chết vì dân chúng bàn tán sôi nổi về sự dã man của Việt Cộng đã ngược đãi và tàn sát 3 toán trước.
Toán trưởng Lê Xuân Hiền cho biết sau khi bị VC tước bỏ vũ khí ngày 7/5/75, anh bị đưa vào trại tù binh trong rừng Bình Sơn. Tại đây, toán trưởng Hiền gặp thêm 12 anh em thám sát ở các toán khác. Trong đó toán trưởng Hiền còn nhớ tên các anh ch/u Huỳnh sơn Phương, t/s Võ văn Hiệp, Lý Khách, Lê văn Điệp c/u Nguyễn văn Bé, Nguyễn văn Sơn v.v. Trong thời gian bị giam giữ ở đó, các anh đã bị đánh đập tra tấn trả thù nên anh Nguyễn văn Sơn và t/s Võ văn Hiệp đã chết.
Năm 1995 Gia Đình 81/BCND ở hải ngoại đã cho người về làng Đại An để lập mộ cho những anh em đã đền nợ nước nhưng dân chúng địa phương đã không dám hợp tác. Dân chúng sợ Việt Cộng trả thù vì việc lập mộ bia cho anh em là trưng bày cái dã tâm vô nhân đạo của Việt-Cộng. Những quân nhân thuộc LĐ81/BCND đã bỏ mình tại làng Đại An vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến chỉ còn trong tâm tưởng của những người dân ở đó và chiến hữu còn sống sót mà thôi.
Phần Kết
Những anh hùng của LĐ81/BCND đã sa cơ trong thảm cảnh tháng Tư ở Đại An, họ đã nhận lãnh những viên đạn oan nghiệt của kẻ thù vào sau cái ngày mà những người còn “mê ngủ” đã rêu rao gọi là ngày “hoà bình đã đến trên quê hương Việt-Nam!”
GĐ81/BCND
(*) Ghi nhận theo những tâm tình, thư từ, bài viết, điện thoại, email và lời kể lại của những chiến hữu đã trực tiếp có những liên hệ ít nhiều trong những ngày giờ lịch sử đau thương của đất nước.
Xin chân thành cảm ơn đại tá Phan văn Huấn, thiếu tá Phạm châu Tài, đại úy Nguyễn Hiền, đại úy La Cao, đại úy Trương việt Lâm, trung úy Lai đình Hợi, thiếu úy Nguyễn công Danh, các sĩ quan toán trưởng Lê xuân Hiền, Nguyễn Minh… và nhiều quân nhân các cấp đã giúp cho bài “Liên Đoàn 81/BCND và những ngày tháng Tư năm 1975″ được thành hình, dù rằng thâm tâm quý vị đã không muốn nhắc lại “chuyện đau lòng”.
Đặng Hữu Phát gởi