Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


LỖI CHÍNH TẢ

 
Hắn đã đọc bài này cũng khá lâu, định bụng có dịp chuyển đi, mà tật của hắn khi chuyển bài cũng có đôi lời giới thiệu...

Trên mạng, trên các diễn đàn, báo chí trong và ngoài nước; chưa bao giờ có tình trạng người Việt Nam viết sai lỗi chính tả nhiều đến vậy. Nhất là các nhà văn miền bắc XHCN, sự việc xảy ra như vậy vì đă số người miền bắc phát âm sai âm đầu chẳng hạn như âm CH thành TR và ngược lại; S và X lẫn lộn không biết đâu mà nói nữa, còn L thành N thì xem như là nói ngọng rồi viết sai.

Hắn thấy lạ một điều là những người bắc di cư năm 1954 hầu như không bao giờ vướng mắc sai lầm ấu trĩ như vậy. Giải thích như thế nào điều này đây? chỉ có thể giải thich là từ năm 1954 đến 1975 những người tiếp quản Hà Nội hay nói chung là chế độ miền bắc đã làm hư cả một thế hệ chỉ trong vòng 10 năm...giới lãnh đạo thiếu hiểu biết viết sai, dưới không dám phê phán đã đành lại a thần phù rập khuôn... chữ Việt  đâu có chữ "NHÂN ZÂN" mà chủ tịch nước viết rồi đưa vào học đường cả thế hệ sau viết cho giống bác ; nói tóm lại chữ nghĩa miền bắc chỉ qua một giai đoạn 54 đến 75 đã sai quá nhiều để rồi sau ngày 30/4/75 họ lại đem cái sai từ miền bắc vào nam áp đặt cho thế hệ trẻ miền nam.

Ngày trước hắn có học môn "NGỮ PHÁP", thầy dạy hắn chắc nhiều người cũng biết đó là giáo sư Doãn quốc Sĩ, học sách của thầy soạn chung với Gs Đoàn viết Bửu.

Nhờ đó hắn biết là có những cái sai của 3 miền, cứ làm như chữ nghĩa cũng biết đi theo con đường cái quan ... miền bắc thường sai ÂM ĐẦU như chữ X chữ S, chữ CH và TR lẫn lộn mà căn bản là do cách phát âm, nhích xuống một chút khi vào miền trung lại sai ÂM GIỮA và dấu giọng nhất là bước chân qua vùng Quảng Nam , Quảng Ngãi. Khi xuống đến miền nam thí cái sai chạy xuống ÂM CUỐI, có G hay thiếu G, lại còn T và C cũng mặc cho may rủi khi viết.

Ngày đó hắn học và cũng có dịp đi hội thảo về bộ môn chính tả, dùng âm Saigon và âm Hà Nội làm chuẩn để hướng dẫn học sinh viết đúng.
Đừng trách giới trẻ ngày nay không hiểu nhiều từ ngữ Việt, đơn giản là họ viết sai chữ thì hiểu sai nghĩa là lẽ đương nhiên.

Hắn có nói ở trên là những người di cư năm 1954 rất ít viết sai chính tả như hắn ngày đi học từ lớp nhất tiểu học đã được thầy giáo khen là khó mà bắt lỗi hắn được, còn cho hắn lên bảng viết mẫu.

Có được như vậy là do hắn học thầy giáo người miền nam, khi thầy đọc những âm đầu rất chuẩn chữ S uốn lưỡi, chữ X với âm răng... còn dấu hỏi ngã miền bắc ít khi viết sai và cả những âm cuối cũng không lẫn lộn, ngay cả âm giữa thầy phát âm cũng chính xác. Hắn cũng có một lần viết sai khi thầy đọc chữ"H" nghe như là chữ "Qu"; lần đó thầy đọc chữ "HOÀNH PHI" hắn nghe rõ ràng như "QUÀNH PHI" cũng vì chưa hiểu nghĩa chữ này, nếu hiểu chắc hắn cũng đoán được.

Thầy hỏi sao viết sai, hắn trả lời là nghe như chữ "Qu", thầy cười xoa đầu hắn bảo là "thầy tha lỗi đó" và cũng từ đó thầy đọc cho học sinh chữ H thật rõ...

Hắn trở lại chuyện của nhà văn Đỗ duy Ngọc.
Sau tháng 4/75 những người thắng trận họ đem cái sai của họ từ miền bắc vào nam, áp đặt cho dân chúng. Người miền nam biết họ sai nhung sợ không dám sửa, ngày này tháng nọ bị ảnh hưởng và theo luôn cái sai này. Hắn cũng nhiều lần viết vấn đề của hai chữ "chia xẻ" vì trước năm 75 không có chữ "chia sẻ" trong sách giáo khoa VNCH chỉ có "chia xẻ" hay "san sẻ" mà thôi. "San sẻ" là từ kép nên chữ "sẻ" viết S là đúng vì chữ Sẻ vô nghĩa; còn chữ "chia xẻ" theo văn phạm là động từ CHIA đi với động từ XẺ và 2 động từ này đứng riêng vẫn có nghĩa của chính nó.

Trong bài viết nhà văn Đỗ duy Ngọc có viết " Lịch sử viết là lịch xử… nhiều lắm kể không hết." Ông nói đúng chữ "lịch sử" mà không phải "lịch xử", cái sai miền bắc cho âm đầu S và X là đây. Nhưng khi hắn đọc ông viết là "SỬ DỤNG" thì không phải quan điểm của hắn. Ngày nay có đến hơn 90% dùng chữ "Sừ dụng" vì tắt cả bá chí đều viết như vậy viết như hắn "xử dụng" là sai.

Còn chữ "XỬ SỰ" " XỬ lý" "Xử án" không lẽ thế bằng "Sử sự, sử lý sử án", với hắn chữ "SỬ" dùng cho lịch sử có lý hơn và chữ "xử dụng" cũng vậy.
Như hắn trình bày chữ "sử dụng" hay "chia sẻ" do người thắng trận đem vào trong khi âm S và X họ xử  dụng sao cũng được không cần "muốn viết đúng chữ phải hiểu đúng nghĩa".

Hắn chỉ là thành phần thiểu số không ngọng nghịu với hai âm S và X nên hắn viết theo hiểu biết của hắn, hắn không bị lôi cuốn vào chữ viết sau tháng 4/75 để nhớ lại một thời cắp sách.

Báo chí là phương tiện truyền bá ngôn ngữ rõ nét nhất, mà ngày nay các tờ báo mạng ở Việt Nam viết sai vô tội vạ, đánh hỏi ngã loạn cào cào, đã thấy đi theo vết xe đổ của Hà Nội sau năm 54.

Người ta hay dùng câu nói "nước Việt còn tiếng Việt còn, tiếng Việt còn chữ Việt còn", ngày nay trong nước thấy sai không sửa, người ngoài nước lại viết cho giống trong nước thì tương lai tiếng Việt, chữ Việt có còn tồn tại được hay không? Đã có lần một ông tiến sĩ gì gì đó định thay đổi chữ Việt bằng những âm kỳ quái, chẳng ai đọc được.
Ara 
 
 
LỖI CHÍNH TẢ
 
 
Không biết vì sao mà bây giờ người viết sai chính tả nhiều quá. Có thể là ngày nay, mạng xã hội, Facebook phổ biến nên người ta viết nhiều, sử dụng nhiều nên mới lộ ra việc viết sai chính tả chăng ?
 
Cũng có thể nhà trường hiện nay không chú trọng việc dạy viết đúng chính tả cho học sinh ? Cũng có thể bây giờ người ta ít đọc sách, bởi đọc sách cũng là một cách rèn luyện viết chính tả cho đúng ? Mà cũng có thể thời hiện đại người ta phát âm sao thì viết ra vậy nên chữ nghĩa ngọng nghịu là lẽ đương nhiên ? Và cũng có thể vì tất cả những lý do ấy.
 
Chỉ cần lướt các bài viết và comment ở trên mạng, ta có thể tìm thấy vô vàn lỗi chính tả. Lỗi nhẹ thường thấy là sai hỏi ngã. Lỗi này thì quá phổ biến, đến độ người ta có thể bỏ qua. Cũng thường thấy là viết như người ngọng nói. Ngày trước, người Việt thường lấy giọng Hà Nội làm tiêu chuẩn, giọng Bắc là giọng chuẩn, điều ấy chưa hẳn đã đúng nhưng cũng tạm chấp nhận. Lúc đấy người nói chớt, nói ngọng theo cách nói của địa phương thường là người già, là nông dân. Người có chút học vấn sẽ tránh nói theo kiểu ấy. Nhưng bây giờ thì khác rồi, người Bắc nói chớt, nói ngọng nhiều quá và đem cái chớt, cái ngọng ấy vào bài viết, nói sao viết vậy.
 
 Trân trọng viết là chân chọng. Trả treo viết là chả cheo. Cho nên viết là cho lên. Lịch sử viết là lịch xử… nhiều lắm kể không hết. Cứ tưởng người ít học thì viết sai nhiều lỗi chính tả, nhưng không phải thế. Học sinh cấp 3, sinh viên Đại học cho đến giáo viên, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng viết sai chính tả tùm lum. Các nhà lãnh đạo cũng mắc không ít lỗi chính tả khi viết. Ngay đến giáo viên dạy môn Văn trong các trường học cũng viết sai chính tả. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng đầy lỗi chính tả.
 
Ngày xưa, sách, báo là nơi để người ta tìm thấy sự chính xác trong câu văn, trong từ ngữ sử dụng và cũng là nơi tin cậy về chính tả. Ngày nay không còn thế nữa, sách đầy lỗi, báo viết sai tè le, ngay cả sách giáo khoa dạy cho trẻ con của một ông Giáo sư Tiến sĩ tự vỗ ngực là người có trình độ cao nhất thế giới cũng viết con dơi thành con rơi. Đành thua.
 
Một bài văn hay, một bài báo tốt, một câu comment thú vị mà nhiều lỗi chính tả thì bài văn ấy, câu comment ấy giảm biết bao giá trị. Nhiều khi cứ tự nghĩ không biết giờ trong nhà trường ở môn Tiếng Việt, môn Văn học, người ta dạy học trò những gì nhỉ ? Còn nhớ cách đây hơn 60 năm, thời tôi còn là cậu bé con đi học tiểu học môn dictée tức chính tả là môn học quan trọng, thầy cô rất chú trọng môn này và dần cho nát xương đứa nào viết sai nhiều lỗi cho nên trò nào cũng cố gắng Une dictée sans fautes, một bài chính tả không có lỗi. Có lẽ nhờ thế mà thế hệ chúng tôi viết bài ít lỗi hơn bây giờ chăng? Tuy vậy, giờ có tuổi, lẩn thẩn rổi, trong khi viết mà gặp một từ nào hơi hồ nghi, tôi liền tra tự điển hoặc vào Google đánh chữ đấy tìm xem để có sự chính xác. Tôi nghĩ viết cho đúng chính tả cũng không khó. Nếu để ý trong lúc viết, kiên trì rèn luyện thì việc viết sai chính tả sẽ vượt qua được thôi.
 
Cứ đà này, chữ Việt thành một mớ hỗn độn của người bệnh ngọng. Đôi lúc cứ đọc thấy lỗi, lòng lại buồn và lo cho thế hệ sau .
 
ĐỖ DUY NGỌC

______________


Đỗ Hứng gởi