Lưu vong và trở về Đất Mẹ
Từ đảo Guam, gia đình cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng được đưa sang Mỹ như những người di tản khác. Đến trại Fort Chaffee, sau đôi tháng, gia đình ông được Trung tướng John Cushman, Chỉ huy trưởng trường huấn luyện sĩ quan tham mưu Fort Leavenworth tại Kansas, từng là cố vấn cho tướng Trưởng tại Việt Nam, bảo trợ về nhà.
Trước khi bắt đầu cuộc sống của gia đình tướng Trưởng trên xứ người, hãy bắt đầu bằng câu chuyện khá thú vị về đời sống các vị tướng Mỹ đương nhiệm.
Theo bà Nguyễn Tường Nhung kể lại, dù được ông bà tướng Cushman đối xử tử tế và thân tình, nhưng các bữa ăn thường khá đạm bạc như bất cứ gia đình bình dân nào, chỉ cereal với sữa buổi sáng, trưa ăn hot dog hay pizza và tối ăn dăm món ăn đơn giản, có thứ bà chưa quen nên nhịn đói và khá tủi thân. Đến khi Đại tướng Richard Stilwell, cấp phó của tướng Westmoreland trong chiến tranh Việt Nam ghé thăm vì cũng quen biết ông bà bên Việt Nam thì ông bà Trung tướng Cushman cũng dọn dĩa cà-ri gà với dĩa salad nhỏ cùng bánh mì sandwich, bà Nhung mới hiểu đời sống các vị tướng Mỹ thanh bạch và đơn giản như vậy.
Chính vì vậy mà các vị tướng cũng không giao du nhiều với thế giới dân sự để có thể tìm việc thích hợp hay gửi gắm tướng Trưởng. Cuối cùng tướng Cushman cũng tìm được việc cho cha con tướng Trưởng: tới nông trại học và làm tướng tư lệnh điều n tướng cả vạn binh sĩ, tướng Trưởng ngày ngày ra ruộng làm việc và tối về nhà lấm lem, mỏi mệt. Liệu có ai có thể nghĩ mình đã vất vả và kém may mắn hơn thế trong những ngày đầu tiên trên xứ người?
Bà Nhung viết riêng cả một tùy bút với tựa đề “Cái ấm đun nước bằng điện” để kể về những tháng ngày đầu tiên như trên tại Mỹ. Lý do cái ấm điện còn trong ký ức của bà gần nửa thế kỷ là, nhờ vợ của một đại tá Mỹ là người Việt Nam cho cái ấm nước điện tí xíu và chưa tân kỳ như hiện nay, mỗi lần chỉ đủ nấu một gói mì, mà cả nhà bà được bữa ăn “Việt” ngon và nhớ suốt đời.
May mắn cho ông bà là sau một thời gian, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã mời ông tham gia viết về kinh nghiệm của quân đội VNCH cho trung tâm quân sử tại Virginia. Đây cũng là tiểu bang mà tướng Trưởng đã sống cho đến cuối đời và bà Nguyễn Tường Nhung hiện vẫn đang an hưởng tuổi già cùng con gái và các cháu tại đây.
Đến Mỹ tay trắng nên khi gia đình tướng Trưởng dọn sang Virginia nhận việc, các tướng tá Mỹ quen biết đã gom góp tặng cho ông bà được năm ngàn đô để làm chi phí bước đầu.
Về Virginia mướn chung cư, ông đi làm với mức lương một ngàn mỗi tháng, tức khoảng gần sáu ngàn đô la theo thời giá hiện nay và mỗi tối vào đại học cộng đồng để học thêm. Còn bà đi học tóc theo những người quen đã sang Virginia trước gợi ý, vì trong số đó cũng có vợ của các cấp tướng, tá VNCH cùng đi học. Học đủ hai ngàn giờ, bà Nhung trở thành một thợ cắt tóc với mức bao lương $75 một tuần.
Làm vài năm có đủ kinh nghiệm, bà nghe lời khuyên vài người bạn và gom góp vay mượn, sang một tiệm tóc nho nhỏ có hai thợ. Làm mấy năm vẫn không khá lại bận rộn suốt tuần, bà sang tiệm rồi lại đi làm thợ cho người khác. Cũng gặp khách khó tính hay có chuyện đụng chạm, thợ tranh giành khách. Tưởng tượng phu nhân một vị tướng cấp cao một thời và xuất thân từ một gia thế tiếng tăm, từng được Tổng thống Park Chung Hee của Nam Hàn thết đãi quốc yến khi bà theo tướng Trưởng dẫn đầu phái đoàn tướng tá VNCH công du sang Hán Thành vào năm 1974, rồi phải trải qua cuộc đổi đời dâu bể, buộc phải mưu sinh như bất cứ người tị nạn nào. Những vị tướng tá tác chiến làm gì có và mang theo cả vali tiền vàng như dăm người nghĩ.
Về phần tướng Trưởng cũng chẳng khá hơn. Việc làm ở trung tâm quân sử Hoa Kỳ cũng không kéo dài, viết xong kinh nghiệm chiến trường là hết việc. Vậy là tướng Trưởng phải tìm việc làm mới. Kiếm việc thì trung tâm việc làm giới thiệu làm công việc đếm xe tại ngã ba đường. Cũng chỉ được thời gian ngắn. Rồi qua lời giới thiệu của một vị tướng Mỹ khác, ông đi làm vườn, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Nhưng rốt lại chủ vườn bảo ông cũng không thích hợp với công việc vì phải cần khuân vác nặng nề.
Cuối cùng ông đi học nghề, học về điện toán ngắn hạn được trả lương qua chương trình giúp đỡ cho người tị nạn. Học xong, ông tìm được việc làm với hãng đường sắt chính phủ trong Washington DC. Ngày ngày ông đón xe bus đi làm, làm một công chức bình thường cho đến tuổi nghỉ hưu.
Chắc những đồng nghiệp người Mỹ của ông không biết rằng người nhân viên Á Đông nhỏ con này từng là một vị tư lệnh lừng lẫy, là tác giả 3 cuốn sách về chiến tranh được Bộ Quốc Phòng lưu trữ và hiện có bán trên Amazon là “The Easter Offensive of 1972 (1983), “The Territorial Forces (1984) và “RVNAF and US Operational Cooperation and Coordination” (1984) về trận chiến tái chiếm cổ thành Quảng Trị năm 1972, về các lực lượng quân sự hay việc phối hợp tác chiến giữa quân đội VNCH và lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Về hưu, con cái đã lớn, ăn học xong, ông bà bắt đầu thảnh thơi hơn, có dịp cùng nhau đi du lịch đó đây như đời sống người hưu trí bình thường khác. Bà sang Pháp, Anh rồi vài nước Châu Âu. Bà kể khi sang Anh, ông bà có gặp cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, lúc Tổng thống Thiệu còn sống tại London, được ông mời và chở ra phố Tàu ăn tối.
Nhưng. Chữ “nhưng” bất toàn và vô lường có thể đến với bất cứ ai và lúc nào.
Tướng Trưởng bị chẩn đoán ung thư phổi. Bác sĩ bảo bệnh đã ở giai đoạn 3 và ông chỉ còn 6 tháng cuối cùng. Ông bình thản đón nhận hung tin và từ chối chữa trị. Vậy mà sự chăm sóc và yêu thương của bà Nguyễn Tường Nhung cùng người thân gia đình đã giúp ông sống thêm được 2 năm, trước khi qua đời vào đầu năm 2007 ở tuổi 77.
Ông để lại di huấn cho các con không báo tin và không làm tang lễ sau khi mất. Dù sau đó các đồng đội xưa và gia đình có tổ chức tang lễ cho ông vì không thể để ông ra đi quá lặng lẽ, như ông đã chọn suốt những năm tháng trên xứ người. “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng”, bại tướng không thể nói mình là dũng. Có lẽ đó là lý do cho chọn lựa đầy tự trọng của ông.
Tro cốt của ông mang về rải trên đèo Hải Vân, vùng đất mà biết bao người lính, kể cả những người lính Mỹ, những đồng đội của ông đã ngã xuống trong cuộc chiến tương tàn mà một thời ông đã sống và chiến đấu cho lý tưởng của mình. Và mang theo nỗi lòng, có thể cả sự dằn vặt đã không bảo vệ được quê hương. Nhưng có là tướng, cuối cùng thì ông cũng chỉ là một quân nhân đã cống hiến cho quốc gia bằng danh dự và trách nhiệm, đâu có quyền quyết định về một cuộc chiến đã có sự dàn xếp chung cuộc.
Gấp lại cuốn hồi ức “Tháng Ngày Qua” của bà Nguyễn Tường Nhung mà tôi đã giở tìm đọc lại dăm trang không ít lần, mỗi đoạn mang cho tôi những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Cuộc đời mỗi người ai chẳng có những thăng trầm, thách đố những sự thay đổi quá cách biệt và quá nghiệt ngã ở một số người, như gia đình cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng kham được và đủ nghị lực vượt lên số phận cũng giúp tôi chiêm nghiệm hơn về đời sống.
Tôi vẫn thích đọc những đoạn bà kể về hoa, về tường vi, bằng lăng tím hay những mùa sim tím miền Trung, về những mùa ve sầu gọi tình trên xứ người, những ngày sinh nhật hay mùa lễ Tạ Ơn đáng nhớ của bà, trong đó ghi lại kỷ niệm lúc thiếu thời hay với ông. Tôi nghĩ lòng phải thật bình yên sau những đổi thay đầy khắc nghiệt đó mới cảm nhận và hồi tưởng lại những điều nho nhỏ hiện hữu giữa thiên nhiên đất trời như vậy. Có lẽ vậy mà phần viết cuối cùng của bà là “Lòng chợt bình yên”, viết về những tháng ngày bình yên hiện nay.
Còn cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tro cốt ông được quy về cố quận và rải xuống biển từ một con dốc nào đó trên đỉnh đèo Hải Vân chập chùng mây nước. Người con kiêu hùng của quê hương cuối cùng đã về với đất Mẹ. Về để nghe tiếng gió lộng giữa đèo cao hay bềnh bồng trong tiếng sóng biển vỗ bờ.
“Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng, núi cây rừng…”. Tiếng gió rừng lao xao những tàn lá. Chiều đã buông. Một cánh chim xoải cánh bay vào màn đêm. Không còn để lại vệt gì.
Đinh Yên Thảo
May 24th, 2024
______________
Đỗ Hứng gởi