Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Lưu Đày Xứ “Thiên đường hạ giới USA



Thân Kính Chào Quý Niên Trưởng Và Các Bạn
 
Những ngày tháng này, tháng 5, 46 năm về trước, dân Sài Gòn sau vài tuần sống trong hoang lo sợ đã chứng kiến những cảnh dở khóc dở cười khi thấy một nhóm năm ba anh cán ngố đi dạo phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tự Do. Có anh vừa đi vừa ngẫng cao đầu nhìn những cao ốc năm bảy tầng rớt nón cối lăn lóc giữa đường, có anh cứ tần ngần đứng trước cửa hàng bán đồng hồ radio cassette mà cứ nuốt nước miếng ừng ực, có anh đang đi mà cứ ngoảnh về sau để ngắm nhìn một cô gái vừa đi qua với quần satin đen bóng loáng, chiếc áo bà ba trắng ôm lấy sát người để lộ rõ nét ba vòng cân đối của người phụ nữ, ngực nở, eo thon, mông đầy đặn. Xạo sự tôi đã chứng kiến, một anh cán mua một cái xe đạp mới toanh, trả tiền xong anh hí hửng nhảy lên yên nhún nhảy sửa soạn đạp đi, vừa nhấn bàn đạp được chưa quá 10 thước thì cái pedal gãy ngang lăn lóc giữa đường, mặt cứ nghệt ra không biết phải làm sao, trông vừa tội nghiệp vừa tức cười. Vài ba chị chân mang dép râu đầu đội mũ cối đang đứng cạnh xe đẩy tay bán bò vò viên vừa nhai vừa hít hà húp sồn sột nước lèo, các chị có biết đâu thịt đó chỉ là một lát thịt chó trộn bột năng nấu với đường hóa học cho dẽo giống như thịt bò. Vài ba chị khác thì ngồi chồm hổm cạnh cái nia tre bên lề đường chất đầy hột xoàn, vòng ngọc, cà rá, bông tai trầm trồ xuýt xoa giá nào cũng mua, có biết đâu tất cả chỉ là đồ giả. Dọc theo phố Lê Lợi, trên những balcon lầu hai lầu ba, quần áo kaki Nam Định của bộ đội treo móc ngổn ngang phất phơ trước gió chen lẫn với cờ đỏ sao vàng giống như dọc bờ sông bến Phạm Thế Hiển.

Hôm nay ngồi đây, chợt hồi tưởng những ngày tháng đó trước khi "tình nguyện" vào tù nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát của Nam Lộc "Sài Gòn ơi...ta mất người hay người đã mất tên..." và xin chuyển bài viết của tác giả Như Thắng có tựa đề "Nhớ Về Những Ngày Đầu Tháng 5 Năm 1975", đọc để hồi tưởng lại tâm trạng chung của những người đã từng cầm súng khi bại trận.

Thân Kính Chúc Một Ngày Chúa Nhật Bình An

Út Bạch Lan E22
 


 
NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU THÁNG 5 NĂM 1975
 

Tôi đang đi trên các đường phố SAIGON, “nguyên” thủ đô của Việt-Nam Cộng-Hòa thân quen mà không còn mặc bộ áo quần quân nhân tác chiến như trước đây hai ngày. Không còn mang đôi giày trận dính đầy bùn lầy. Đầu thấy nhẹ nhõm hơn vì không còn đội mũ sắt hai lớp. Cổ không còn vấn quanh dây đeo hai tấm thẻ bài ghi rõ tên họ, số quân và loại máu. Bên cạnh tôi không còn “chiến hữu thân yêu của đơn vị luôn luôn bước cạnh tôi với máy truyền tin PRC-25… với giọng nói quen (như thể người em trong gia đình) … “nghe rõ 5 trên 5, trả lời”! Cái áo giáp thân thương hàng ngày đã che chở tôi trong lúc hành quân không còn trên thân mình và khẩu Colt 12, cùng tấm bản đồ hành quân tỉ lệ 1/100.000, hai vật bất ly thân của một sĩ quan chỉ huy mà tôi đành vất xuống một con lạch gần Thủ-Đức trên đường đi từ hướng Vũng Tàu về Saigon, nơi tôi phải “tử thủ” phòng tuyến cuối cùng giữ “tuyến” trường Bộ Binh Long Thành và trường Thiết Giáp sau khi nghe lệnh của vị Tổng tư lệnh tối cao cuối cùng của QLVNCH “giải giáp một cách bất đắc dĩ” ngoài ý muốn. Tôi phải từ giã tập thể chiến hữu thân yêu sau mười hai năm gắn bó để vui với cuộc đời chiến binh phục vụ nơi chiến trường trong thời chiến khốc liệt nhất, để bảo vệ dân chúng miền nam Việt Nam từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau “an cư lạc nghiệp”. Lúc bấy giờ, tôi chỉ trông khác các người dân chung quanh, mà người tinh ý dễ nhận diện, là “đầu tóc cắt ngắn húi cao của một quân nhân giữ tác phong thường lệ” mà thôi. Tôi đi quanh thành phố SAIGON.. như để xem cảnh đổi thay từng giờ, từng lúc…mà lòng mình tái tê. Ngày xưa, khi còn mặc quân phục, tôi nghĩ đến một ngày nào đó trong tương lai, được cầm trên tay tờ giấy giải ngũ sau thời gian làm tròn bổn phận công dân, được trở về trường cũ cầm viên phấn trắng…nhìn các học sinh như những năm trước khi nhận lệnh “gọi nhập ngũ”, lòng mình sẽ vui biết bao! Đến khu ngã ba Ông Tạ, nơi tôi đi phép mỗi khi về thành phố một hai ngày, nay thấy giày botte de saut, mũ sắt, áo quần trận, bidon đựng nước, ba lô…. bỏ đầy đường mà chẳng ai thèm nhặt….(nhưng chỉ vài tuần lễ sau, ra “chợ trời” vật dụng phế bỏ này được nhiều người từ ngoài bắc vào tìm mua rất đắt giá. Lạ thật! Tình cờ đi ngang qua nhà xuất bản phát hành nhạc TINH HOA MIỀN NAM của nhạc sĩ LÊ MỘNG BẢO làm giám đốc, chủ nhân, cũng là “ông anh quen thân từ khi tôi còn ở Huế, mà tôi bắt chước nhà văn đàn anh Mai Thảo gọi “LMB là “ông anh chi tiền !” (* trong một bài viết của tôi khi nhạc sĩ LMB qua đời có nhắc câu nói này). Tôi thấy nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh mang trên tay áo giải băng màu đỏ. (Sau này tôi mới biết người dân SAIGON gọi họ là “CM 30 tháng TƯ !” đang khuân những bản nhạc ra khỏi cửa hàng sách đổ phẩm màu xanh để xóa đi văn hóa Mỹ ngụy. Nhiều… rất nhiều bản nhạc bìa in rất mỹ thuật… được các người trẻ tuổi này tiếp tục vào tiệm mang ra để xé bỏ hoặc đổ phẩm (mực hóa học) xanh, tím lên xóa bỏ mà nhiều năm trước kia họ đã thưởng thức thích thú hoặc ca hát tưng bừng…Sau nhiều giờ khuân những bản nhạc họ thấy còn nhiều quá, nên bàn với nhau khỏi đem ra phía sân trước tiệm sách, mà đổ phẩm ngay từ trong nhà sách cho tiện lợi hơn. Tôi có một số ca khúc đã in và do TINH HOA MIỀN NAM phát hành toàn quốc… nên các bản nhạc này cũng cùng chung số phận. Đứng nhìn…”những đứa con tinh thần" của mình bị chà đạp mà không giữ được, ngăn được, những kỷ vật thân yêu. Rồi tuần lễ sau, có dịp đi ngang qua các “chợ trời” mới tụ họp trên những quãng đất trống khắp Saigon, Chợ lớn… tôi thấy các bản nhạc, các cuốn sách…. lại được bày bán công khai nơi lề đường phố và khách “chiếu cố” khá đông ! (Như vậy loại nhạc được gọi là “nhạc vàng” của Mỹ-ngụy (tượng trưng màu sắc “vàng” (Bệnh hoạn, sốt rét, đau gan… da vàng) mà không ngờ “nhạc vàng” lúc này đối với người thích sưu tập đã trở thành “nhạc hiếm quý như vàng ròng 24 kara hay sao? Tôi thấy một sinh viên rất vui mừng khi mua được hai tập nhạc của nhạc sĩ PHẠM-DUY đóng bìa da, chữ vàng còn mới toanh. Mỗi cuốn gồm cả trăm bản nhạc có chữ ký của tác giả. Cùng đứng chứng kiến việc xóa bỏ tàn tích văn nghệ “nhạc vàng” đồi trụy Mỹ ngụy, tôi nhận thấy có một số “nhạc sĩ cũ của miền Nam đã trở cờ hay đã “nín thở nằm vùng” từ bao nhiêu năm rồi, nay mới lộ diện. May quá, tôi biết họ mà họ chẳng biết tôi vì tôi là cựu quân nhân ít khi có mặt trong sinh hoạt văn nghệ thành phố mà họ nằm vùng. Năm 1945 và 1975, hai lần mắt tôi chứng kiến việc hủy hoại sách vở. Năm 1945, sau khi Việt-Minh cướp chính quyền, tôi chứng kiến các cán bộ xúi giục dân chúng các thành phố vào thư viện công cộng, vào các thư viện trường học, vào các phòng cho mướn sách khuân ra những sách vở “văn hóa thực dân” đổ ra đường phố…hoặc châm lửa đốt sách. Những cuốn sách giáo khoa tiếng Pháp, tiếng Việt mà thuở đó chúng tôi đang học. Những cuốn sách đóng bìa da, chữ mạ vàng rất quý Tự điển tiếng Việt của Hội KHAI TRÍ TIẾN ĐỨC, tự điển LAROUSSE, tự điển Pháp-Việt , Hán-Việt ĐÀO DUY ANH, tạp chí PHONG HÓA, tạp chí NAM PHONG, tạp chí NGÀY NAY, tạp chí INDOCHINE, tủ sách HỒNG, tiểu thuyết TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, cùng các tập THƠ, VĂN của nhiều tác giả tiền chiến có giá trị văn học, những tạp chí nghiên cứu của Bulletin de l’Ecole Francaise de l’ Extreme-Orient” (Trường Viễn Đông Bác Cổ), Bulletin Des Amis Du Vieux Huế (BAVH)….Những tạp chí, sách vở này rất cần cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh dùng để học….(ở ngoài bắc cũng như trong miền nam) vì thế vài năm sau đó phải in lại để có tài liệu học hành và tham khảo. Rồi tiếp theo hai tuần lễ “Tháng 5/75” sau đó, chính bản thân tôi cũng “theo các bản nhạc”. theo sách vở “Mỹ Ngụy”, bấy giờ họ gọi tôi là ngụy quân” cũng cần phải “hủy diệt”. Loa phóng thanh phường khóm… gọi “sĩ quan ngụy” đi “đăng ký” học tập cải tạo nhớ đem theo tiền ăn 30 ngày. Sau ngày 30 tháng Tư 1975, tôi đâu còn “lãnh lương” nữa Nên tôi phải xin tiền vợ để nộp đủ “sở phí 30 ngày ăn” trong khi đi “TÙ” gọi là “học tập cải tạo” mút chỉ cà tha trong 9 trại tập trung, dọc theo biên giới Căm-pu-chia, Phước Long, đường 10, Dakto, Daksut, Sóc Bom-Bo…! Rồi thời gian sau cả gia đình tôi gồm vợ chồng con cái được “lưu đày viễn xứ” mà theo luật lệ trước 1945 là “phạm tội lưu đày xa xứ là tội nặng sau tội tử hình”.
 
Rồi cuối cùng cũng gặp may được Trời Phật thương cho lưu đày xứ “Thiên đường hạ giới USA” nên tất cả gia đình tôi đều “THÂN TÂM AN LẠC”và được ghi tên “DU HỌC MỸ CẢ NHÀ ” như mộng ước từ thuở thiếu thời!
 
NHƯ-THẮNG

16-5-2021
 

usaelection gởi