Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 



LO XA




Tôi là người có tánh lo xa và thường cẩn thận trong mọi vấn đề. Cái tánh lo xa của tôi từng làm cho vợ con và những ai từng có những sinh hoạt chung với tôi rất bực mình. Mà họ bực mình cũng phải thôi, bởi tôi có tánh lo xa còn đối với họ thì những điều đó không có gì đáng phải bận tâm. Tuy nhiên những thứ tôi “lo xa” ít nhiều đã lần lượt xảy ra và họ đã hiểu lý do tại sao tôi phải “lo xa”.

Đây là những thứ tôi hay lo xa. Khi xa nhà và nếu phải ở khách sạn, tôi luôn xem xét là nếu có hỏa hoạn xảy ra, tôi có lối nào để thoát không? Hoặc nếu tôi phải ở nhà bạn bè, kể cả nhà những người thân yêu của tôi; trước khi leo lên giường ngủ, tôi xem thử cửa sổ có mở được dễ dàng, nếu hỏa hoạn xảy ra. Hoặc nếu có điều gì cần phải nhanh chóng thoát thân thì lối nào để thoát? Hoặc khi tôi đang ở tại nhà của tôi và nếu có điều gì bất ngờ xảy ra, thì tôi phải biết mình cần làm gì trước nhất và món gì mình cần có trong tay. Tôi có cái tánh này từ thời niên thiếu.

Trong thời gian qua, có dịp theo dõi thời cuộc tại Hoa Kỳ và thế giới, tôi có vài thứ phải “lo xa” nên có nảy ra vài ý “hơi bất thường”. Tôi đã gọi hỏi những người thân yêu và vài bạn hữu có nhà riêng, rằng:

Câu hỏi thứ nhất: Nếu chẳng may nguồn nước từ thành phố (city water) mà bạn sử dụng hằng ngày bị cúp hoàn toàn trong vài ngày, thì bạn có đủ nước để uống và nấu ăn hay không?

Khoảng 90% số người cho biết là nước uống thì có đủ, nhưng nước để nấu ăn thì không.

Câu hỏi thứ nhì: Nếu chẳng may công ty điện lực hay công ty cung cấp ga (chất đốt) bị cúp vài ngày thì bạn có phương tiện gì để nấu ăn không?

Khoảng 50% số người cho biết là chỉ có thể nấu ăn vài ngày, số còn lại thì không có phương tiện gì cả.

Câu hỏi thứ ba: Vào mùa đông, nếu không có ga và điện chừng vài ngày để sử dụng lò sưởi, thì bạn cần làm gì?

Hầu hết mọi người đều cho biết là nếu mặc áo lạnh và trùm mền mà vẫn không đủ ấm thì phải “di tản” nhưng chạy đi đâu thì họ chưa biết?

Hôm tháng 3 năm nay (2020) khi bắt đầu bùng nổ vụ China Virus thì lập tức mọi người đổ xô đi mua thức ăn và những vật dụng cá nhân để dự trữ. Trong “biến cố” này, người ta đã thấy có ít nhất hai nhóm khác nhau.

Nhóm thứ nhất trong sinh hoạt hằng ngày, họ luôn thận trọng và trong tư thế sẵn sang đối đầu với mọi bất trắc có thể xảy ra. Đứng trước những bất thường của thời cuộc, họ cũng biết dự trữ món này hay thứ kia để phòng khi có biến động thời cuộc, họ có thể “tồn tại với đời”. Họ không ồn ào nhưng “biết lo xa”.

Nhóm thứ hai thuộc loại “ai chết mặc bây”. Đây là nhóm người có cuộc sống tranh giành. Họ rất ồn ào khi có chuyện gì xảy ra và sẵn sàng làm bất kể điều gì để đạt những thứ họ cần. Gia đình của họ phải là ưu tiên số một kể cả việc chà đạp người khác để giành các thứ “ưu tiên” nào đó. Trước tin đồn sẽ có “biến cố”, họ sẽ vào chợ hay các cửa hàng vơ vét nhiều thứ. Họ sẽ mua với số lượng mà ba đời nhà họ xài cũng không hết. Họ luôn hài lòng với sự “khôn ngoan” và “lanh lẹ” của mình.

Đầu năm 2020, khi khởi đầu mùa dịch bệnh, người ta chứng kiến cảnh nhiều người vào các cửa hàng Mỹ-Việt, nhất là Costco để mua nhiều thứ. Có một số người công khai giành giựt mua lương thực, họ tự nhiên leo trèo lên các kệ hàng hóa để lấy cho bằng được các thứ họ cần. Có người mua giấy vệ sinh chất trên xe đẩy đến nỗi cao khỏi đầu của họ.

Đọc đến đây chắc hẳn quý độc giả sẽ thắc mắc, người viết thuộc thành phần nào? Xin thưa, tôi thuộc thành phần nào thì xin nhờ quý độc giả vui lòng phân loại giúp.

Từ lúc mới chào đời cho đến tám tuổi, tôi sống với Ba Má và anh chị em tôi. Sau đó tôi phải sống với Ông Bà Ngoại và Dì Dượng Út của tôi để đi học và nhất là có người hủ hỉ với Ông Bà Ngoại khi Dì Dượng Út vắng nhà.

Đây là điều tôi muốn kể. Mỗi tối ông Ngoại tôi luôn xem xét cửa nẽo rất cẩn thận. Sau đó ông cầm đèn dầu rọi dưới gầm giường và các góc kẹt trong nhà để xem có gì bất thường không? Nói chung, chỗ nào mà một người có thể trốn được thì ông Ngoại tôi đều xem xét. Vậy mà trước khi đi ngủ, ông ra lệnh cho tôi xem cửa trước và cửa sau đã cài cẩn thận chưa? Ông bắt tôi cầm đèn xem xét lại những chỗ mà ông đã xem qua. Dĩ nhiên là ông cầm gậy tre đi sau lưng để “hỗ trợ tinh thần” thằng cháu chưa đầy mười tuổi.

Có lần tôi nêu thắc mắc “Ngoại xem rồi mà còn bắt con xem lại để làm gì vậy Ngoại?”.

Ông Ngoại tôi trả lời “Ông muốn con giúp ông xem xét lần nữa cho chắc ăn”.

Ông giải thích thêm, vì nhà mình ban ngày mở cửa cho thoáng, cho nên những tên trộm hay kẻ gian có thể lẻn vào nhà và chui xuống gầm giường, hay núp ở một góc nào đó để chờ tối mình ngủ say, nó có thể trộm đồ của mình hay hãm hại mình.

Tôi phải làm việc đó mỗi đêm và nhiều năm, khiến sau khi trưởng thành, nó trở thành một cá tánh, và tôi mới nhận ra là ông Ngoại tôi đã cố ý huấn luyện tôi thành một người biết thận trọng và lo xa. Trong đời sống, tôi luôn luôn đề phòng mọi bất trắc. Tôi không sợ kẻ gian đến nỗi lúc nào cũng phập phồng lo sợ, nhưng tôi luôn đề phòng kẻ gian và đề cao cảnh giác những tình huống tệ nhất có thể xảy ra.

Bốn mươi năm định cư tai Hoa Kỳ, lúc sống độc thân với mấy người bạn, tôi đều áp dụng “kỹ luật sắt” với bạn tôi. Có nghĩa là anh nào muốn ở chung nhà với tôi thì phải làm giống tôi. Tức là phải luôn đề cao canh giác những bất trắc. Có lần tôi đi “share phòng” nhà người ta mà tôi còn đặt điều kiện với ông chủ nhà về chuyện “lo xa” của tôi. Chủ nhà nào đồng tình thì tôi mới ở chung. Hầu hết mọi người đều hài lòng với cái tánh “không giống ai” của tôi.

Như đã nói từ đầu bài viết. Vợ con tôi lúc đầu “rất rầu” về cái tánh cẩn thận của tôi. Tuy nhiên, dần dần họ “tiêm nhiễm” cái tánh lo xa của tôi, nên không còn than phiền nữa. Bây giờ thì mọi người còn cẩn thận hơn cả “ông thầy” của họ.Nhà tôi có hệ thống báo động từ mấy chục năm qua. Mỗi tháng sự tốn kém chỉ bằng bữa ăn sáng cho một cặp vợ chồng. Tức là khoảng hai tô phở và hai ly cà phê. Tôi không bao giờ để “mất trâu rồi mới làm chuồng”. Ban ngày cho dù vợ chồng tôi có mặt tại nhà, thì cửa nhà cũng phải luôn đóng và cài cẩn thận. Dù gia đình tôi có nuôi chó giữ nhà (German Shepherd) nhưng hệ thống báo động luôn mở 24/24. Có người biết chuyện đó, cho rằng tôi bị “tâm thần” vì luôn nghĩ kẻ gian rình rập mình. Tôi giải thích với họ: Mở và vô hiệu hóa hệ thống báo động chỉ trong vài giây, thì tại sao không tập thói quen đó? Vả lại, nếu chúng ta nằm xem phim hay tin tức ngoài phòng khách, kẻ gian cại cửa sổ phòng ngủ chúng ta có nghe tiếng động không? Dĩ nhiên là không hay khó nghe tiếng động bởi tiếng ồn của TV. Ngược lại cũng thế, nếu chúng ta ở trong phòng ngủ xem TV, tiếng ồn của TV sẽ át đi tiếng động khi kẻ gian cại cửa nhà hay cửa sổ các phòng khác.

Còn nhiều thứ cần phải cẩn thận trong đời sống hằng ngày thiết nghĩ mọi người cần bận tâm. Đừng để “mất trâu rồi mới làm chuồng”. Có người ngại tốn kém vài chục đô la mỗi tháng cho hệ thống báo động, nên khi vắng nhà, kẻ gian cại cửa vào lấy trộm nữ trang và vật dụng quan trọng khác. Có vụ lên đến vài chục ngàn Mỹ kim. Sau khi những thứ quý báu bị mất sạch, họ mới băt đầu gắn hệ thống báo động.

Có những gia đình con cái của họ bị bắt cóc, bởi tối ngủ mở cửa sổ thay vì mở máy lạnh khi thời tiết nóng bức. Cũng có nhiều trường hợp người ta đã mất cả mạng sống vì tay bọn cướp và kẻ thù nào đó chỉ vì họ quá xem thường vấn đề an ninh nhà cửa.

Nãy giờ tôi đề cập toàn chuyện căn thẳng “thần kinh” cho nên tôi xin phép kể một câu truyện vui trước khi tôi kết luận thật ngắn cho bài viết này.

Chị kia chẳng may có ông chồng ù lì, biếng nhác, đã có vợ con rồi mà không biết lo lắng cho gia đình. Chuyện lớn nhỏ gì ông cũng bỏ mặc cho vợ lo. Vợ nhờ tới đâu thì ông miễn cưỡng làm tới đó. Một hôm chị than thở rằng “người ta có phước nên chồng người ta biết lo xa, còn chồng mình tối ngày chỉ lo la cà hết chỗ này đến nơi họ mà không biết lo xa…

Một buổi chiều, chị thấy chồng chị sau khi ăn tối xong, anh ta ra trước cửa ngồi hút thuốc, mắt dõi nhìn về một phương trời xa xăm nào đó và ra vẻ đăm chiêu lắm. Thấy chồng như thế nên chị mới hỏi “Ông đang làm gì đó”.

Ông chồng trả lời “tôi đang lo xa”.

Chị vợ mừng thầm và vội hỏi “ông lo xa chuyện gì vậy?”.

Ông chồng lười biếng của chị đã nghiêm nghị trả lời “Tôi đang lo xa…. Không biết giờ này, bên Tàu đèn cháy chưa?”

Kết luận: Khi con người được sống trong một đất nước thanh bình, tự do, không chiến tranh… Dễ dàng làm cho người ta không có sự cảnh giác hay mất dần sự đề phòng những bất trắc trong đời sống. Ai có tánh phập phòng lo sợ đủ mọi thứ thì không nên, nhưng biết lo xa là một đức tính tốt cần phải có ở mỗi người trong chúng ta.

Không cần đợi khi có tin đồn về những biến động sắp xảy ra thì chúng tôi mới lúng ta lúng túng mua thứ này, quơ lấy thứ kia… Nhưng gia đình tôi luôn dự trữ vật dụng hay thức ăn để có thể “sống cầm hơi” vài tháng. Chúng tôi không chủ trương tranh giành, hay đầu cơ tích trữ bất cứ thứ gì trước sự thiếu thốn hay sự đau khổ của người khác.


Huỳnh Quốc Bình


December 17, 2020


usaelection gởi