MARIA QUÁN THẾ ÂM
Đây có thể là một danh xưng rất lạ đối với mọi người, thế nhưng đối với kinh nghiệm bản thân của tôi thì phải nói là rất sâu sắc. Vào năm 1989, tôi đi du lịch Nhật Bản. Như nhiều vị đã biết, nước Nhật là một xứ rất sùng kính đạo Phật, nhất là cố đô Kyoto gần thành phố Osaka là một nơi có rất nhiều chùa chiền và thắng cảnh. Những ngôi chùa tại Nhật Bản phần đông đều cũ kỹ nhưng lại có một lịch sử rất lâu đời, ngôi chùa Nara và tượng Phật bằng gỗ ngự trong chùa lại cao lớn vô vàn.
Trở lại danh xưng Maria Quán Thế Âm. Khi bước vào chánh điện của một ngôi chùa thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, tôi nhìn lên tượng ngài, thoạt trông vào tôi thấy bức tượng có một vẻ gì là lạ khó nói, nhưng phải công nhận rằng bức tượng đó rất đẹp. Khi bước đến gần nhìn kỹ thì điều khiến cho tôi kinh ngạc là tượng Phật Bà có một chiếc mũi rất cao và thẳng, rõ ràng đó là chiếc mũi của người tây phương, còn tròng con ngươi thì lại màu xanh da trời. Tính tò mò thúc đẩy tôi tìm đến vị trụ trì của ngôi chùa để hỏi cho rõ nguyên nhân. Vì vấn đề ngôn ngữ không thông, lúc đầu chúng tôi có hơi lúng túng, nhưng vấn đề này sau đó vượt qua được vì ông và tôi có thể bút đàm bằng Hán tự (Kanzi). Chúng tôi có thể diễn đạt được tư tưởng cho nhau nhờ vào trang giấy trên bàn.
Trước hết tôi hỏi ông ta danh hiệu của vị Bồ Tát trên chính điện. Ông ta viết ra: Maria Quán Thế Âm. Điều này mới khiến cho tôi kinh ngạc vô cùng. Tại sao lại có thể như thế được? Khi tôi tiếp tục hỏi về nguồn gốc thì ông ta mới từ từ kể rõ câu chuyện thật như thế này:
Hai trăm năm về trước, nước Nhật dưới chế độ cai trị của những sứ quân thời Mạc Phủ hãy còn là một nước lạc hậu chậm tiến. Họ dùng chính sách bế quan tỏa cảng, không chịu giao thương với các nước Tây Phương, có thể nói là tương tự như chánh sách Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. Đã vậy người Nhật vốn đã có tính bài ngoại trong người cho nên họ rất sợ sự xâm nhập của nền văn hóa Âu Tây, vì vậy mà Thiên Chúa Giáo chịu sự bài bác nhiều nhất.
Chánh sách của nước Nhật lúc đó bắt buộc mỗi người dân trong nước phải theo một tín ngưỡng chung là đạo Phật và thần Mặt Trời. Tất cả những tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo đều được xem là dị giáo. Những người dân trong nước không tuân theo luật định này đều bị cạo đầu bôi vôi, chịu những khổ hình về thân xác và cuối cùng lại bị lưu đày đến vùng cực bắc giá lạnh. Hình phạt lúc bấy giờ rất nặng, nhiều người lưu đày đã không có cơ hội sống sót trở về!
Nhưng làm sao chính quyền có thể biết được ai là tín đồ của dị giáo? Điều này cũng đơn giản thôi, khi họ nghi quyết một người nào là tín đồ của Thiên Chúa Giáo, họ chỉ cần đặt những bức tượng chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, thập tự giá vân vân xuống đất, và ra lệnh cho những người "nghi can" này phải khạc nhổ nước bọt vào đó và phải bước ngang qua tượng thờ! Nếu người nào có thể làm được như vậy thì họ sẽ được tha, còn những người nào không chịu thực hiện những điều vừa kể sẽ được qui tội là tín đồ của dị giáo, họ bị đánh đập và cuối cùng sẽ chịu cảnh lưu đày!
Tín đồ Thiên Chúa Giáo đúng ra có thể chối bỏ nguồn gốc tôn giáo của họ bằng cách làm theo lời của nhà cầm quyền, thế nhưng sự thật không đơn giản như vậy vì hình như tôn giáo nào cũng có một sự tôn kính huyền bí mà những tín đồ thà bị chết, thà bị lưu đày chứ không thể nào làm những hành động phản lại tôn giáo hoặc lăng nhục những thánh vật mà họ thờ phượng. Vì vậy trong thời bấy giờ đã có rất nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo bị hại. Lúc đó, họ như đang sống trong một tình trạng dầu sôi lửa bỏng mà không biết trước cuộc đời của họ sẽ đi đến đâu?
Trong số những người lo âu nhiều nhất có một linh mục người Bồ Đào Nha. Đứng trước tình trạng những con chiên của ông đang thấp thỏm trước cửa tử thần, ông khấn nguyện hàng đêm trước tượng của Đức Mẹ Maria với hy vọng là Đức Mẹ sẽ soi sáng và chỉ điểm cho tín đồ một phương cách để tránh tai kiếp này. Vào một đêm kia, quá mệt mỏi nên ông ngủ thiếp trước bàn thờ Đức Mẹ. Thế rồi trong giấc mơ, ông thấy Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ra mỉm cười. Linh mục người Bồ Đào Nha này đã nhiều năm nghiên cứu những nguồn gốc tôn giáo khác cho nên ông biết chắc đó là Quán Thế Âm Bồ Tát vì người có cầm tịnh bình và cành dương liễu trên tay.
Khi tỉnh giấc, ông bỗng nghĩ ra một phương pháp: Tạc tượng Đức Mẹ Maria trong trang phục của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tượng này sẽ được cúng dường trên bàn thờ theo truyền thống của Thiên Chúa Giáo, nhưng nếu như có ai vào tra xét thì họ sẽ trả lời là tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Rủi ro trong trường hợp bị bắt buộc phải bước ngang qua bức tượng thì trong lòng của họ sẽ nghĩ là bước qua bức tượng của Quán Thế Âm để tránh cái tội chà đạp chính tôn giáo và niềm tin của họ.
Thế là bức tượng lập tức được điêu khắc. đổ khuôn và đúc ra rất nhiều rồi chuyền tay đến cho những tín đồ lưu giữ. Nhờ sáng kiến này mà hàng chục ngàn tín đồ Thiên Chúa Giáo đã thoát được tai ách. Bức tượng tổng hợp hai đấng dịu hiền từ đó được đặt tên là Maria Quán Thế Âm từ chỗ đã sát nhập hai bậc thánh của hai tôn giáo lớn.
Mãi cho đến ngày nay, đã hơn hai trăm năm trôi qua mà bức tượng vẫn còn lưu truyền và người ta cứ tiếp tục tạc y hệt như vậy. Cùng một bức tượng đó đã được thờ cúng trong nhà thờ Công Gáo và chùa chiền Phật Giáo. Trong chùa Phật Giaó thì bức tượng được gọi là Maria Quán Thế Âm (Quán Thế Âm Bồ Tát tên là Maria) và trong nhà thờ Thiên Chúa Giáo thì bức tượng lại được gọi là Quán Thế Âm Maria (Đức Mẹ Maria tên là Quán Thế Âm).
Là Quán Thế Âm Bồ Tát hay Đức Mẹ Maria, điều đó không quan trọng, điều đáng nói là người đã dìu dắt chúng sinh nâng cao niềm tin, vượt qua khổ nạn của thế gian để từ đó hướng về con đường đi vào Phật Pháp.
Khi tôi viết ra câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói lên sự thật. Một sự thật mà tôi tìm hiểu ở xã hội Nhật Bản hai trăm năm về trước.
Trong thâm tâm, tôi không bài bác một tôn giáo nào, tất cả mỗi tôn giáo đều đưa con người đến chỗ hướng thiện vì vậy ta nên cố gắng gạt bỏ những cố chấp của tôn giáo.
______________
Đỗ Hứng gởi