Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

 


CHUYỆN CẢM ĐỘNG TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỀ HẠNH HIẾU CỦA MỘT VỊ THIỀN SƯ

 


Một căn nhà lá xiêu vẹo, mục nát bên bờ ao, ra vào chỉ có hai mẹ con. Mẹ buôn gánh tảo tần hôm sớm. Đứa con trai còn nhỏ dại, giúp mẹ những việc lặt vặt hàng ngày. Một hôm mẹ bảo con:

 

- Sáng nay mẹ bắt được mấy con cua để trong giỏ ở góc bếp. Trưa con hái rau nấu canh cua, chờ mẹ đi bán về, hai mẹ con cùng ăn nha.

 

Cậu bé thưa vâng. Người mẹ quảy gánh hàng ra đi, cậu nhìn theo bóng mẹ xa dần.

 

Nhớ lời mẹ dặn, cậu bé ra ngoài vườn hái rau rửa sạch, chuẩn bị nấu món canh.

 

Chiếc giỏ cua để ngay xó bếp, mấy con cua đang bò lổn ngổn. Cậu bé đến gần định trút cua ra cối giả, chợt thấy những đám bọt sùi trên thân cua, cậu ngẩn ra nhìn, thầm nghĩ:

 

- Thì ra cua cũng biết khóc ư!

 

Chúng sợ mình giết chúng đây mà!

 

 Tội nghiệp quá, làm sao mình nỡ làm hại chúng được.

 

Cậu liền mang giỏ cua ra bờ ao, trút hết cua xuống đất.

 

Lũ cua mừng rỡ, vội vã bò đi tản mát. Cậu bé nhìn theo mĩm cười thích thú.

 

Đến trưa mẹ về, nhìn thấy bát cà muối nằm trơ trọi trên chiếc mâm tre. Mẹ hỏi:

- Con quên nấu canh cua à?

 

Thằng bé ngập ngừng:

- Con không quên đâu mẹ, nhưng lúc bắt cua, định cho chúng vào cối, con thấy chúng khóc tội quá, nên con thả hết rồi!

 

Người mẹ uất nghẹn, trố mắt nhìn con, một lúc sau mới thốt nên lời:

 

- Cái gì? Mày nói cái gì?

 

Thằng bé co rúm người lại, líu ríu không ra tiếng:

- Dạ..dạ... Con thả cua đi hết rồi!

 

Vừa mệt, vừa đói, vừa tủi cực cho số phận, người mẹ oà lên khóc:

 

- Trời ơi là trời!

 

Sao đời tôi khổ thế này.

 

Người ta có con nhờ con, có của nhờ của. Tôi chỉ có mỗi một đứa con mà cũng chẳng biết thương mẹ...

 

Đồ bất hiếu..Xéo ngay ra khỏi nhà này!

 

 Từ nay chẳng mẹ con gì nữa...

 

Thuận tay, người mẹ cầm ngay cây đòn gánh phang vào chân con.

 

Thằng bé trúng đòn đau điếng vội chạy ù ra khỏi cửa.

 

Trong lúc hoảng sợ, cậu bất chợt nhận ra mẹ trở thành một con người sân hận, hung dữ mà cậu chưa hề gặp.

 

Cậu không biết người mẹ hiền từ, dịu dàng đã biến đi đâu mất.

 

Cậu ôm đầu chạy trốn con người hung dữ kia, tai vẫn nghe văng vẳng tiếng gào thét của bà.

 

 Cậu cấm đầu chạy mãi, chạy mãi...để trốn tránh những âm thanh rùng rợn ấy, cho đến khi mệt đuối, cậu ngã xuống một bờ đê bất tỉnh.

 

Người mẹ gục vào cạnh bàn, đôi vai gầy guộc run lên từng hồi, trong cơn đau khổ xé lòng.

 

Nỗi giận trời già bất công, nỗi thương thân phận hẩm hiu, chưa hề có một ngày vui trọn vẹn, chưa từng có một sự thảnh thơi, thêm vào đó, nỗi ân hận đã nặng tay, nặng lời với đứa con yêu duy nhất. 

 

Từ trước đến nay đối với con bà chưa từng la mắng, nói gì đến đánh đập, xua đuổi.

 

Chỉ tại hôm nay trời nóng gay gắt,

Lại thêm buôn bán ế ẫm,

Chủ nợ lại chận đường chửi bới.

 

Nỗi cực khổ và tủi nhục quá đổi nên bà mất bình tỉnh, mệt lã.

 

Bà lịm đi, đến khi tỉnh dậy, thấy nhà vắng lặng, bà hốt hoảng gọi con.

 

 Không nghe tiếng thưa, bà vội dáo dát đi tìm.

 

Và như một định mệnh, cuộc tìm kiếm kéo dài gần...40 năm.

 

Người mẹ trẻ ngày nào giờ đã trở thành một bà cụ cô đơn lưng còng, hai mắt đã mờ, hai tai đã lãng.

 

Nhưng nỗi nhớ thương ân hận vẫn còn da diết.

 

 Bao nhiêu năm trời lang thang tìm con khắp nẻo, không kể nắng mưa bão tố, không màng lạnh lùng đói khổ, bà sống nhờ vào những hạt cơm bố thí, chỉ có một chút hy vọng gặp lại con, ôm con trong vòng tay, nói lên lời xin lỗi...

 

 Giờ đây, sức đã mòn, chân đã yếu, bà đành về lại ngôi làng cũ dựng tạm quán nước bên đường làm nơi trú thân, và cũng để tiện việc hỏi thăm tin tức đứa con lưu lạc.

 

Sáng nay, một ngày đẹp trời, bà cảm thấy trong lòng nôn nao khó tả. 

 

Từ sớm bà đã dọn dẹp bàn ghế, quét sạch nhà cửa, quét luôn đám lá ngoài sân.

 

Vì lo lui cui làm việc, bà không biết có một người khách vừa đến.

 

 Khi nghe tiếng gọi, bà mới giật mình ngẩng lên chào.

 

 Khách là một vị tu sĩ, giọng nói từ hoà, trầm ấm:

 

- Bà cụ mở quán này lâu chưa?

 

Vị tu sĩ hỏi.

Bà bưng tách trà đặt ngay ngắn trước mặt nhà sư, chắp tay cung kính:

 

- Bạch thầy!

 

Con mới mở quán vài năm thôi.

 

 Trước đây con cũng ở làng này, nhưng ở tận sâu trong kia!

 

Nhìn theo ngón tay chỉ của bà cụ, nhà Sư như nhận ra điều gì, vội hỏi tiếp:

 

- Thế bà ở đây cùng với con cháu chứ?

 

Bà cụ kéo vạt áo lên, lau những dòng lệ vừa ứa ra từ khoé mắt.

 

Bà như có dịp để trút hết nỗi lòng, buồn buồn tủi tủi kể lại hết mọi sự tình.

 

Nhà sư sững sờ ngồi lặng thinh...

 

Trước mắt Ngài là hình ảnh một đứa bé gầy guộc, đen đủi, mặc chiếc quần cọc đen, ngồi nhìn đám cua đang khóc lóc trong giỏ, rồi lui cui thả chúng xuống ao.

 

Bà cụ vẫn khe khẻ kể chuyện đời mình...

 

Nhà Sư vẫn yên lặng, kí ức tiếp tục tràn về những hình ảnh ngày xưa...40 năm dài, chỉ như một nháy mắt...

 

Cậu bé được một vị Sư già đưa về chùa săn sóc, nửa tỉnh, nửa mê.

 

Cơn chấn động tinh thần quá đổi, thêm sự mệt nhọc của thân xác làm cho cậu mất hết trí nhớ.

 

 Cậu không biết mình là ai, vì sao nằm gục trên đám ruộng xa lạ.

 

Khi tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một ngôi Chùa, bên cạnh là một vị tăng già đang nhìn cậu bằng đôi mắt hiền từ.

 

Kể từ hôm ấy cậu nương nhờ nơi cửa Phật, nhờ ơn giáo dưỡng của vị tăng già.

 

Tu hành tinh tấn, giới hạnh trang nghiêm, cậu dần lớn lên trở thành một vị Thiền sư chân tu đạo đức, được vị tăng già giao cho kế thừa Giáo Pháp.

 

Trong một đêm thiền định sâu xa, Ngài trở về với bản tâm thanh tịnh, rỗng lặng sáng ngời.

 

 Ngài bỗng nhiên nhớ lại chuyện xưa...Thời thơ ấu bên người mẹ hiền sớm hôm tần tảo.

 

 Quá khứ hiện ra ngay trước mắt...

 

Mẹ giờ chắc đã già yếu, quạnh quẻ, cô đơn, từng ngày trông ngóng đứa con yêu.

 

Sáng sớm hôm sau, Ngài tìm về nơi làng xưa.

 

Bốn mươi năm, bao nhiêu đổi thay.

 

 Mái nhà tranh thân thương cạnh bờ ao rau muống nay chỉ là đám cỏ dại.

 

Đi quanh xóm làng không còn ai quen thuộc, mẹ già giờ ở nơi đâu, còn sống hay đã chết...

 

Bốn mươi năm hình ảnh mẹ bị phủ che bởi lớp bụi thời gian.

 

 Ngày ngày sống trong Thiền Môn, vui với câu Kinh tiếng kệ, con không hề biết trên đời còn có mẹ.

 

Chao ôi!

 

Tu hành để mà làm gì, khi một chữ hiếu còn chưa trả xong...

 

Cứ như thế !

 

Đã nhiều năm, Thiền Sư quẩy gói như một du Tăng đi khắp nơi tìm kiếm mẹ hiền, hỏi thăm không ai hay biết.

 

Và giờ đây...Sự thật mà cứ ngỡ như trong mơ!

 

 Mẹ đang ngồi trước mặt, Ngài muốn ôm chầm lấy mẹ.

 

Nhưng Ngài bỗng dừng lại, không nói lời nào.

 

 Ngài trầm tư suy nghĩ...

 

Bỗng chợt một ý nghĩ vừa lóe lên, Thiền sư  chợt mỉm cười:

 

"Phải..phải ...cần phải làm như thế."

 

 Nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo gầy guộc của mẹ, Ngài từ tốn  hỏi:

 

- Này bà cụ! Cụ có muốn theo tôi về nương tựa nơi cửa Phật chăng?

 

Bà như không tin vào mắt mình, mừng rơi nước mắt hỏi lại lần nữa:

 

- Bạch thầy!

 

 Thầy đang nói gì?  Con có nghe lầm không?

Thầy nói lại lần nữa:

 

- Bà cụ có muốn theo tôi về Chùa không?

 

Bà cụ mừng rỡ thốt lên:

 

- Dạ con muốn. Nhưng con già yếu thế này thì làm sao có thể phụ giúp Chùa được.

 

Thầy vỗ nhẹ vào tay mẹ nói:

 

- Bà cụ đừng lo, người già có việc của người già, người trẻ có việc của người trẻ.

 

Thầy nói:

 

 "Để tôi về Chùa bạch cùng chúng Tăng rồi đưa cụ về nương tựa nơi cửa Phật."

 

Kể từ ngày đó, bà Cụ về ở trong một am tranh, ngay ở sau chùa.

 

Công việc của bà là nhặt hoa lá rụng trước am, khỏe làm, mệt nghỉ.

 

Không ai biết Bà là mẹ của Thiền Sư,  mà chính ngay bản thân bà cũng không biết mình là Mẹ của một cao Tăng đức độ.

 

Mỗi ngày nhặt  hoa, bà đều chọn ra hai bát  hoa đẹp,  một dâng lên đức phật A DI ĐÀ, bát hoa còn lại bà để trên bàn dành biếu tặng Thầy, vì hàng ngày Thầy đều đến viếng thăm bà, khuyến tấn bà niệm Phật.

 

Theo lời dặn của thầy, lúc nào bà cũng cầm trên tay xâu chuỗi hạt Bồ Đề, tay lần chuỗi, miệng niệm thầm câu lục tự DI ĐÀ. Khi làm việc bà mang chuỗi vào tay như hình với bóng, làm Bà vui suốt cả ngày.

 

Từ khi về nương dưới mái Chùa, mỗi ngày được Thầy đến thăm, dù trong giây lát cũng làm Bà vui suốt cả ngày và tự nhiên thấy mình vô cùng hạnh phúc.

 

Bà không còn nhớ đến đứa con thất lạc từ bao năm qua.

 

Cứ như thế!

 

Một buổi sáng Bà bỗng lên cơn sốt, nhức mắt,  tay chân rủ rượi.

 

Thiền Sư  đến thăm như thường lệ.

 

Thấy thế, Thầy tự tay chăm sóc, cơm nước cho bà, làm bà có cảm giác như đứa con nhỏ thân yêu. Lúc bà bị bệnh, đứa con nhỏ của bà cũng săn sóc bà như thế.

 

Bà giờ đây tuổi già sức yếu, Thầy lại có việc phải đi xa.

 

Thầy dặn đại chúng ở nhà chăm sóc cho bà.

 

Nếu bà qua đời đại chúng hãy thay Thầy làm đủ lễ cho bà nhưng đừng đậy nắp áo quan, đợi Thầy về sẽ tính.

 

Thầy sẽ thu xếp về ngay.

 

Trước khi đi, Thầy đến thăm Bà thật lâu làm cho Bà cụ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc tột cùng.

 

Cái chết đến với Bà giờ đây như một chuyến đi xa, hứa hẹn nhiều điều kỳ thú.

 

Bà không biết Thầy có trở về kịp lúc để tiễn đưa mình không, trong những giây phút sau cùng.

 

Bà không nhớ đến đứa con của mình nữa, mà trong lòng của bà chỉ có một vị Thầy thân thương kính mến, như một nơi nương tựa vững chắc.

 

Thầy đi rồi, đại chúng thay phiên nhau trợ niệm cho Bà cụ. Bà cụ giờ đây không mở mắt nổi, hơi thở yếu dần nhưng tai vẫn nghe.

 

 Bà vẫn hạnh phúc trong tiếng niệm Phật.

 

Tâm của Bà giờ đây lắng xuống, chỉ còn tiếng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

 

Bà đột nhiên thấy mình rơi vào một đường hầm sâu thăm thẳm.

 

Và cuối đường hầm ấy, là một vùng ánh sáng hào quang chan hòa rực rỡ..

 

 ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ và Thánh Chúng hiện ra rõ ràng trước mắt,  lung linh trong vòng hào quang chói lọi.

 

Vị Bồ Tát đứng bên phải,  tay cầm một hoa sen hé nở tỏa hương thơm ngát.

 

 Đó chính là Bồ Tát Đại Thế Chí.

 

 Vị đứng bên trái với hình dáng quen thuộc, tay cầm tịnh  bình, tay cầm nhành dương liễu. Ngài đang mỉm cười chính là Bồ Tát Quán Thế Âm.

 

Bà vẫn nằm đó, gương mặt rạng rỡ bình an.

 

 Nhạc trời du dương lúc trầm lúc bổng.

 

 Bà cụ vãng sanh an tường trong tiếng niệm Phật của đại chúng.

 

Giờ đây bà cụ được đặt trong chiếc áo quan chưa được đậy nắp.

 

Tất cả đại chúng hương khói tụng niệm suốt ngày đêm.

 

Vị Thiền sư đã về đến sau hai ngày bà vãng sanh, nhìn bà như trong giấc ngủ, gương mặt tươi cười khả ái...

 

Thắp nén hương trầm cắm vào bát hương còn nghi ngút khói, Thiền sư chậm rãi cung kính, từng bước nhiễu quanh quan tài ba vòng.

 

 Tất cả đại chúng đều ngạc nhiên, vì cử chỉ tôn kính lạ lùng của một vị Tăng đạo cao đức trọng đối với một Bà lão già.

 

Vị Thiền sư hướng về Đức Phật  cung kính nói:

 

- Đức Phật có dạy rằng:

 

"Một người tu đắc Đạo, CỬU HUYỀN THẤT TỔ được sinh Thiên".

 

Nếu quả thật lời này không hư dối thì xin Tam Bảo chứng minh cho lời này của đệ tử, chiếc quan tài này sẽ bay lên hư không!

 

Khi Ngài vừa dứt  tiếng, chiếc quan tài bỗng  nhiên như có một lực đẩy từ từ nâng lên cao lơ lửng.

 

 Tất cả đại chúng đều đồng quỳ xuống vui mừng lạy, chấp tay thành kính vang  lên tiếng niệm Nam MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

 

Khi chiếc áo quan nhẹ nhàng trở về chỗ cũ, gương mặt bà tươi vui, phảng phất một mùi hương thơm lạ bay khắp cả không gian. Đại chúng đứng bất động, đắm mình trong niềm phúc lạc, nghìn năm chưa dễ có.

 

Nơi quán nước ngày xưa của mẹ, Ngài lập một ngôi Chùa đặt tên là:

 

 "Mại Trà Lai Tự".

Am tranh mẹ từng ở, sớm chiều khói hương nghi ngút, giờ đây được đặt tên là:

 

"Dưỡng Mẫu Đường".

 

Vị Hoà Thượng đó chính là Thiền sư Tông Diễn mà dân chúng thường gọi Ngài là Hoà Thượng Cua.

 

Chính Ngài là người đã giúp nhà Vua bỏ ác tu thiện, là người mà Vua ban chức ngự tiệc chi quân và áo gấm.

 

Đó là một bậc chân tu đã làm tròn hai chữ  HIẾU và ĐẠO .....





______________________________

 

Hoang Nguyen gởi