LUẬN BẬC QUÂN TỬ, VÀ KẺ TIỂU NHÂN
Bậc quân tử tâm kiên định như núi...
Ngược lại, kẻ tiểu nhân một chút cũng tranh giành
Trong cuộc sống, người tốt thường giảng về cách dưỡng sinh; người tu hay đàm luận đến tu tâm; ăn hiền; ở lành, và tích đức cho kiếp sau...đi xa hơn nữa là vượt ra khỏi " tam giới gia " nghĩa là tìm phương cách ra khỏi 3 nhà lửa: Dục giới; sắc giới, và vô sắc giới ...qua cách loại bỏ tam độc: tham; sân; si.
Một người quân tử có tấm lòng quảng đại bao dung, nhẫn nại sẽ không dễ nổi nóng, tức giận như kẻ tiểu nhân chuyên bới móc chuyện người ra cho mọi người nghe. trừ kẻ tiểu nhân.
Người Quân tử cũng sẽ không vì chuyện bé xé ra to mà tranh luận với người khác mãi không thôi.
Kỳ thực, một người nếu trải qua rèn luyện qua tu tập của Phật Đà thì có được tâm thái an hòa tĩnh lặng, thì bất kể là đối mặt với chuyện gì cũng sẽ không dễ nổi giận, không vì chuyện nhỏ nhặt mà sinh oán hận. Người Quân Tử cư xử cao thượng, nhẫn nhịn người khác có thể khiến bản thân nhất thời có đôi chút tổn thất về vật chất, song nghĩ sâu thêm một chút thì về lâu dài, quả thực là thứ mất đi không đáng là bao so với những gì gặt hái được.
Bậc quân tử tâm kiên định như núi, kẻ tiểu nhân một chút cũng tranh giành.
Trong “Sử ký củaTư Mã Thiên” có chương “Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện” ghi chép câu chuyện lịch sử thời nước Triệu cử binh, kể về Lạn Tương Như, luôn lấy an nguy của xã tắc làm trọng, nên năm lần bảy lượt tránh mặt và nhẫn nhịn Liêm Pha. Cuối cùng, cảm động trước sự nhẫn nhịn và cao thượng của Lạn Tương Như, Liêm Pha tự thấy hổ thẹn và kể từ đó, hai người kết tình thâm giao, nguyện đồng sinh cộng tử hợp sức giúp nhà Triệu giữ vững bờ cõi.
Xét rộng ra thì tự cổ chí kim, phàm là ai có thành tựu, đều là những người quân tử thản nhiên tự tại, có tấm lòng bao dung quảng đại. Ngược lại, người tâm địa hiệp hòi chỉ vì cái lợi trước mắt mà không những hại người mà còn hại chính mình, cuối cùng, bản thân cũng chẳng được gì tốt đẹp cả.
“Cựu văn Tùy bút” có chép, vào triều Thanh, ở giữa phủ đại học sĩ Trương Anh và nhà hàng xóm họ Ngô có một khoảng đất trống dùng làm lối đi chung giữa hai nhà. Khi Ngô gia tu sửa nhà đã xây tường lấn chiếm sang phần đất của phủ học sĩ, người nhà Trương Anh bèn viết thư cấp báo, mong rằng Trương Anh, khi đó đang giữ chức Lễ Bộ Thượng thư trong triều, sẽ ra mặt ngăn chặn hành vi của gia đình họ Ngô kia. Chẳng ngờ ông đã phê một bài thơ gửi về nhà:
Thiên lý lai tín chỉ vi tường,
Nhượng tha tam xích hựu hà phương.
Trường thành vạn lí kim do tại,
Bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng
Tạm dịch:
Thư xa ngàn dặm chỉ vì tường
Có ba thước đất; tại sao không nhường
Trường thành vạn lý còn đây,
Chẳng thấy Tần Thủy Hoàng mọi nẻo đường.
Người nhà nhận được hồi âm, cảm thấy thật hổ thẹn, liền nhường cho Ngô gia ba thước đất; người hàng xóm họ Ngô thấy vậy rất cảm động và cũng tự xây lùi tường lại và nhường phủ Trương Anh ba thước. Cuối cùng, hai bên gia đình đều xây tường lùi vào ba thước, khiến ngõ hẻm đó rộng thành sáu thước. Bởi vậy, cái tên “hẻm sáu thước” đã trở thành một giai thoại thiên cổ.
Bài thơ “Thu Hoài” của Mạnh Giao thời Đại Đường có viết:
Quân tử sơn nhạc định,
Tiểu nhân thi hào tranh.
Đa tranh đa vô thọ,
Thiên đạo giới kỳ doanh.
Tạm dịch:
Quân tử tâm vững như ngọn núi ,
Tiểu nhân một chút cũng giành tranh
Càng tranh càng hận; càng không thọ
Chính là Đạo Trời răn chúng ta.
“Tâm vững như núi” không có ý rằng không làm gì cả, mà hàm ý là khi bị chỉ trích, phê bình, hay thậm chí bị sỉ nhục, đánh đập thì vẫn có thể bất động tâm. Còn người kẻ tiểu nhân phẩm hạnh không cao sẽ ắt sẽ chỉ vì chút lợi nhỏ mà quên cả lễ nghĩa, tranh đấu đến cùng. Đức Phật từng bị nhục mạ, nhưng ngài chẳng chút động tâm, sau này đã trở thành một tấm gương sáng cho người phàm.
Chuyện kể rằng có một lần khi đang vi hành qua một thôn trang thì có vài người tiến đến tìm Đức Phật và nói năng rất thô lỗ, thậm chí còn chửi mắng thậm tệ.
Đức Phật đứng uy nghiêm, điềm đạm lắng nghe, rồi ngài nói:
“Cảm tạ các vị đã đến tìm tôi, nhưng tôi đang có việc gấp cần đi đến thôn kế tiếp để gặp một người. Ngày mai, khi quay trở về tôi sẽ có nhiều thời gian hơn, đến lúc đó các vị có điều gì muốn nói cứ việc nói với tôi, vậy có thể hẹn ngày khác không?”
Bậc quân tử tâm kiên định như núi; còn kẻ tiểu nhân một chút cũng tranh giành; tranh cãi...
Không ai trong số thôn dân tin những gì mắt thấy tai nghe, họ không hiểu Đức Phật rốt cuộc bị làm sao.
Một người trong số họ bèn hỏi:
“Chẳng lẽ ông không nghe thấy những lời chúng tôi nói sao? Chúng tôi nói những lời khó nghe vậy mà ông không có phản ứng gì hết!”
Đức Phật nói:
“Ông muốn tôi đáp lại ư, quả thực quá trễ rồi, nếu như ông gặp tôi từ 10 năm trước, có lẽ tôi sẽ phản ứng lại. Nhưng 10 năm qua, tôi đã học được cách tự chủ, tôi không còn là nô lệ của bản thân cũng như bị người khác tác động làm cho mất kiểm soát nữa. Tôi thấy cần làm gì thì làm vậy, chứ không phải là thuận theo phản ứng của người khác mà làm.”
Biết ơn những gì cuộc sống ban tặng sẽ gặp thiện duyên, tấm lòng bao dung độ lượng sẽ thiện giải nghiệt duyên trong kiếp nhân sinh, cuộc sống mỗi ngày đều ngập tràn hạnh phúc. Với con người mà nói, phần lớn phẫn uất bất bình đều là do tham lam dục vọng và tâm đố kỵ mà sinh ra, chỉ vì một chút lợi nhỏ, hoặc chỉ vì bản thân bị thiệt hại đôi chút mà hàng xóm láng giềng xô xát, cãi vã nhau giữa đường. Nếu trước công danh lợi lộc mà giữ vững tâm tính, thì dĩ nhiên là tinh thần sẽ thư thái, tâm sẽ an lạc, sẽ không chỉ vì một chút lợi nhỏ mà nổi trận lôi đình.
Con người ta nếu tấm lòng bao dung quảng đại, giống như biển rộng vui vẻ đón nhận trăm sông, giống như núi cao đứng sừng sững giữa đất trời, thì cuộc sống của họ sẽ luôn tiêu diêu tự tại.
Most Venerable Thích Tuệ Minh gởi