Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
MÂM 100 - CÔN ĐẢO - 1984 



MÂM là tiếng lóng để chỉ các chuyến tàu vượt biên bị bắt vào Trại Côn Đảo , và Mâm của tôi là thứ 100. Trong cuốn BÊN THẮNG CUỘC của Huy Đức ở phần " Vượt biên " có kể sơ qua về 1 chuyến vượt biên đầy bão táp phong ba chính là MÂM 100 , tuy có vài chi tiết nhỏ không quan trọng chưa chính xác nhưng không làm thay đổi bản chất tang thương của chuyến đi . Đây cũng là chuyến đi ám ảnh tôi suốt đời . Thú thật , thỉnh thoảng ngủ vẫn mơ thấy , giẫy dụa đấm đá chửi thề, giật mình thức giấc nước mắt vẫn đầm đề . Tôi đã muốn viết lại chuyện này lâu rồi nhưng sợ độ dài + tay chân mắt mũi lọng cọng nhiều rồi .... Xin vào chuyện !
 
Năm 83 tôi bị kẹt gần như nguyên năm dưới Tà Niên , ra trại không lâu thì lại tham gia tiếp chuyến này. Tổ chức chuyến đi này là tay cán bộ Bắc thuộc loại có cỡ của Vũng Tàu, vợ con ông ta cũng đi chuyến này, chuyến này đặc biệt có khá nhiều dân Bắc 75 tham gia, trong đó có người nổi tiếng , sở dĩ Huy Đức biết chuyện này để viết vì HĐ đã gặp một trong những người nổi tiếng đó .
 
Tham gia chuyến này ngoài tôi còn có gia đình bác tôi + Bà tôi + Dì tôi . Chiều 26 tết 1984 , chúng tôi rời khỏi nhà khi có một xe hơi Honda Accord do một tay thiếu úy bộ đội lái  tới nhà đón, hắn gác cây AK phía trước tay lái trông rất khí thế , hơn 20 chuyến trước tôi đi phải trốn chui trốn nhủi thì chuyến này quá ngon lành ! Thời đó , vùng  Đồng Nai nổi tiếng bán bãi bán trạm ... vượt biên như đi chợ , thời của Nguyễn Hữu Giộc bí danh 10 Vân - Giám đốc C.A ĐN , khoảng 1 năm sau thì ông ta bị ngoài bộ vào bắt và mang án tử hình .

Xe ra tới ngã tư Hàng Sanh thì trời đổ mưa to , mưa trắng trời + dai , tết mà có trận mưa lạ lùng phải chăng là điềm xấu (?) Chúng tôi xuống xe ngay nghĩa trang liệt sĩ Long Thành trời đã sập tối , lúc này đã có vài nhóm người đứng rải rác chờ ở đây , một lát sau thì người của tổ chức tập họp mọi người lại yêu cầu giữ im lặng tối đa và đi theo người dẫn đường . Mọi người đi hàng một cặp theo hông nghĩa trang, yên lặng tối đa + có tiếng trẻ em khóc thì họ yêu cầu cho uống thuốc ngủ . Đoàn người lầm lũi đi bộ khá lâu , có những đoạn người dẫn đường ra dấu dừng lại và tất cả ngồi thấp xuống vì có tiếng người hay ánh đèn phía trước . Đi mãi rồi cũng đến điểm tập trung là bờ một con sông nhỏ , tàu đã chờ sẵn , tại đây cũng đã có một tốp người khác . Tổ chức yêu cầu mọi người ngồi xuống , thình lình tôi phát hiện có một tốp người mang súng ống đi tới nói gì đó với những người của tổ chức .

Tôi vội vàng tụt đôi sandal và từ từ tụt dần xuống phía sau đoàn người để nếu có bất trắc thì phóng chạy ngay , tôi đã từng chạy thoát dưới làn mưa đạn ở khu vực Long Thành này rồi vả lại tôi mới được tự do không lâu nếu bị vào nữa thì kẹt lắm. Họ bàn bạc gì đó một hồi thì một tay cầm súng đến chỗ đoàn người nói lớn " Chúc bà con thượng lộ bình an , đêm nay bà con đi rồi , tiền VN bà con không xài nữa xin để lại hết cho anh em tụi tui .... " Bà mẹ nó thì ra tụi nó xin tiền , hú hồn . Mọi người lục tục vét tiền đưa tụi nó , bọn này là du kích địa phương. Sau đó thì mọi người được xuống tàu, lát sau thì tàu nổ máy nhổ neo lên đường .

Lúc này trời đã khuya , đêm cuối tháng không trăng chỉ đầy sao . Mọi người phải dồn hết xuống hầm tàu vì còn trong sông sợ bị lộ, riêng tôi có lẽ do xã giao hay sao đó họ không bắt tôi xuống hầm , tôi cứ lòng vòng trên boong ngắm nhìn cảnh vật  Đêm đó tàu đi ngang Vũng Tàu , nhìn vào tp sáng đèn rất đẹp , đi ngang cả tượng Chúa Jesus dang tay . Sáng hôm sau thì tàu đã ở ngoài biển , mọi người được thoải mái lên boong nhưng hầu hết đã say sóng ói mửa nằm bẹp dưới hầm . Phía sau buồng lái tức phần đuôi của tàu là nơi nấu bếp , trên biển sóng to rất khó nấu , họ phải treo cái nồi đong đưa phía dưới là bếp lửa . Phần nhiều là bà con lên xin nước cơm để pha sữa hay nước cháo để húp , say sóng ói đến mật xanh mật vàng thì ăn gì nổi nữa ! Công tác tổ chức hỗ trợ cứu giúp những người quá yếu sức rất tốt .

Những người không dậy nổi để húp cháo thì có người mang xuống tận nơi , Bác tôi là Bác sĩ , Ông cứ áo may ô trắng + quần đùi trắng + cặp táp đồ nghề thuốc men di chuyển liên tục đến nơi cần cứu giúp . Có một cơ duyên rất hay, số thanh niên tình nguyện trên tàu lại có một anh là học trò lớp 12 của Dì tôi , anh ta nhận ra cô giáo cũ khi xuống hầm tàu phát cháo ( Dì cũng say sóng mệt lắm rồi ), anh ta dìu ngay Dì lên boong săn sóc , anh ta tên Phong là cháu của chủ tàu và đi cùng người em gái tên Ngân + cả 2 đều là học trò Dì nhờ sự chăm sóc của 2 học trò nên Dì khỏe tỉnh táo lại , cả 2 anh em này hiện đã ở Mỹ , Phong bằng tuổi tôi và sau chuyến này thì chơi thân với tôi.

Suốt ngày 27 tết tàu chạy êm xuôi, cảnh trên đại dương rất đẹp rất mênh mông , chỉ thấy trời - mây - nước , con tàu quá nhỏ bé như chiếc lá . Có những lúc thấy từng đàn cá nược bơi theo tàu , các thuyền viên reo lên " đua đi Ông Nược ... ", họ nói phải gọi là ÔNG không được gọi là CON . Cảnh bơi đua rất đẹp rất hào hứng . Đến chiều hôm đó thì tài công báo đã ra hải phận quốc tế , đêm đó mọi người nhẹ nhõm vui vẻ , Dì tôi thì ra sau lái ngồi uống nước trò chuyện với học trò , tôi thì xuống hầm tàu định tìm chỗ nằm . Dưới hầm thì bà con say sóng ói mửa la liệt, kết hợp với mùi dầu nhớt máy tàu thành một cái mùi kinh dị khó tả ... và tôi đã không kềm được cơn ói , ói không ngưng ói không còn gì vẫn cứ muốn ói .

Sáng ngày 28 tết thì tai họa ập tới , Tàu chết máy ! Sau này thì tay tài công thú nhận do anh ta háo thắng quá , tuy là máy mới 100o/o ( máy Ấn Độ ) nhưng anh ta luôn đua tốc độ phun khói đen khiến bể nắp Culat , cũng vì ỷ lại máy mới nên không trang bị thêm máy phụ ( chỉ cần thêm 2 máy koler gắn 2 bên mạn tàu cũng dư sức tới đảo ) và đúng ra đã ra xa như vậy rồi thì chỉ cần chạy garanti cũng tới nơi . Chết máy thì tàu không giữ thăng bằng được , coi như thả trôi tùy sóng gió đưa đi đâu thì đi, nguy hiểm hơn là không bơm nước được ( đây là loại bơm cọ , máy hoạt động thì hệ thống bơm lợi dụng bánh trớn để hoạt động cọ bơm ). Mọi người trên tàu trở nên trầm lắng, thực phẩm + nước ngọt lúc đó tuy còn nhiều nhưng chưa biết sẽ phải ở trên biển bao lâu .

Mùa đó lại là mùa gió thổi vào , tàu chỉ mới ra khỏi hải phận VN không xa thì cũng sẽ không bao lâu gió sẽ đưa tàu trở vào. Ban ngày thì biển luôn êm , gió nhẹ , nhưng càng về chiều tối gió + sóng càng mạnh , về khuya thì sóng càng dữ dội . Tàu đi biển luôn là mũi nhọn để chẻ sóng , lái tàu luôn đâm thẳng vào ngọn sóng , có những ngọn sóng cao như tòa nhà mấy tầng lầu đưa mũi tàu lên cao rồi lại ụp xuống , chỉ cần đóng kỹ nắp hầm thì không sao , sóng đánh lên boong rồi theo các khe thoát nước hết,  nếu đi ngang sóng là lật tàu ngay, tàu liên tục nhồi lên ụp xuống vậy thì ai không quen đi biển thì đố mà không ói , tôi ói thê thảm , ăn vào là ói ngay , lại thêm cái bao tử nó hành , đêm đó nằm bẹp dí dưới hầm luôn .

Dì tôi thì vẫn được 2 học trò chăm sóc kỹ nên có vẻ khỏe hơn tôi , đêm đó Phong có xuống hầm gọi tôi lên bếp ngồi chơi . Vừa mở nắp hầm chui lên thì thấy một bức tường trắng xóa cao rất cao, Phong sập nắp hầm ngay lập tức là nghe một cái ầm , thì ra đó là 1 ngọn sóng . Đêm trên đại dương tối đen như mực , một xô dầu + quần áo xé ra để đốt làm hiệu cầu cứu S.O.S . Càng về đêm sóng càng mạnh càng lớn càng dồn dập , ai cũng ướt nhẹp , tôi lại đau bao tử + lạnh nên chui xuống hầm nằm .....ói .

Nằm dưới hầm nghe tiếng con tàu ọp ẹp kêu rên két két mỗi khi sóng đánh đưa con tàu đi , chỉ sợ sẽ đến lúc con tàu tự tan rã . Lúc này lại thêm một viêc cần làm ngay là BƠM NƯỚC , hầm tàu đã bị vô nước rất nhiều không bơm là có thể chìm , và phải bơm thủ công bằng tay . Các thanh niên xông xáo khỏe mạnh trên tàu đứng ra tổ chức + giữ trật tự trên tàu bắt đầu đánh thức tất cả đàn ông trai tráng trên tàu dậy và phân công thay phiên nhau bơm . Trong số những thanh niên trật tự sau này tôi chơi thân với Phong ( học trò bà Dì ) , Lãnh tài công , Lê ( dân bắc 75 rất chịu chơi chịu đánh đấm ) , Dũng " mắt lộ " ( có dịp sẽ kể về tay này khá đặc biệt ) . Có vài người cự nự không chịu bơm thì nhóm trật tự làm việc ngay " Đ.m bơm hay muốn quăng xuống biển !" . Đặc biệt là Bác tôi , tuy đã ngoài 50 nhưng ông rất khỏe thậm chí khỏe hơn thanh niên , sau này anh em vẫn nhắc và rất nể phục Ông . Do bà con dưới hầm ăn bánh trái xả đầy rác khiến lỗ bơm bị nghẹt , phải lội xuống bươi móc rất cực , thay phiên nhau bơm suốt đêm .

Sáng hôm sau , ai đó la lên " Có tàu kìa !" . Từ xa đúng là có con tàu , mọi người gào hét , tài công bấm đèn hiệu kêu cứu ... không biết nó có nhận được tín hiệu không chỉ thấy nó cứ đứng yên không chạy , khoảng trưa thì có một chiếc phi cơ nhỏ giống như L19 bay quần trên đầu con tàu , nó làm hiệu ra dấu gì đó , tay tài công cho biết nó kêu tàu chạy ra vì tàu mình đã trôi vào hải phận VN nó không vào được . Chiều tối thì tuyệt vọng hoàn toàn , lại đốt lửa làm hiệu S.O.S , lại một đêm chịu sóng to gió lớn hãi hùng . Sáng hôm sau là 30 tết , tàu đã trôi vào sâu trong hải phận VN. Có một con tàu hàng đi ngang nhưng nó bỏ mặc tín hiệu cầu cứu ( sau này ra tòa thì chiếc này cũng bị lôi ra do tội không cứu nạn ) . Gần trưa thì thấy đã vào gần một hòn đảo, tài công cho xoay đuôi tàu hướng vào đảo vì đây là một đảo đầy đá , đá ngầm và đá tảng cao như tòa nhà , sóng dội vào đá trở ra sẽ rất mạnh , sóng mạnh nhấn đuôi tàu xuống thì mũi tàu tự đưa lên không chìm được, nếu đưa mũi tàu vào mà bị nhấn chìm thì tiêu luôn . Tài công cố đưa tàu theo gió xuống phía dưới đảo là bãi cát thì an toàn hơn và có thể tạm trú ở đây tìm cách sửa máy tàu . Đời không như là mơ và định mệnh đã đến .

Tàu trôi thẳng vào bãi đá .Cách bờ khoảng trăm thước ,  Tài công ra kế hoạch anh ta sẽ ôm cuộn dây thừng bơi vào và cột chắc dây trong đó rồi mọi  người bám dây đu vào . Mọi người đồng ý nhưng khi anh ta nhảy xuống với cuộn dây bơi không được bao xa thì có tên Tám Cu là một thuyền viên cũng là dân biển chuyên nghiệp ( tên này dân Thạnh An Cần Giờ ) , hắn lại ẵm 2 đứa con nhỏ của hắn nhảy xuống luôn. Có lẽ hắn ỷ sức khỏe dân biển , hắn bơi không xa lắm thì một ngọn sóng đánh văng 2 đứa nhỏ khỏi tay hắn , trên tàu hoảng hốt la to " cứu đứa nhỏ ... " , anh tài công cố bơi theo túm đầu 1 đứa , túm được sóng đánh bật văng khỏi tay , vài cơn sóng là mất tiêu 2 đứa nhỏ.

Lúc này trên tàu trở nên hỗn loạn như điên cuồng, mạnh ai nấy nhảy xuống biển , người nhảy không người nhảy ôm thùng nhựa , nhảy xuống là chết , sóng vùi dập , có người ôm thùng nhựa nhựa bơi trong sông hồ , sóng đánh văng thùng ... chết như rạ . Tôi đang đứng xem người ta chết thì Bác tôi kêu và đưa tôi cái can nhựa rồi nói " Bác cứu anh Minh được thôi , cháu giữ cái thùng tự đi ... " rồi Bác cõng con trai Bác nhảy xuống ( Có dịp tôi sẽ viết về người Bác mà tôi rất thần tượng này ) .

Tôi cầm cái thùng mà lòng chán nản , cỡ nào cũng chết ... tôi quăng cái thùng đi ... Đến lúc nhìn đi nhìn lại trên tàu chỉ còn vài người yếu , trong đó có bác gái tôi và đứa con gái nhỏ xíu + Bà tôi . À ... mà quên tôi chưa kể về Dì tôi , rất cảm động khi Phong - học trò Dì đến nói với tôi " anh tự lo đi , tui cứu Cô ! " , hắn không cứu em gái hắn mà hắn cứu Cô giáo cũ của hắn ( sau em gái hắn mặc áo phao tự bơi vào bờ được ), hắn choàng cột chặt cái áo phao cho Dì rồi cõng Dì nhảy xuống bơi vào bờ . Chính vì tấm lòng của hắn mà tôi rất nể hắn ! Khi thấy trên tàu đã gần hết người , tôi nghĩ " đến lượt mình rồi ! " , lúc này lại nhớ đến cái can nhựa đã quăng đi , xuống hầm tìm được cái thùng lại không có nắp , lại đi mò tìm cái nắp, rồi cũng tìm được cái nắp . Tôi hoàn toàn không biết bơi dù đi sông nước rất nhiều .

Nhìn người ta chết vì bị sóng đánh bật tay văng mất thùng , tôi rút kinh nghiệm , một tay nắm chắc quai thùng , một tay ôm vào lòng. Nhảy xuống , không cần bơi chỉ vẫy vùng theo bản năng , sóng đưa lên dập xuống , sóng rất mạnh tối tăm mặt mũi , đã có lúc sóng đánh bật tay khiến cái thùng muốn tuột khỏi tay , trong đầu chỉ nghĩ " mất cái thùng là mình chết !" , cố hết sức kéo cái thùng vào lòng trở lại . Khi chân đạp được đất mới biết mình còn sống , vào tới bờ tôi gặp Phong đầu tiên , Phong đứng sát mép nước để kéo hoặc đón những người mới vào được bờ mà còn yếu hay hoảng hốt . Phong hỏi tôi " Anh là bà con với ông bác sĩ phải không ? " , tôi gật đầu hỏi lại " ỗng đi trước tui , anh thấy ỗng đâu không ? ", Phong chỉ tay ra một kẹt đá " Ỗng chết rồi , ỗng kìa!" Xác bác tôi nằm sấp bồng bềnh trong một hốc đá đầy nước , tôi hoảng hốt nói " Còn thằng con trai ỗng nữa ... " , Phong chỉ tay ra hướng biển , một đứa bé đứng ôm một tảng đá cách bờ khoảng chục mét , chỗ này nước cạn chỉ ngang thắt lưng nhưng nhìn rất sợ vì sóng nước đánh liên tục. Phong cũng chỉ chỗ Dì tôi nằm trong bờ an toàn rồi .

Tôi vội vã lội ngược ra tảng đá cõng anh họ tôi vào, tôi thử hỏi " Bố đâu ?" ,Minh trả lời " Không biết , Bố cõng Minh tới đây rồi bố đâu mất !" . Sau này xem biên bản của công an thì Ông bị vỡ đầu + bọng đái . Tôi đoán có thể ngay khi ông cõng con trai nhảy xuống thì bị be tàu đập vào đầu + có thể sóng dập ông vào đá gây vỡ bọng đái ... ông đã cố bơi vào bờ và đến tảng đá đó đưa đứa con lên  thì hết sức ...

Có lẽ tôi là người nhảy và bơi vào bờ sau cùng , số còn lại được tay tài công đưa vào bằng đường dây thừng , trong số này có Bác gái tôi + con gái + Bà tôi . Bác gái tôi bị gẫy chân do bị cái thùng phuy bị sóng đánh ngã vào chân. Thấy bác gái vào tôi dặn Phong ngay không cho biết bác trai tôi đã chết nên khi bác gái hỏi " bác đâu ? " , Tôi chỉ lên núi " Bác lên núi trước rồi !" . Chủ tàu tập họp mọi người lại và cho biết đây là hòn Bảy Cạnh thuộc Côn Sơn , đây là đảo hoang và ông ta quen thuộc khu vực này + kêu mọi người cố gắng leo qua ngọn núi nay sang bên kia sẽ được cứu + mọi người cứ đi theo ông ta , ai đi không nổi cứ nằm lại hoặc đi sau theo dấu cây ông ta bẻ để lại làm dấu ( ngọn núi này được phủ bởi một khu rừng ) .

Từ lúc người đầu tiên nhảy xuống nước cho tới người cuối cùng vào được bờ chắc chỉ khoảng mươi mười lăm phút , nhìn ra chỗ con tàu thì nó hoàn toàn mất dạng , sóng đã đánh vùi dập nó vào đá ngầm đá nổi tan nát . Trong bờ rất hỗn loạn , những người bị sóng đánh tuột trần truồng lo chạy tới lui tìm quần áo , người thì la khóc hớt hãi chạy tìm thân nhân , người thì ôm thi thể người thân khóc la gào thét , số người chết hơn 30 người ( sau này có biên bản của công an ) nằm la liệt hay trôi bập bệnh trong các hóc khe kẹt đá . Có những khe đá nhỏ , người bình thường chắc chắn không thể chui lọt vậy mà sóng nhét gọn 1 xác người vào , có tảng đá cao sóng không đánh tới ngọn đá nhưng không hiểu sao có 1 xác nằm phơi mình trên đó , nhiều cảnh chết thảm lắm ....  Riêng bà Bác tôi , tôi không cho biết Bác trai đã mất , tôi nói bác đã lên núi trước và cố đẩy Bác gái ra xa nơi xác Bác trai đang nằm ( trong 1 hốc đá đầy nước ) , bác gái cũng đã bị gẫy ống quyển , để bác gái thấy xác bác trai e rằng sẽ xỉu thì tôi lại càng kẹt vì bác còn 2 con nhỏ và tôi còn lo cho Dì tôi cũng đang nằm mê sảng ói mửa . 

Ông chủ tàu tập họp mọi người lại cho biết cần phải di chuyển khỏi đây càng sớm càng tốt vì buổi chiều khi thủy triều lên thì khu này ngập nước , mọi người cần cố gắng theo ông ta đi xuôi theo bờ xuống phía dưới không xa là bãi cát rồi tìm đường leo núi sang bờ bên kia sẽ nhìn thấy " quận đảo trung tâm " tức Côn Đảo nơi nhà tù khi xưa và cầu cứu , không thể leo núi ngay tại đây vì chân núi toàn đá tảng không cách nào leo được . Có ai đó đã mang vào bờ được một can nhựa đường phèn , ai cũng đang khát khô họng nên ông chủ tàu kêu cho tạm nước biển vào pha ngọt cho mọi người uống tạm để lấy sức trước khi di chuyển .

Có 1 phụ nữ bị gãy xương đùi đâm lòi ra ngoài chảy máu dầm dề không thể đi theo đoàn người được , các thanh niên giữ trật tự khiêng chị ta lên 1 hốc đá khá an toàn và đặt chị ta nằm ở đó và hứa sẽ trở lại đón nếu tìm được người cứu . Chị ta rất tỉnh táo không kêu than , chị ta có 1 đứa con nhỏ khoảng 4 - 5 tuổi , nhờ mọi người cưu mang . Vài ngày sau được cứu , chị ta cũng được mang về bệnh xá Côn Đảo , trong số người tình nguyện hiến máu cứu chị có tôi nhưng không cùng nhóm máu . Rất tiếc , chị ta đã chết khi truyền máu có lẽ do sốc sao đó , nghe kể lại có lẽ chị ta biết trước sẽ chết nên chị ta đã bứt vất bỏ các dây nhợ + la hét " đả đảo CS ... " , không hiểu chị ta là thành phần nào mà chống + dữ quá !  Đứa con nhỏ của chị ta sau được một tay công an điều tra tên Tuấn " Đen " vô phòng giam xin mọi người cho nhận làm con nuôi và mang ra ngoài sống với anh ta , anh ta cũng hứa khi về Saigon sẽ đến nhà đứa bé trả lại cho gia đình , mọi người đành phải chấp nhận .

Việc vượt khỏi bãi đá dài khoảng trăm thước giữa trưa nắng không hề dễ dàng . Nắng làm đá nóng như lửa , tảng to tảng lớn nối tiếp nhau , chồng lên nhau , đá nóng làm phỏng da nên tay chân không thể đặt lâu lên đá được . Đoàn người lục tục di chuyển rất chậm , vì mệt vì đói vì bị thương , phải leo phải bò phải trườn qua những tảng đá lớn nhỏ nóng bỏng rất khó khăn . Tôi cũng bị thương khi vào bờ , đầu chảy máu ướt mặt , tay chân trầy xước ... có lẽ do sóng đánh va dập vào đá , không chết là may rồi , do có nước biển sát trùng nên vết thương tự lành sau vài ngày . Ở đây dù có bơi giỏi cũng chưa chắc sống , sóng đánh đưa thân người đập vào đá thì đến voi cũng chết , sống chết ở hoàn cảnh này do ý trời thôi .

Tôi cõng Dì tôi , 2 Dì cháu to ngang ngửa nhau , Dì vẫn mê sảng gần như buông thõng thân thể nên cõng rất nặng , ói mửa không ngừng có lẽ do bị uống nước biển khi bơi vào bờ . Cực nhất khi phải leo , bò , trườn qua những tảng đá nóng phỏng da giữa cái nắng trưa 30 tết . Đá nóng quá nên không thế dừng lâu được cộng với sức nặng của Dì trên lưng quả thật cực hình tra tấn . Phong ( học trò Dì ) cũng đang cõng 1 bé gái , thấy tôi khó khăn quá Phong đề nghị tôi cõng đứa bé + đưa Dì cho Phong cõng , Phong to con hơn tôi và sức vẫn dồi dào .

Tôi cõng đứa bé nhẹ hơn nhỏ hơn nên di chuyển nhanh hơn , bé khoảng 14 - 15 tuổi cũng đang mê sảng + ói mửa + tiêu chảy không kiểm soát , trên lưng tôi bé cứ thoải mái ói ỉa ... Bác gái tôi dù chân đã gãy nhưng cũng theo sát đoàn người , rồi cũng leo núi cheo leo hiểm trở qua được bờ bên  kia , mới thấy khả năng đấu tranh sinh tồn của con người rất mạnh ! Qua khỏi bãi đá là bãi cát bằng phẳng , sóng lăn tăn nhẹ nhàng , cảnh vật rất đẹp , biển xanh cát trắng núi rừng hùng vĩ , đảo này nối đảo kia . Khi tàu đã quay đuôi vào bờ , một em gái " Bắc kỳ nho nhỏ " đã thốt lên " ĐẸP QUÁ " khiến ai cũng phải quay nhìn em sao em vẫn còn lạc quan quá , sau này mới biết em cũng là một nhân vật có tiếng của một bộ phim rất nổi tiếng của VN + sau này em lấy luôn vị đạo diễn phim này và vị đạo diễn này nổi tiếng miền Nam từ trước 75 . Đi thêm một đoạn , ông chủ tàu dừng lại nói sẽ leo núi từ đây , ngay chân núi có một đường mòn và kêu mọi người cứ theo kế hoạch đã định , ai đi chậm thì đi sau theo dấu cây ông ta bẻ làm hiệu , ai đi không nổi cứ nằm lại sẽ có người quay lại đón nếu ỗng tìm được người cứu .

Đến đây thì Phong trả Dì lại cho tôi , bé gái giao lại cho người nhà bé , Phong nói sẽ cố gắng leo nhanh sang bờ bên kia tìm người cứu rồi chắc chắn sẽ trở lại tìm Cô nếu tôi đi không nổi . Đoạn đầu leo núi đường dốc thoai thoải không khó đi nhưng cõng Dì nặng quá nên không theo kịp đoàn người , leo được một lúc thì Dì tỉnh lại kêu cho Dì nằm xuống , đặt Dì nằm xuống đất thì thấy Dì có tỉnh hơn sắc mặt hồng hào hơn , tôi rảo vòng quanh quan sát nếm các loại lá cây đều mặn quá không ăn được , trong rừng rất mau tối , lúc đó chắc khoảng 3 - 4 giờ chiều nhưng như gần tối , tôi quay lại định cõng Dì đi tiếp nhưng Dì nhất định không chịu mà nói " Dung cứ để Cô nằm đây , Dung chạy trước đi , công an đang tới đó , đừng đế bị bắt nữa ... " , đến tình cảnh này thì tôi không cầm lòng được , Dì vẫn nhớ tôi mới ra tù Dì sợ tôi bị bắt nữa ... , mếu máo tôi trả lời " Cháu không bỏ Cô được , để cháu cõng Cô đi tiếp , Cô đừng làm cháu sợ .... " , có lúc sảng Dì lại nói " Dung đi mua thạch hoa bưởi cho Cô đi " , số là chiều hôm 26 tết trước khi ra đi thì cả nhà đã ăn thạch Hiển Khánh và Dì rất thích món này , có lẽ do khát quá đâm ra sảng mà nói vậy . Dì tên Hảo , sinh năm 1949 hơn tôi 11 tuổi , là em út Mẹ tôi ( nhỏ hơn Mẹ tôi 1 giáp ) , Dì ở cạnh nhà tôi cùng Ông Bà ngoại tôi .

Từ lúc tôi mới sinh ra đã ở cạnh Dì và là cháu lớn nhất bên Dì rất thương mến tôi . Dì rất xinh đẹp , duyên dáng đúng kiểu " Cô em Bắc kỳ nho nhỏ " , là cưu nữ sinh Trưng Vương Saigon , Dì chơi guitar cổ điển + tự đệm đàn hát nhạc Việt + Mỹ + Pháp rất hay . Là một cử nhân văn chương Mỹ , Dì cũng thông thạo Pháp + Đức , sau này Dì lấy thêm bằng tiếng Nhật , khi còn sinh viên Dì đã làm thông dịch viên cho một hãng dệt lớn của Saigon .

Sau 75 Dì lấy bằng sư phạm ra dạy cấp 3 từ 79 - 80 , học trò rất thương mến Dì , đám tang Dì và cả sau khi mất nhiều năm thì học trò vẫn đến viếng thăm , có những học trò phổ thông đã đi du học do không biết tin Cô mất nên vẫn thư từ thăm hỏi . Do tôi theo học Dì từ nhỏ , Dì kèm tôi từ lúc tôi mới bắt đầu học đàn , Dì dạy thêm toán lý hóa Anh văn ở nhà thì tôi cũng là học trò đầu tiên , tới khi ra đời rồi tôi vẫn là học trò Dì trong các lớp Anh văn của Dì và Dì luôn giới thiệu tôi là " The best student " , lớp nào của Dì tôi cứ rảnh là vào học và vào lớp luôn đứng nhất . Thời sau 75 , nhạc Mỹ mới như Abba , Beegees , Eagles ... không có Hit parade nên rất khó ca đúng lời , nhờ Dì nghe ghi lại , sau này có internet xem lại thì rất nể phục Dì , Dì ghi lời đúng 99o/o , tôi vẫn còn giữ những bản ghi của Dì . Vì theo học từ nhỏ nên anh em nhà tôi quen gọi là CÔ hơn là DÌ , cũng từ đoạn này trở đi tôi sẽ gọi là CÔ .

Tôi lại cõng Cô đi tiếp một đoạn thì gặp dì cháu đứa bé mà tôi đã cõng dưới bãi , bé gái cũng còn yếu quá nên không đi nổi và 2 dì cháu đang nằm nghỉ . Bé tên Hương + người dì tên Cúc đều là dân Bắc 75 + dân Công giáo nhà ở Saigon , Gia đình cháu Hương rất giàu,  sau này khi về SG tôi có tới thăm và Cúc cũng sống ở đây phụ giúp việc làm ăn của nhà Hương , Cúc bằng tuổi tôi ( 1960 ) người nhỏ nhắn ăn nói nhỏ nhẹ . Một lát sau thì lại có thêm một thanh niên đi xuống từ hướng trên núi , anh ta tên Dần nhà ở Vĩnh Long , anh ta cho biết đã tách ra khỏi đoàn người để đi tìm thức ăn uống .

Tôi đề nghị nghỉ đêm lại đây vì mọi người đã quá mệt trời lại sắp tối , đoàn người đi trước nếu được cứu thì chắc chắn sẽ quay lại . Trong rừng rất mau tối , phải tranh thủ tìm chỗ nghỉ an toàn , tìm được một khoảnh đất bằng phẳng + thoáng + có tàn cây che phủ  vậy là có thể tránh sương + côn trùng rắn rít , tôi và Dần ra xung quanh tìm bẻ lá cây to về trải làm nệm . Chỗ nghỉ tạm đã ok , tôi rủ Dần đi cùng tìm cái ăn, mấy năm đi Hướng đạo được học sơ qua về mưu sinh thoát hiểm thì giờ đây là áp dụng được rồi , nhìn gốc cây có thể đoán hướng + luôn quan sát vật lạ điều lạ trên đường đi và phải ghi nhớ trong đầu + tìm lá cây ăn được + tìm hang chuột hay động vật ăn được ... Dần thấy tôi bẻ từng loại lá cắn nếm thử , sục sạo những bụi râm ... Dần nói có thấy trên núi có 1 cây có trái giống trái cóc , tôi kêu đi ngay lên đó , nhưng đi mãi không thấy mà trời thì đã sập tối nên tôi kêu quay về mai tính tiếp . Ai cũng đói và khát nhưng không dám nhắc đến 2 từ đó , 4 ngày trên biển chỉ ói và mửa thì coi như không có gì trong bụng .

Tối đêm đó 5 người nằm kế nhau nói đủ thứ chuyện trên đời , tính tôi hay tếu lâm dù trong đầu đang rất tính toán cho ngày mai , tính tôi không thích than vãn , có việc tính thì phải tính phải làm thôi . Pha trò cho mọi người cười , tiếng cười làm nỗi lo âu và cả đói khát tạm thời qua đi , bé Hương có vẻ mến tôi , bé dặn " về SG chú Dung phải đến nhà cháu , cháu đãi chú ... " bé dúi vào tay tôi 1 cục kẹo tôi không lấy cũng cứ dúi , tôi bóc cục kẹo rồi nhét vào miệng Cô Hảo , Hương thấy vậy lại đưa tôi cục khác và lần này thì tôi ăn . Sau này gặp lại ở nhà Hương nhắc lại chuyện bé ói mửa + tiêu chảy trên lưng tôi , bé rất mắc cỡ dù sao cũng là thiếu nữ rồi , ít lâu sau Hương đi Mỹ du học + Cúc cũng lấy chồng .  

Mọi người ngủ say , tôi không sao ngủ được , tính tôi là vậy , gặp chuyện phải lo nghĩ thì tuy bề ngoài cười nhưng trong đầu lo lắm tính toán nên rất dễ hốc hác Ngủ không được , tôi mò xuống chân núi ngồi ngắm biển , về đêm nước dâng cao , bãi biển ngập nước và sóng rất mạnh liên tục đánh vào chân núi ầm ầm , đêm 30 tết tối đen đúng nghĩa đêm trừ tịch . Ngồi nhớ nhà , nhớ Saigon , nhớ mọi người giờ này đang đón giao thừa .... rồi rất lo cho ngày mai không biết ra sao , liệu có chết vì đói vì khát vì thương tật bệnh hoạn bỏ xác đảo hoang không , Robinson vẫn còn may mắn hơn mình vì ông ta vào hoang đảo còn mang được ít đồ dùng và nhất là có cả lửa ,mình thì hoàn toàn trên răng dưới không có luôn cả dép .

Nhìn về hướng xa , tôi phát hiện có ngọn đèn nhấp nháy , quan sát kỹ thì đoán là hải đăng do thời gian cách đều giữa 2 lần chớp nháy . Có hải đăng ắt có người , sáng ra nhìn rõ nó nằm cách mấy hòn đảo nhỏ và rất xa xa vời vợi . Sau này được biết đúng đó là hải đăng hòn 7 cạnh , ở phần trước có 1 anh cmt cho biết từ 75 tới 78 anh ấy thường xuyên ra đó để tiếp tế cho gia đình trông coi hải đăng , gia đình có 9 người , coi như tìm được một nguồn có thể cứu sống mình để đó tính sau .
  
Sáng hôm sau , mùng 1 tết 1984 năm Tý không nhớ cái gì Tý , tôi rủ Cúc + Dần cùng đi trở lại chỗ đắm tàu tìm xem có gì ăn được trôi vào không . Trở lại bãi , 3 bọn tôi tìm kiếm mãi không thấy gì , tôi lội ra ngững khe hay hóc đá tìm một hồi thì mừng quá vì thấy 1 trái cam kẹt lại trong 1 khe đá , tôi với chụp ngay rồi mang vào khoe . Tôi đề nghị 3 người ăn 1 nửa còn lại mang về cho Cô Hảo + bé Hương . Bọn tôi cũng leo lên thăm người phụ nữ gãy chân không đi được , chị ta vẫn còn sống , máu không chảy nữa , có lẽ do không có nước uống nên máu không chảy chăng ? Chị ta nhờ nới hộ miếng vải bó vết thương , tôi tháo hẳn ra mang xuống biển giặt cũng là để sát trùng cho chị ta rồi băng bó lại như cũ .

Điều rất buồn là khi chị ta hỏi có gì ăn không , cả 3 bọn tôi nhìn nhau , tôi lắc đầu vì còn 2 người của tôi , tình cảnh này nên cứu người sống trước , nhìn chị ta rất đáng thương nhưng trong hoàn cảnh này chị ta không sống được lâu .... Chia tay chị ta bọn tôi ra về mà lòng rất buồn , không ai nói với ai , chiều tối rồi phải trở về vì không thể để 2 người còn yếu kia mong đợi . Có quả cam cũng làm mọi người vui hơn , mùng 1 tết được mở hàng quả cam ngon nhất trái đất coi như là tín hiệu tốt .
  
Sáng mùng 2 tết , 3 chúng tôi lại lên đường đi tìm sự sống , xuống bãi đi dọc bãi cát về hướng hải đăng tôi chỉ cho Dần + Cúc thấy ngọn hải đăng đó và bàn sẽ tìm cách đi về hướng đó nếu chờ thêm 1 ngày nữa mà không ai tới cứu . Muốn đi đến đó phải có nước uống + thực phẩm , giờ phải đi tìm thứ đó trước . Dọc bãi cát có rất nhiều các loại rác từ ngoài khơi xa trôi vào , rất nhiều chai nhựa + thủy tinh + các trái phao tròn màu đen  .... in toàn chữ TQ , rất có thể từ thời này T+ đã loanh quanh đây nhiều rồi . Quần áo của người đắm tàu cũng trôi vô đây , tôi nhặt mò tìm thì lấy được mấy trăm usd giấu trong gấu 1 quần jean nhưng sau này về trại bị tich thu hết . Xác người cũng trôi về đây rất nhiều ,nằm rải rác theo chiều dài bãi , có xác sóng đưa lên tận chân núi , đi ngang chúng tôi đều dừng lại làm dấu và đọc kinh , Cúc rất thuộc kinh , mấy đêm ngủ trên núi Cúc đều đọc kinh trước khi ngủ . Xác Bác tôi cũng nằm trong số này , bác vẫn nằm sấp + mặc cái áo may ô trắng , quần thì bị sóng đánh mất . Nếu còn thì năm nay ông gần 90 , ông mất lúc đó đã ngoài 50 , Ông là một võ sư Vovinam cao đồ của võ sư sáng tổ  Nguyễn Lộc , ông là tiến sĩ y khoa bác sĩ phục vụ trong chiến đoàn3 Lôi Hổ , Ông có học thêm về châm cứu và là hội viên hội châm cứu quốc tế .

Ông cũng là một cây văn nghệ cùng thời với Phạm Duy , Thái Thanh , vẫn còn những tấm hình ông diễn văn nghệ từ hồi còn ở Hà Nội với các nghệ sĩ nổi tiếng sau này di cư vào Nam . Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông vừa kéo accordeon vừa hát Mùa Thu không trở lại trong lễ tốt nghiệp Y khoa Saigon rất tuyệt vời . Ông là bác sĩ cùng ekip giỏi với bs Nguyễn Đông A ở bv Nhi Đồng 2 , phòng mạch của ông được giới nghèo bình dân đến rất đông , gần đây tôi có trở lại khu phòng mạch đó , dù đã hơn 30 năm người ta vẫn nhớ thương ông vì tính tốt bụng của ông . Ông xứng đáng là một người anh cả VĂN VÕ SONG TOÀN ( ông lớn nhất rồi đến Mẹ tôi ) , anh em chúng tôi rất thần tượng ông nhưng không ngờ ông mất thê thảm quá .

Chúng tôi lại tiếp tục đi , đến gần cuối hòn đảo nơi tiếp giáp hòn đảo khác , quan sát thấy lúc này nước xuống thì có thể lội bộ sang được , cũng ngay tại đây phát hiện 1 dòng nước như con suối dẫn sâu vào trong rừng rậm . Chúng tôi lần mò theo dòng nước vào sâu bên trong thì phát hiện một bụi chuối , ven bờ suối còn có cua bò lổn nhổn cua to vừa chứ không lớn lắm + cả ốc bươu , mừng hết lớn , nguồn sống đây rồi . Chúng tôi bắt cua bẻ mai ra là nhai sống mình cua chân cua , càng thì lấy đá đập ra lấy thịt , tôi tính quăng cái mai , Dần cản và hắn cầm mai cua cho thêm ít nước biển rồi húp sạch + ốc cũng vậy lấy đá đập rả rồi nhai luôn , đồ sống tươi rói ngọt gì đâu luôn , xong phần ăn là đến phần uống , tôi chạy ra bãi biển nhăt mấy chai nhựa lẫn thủy tinh mang vào , thủy tinh để cắt thân chuối + chai pet để vắt nước chuối mang về cho 2 người đang chờ , 3 người ngồi cạp mút những mảng thân chuối được cắt ra . No nê đã khát , chúng tôi mang một ít cua ốc nước chuối trở về , Cô Hảo không chịu ăn vì sợ đồ sống , tôi năn nỉ cỡ nào cũng không chịu ăm uống , nước chuối vắt tay đen thui trông như nước cống nhìn ghê thật nhưng phải ăn phải uống để sống thôi .

Tôi phải dùng vũ lực , đè ép Cô phải ăn , nhét ốc vào miệng tôi bắt phải nuốt , bắt phải uống , rõ ràng sau khi ăn xong thì Cô tỉnh hẳn , mặt hồng hào lại . Đêm đó nhờ có ăn có uống toàn hải sản đặc biệt nên mọi người đều khỏe tỉnh hơn , chuyện trò rôm rả hơn . Tôi bàn với Cúc + Dần , ngày mai sẽ cố gắng lấy thật nhiều nước , thêm ốc cua thì càng tốt rồi  ngày mốt đi hải đăng vì đã 3 ngày màv không ai tới cứu thì chắc đoàn người kia cũng thê thảm rồi . Xin kể thêm 2 sự việc xảy ra trong ngày mùng 2 tết , trên đường từ bụi chuối trở về thì dọc đường có gặp 1 nhóm khoảng 10 người tại chân núi do 1 người đàn ông dẫn đầu , sau này về trại được biết ông ta là tiến sĩ toán Nguyễn Trọng Ngưng , nhà gần rạp Vĩnh Lợi Saigon .

Nhóm ông ta theo không kịp đoàn người và bị lạc mấy ngày nay , họ cũng không có gì để ăn đã mấy ngày , thấy có người cầm mấy chai nước , tôi hỏi thì họ nói đó là nước đái họ đã phải đái ra để uống . Tôi ra dấu Cúc + Dần không cho họ biết mình có nước và thức phẩm , họ toàn đàn ông đông hơn chúng tôi , chắc chắn họ sẽ  dành nguồn sống của chúng tôi dù có phải giết chúng tôi , đành phải dấu thôi !  Về đến chỗ nghỉ thì tôi lại nghe tiếng như tiếng người từ trên núi vọng xuống , tôi cũng bắt loa tay trả lời , vài lần vậy nhưng tiếng hú đó ngày càng xa dần . Sau này về trại mới biết tiếng hú đó là của Dũng " mắt lộ " trong đoàn người đi trước đã được công an Côn Đảo cứu và tổ chức quay lại cứu những người còn kẹt lại , do trong rừng tiếng kêu bị cây cối cản khó định hướng .
    
Sáng mùng 3 tết , chúng tôi quay trở lại bụi chuối , trên đường đi tôi nhặt khá nhiều chai lọ và những thứ thấy cần thiết cho cuộc hành trình sắp tới . Sau khi điểm tâm bằng hải sản tươi sống bằng cách ăn tươi nuốt sống đúng nghĩa chúng tôi cưa ngã thân chuối bằng miểng chai rồi tách ra để vắt hứng vào các chai nhựa , dù có lược qua bằng vải nhưng nước vẫn đen kịt y nước cống , dùng vải lước nước xuống chậm nên không dùng nữa để trực tiếp luôn . Làm đến khoảng trưa thì cả 3 mệt quá , lấy cũng được khá nhiều nước nên chúng tôi ngưng , ăn thêm chút cua ốc nữa rồi ra về . Khi từ chân núi lên chỗ nghỉ không bao xa thì tôi thấy có gì đó là lạ ... , lên tới chỗ nghỉ thì không thấy Cô Hảo + bé Hương đâu nữa , tôi hoảng hốt gọi to nhiều lần cũng không nghe trả lời , Cúc thì khóc gào lên như điên loạn . Tôi sực nhớ trên đường lên núi tôi thấy có vật lạ , chạy ngay xuống vừa đi vừa quan sát , đúng là có điểm thay đổi trên đường đi , dưới 1 gốc cây tôi thấy có ai đó đã xếp đá thành hình mũi tên chỉ lên hướng núi + trên ngọn cây có treo 1 bộ quần áo , đã đi lại đường này 4 ngày nay , thêm việc chiều hôm trước có tiếng như người kêu từ trên núi vọng xuống,  tôi chắc chắn có ngưới tới cứu , họ đã tới kịp lúc không thì ngày mai chúng tôi đã đi hướng khác còn khó tìm ra hơn , nếu đi hải đăng chưa chắc chúng tôi còn sống tới nay , đúng là ý trời cả . Không lâu sau thì có người từ dưới biển đi lên , đó là gã Tám Cu , người đã ẵm 2 đứa con nhỏ nhảy xuống bơi khiến 2 đứa nhỏ chết đầu tiên sau đó là hoảng loạn trên tàu dẫn đến những cái chết thảm . 8 Cu cho biết đã có người đưa Cô Hảo + Hương đi trước , người phụ nữ gãy chân cũng mang đi rồi , kêu chúng tôi gấp rút leo núi sang bờ bên kia trước khi trời tối vìcó tàu đang chờ , trời tối thì phải chờ tới mai họ mới quay lại . 3 chúng tôi liền đi theo 8 Cu , hắn quá khỏe đi rồi leo núi ào ào như sóc như khỉ , 3 chúng tôi hết sức bám theo rất mệt , hắn lên tới đỉnh gọi to xuống dặn chúng tôi cẩn thận cứ từ từ xuống , hắn xuống trước báo cho tàu chờ . 3 chúng tôi lần mò từng bước vì lên tới đỉnh là toàn đá , có những rảng đá cao như cái nhà , tìm chỗ bám thật chắc mới dám leo , lúc đó mà ngã thì không ai cứu được .

Lên đã khó, xuống còn khó hơn nhiều , những chỗ đá cao như nhà lầu 3 tầng không cách nào xuống được nếu như không có những dây mây rừng để bám tuột xuống , có lúc tôi nắm được sợi mây tưởng chắc nhưng không , nó rã mục trong nắm tay tôi , nếu xớn xác nắm lấy đu ngay là tiêu chắc , tôi đã phải la lớn cảnh báo Cúc + Dần biết chuyện này , lần mò mãi rồi cũng xuống được bãi biển . Nhìn xa xa tôi thấy một màu cam nổi bật trên cát trắng biển xanh , nhìn kỹ đúng là người , tôi reo lên " Sống rồi Cúc ơi , Dần ơi " , đã mấy ngày tôi không dám nhắc đến từ SỐNG & CHẾT trước mặt mọi người , giờ thì chắc chắn mình SỐNG THẬT RỒI . Lúc này tự nhiên Cúc ngất xỉu , tôi và Dần xốc 2 bên nách dìu Cúc đi về hướng màu cam , người đó cũng đi về hướng chúng tôi , không biết vì sao Cúc xỉu , sau này Cúc thú nhận đã ngậm sâm mấy ngày liền , thảo nào mà thấy Cúc rất tỉnh táo khỏe mạnh thậm chí khỏe đi nhanh hơn cả tôi và Dần .

Đến chỗ người áo cam , anh ta chỉ ra xa bờ có chiếc tàu gỗ đang neo ngoài đó và kêu chúng tôi phải lội ra đó vì tàu không vào bờ được . Tôi nói tôi không biết bơi , Cúc đã xỉu , anh ta cho biết nước cạn không cần bơi và đưa một cái thúng cho Cúc nằm trên đó rồi đưa ra tàu . Tôi và Dần đi 2 bên đẩy thúng có Cúc trong đó , thì ra đây là bãi san hô dài ra tới tàu hơn trăm mét , đi trên san hô cứng nhọn sắc bén rất đau , có những chỗ bị hụt chân tọt xuống , rút chân lên là tóe máu , ra tới tàu có người trên tàu quăng dây xuống kéo thúng lên trước rồi họ kêu tôi + Dần bám dây đu lên , từ dưới lên tàu khoảng 3 mét nhưng sức tôi lúc đó đã rất yếu , đu lên thì được nhưng khi tới mạn tàu khi giơ 1 tay để bắt mạn tàu đu hít lên tàu thì tôi lại bị rơi trở xuống biển , đến lần 3 thì họ kéo dây lên theo tôi luôn thì tôi mới lên được tàu . Trên tàu có mấy anh bộ đội + lái tàu , họ đưa khăn cho chúng tôi lau người kêu chúng tôi ngồi hay nằm nghỉ chút sẽ có cháo cho ăn . Được biết khi Côn Đảo nhận được tín hiệu cầu cứu , họ đã sang ngay cứu nhóm người đầu tiên mang về trung tâm đảo sau đó vận động dân đảo tiếp tể thực phẩm và tàu để sang 7 Cạnh cứu người còn kẹt lại .

Thời đó Côn Đảo chỉ khoảng chưa tới 2 ngàn người , đa số là bộ đội công an , cán bộ công nhấn viên và một số dân là tù nhân ở lại lập nghiệp , thực phẩm + nước ngọt + y tế rất thiếu thốn ( 1 tháng chỉ có tối đa 2 chuyến tàu từ đất liền ra tiếp tế , gặp tháng bão là đói luôn , có lẽ vì thế mà tình cảm tính cách của cả công an bộ đội và dân đảo rất khác ở đất liền , họ rất tốt bụng . Chiếc tàu đi cứu chúng tôi cũng là của dân đảo cho chính quyền mượn để đi cứu nạn , nghỉ 1 lát thì có anh bộ đội mang ra 1 thau cháo đậu xanh + 3 cái muỗng và chén đường ,anh ta dặn ăn từ từ thôi vì bị đói lâu ngày ăn nhanh sợ thủng ruột và cho biết đồ ăn là của dân đảo quyên góp cho cứu nạn . Lúc này tàu đã nổ máy và quay đầu ra biển , anh bộ đội cầm khẩu M79 nói " để tui bắn từ giã đảo cho mấy anh chị nha ! " rồi anh ta bắn liền 3 trái vào bờ , mỗi lần đạn chạm bờ nổ ầm là một đàn chim biển lại bay ào lên , cảnh tượng rất đẹp . 3 chúng tôi ngồi quanh thau cháo chèo lấy chèo để , thau cháo đậu xanh ngon nhất trần đời.
    
Bị giam ở Côn Đảo gần 2 tháng thì chuyển về Vũng Tàu. Tại đây thì Bác gái tôi được bó bột , về Vũng Tàu khoảng 2 tháng thì Bác cùng 2 con nhỏ được cho về , người phụ nữ gãy xương đùi thì chết trong bệnh xá vì sốc khi truyền máu . Riêng Cô Hảo tôi thì rất tiếc đã mất sau đó đúng 1 năm , về Vũng Tàu vài tháng thì Cô sinh bệnh , trong trại không có thuốc men bệnh nặng quá thì trại chuyển ra bv Lê Lợi Vũng Tàu , bv cũng chê nên trại ra lệnh tha + kêu người nhà ra đón mang về Chợ Rẫy và cũng chê luôn , cho mang về nhà . Tôi được tha về khoảng 1 tháng sau đúng trưa 1 tết thì Cô mất , Cô chờ tôi về rồi mới chịu mất , những ngày tôi chưa về thì Cô luôn hỏi " Dung về chưa ?" .

NĂM 1984 tôi bị 4 cái tang lớn , trưa 30 tết là Bác tôi , tháng 4/84 là Bố tôi , Bố hoàn toàn khỏe mạnh khi tôi ra đi chỉ 2 tháng sau biết tin tôi bị nạn thì ông sinh bênh và mất + Bà nội tôi cũng mất sau bố tôi 1 tuần ở Hanoi vì già yếu , mùng 1 tết 1985 là Cô Hảo tôi mất.  1984 - Một năm đầy tang tóc - Ghi nhớ suốt đời !


Dung Nguyễn

___________________


Hoang Nguyen gởi