Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
LỢI ÍCH CỦA TRI TÚC
 
 
 
I. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ TRI TÚC
 
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Vực thẳm dễ lấp, nhưng túi tham khó đầy”. Thật đúng như thế, khi chúng ta bị lòng tham chế ngự thì không bao giờ biết đủ. Thánh Gandhi cũng dạy rằng: “Trong thế giới này có đủ các thứ để cho mọi người sử dụng, thế nhưng không đủ cho một người có lòng tham vô đáy”. Điều đó có nghĩa là nếu không có tâm biết đủ thì dù chúng ta đầy đủ tất cả vật chất trong đời cũng không sao thỏa mãn lòng tham của mình.
 
Lão Tử trong “Đạo đức kinh” nhấn mạnh đức tính “tri túc bất nhục”. “Biết đủ”, tức biết vui ở những thứ mình đang có, không buông thả theo lòng ham muốn của con người, thường không bao giờ thoả mãn, cứ được cái này lại muốn cái khác. Không làm chủ được lòng ham muốn sẽ đi đến sự nhục nhã, nhục nhã vì thất bại do việc làm quá sức mình, tệ hại hơn, là nhục nhã vì lương tâm và xã hội lên án nếu làm trái với pháp luật. Lão Tử còn viết “tri chỉ bất dãi, khả dĩ trường cửu” nghĩa là biết dừng lại sẽ không nguy hại, có thể lâu bền. “Biết ngừng lại” tức là biết chế ngự dục vọng, không để sự ham muốn lôi cuốn mình, có thế mới vững bền cuộc sống.
 
Theo Đại tự điển Bách khoa toàn thư thì: “Tri túc là biết đủ, biết cái mức coi như là đủ, không để lòng ham muốn vượt quá mức đó”. Nhưng nếu muốn được “tri túc” thì đòi hỏi chúng ta phải biết “thiểu dục”. Thiểu dục là  là ít ham muốn với những gì mình chưa có. Như vậy, thiểu dục tri túc là ít muốn và biết đủ, bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
 
Cụ Nguyễn Công Trứ có câu: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” - "Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?"
 
II. HAM MUỐN VÀ ĐẮM SAY NĂM DỤC LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA BẤT AN VÀ ĐAU KHỔ
 
Người đời thường tham lam không biết chán 5 món ngũ dục, gồm:
 
- Tài: là tiền bạc, của cải (nhà cửa, ruộng vườn, vật dụng...)
 
- Sắc: là sắc đẹp (vật dụng, người đẹp, quần áo...)
 
- Danh: là địa vị, quyền chức, tiếng thơm
 
- Thực: là món ăn ngon, cao lương mỹ vị, rượu thịt tràn trề.
 
- Thùy: là chỉ chung sự ngủ nghỉ cho sướng thân.
 
“Này các Tỳ-kheo, năm phẩm chất của dục vốn đáng chê trách, mà mọi người tham đắm. Những gì là năm? Mắt nhận biết sắc, đáng ưa đáng thích, là cái mà con người tham đắm. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, đáng ưa đáng thích, mọi người tham đắm. Sa-môn Thích tử không tán đồng những thứ khoái lạc như vậy. Cũng như có người cố ý sát sanh, cho đó là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng khoái lạc như vậy. Cũng như có người trộm cắp, cho thế là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng những thứ khoái lạc như vậy. Cũng như có người phạm tịnh hạnh, cho thế là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng khoái lạc như vậy. Cũng như có người phóng đãng buông trôi, cho thế là lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng khoái lạc như vậy. Cũng như có người hành khổ hạnh bề ngoài, cho thế là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng khoái lạc như vậy.
 
(ĐTKVN, kinh Trường A hàm, kinh Thanh tịnh số 17)
 
MUỐN LỢI THAM DANH trí rộn ràng
 
HAM tài đắm sắc táng thiên cang
 
HAM mùi phú quý thân lao khổ
 
MUỐN cảnh lầu đài dạ xốn xang
 
MUỐN miếng đỉnh chung đầy khổ não
 
HAM tên bia bảng lắm gian nan
 
HAM nhiều ruộng đất người người oán
 
MUỐN tử tôn đa, lắm nghiệp oan!
 
(trích Tứ kệ Tĩnh tâm)
 
Câu chuyện về tác hại của sự tham muốn:
 
Có đôi vợ chồng ở dưới núi Phổ Đà làm nghề đốn củi, cuộc sống rất nghèo khó. Một hôm người chồng đào được ở dưới gốc cây một tượng La-hán bằng vàng! Gia đình ông trở nên sung túc giàu có.
 
Thế nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn, suốt ngày cau có buồn bã, người vợ thấy vậy bèn hỏi: Bây giờ cái ăn, cái mặc chúng ta đã không thiếu lại có vườn tược tốt và nhà cao cửa rộng, sao trông ông lại còn buồn bã như vậy?
 
Người chồng bực tức quát: Bà là đàn bà biết gì chứ! Mười tám tượng La-hán mà tôi chỉ lấy được có một tượng mà thôi. Vậy mười bảy tượng La-hán còn lại được cất giấu ở đâu? Làm sao tôi có thể an tâm được chứ?
 
Người chồng tham lam cuối cùng sinh bệnh và chết với nỗi buồn đó.(Trích trong quyển Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)
 
Nếu không biết hài lòng với những gì mình đang có, chúng ta không có khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại. Hãy quay về với hiện tại và biết bằng lòng với những gì mình đang có là pháp sống mang lại hạnh phúc đích thực!
 
...
 
KẾT LUẬN 
 
Nếu chúng ta không hệ lụy vào vật chất thì chúng ta sẽ được cái cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái, tâm hồn thư thái, không lo âu muộn phiền những việc đã qua và mong cầu ở tương lai. Sống biết đủ cũng là cách sống yêu thương, san sẻ mình vì mọi người. Khi tham muốn thôi thúc, ta không có tinh thần vị tha đích thực, đơn giản vì ta không thể chia sẻ điều mình ước muốn cho người khác. ở đâu có tham muốn, ở đó có ích kỷ. Ở đâu không có tham muốn ở đó có vị tha. Với tâm tham muốn ích kỷ, hẳn nhiên chúng ta sẽ vướng mắc hệ lụy và gây ra khổ đau cho mình và mọi người. Với tâm hài lòng biết đủ thì chúng ta đang trải nghiệm hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
 
 
Hòa thượng Thích Giác Toàn 


usaelection gởi