Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
LUẬT ĐỐI KHÁNG
 


Đối kháng là hình thái của hai mặt tương phản, đối lập. Tương phản, đối lập luôn xuất hiện trong bất cứ tập thể, tổ chức, xã hội nào. Có những đối kháng đưa đến tan rã, cũng có xuất hiện một thành tựu mới từ đối kháng đem đến.

Trên thế giới có nững quốc gia đa đảng càng tạo phức tạp;hai đảng đủ chấn chỉnh lẫn nhau những ưu khuyết khi có chung một mục đích xây dựng, tái tạo vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, lòng người làm sao tránh khỏi tham vọng, tham vọng bè phái, tham vọng vì mục đích chính trị…cũng có những đối kháng do hận thù triệt hại lẫn nhau. do đó, đối kháng là bản chất đương nhiên trong cuộc sống, khác chăng là bản chất thiện hay bất thiện.

Trong việc tu tập, cảm thọ là trạng thái tiếp nhận hoặc vui hoặc buồn (lạc thọ khổ thọ), và không vui không buồn. Vui và buồn là hai mặt tương phản của cảm thọ; không vui không buồn là trạng thái vô ký của cảm thọ; không vui không buồn là trạng thái tương phản của buồn vui.Dù buồn hay vui đều là hạt giống của nhân quả trên con đường luân hồi.Buồn vui, sướng khổ mang chung bản chất tương đối, không thật. Cái buồn của người này lại là niềm vui của kẻ khác. Ngay tự thân, một tham vọng danh lợi thành đạt là niềm vui, nhưng khi thành đạt đã nếm biết bao đau buồn phiền não.Một chiếc ghế tranh đấu tính toán gian khổ lo âu mới được như ý muốn, nhưng chưa hẳn được an ổn khi còn bao nhiêu kẻ khác dòm ngó.Thầy chuẩn bị viên tịch,có lắm đệ tử tham vọng kế thế trụ trì, một khi làm trụ trì thì bị vây bao nhiêu trách nhiệm;một chức danh trong Giáo hội, không hẳn lúc nào cũng vô tư được chỉ định. Muốn tồn tại vững bền cũng phải kính trên nhường dưới bằng mọi hình thức. Thì cái vui mãn nguyện đó xây dựng trên bao lo âu tính toán cho vừa long mọi bề. Ngay cả giáo phẩm được Hiến chương và quy chế Tăng sự quy định theo tuổi tác, thế nhưng vẫn có những “Đại đức, Hòa Thượng” non, có nghĩa chưa đủ tuổi để tương xứng với giới phẩm và giáo phẩm. Tranh thủ như thế để làm gì? Không được thì khổ, được thì vui, dù đạt được theo ý nguyện thì vui buồn luôn tồn tại cùng một lúc.

Trong cuộc sống không ai được hài lòng mọi người, càng được lòng nhiều người thì càng gặp đố kỵ ganh ghét bôi xấu. An phận thủ thường ư? Những tham vọng bon chen sẽ phê phán người an phận là sống ích kỷ… người xưa có câu:”ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”

Trước những tương phản đối lập trong đời người, với cặp mắt một người biết tu sẽ xử sự thế nào? Quan trọng không nằm ở sự khen chê mà nằm ngay chính tâm thái của người tu phật. Không bận tâm khen chê khi việc làm, lời nói và ý nghĩ tự thân không nhuốm mùi danh lợi, không hận thù đố kỵ thì mọi buồn vui là hạt sương ngoài không gian vô nghĩa.

Như thế có bị xem là vô cảm? Có hai trường hợp người Phật tử thực hiện để thoát khỏi những vướng bận đối kháng tương tức:

1/ Quán xét  tất cả mọi đối kháng chướng duyên trong cuộc sống đều là nghiệp duyên, là mộng ảo, hoặc xem là sự thử thách để trưởng thành tâm vô ngại.

2/ Cưởi ngựa xem hoa là tâm thái không vướng mắc khổ thọ, lạc thọ của đời người. Pháp hành xả tâm, “như lý tác ý” xem hiện trạng mâu thuẩn trong đời như đang xem cuộn phim quay nhanh vô nghĩa. Không dụng tâm phán xét thì làm gì có buồn vui đối kháng tác động.
Một Thiền sư bị vu oan mạt sát, ngài  bảo – Thế à, khi xin lỗi vì hiểu lầm, ngài cũng bảo – thế à. Như vậy luật đối kháng chỉ có giá trị khi tâm còn vướng mắc. Tâm buông xả như nước chảy qua cầu thì: “nhạn quá trường giang, ảnh trầm hàn thủy,nhạn vô lưu tich chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm” (Hương Hải Thiền Sư - Thời Lê). Có nghĩa nhạn bay qua sông không có ý lưu lạ dấu vết, nước sông cũng chả để tâm lưu lại bóng hình.
Đối kháng thì kháng đối lại có chi mô hè.

MINH MẪN                                                                                                               

26/6/2021
 
 
Tác giả gởi