Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Mắc cạn trên không trung


 



































Phi thuyền Starliner đáp xuống mặt đất sau một chuyến bay thử nghiệm không người

Bạn được cử đi công tác xa nhà trong thời gian hai tuần, đến một nơi thú vị, tuy không phải là lần đầu tiên bạn được đến đó. Bạn sử dụng một phương tiện vận chuyển mới ra lò để đi và về. Trước nay, phương tiện này chưa từng được dùng để chở người. Bạn đến an toàn, nhưng phương tiện vận chuyển gặp trục trặc, phải đậu tại chỗ và cần được sửa chữa. Nơi cử bạn đi, cũng là cơ quan sản xuất phương tiện cho biết chẳng biết ngày nào mới sửa xong, có thể phải mất vài tháng. Không có phương tiện nào khác để giúp bạn về, và nơi trong thời gian đó, bạn phải chia sẻ không gian sống rất chật hẹp, tù túng, điều kiện sinh hoạt hạn chế, thực phẩm chẳng những không ngon lành gì mà lại còn bị phân phối. 

Đó là hoàn cảnh của ông Barry “Butch” Wilmore và bà Sunita Williams, hiện nay, sau hai tháng…trên trời. Nói cho thật đúng, họ đang ở trên Trạm Không gian quốc tế ISS, trong  quỹ đạo bay quanh Trái đất, ở độ cao trên 400 cây số và với tốc độ hơn 27 ngàn km/giờ.

Kể ra thì nơi này cũng khá thú vị. Hai phi hành gia có thể nhìn thấy mỗi ngày 16 lần hoàng hôn và bình minh.

Starliner: một công trình đáng mắc cỡ của đại công ty Boeing

Hai phi hành gia Hoa Kỳ Barry Butch Wilmore và Sunita Williams bay lên trạm không gian ISS ngày 5 tháng 6 vừa qua trên chiếc phi thuyền Starliner do công ty hàng không không gian Boeing chế tạo. Sứ mạng của họ, chuyến bay thử nghiệm có người điều khiển của chiếc phi thuyền mới tinh, theo kế hoạch chỉ kéo dài 8 ngày. Nhiệm vụ của Sunita Williams và Barry “Butch” Wilmore chỉ là thử xem cái tàu không gian mới này bay ra làm sao khi chở người.

Sứ mạng này đã trục trặc ngay từ đầu, thực sự là đã trục trặc từ lâu lắm trước đó. Chương trình Starliner trễ theo lịch trình đến 4 năm trời, và con tàu Starliner đã được phóng lên không gian trễ mất một tháng theo lịch trình do trục trặc với hỏa tiễn Atlas, với hệ thống máy tính đếm ngược và với sự rò rỉ khí helium trong hệ thống dùng để tạo áp suất cho động cơ đẩy của khoang tàu.  

Đây là lần đầu tiên Boeing đưa phi hành gia lên không gian. Ngay cả trước khi Wilmore và Williams được phóng lên vào ngày 5 tháng 6, con tàu đã bị rò rỉ ở hệ thống ống nước liên quan đến động cơ đẩy. Boeing và NASA đã đánh giá rằng rò rỉ heli nhỏ này ổn định và được cô lập, sau đó cho phép bay. Nhưng ngày hôm sau, khi Starliner tiếp cận trạm ISS, lại có thêm bốn vụ rò rỉ khác xảy ra. Năm động cơ đẩy cũng bị hỏng.

Con tàu đã cố gắng ráp nối được với trạm không gian ISS an toàn, và bốn động cơ đẩy cuối cùng đã hoạt động. Nhưng các kỹ sư đã phải vật lộn, tiến hành thử nghiệm động cơ đẩy trên mặt đất và trong không gian để tìm nguyên nhân và sữa chữa. Sau hai tháng, họ vẫn chưa tìm được  nguyên nhân gốc rễ gây ra trục trặc ở các động cơ đẩy. Gần như tất cả 28 động cơ đẩy đều có vẻ hoạt động tốt chỉ trừ một, nhưng Boeing lo ngại là sự an toàn của phi hành đoàn có thể bị đe dọa nếu lại có thêm một số động cơ nữa bị trục trặc. Các động cơ đẩy cần thiết ở cuối chuyến bay để giữ cho phi thuyền ở đúng vị trí khi được đưa trở vào khí quyển.

Sau khi các phi thuyền con thoi ngừng hoạt động vào năm 2011, NASA tiến hành chương trình Commercial Crew Program (CCP), giao cho tư nhân thiết kế và vận hành các phi thuyền. Kết quả là Boeing được trao cho một hợp đồng trị giá 4,2 tỷ đô la vào năm 2014 để thiết kế một phi thuyền có khả năng vận chuyển các phi hành gia lên trạm ISS. Công ty SpaceX của Elon Musk cũng được một hợp đồng trị giá 2,6 tỷ đô la cho cùng một công việc. NASA cố tình thuê hai công ty để đưa các phi hành đoàn của mình đến và đi từ trạm vũ trụ, giống như cách họ đã làm để vận chuyển hàng hóa, Hoa Kỳ coi đó là một loại hợp đồng bảo hiểm. Nếu một phi hành đoàn hoặc nhà cung cấp hàng hóa bị mắc kẹt, bên kia có thể mang hàng hóa.

Nhưng trong khi Space X đã thực hiện trơn tru nhiều chuyến vận tải hàng và cả người lên ISS cho NASA từ năm 2020, chương trình Starliner của Boeing đã bị chậm trễ nhiều năm do hàng loạt  vấn đề, về cơ khí và nhu liệu, gây thiệt hại 1,4 tỷ đô la cho công ty. 

Được công bố vào năm 2010, Starliner là khoang phi hành đoàn (crew module) của Boeing, được thiết kế để đưa các phi hành gia vào quỹ đạo Trái đất ban đầu dự kiến sẽ bay sớm nhất là vào năm 2015, trở thành một con đường dài và gian nan. 

Vào tháng 12 năm 2019, Boeing đã tưởng là Starliner đã sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên không có người. Nhưng chuyến bay đã thất bại, máy tính trên phi thuyền đã… tự động tắt 11 tiếng đồng hồ. 

Không phải chưa từng có

Chuyện hai phi hành gia Mỹ đang bị mắc cạn trên không gian không phải là vụ đầu tiên. Trước họ, từng có vài phi hành gia gặp trường hợp tương tự và sứ mạng của họ bị kéo dài. 

Về phía Mỹ, phi hành gia Frank Rubio là người nắm giữ kỷ lục về chuyến bay không gian dài nhất. Tháng 12 năm 2022, sau khi đưa Rubio lên ISS, phi thuyền Soyuz bị hỏng vì va chạm với thiên thạch đã không còn đủ khả năng đưa ông trở về Trái đất và phải trở về không có người. Hệ quả là sứ mạng được ấn định 6 tháng của Rubio đã kéo dài hơn gấp đôi, lên đến 371 ngày. Frank Rubio đã trở về Trái đất trên một tàu Soyuz thay thế vào tháng 9 năm 2023.

Nhưng câu chuyện của vũ trụ gia (người Nga gọi những người bay lên trời của họ là cosmonaut, vũ trụ gia) Sergei Krikalev là độc đáo. Tháng 5 năm 1991, Sergei Krikalev của Liên xô bay lên trạm vũ trụ Mir với một sứ mạng dự trù chỉ là vài tháng. Trong khi trên trời mọi việc diễn ra bình thường, nhưng đất nước của Krikalev thì là chuyện động trời: Liên bang Xô viết bắt đầu tan rã.

Vào tháng 8 năm đó, những người theo đường lối cộng sản cứng rắn cố gắng lật đổ Mikhail Gorbachev, xe tăng có mặt trên đường phố Moscow.

Bốn tháng sau, Liên Xô sụp đổ hoàn toàn và mặc dù các phi thuyền tiếp tế vẫn tiếp tục được phóng lên, vẫn có một số nghi ngờ về thời điểm Krikalev (và đồng nghiệp của Aleksandr Volkov, người mới được đưa lên Mir sau đó), có thể trở về. Địa điểm phóng và hạ cánh của Liên Xô hiện nằm ở Kazakhstan, quốc gia mới giành được độc lập. Điều đó có nghĩa là chính phủ Nga phải đàm phán một thỏa thuận để duy trì chương trình không gian của mình.

Ngày đi, quê hương của Krikalev là Liên bang Sô viết. Sau gần một năm trên quỹ đạo, nhà du hành vũ trụ này đã trở về “quê hương mới” của mình là nước Nga.

Tổng cộng thời gian của Krikalev ở trên quỹ đạo trong chuyến du hành này là 311 ngày.

Các kỹ sư cũng sớm phát giác một vấn đề về nhu liệu thứ hai, có thể khiến khoang điều khiển (service module) đâm vào khoang phi hành đoàn (crew module) trong khi tách ra trước trở lại bầu khí quyển của Trái đất. Các vấn đề nghiêm trọng đến mức các giới chức NASA cho biết phi thuyền có thể bị phá hỏng, và nếu các phi hành gia có mặt trên tàu, tính mạng của họ không bảo đảm. Chuyến bay này không đến được trạm ISS nhưng đã trở về được.

Lần thử phóng tiếp theo, vào năm 2021, cũng lại thất bại vì một số van trong khoang điều khiển đã bị ăn mòn. Mãi cho đến năm 2022, Starliner mới thành công với chuyến bay không người đến trạm ISS. Nhưng chưa hết, Boeing phát giác thêm một số vấn đề: băng keo dễ cháy trong khoang cần phải tháo ra và hệ thống dù bị trục trặc.

Trước chuyến bay thử nghiệm, NASA và Boeing đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ hết sức cẩn thận để bảo đảm chuyến bay được an toàn nhất có thể và mạng sống của các phi hành gia là ưu tiên hàng đầu. Nếu Boeing có thể đưa phi hành đoàn đến trạm và quay trở lại thành công, NASA sẽ chứng nhận tàu Starliner cho các chuyến bay đổi phiên phi hành đoàn thường xuyên, vận chuyển bốn phi hành gia cùng một lúc.

Thêm người, ISS có gặp khó khăn gì không?

Cho Wilmore và Williams, vì va-ly của hai người đã được lấy ra khỏi Starliner trước khi phi thuyền cất cánh để lấy chỗ cho thiết bị cần thiết khẩn cấp cho hệ thống tái chế nước tiểu thành nước uống, họ đã sử dụng quần áo dự phòng đã có sẵn ở trên ISS. Sau đó, một phi thuyền tiếp tế đêm thêm quần áo cho họ, cùng với thực phẩm bổ sung và các thí nghiệm khoa học cho toàn bộ số người trên trạm không gian – lúc này đã trở thành 9 người. Sáu người Mỹ và 3 người Nga. Về không khí, trạm ISS có hệ thống tạo oxy riêng. 

Wilmore và Williams cũng không lo về chỗ ngủ, mặc dầu Trạm ISS chỉ có 7 chỗ ngủ, nhưng họ có thể ngủ trên sàn hoặc trên trần (trong điều kiện vô trọng lực).  Cần biết thêm trạm ISS có đến 3 nhà vệ sinh, cho nên cũng không khó khăn gì cho lắm.

Ngày trở về xa lắc lê thê

Mặc dầu thay vì đi và về trong 8 ngày, bà Williams và ông Wilmore, đã phải ở trên trạm không gian hai tháng trời. Thế nhưng  NASA vẫn khẳng định phi hành đoàn không bị “mắc kẹt” trên trời. 


Cũng đông vui: chín phi hành gia (6 Hoa Kỳ và 3 Nga) cùng có mặt trên Trạm ISS.
Hai phi hàng gia ở hàng đầu, bên trái và bên phải là Williams và Wilmore

 

NASA đã nhấn mạnh ngay từ đầu rằng nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp tại trạm không gian — như hỏa hoạn hoặc giảm áp suất— hai người vẫn Starliner vẫn có thể sử dụng Starliner làm xuồng cứu sinh để ra đi. 

Scott Hubbard, một cựu giám đốc điều hành của NASA chơi chữ, nói rằng các phi hành gia “mắc cạn” (kind of stranded), nhưng chắc chắn không bị “mắc kẹt” (stuck). Họ an toàn trên trạm ISS, không thiếu thốn gì, từ đồ đạc đến công việc.

NASA giải thích thêm rằng Trạm ISS có hai phi thuyền đang hoạt động có thể đưa tất cả các phi hành gia trở về Trái đất — một phi thuyền Crew Dragon của SpaceX và một phi thuyền Soyuz của Nga. Họ dẫn vụ hôm 26 tháng 6 khi vệ tinh RESURS-P1 của Nga bị vỡ tan. Vệ tinh này đã rải ra không gian hơn 100 mảnh vỡ. Khi đó, 9 phi hành gia trên ISS đã phải trú ẩn trong Crew Dragon, Soyuz và Starliner để sẵn sàng bay trở về Trái đất bằng cả ba phương tiện trong trường hợp xảy ra thảm họa.

Cả Wilmore và Williams, khi nói chuyện với các phóng viên lần đầu tiên kể từ khi phóng, “dường như” đều đồng ý rằng họ “không bị mắc kẹt”.

Về an toàn của tình trạng cư trú, bà Williams nói: “Về nơi chúng tôi đang ở, về những gì chúng tôi biết vào lúc này, và cách phi thuyền bay khi nó đang đến để thực hiện ghép nối, tôi cảm thấy tự tin rằng nếu chúng ta phải làm vậy, nếu có vấn đề với Trạm ISS, chúng tôi có thể vào phi thuyền của mình và chúng ta có thể tách ra, nói chuyện với nhóm của mình và tìm ra cách tốt nhất để trở về nhà”, Williams cho biết.

“Tôi có một cảm giác thực sự tốt trong lòng rằng phi thuyền này sẽ đưa chúng tôi về nhà, không vấn đề gì. Chúng tôi hiện đang học cách tối ưu hóa tình hình cụ thể của mình và chắc chắn rằng chúng tôi biết mọi thứ về nó».


Sunita Williams kết thúc cuộc họp báo bằng màn nhào lộn trong khoang thí nghiệm Kibo của Nhật bản. NASA TV
 

Khi được hỏi có tin tưởng chiếc Starliner hay không, Wilmore cho biết “chúng tôi hoàn toàn tự tin”.

“Chúng tôi thực sự đang tiến hành thử nghiệm động cơ đẩy khi chúng tôi nói chuyện tại White Sands, New Mexico, cố gắng tái tạo (các vấn đề) mà chúng tôi đã thấy khi chúng tôi đang gặp gỡ Rendezvousing”, ông nói. “Và chúng tôi sẽ học hỏi từ điều đó. Và chúng tôi sẽ kết hợp các new processes, new procedures quy trình mới, các thủ tục mới mà chúng tôi sẽ sử dụng nếu cần thiết”.

Thế nhưng NASA không muốn dùng phi thuyền Starliner để đưa hai phi hành gia trở về nếu không bắt buộc phải làm như thế. “ Ken Bowersox, quản trị viên phụ trách ban giám đốc nhiệm vụ hoạt động không gian của NASA, cho biết “… chúng tôi không chỉ phải đưa phi hành đoàn trở lại trên Starliner. Chúng tôi có thể đưa họ trở lại trên một phương tiện khác”.

Phương tiện đó có thể là một phi thuyền Crew Dragon khác. Tuần này, NASA thông báo rằng chuyến bay có người lái tiếp theo của SpaceX, dự kiến diễn ra vào ngày 18 tháng 8, giờ sẽ phóng vào ngày 24 tháng 9. Và thay vì chở bốn phi hành gia lên ISS, nó sẽ chỉ chở hai người.

Điều đó sẽ cho phép Wilmore và WIlliams quay trở lại trên hai ghế trống của Crew Dragon, có thể là vào tháng 2 năm 2025. Và nếu đúng như thế, sứ mạng 10 ngày theo kế hoạch của họ sẽ kéo thành khoảng tám tháng. Thời gian đó dài hơn 210 ngày (khoảng bảy tháng) mà Starliner được đánh giá là vẫn có thể bay sau khi cập vào ISS, nhưng điều đó có nghĩa là họ vẫn có thể trở về nhà trước thời hạn đó.

Cạn hay kẹt có khác gì nhau?

Nói cách nào thì nói, rõ ràng là hai phi hành gia Barry E. “Butch” Wilmore và Sunita Williams vẫn đang còn ở trên trời một cách không mong muốn. Chẳng có ai muốn  một chuyến công tác hai tuần trở thành tám tháng.

Lên trạm Mir năm 1991, vũ trụ gia Khiralev trở về Trái đất năm 1992 khi Liên bang Sô viết không còn nữa

 

Nhưng cả hai phi hành gia vẫn vui vẻ – hay làm ra vẻ vui vẻ, với hoàn cảnh này. Họ là những phi hành gia chuyên nghiệp, đều đã chuẩn bị để vượt qua khó khăn. 

Hai phi hành gia Wilmore và Williams đều tốt nghiệp Trường Phi công thử nghiệm của Hải quân Hoa Kỳ và đều đã từng lên không gian hai lần trước đó. Ông Wilmore đã bay trên phi thuyền con thoi Atlantis trong sứ mạng dài 11 ngày vào năm 2009 và đã dành gần sáu tháng trên trạm vào năm 2014-2015. Williams đã lên Trạm ISS hai lần, một vào năm 2007 và một vào năm 2012, thời gian của hai sứ mạng là gần một năm trong không gian. 

Steve Stich, một viên chức cấp cao của NASA, nói: “Butch và Suni đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì chúng tôi cần họ làm”, 

Trong một cuộc họp báo viễn liên vào tháng 7, bà Suni Williams cho biết hai phi hành gia không thấy bực bội mà đang tận hưởng thời gian “có thêm” trong không gian: “Chúng tôi đang có khoảng thời gian tuyệt vời ở ISS. Butch và tôi đã từng ở đây trước đây, và cảm giác như… được trở về nhà. Thật tuyệt khi được trôi nổi (quanh Trái đất). Thật tuyệt khi được ở trong không gian và làm việc ở đây với nhóm Trạm Không gian Quốc tế.”

Dĩ nhiên họ không ngồi không ngắm cảnh. Ngoài việc tiến hành các thí nghiệm khoa học, sự quen thuộc của hai người với ISS và hoạt động bên trong của Trạm có nghĩa là họ đã nhanh chóng được triển khai vào các “công việc trong nhà”, chẳng hạn như sắp xếp hàng hóa, phân loại nguồn cung cấp thực phẩm và làm sạch các giá đỡ thiết bị. 

Dana Weigel, giám đốc chương trình ISS của NASA nói Williams và Wilmore đã được “huấn luyện đầy đủ trong trường hợp họ cần ở trên ISS vì bất kỳ lý do gì, trong thời gian dài hơn” và “Thật hữu ích khi có thêm một đôi tay trên phi thuyền…”.

Nhưng không thấy có tuyên bố nào của họ về cái tương lai (nay không còn là viễn ảnh nữa) phải ở lại trạm ISS đến 8 tháng.


Đỗ Quân 

_____________



Đặng Hữu Phát gởi