MÁU CỦA CHA…
Huân cầm cái vỉ đập ruồi, chăm chú, im lặng, rình mấy con ruồi đang bay, đợi chúng đáp xuống một chỗ nào đó trên cái bàn ăn dành cho tù nhân được đúc bằng xi măng nham nhở. Huân thủ thế, ngồi bất động. Đàn ruồi bay vo ve, vòng quanh, chờn vờn, rồi có con đáp xuống trên một mảnh khoai mì bé tí còn sót lại trên bàn. Huân thủ thế. Bọn ruồi nầy cũng tinh khôn đáo để, đã nhiều lần, Huân chỉ có một chút động tĩnh là chúng vụt bay lên trước khi cái vỉ được đánh phạch xuống mặt bàn. Dĩ nhiên là con vật nhỏ tí nầy làm sao khôn bằng người được. Dù có con thoát nhưng rồi nó cũng sẽ bay trở lại và trở thành nạn nhân của Huân. Huân đợi khoảng 5 con ruổi tụm lại một chỗ, rất nhanh, anh đưa cái vỉ lên và đập xuống thật lẹ. Ba con chết, hai con bay thoát. Huân cầm lấy cái vỉ dồn mấy con ruồi chết vào một đống.
Suốt buổi trưa, Huân đã làm công tác đập ruồi, trong chiến dịch diệt ruồi của toàn trại. Khu doanh trại nhốt tù buổi trưa im phắc. Anh em tù nhân đi lao động về, tranh thủ tắm, lãnh cơm ăn rồi tranh thủ nằm nghỉ lưng một chút để đến 1 giờ, sau hồi kẻng họ phải bật dậy để tập họp đi lao động tiếp buổi chiều. Cuộc sống của tù nhân ở đây như cây kim đồng hồ. Sáng dậy sớm súc miệng rửa mặt xong rồi lãnh phần ăn sáng, một chén khoai mì lác đầy vỏ. Ăn qua quít với nước muối rồi tập họp đi lao động. Quần quật ngoài hiện trường đến 11 giờ mới về, cũng ăn vài chén khoai mì lác rồi đi nghỉ một chút.
Buồi chiều 1 giờ tiếp tục ra hiện trường. Cuốc đất, trồng khoai mì, trồng lúa, hay đi vác củi từ trong rừng sâu. Huân làm anh nuôi ở đội rau xanh. Đội rau xanh của Huân chuyên môn sản xuất rau cho toàn trại, cả tù nhân và nhân viên trên khung cùng cán bộ quản lý trại, tất cả đều trông nhờ vào đội rau xanh nầy. Huân được phân chia làm anh nuôi của đội, chuyên môn nấu nước và mang thức ăn đến cho anh em tù nhân. Thật ra thì công tác nầy cũng nhẹ hơn một chút so với anh em đi lao động ngoài hiện trường, nhưng với Huân, cũng trần ai khoai củ lắm. Với cái chân khập khiễng sau khi anh bị té ngã trong lần đi đón củi trên rừng Long Giao năm ngoái, bàn chân anh bị lật và trở thành tật, nhờ đó Huân được điều về làm anh nuôi.
Tháng rồi có chiến dịch diệt ruồi. Ruồi ở đâu má xuất hiện nhiều quá, bay đậu đầy trên tường, trên nền xi măng, trên mặt bàn ăn như một đám đậu đen. Có nhiều tù nhân bị bệnh thổ tả vì sự lây lan bệnh truyền nhiễm do ruồi đem lại, nên ban chỉ huy trại mở chiến dịch diệt ruồi. Mỗi đội được giao mỗi ngày phải diệt 1000 con ruồi, đội trưởng kiểm soát đếm từng con, nên Huân được đề cử thêm chức đập ruồi cho đội.
Thật ra, buổi trưa Huân không ngủ được nên anh cũng lấy công việc nầy làm thú vui. Suốt năm năm rồi, từ ngày đi tập trung cải tạo, hình như không lúc nào anh chợp mắt được buổi trưa. Có phải là cái tâm thức anh không nằm im để ru anh vào giấc ngủ dù chỉ mười, mười lăm phút thôi. Buổi trưa, anh nằm thường gác tay lên trán và nhớ miên man. Nhất là gia đình anh đã biệt tăm trong anh gần ba năm nay. Anh loay hoay. Suy nghĩ. Nhiều khi đang nằm nghỉ mà anh bật dậy. Bật dậy để làm một chuyện gì đó, để xua đuổi đi những ý nghĩ đen tối trong đầu. Khi đội họp để phát động chiến dịch đập ruồi thì Huân giơ tay xung phong lãnh trách nhiệm. Anh sung sướng được tiếp nhận công việc. Anh muốn bất cứ lúc nào cũng có một công việc gì đó để làm. Nằm, hay ngồi, anh lại nghĩ ngợi lung tung. Nói vậy chứ nhiều khi đang làm việc, như đang nấu nước cho đội ngoài hiện trường, anh tự dưng thấy Như Ngọc dẫn ba đứa con đang từ xa chạy đến với anh. Như Ngọc vẫn còn đẹp như xưa, vẫn còn dáng dấp của cô giáo Trung Học. Nàng bận áo dài màu tím than, tóc thắt nơ vàng. Còn ba đứa con gái thì tung tăng chạy nhảy vui đùa. Anh thấy đúng y chang là Như Ngọc và ba con trước mắt anh. Thế nhưng khi anh dụi mắt thì tất cả tan biến mất.
Đã năm năm xa vợ con, những năm đầu tiên của những năm dài cải tạo ở vùng Long Khánh, Long Giao, Như Ngọc có đi thăm Huân hai lần. Thế rồi khi anh đổi ra đây, trại Xuân Phước nầy, nàng biệt tăm luôn. Ba đứa con của anh đâu? cuộc sống thế nào? Đến bây giờ anh không biết được, cho nên trong đầu óc Huân là cả một trời u uẩn, không nghĩ đến thì thôi chứ nghĩ đến là nó như làm bung cái đầu anh ra vậy.
Hồi ở Long Giao, Huân đi lao động đào hố trồng cao su, anh lượm được một mảnh nhôm máy bay. Anh cất kỹ trong xách lén lút đem về doanh trại. Anh nghĩ anh sẽ nhờ thằng “Nguyện sira” làm cho anh 4 thứ đồ trang sức. Một cái lược và ba cây trâm cài tóc. Cái lược sẽ dành cho vợ anh, Như Ngọc, còn ba cây trâm dành cho ba đứa con gái. Công trình làm lược cũng rất nhiêu khê. Thằng ”Nguyện sira” ra giá, tất cả công lao cho 4 đồ trang sức kia là nửa bịch thuốc lào và 4 tán đường. Anh lấy đâu ra những món hiếm quý ấy. Suốt hai năm anh chỉ được hai lần thăm nuôi mà anh biết Ngọc ở nhà lo cho ba đứa con cũng “quá tải” rồi, nên còn sức đâu để nuôi anh, nên anh chả đòi hỏi gì. Ngọc đem cho anh khoảng đâu một ký đường. Anh ăn hà tiện được hai tháng là hết. Cơ thể anh bắt đầu xuống cấp trầm trọng, người anh gầy oặt ra. xanh xao, vàng võ. Nhưng thôi, cố chịu đựng, anh nghĩ thế. Giá của thằng “Nguyện sira” đưa ra là cái giá chung cho các anh em trong trại cải tạo. Thằng Nguyện có hoa tay nên nó cưa, mài, đục, đẽo, mấy ngày là xong và sản phẩm thì “xịn” không chỗ chê.
Mới đầu thì thằng Nguyện làm không công cho bạn bè, sau đó nhiều người nhờ vả quá nên nó ra giá. Bây giờ thì nó nổi tiếng toàn trại về chuyện sản xuất đồ nhôm, nên nó một bảng giá hẳn hoi. Huân thấy mình không có đường, không có thuốc lào, nên anh đành thúc thủ. Sau một đêm suy nghĩ, trằn trọc, anh quyết tâm: Sao mình không tự làm lấy, thằng Nguyện làm được mình làm được. Nghĩ thế là ngày hôm sau anh bắt tay vào việc ngay. Anh đi ra hiện trường lượm được một thanh sắt nhỏ, anh nhặt bỏ vào túi xách. May mà anh đem vào được trong trại an toàn chứ cán bộ kiểm soát mà bắt được thì chắc anh cũng tàn đời, sẽ bị hai ba tháng trong hầm kỷ luật vì tội đem kim loại vào trong trại, với âm mưu trốn trại hay nhen nhúm phản động gì đây?
Thế là trong những lúc rảnh rỗi hoặc thứ Bảy, Chủ Nhật, Huân hỳ hục đục đẽo thanh nhôm. Nghĩ thì dễ nhưng thực hành thật khó. Nhôm máy bay là loại nhôm cứng nên mấy lần Huân đục đẽo, anh đục quá mạnh, lưỡi đục xuyên vào tay làm tay anh máu chảy dầm dề. Máu chảy loang cả miếng nhôm, anh xin thuốc lào rịt vào và lấy cọng dây thun cao su cột ngón tay lại, nhờ vậy máu bớt chảy ra, nhưng cánh tay anh bị sưng vù lên, thâm tím. Máu cuả anh đã đổ ra bao nhiêu lần. Hai lần bị thương, máu anh chảy tràn đầy trên băng ca tải thương từ núi rừng Quảng Ngãi. Các con anh cũng là máu của anh, máu anh đã chuyền qua máu các con anh. Bây giờ các con anh đâu? những giọt máu của anh đã thất tán nơi nào anh chẳng biết? Huân vẫn không nản lòng. Anh đếm từ bây giờ đến ngày thăm nuôi khoảng cũng còn 3 tháng nữa. Anh nhẩn nha làm.
Ngày một, ngày hai. Cuối cùng rồi anh cũng hoàn thành được cái lược và ba cái trâm cài tóc. Anh thầm nghĩ, lần nầy mà Như Ngọc lên thăm anh, có dẫn theo ba đứa con, anh sẽ lấy cái lược chải tóc cho vợ, lấy cái trâm cài đầu cho ba đứa con gái, chắc là Như Ngọc sẽ vui lắm và hạnh phúc lắm. Anh nghĩ cái hạnh phúc cũng tầm thường thôi mà sao anh chụp bắt hoài mà không gặp được. Đúng là hạnh phúc cũng rất tầm thường mà anh không có được. Lần thăm nuôi đó Ngọc không lên. Anh mòn mỏi đợi trông từng ngày, anh đem cái lược và ba cái trâm ra đánh bóng đi đánh bóng lại nhiều lần. Anh vẫn tự bảo lòng, có lẽ Như Ngọc bận chuyện gì đó nên đi trễ thôi, thế rồi anh mòn mỏi đợi chờ cho hết đợt thăm nuôi.
Đến mùa đông năm đó, có đợt thay đổi trại. Anh bị kêu tên, rồi lên xe bít bùng đi suốt mấy ngày mấy đêm liền. Khi xe dừng lại anh thấy mình đã đứng trước một trại tù hiện đại hơn, được xây cất đàng hoàng kiên cố hơn. Nhà tù có cửa khóa, có công an canh giữ. Anh được xếp loại vào hàng ngũ ác ôn, chống đối không chịu cải tạo nên mới được đưa đến nơi chốn đèo heo hút gió nầy. Đây là trại kiên giam Xuân Phước. Từ đó, anh biệt tăm luôn tin tức vợ con. Nhưng anh vẫn nhủ lòng và hy vọng sẽ có ngày gặp lại. Anh quyết tâm giữ kỹ, cất kín cái lược và 3 cái trâm. Cái lược và ba cái trâm đã thấm máu anh trong đó, anh hy vọng có một ngày nào đó anh được thả về, anh sẽ đem về cho Như Ngọc và các con. Anh cố giữ nó bên mình như giữ lấy một vật quý hiếm nhất, dù nhiều lúc trại có đợt kiểm tra gắt gao. Anh đào lỗ chôn “báu vật” xuống dưới đất hàng tuần, hàng tháng, khi nào thấy tình hình yên ổn, anh lại đào lên, rồi lại ra công đánh bóng cho láng, cho lên nước như gương, có thể soi mặt được.
Như vậy, đến nay là năm thứ sáu từ ngày anh trình diện tập trung cải tạo. Dĩ nhiên không được thăm nuôi thì làm gì có quà nên Huân đói rã họng. Những bạn bè thấy anh thương tình, khi có thăm nuôi họ thường cho anh phần khoai mì lác, là phần ăn của họ dư ra. Nhưng cũng được mấy ngày. Cuối cùng cái đói lại trở về và Huân âm thầm chịu đựng. Buổi trưa trong căn phòng ăn im phắc. Chỉ có tiếng ruồi vo ve và chỉ có Huân ngồi rình rập để thoắt một cái, cái vỉ đập ruồi đưa lên và quật mạnh xuống. Những con ruồi chết nằm la liệt. Huân lấy cái vỉ dồn ruồi vào một một chỗ, rồi lấy một tờ giấy báo gom lại. Cũng được gần mấy trăm con. Huân tiếp tục âm thầm làm việc.
Buổi trưa vẫn im ắng. Có mấy người tù thức dậy sớm và đi ra ngoài giếng nước tắm. Có người đang lui cui nhóm lò tự sáng chế bằng cái lon Guigoz, họ nấu nước sôi để chế mì hoặc pha trà, và có người đang nướng lạp xưởng. Ơi, mùi mì gói sao thơm lạ lùng. Rồi mùi lạp xưởng ngào ngạt xộc vào mũi Huân, Huân nuốt nước miếng, anh nghe bụng mình cồn cào, nước miếng anh chảy ra đầy miệng. Huân cố gắng nuốt vào, nhưng mùi mì gói và lạp xưởng vẫn xộc vào mũi anh làm anh run rẩy, cơn thèm khát ăn lên đến cùng cực. Trong những ngày đói khổ đã qua, Huân đã ăn qua nhái, ếch, cào cào, châu chấu, dế. Nhưng những dịp như vậy cũng chỉ là dịp may hiếm có. Tù thì nhiều và ai cũng đói, cho nên khi đi lao động ngoài các nương rẫy, nếu có một con nhái, con dế, con châu chấu nhảy ra thì đã có hàng chục con người nhào tới giành giựt chụp ngay, ai nhanh tay trước thì được. Huân đâu có lanh lẹ và khoẻ mạnh như mấy người bạn tù kia, cho nên dù chỉ là một con dế, anh cũng khó bắt mà bỏ vô miệng.
Khi đã đến tận cùng của sự đói, có người đã tuyên bố một câu xanh rờn: “Con vật nào nhúc nhích được đều ăn được cả”. Mùi thơm của lạp xưởng mà một người bạn tù nào đó nướng lên đã xông vào lỗ mũi Huân một mùi ngào ngạt khó tả. Đã lâu lắm rồi, hình như là đã từ một kiếp trước nào đó rất xa, anh đã được ăn miếng lạp xưởng đó. Nay với anh, những thứ đó được coi như là món quá cao lương mỹ vị, xa quá tầm tay của anh, vì với hoàn cảnh anh bây giờ, không thăm nuôi trong mấy năm ròng rã, anh làm sao có được. Mùi lạp xưởng vẫn ngào ngạt xông vào mũi Huân khiến vực dậy trong anh nỗi thèm thuồng vô tận, nước miếng từ các tuyến bọt trào ra, anh cố gắng ngăn lại những thèm muốn cùng cực nầy, anh cố gắng đưa cây vỉ lên đập trên mặt bàn mấy cái liên tiếp cho quên đi cái mùi vị hấp dẫn kia. Huân nhìn đống ruồi bị đập nằm dồn trên mảnh giấy báo, có con chưa chết hẳn còn bò loe ngoe. Huân bỗng nghe văng vẳng tiếng người bạn tù nói hôm trước, con gì nhúc nhích được là ăn được, tại sao ta không ăn ruồi. Ăn ruồi. Ăn ruồi.
Cũng được lắm chớ, nó cũng là động vật thôi, cũng như dế, cào cào, châu chấu chứ có khác gì đâu. Huân suy nghĩ và lấy cây vỉ khươi khươi đống ruồi, Huân tự nhủ, mình sẽ rang lên cho chín, thêm vào chút muối hoặc chút mỡ, chắc ăn cũng được như mấy loại kia, dù gì mình phải cần một chút chất thịt, chút đạm, để nuôi cơ thể, chứ mình cũng đuối quá rồi. Gục ngã ở đây sẽ không còn nhìn thấy mặt vợ, mặt con. Phải cố vươn lên mà sống, cơ thể mình như hết sinh khí, không có được chút thịt nào từ ba bốn năm nay. Tiếng kẻng tập họp đi lao động buổi chiều vang lên, anh em tù nhân lục tục ra xếp hàng.
Đội trưởng Phương đi qua phòng ăn, thấy Huân đang lui cui gom ruồi vào mảnh giấy báo thì hỏi to: – Hôm nay đội ta diệt được bao nhiêu ruồi đây, anh Huân? Huân chỉ đống ruồi trên mảnh giấy báo, rồi đáp: – Tôi không đếm, nhưng độ cũng khoảng trên năm trăm con. Phương nói to như ra lịnh: – Hôm nay anh khai bịnh không đi lao động thì ở nhà nhớ đập ruồi cho đủ chỉ tiêu một ngàn con nghe. Huân gật đầu tỏ vẻ anh đã hiểu, Đội trưởng Phương bước ra khỏi nhà ăn, rồi đi thẳng ra sân nhập vào đội rau xanh. Huân nhìn theo bóng những người tù lũ lượt bước đi như một đám “bù nhìn” biết cử động. Trời tháng tám nóng ran, nắng như đổ lửa xuống đầu những thân phận người tù. Khi khu doanh trại chỉ còn Huân, anh mới bắt đầu thực hiện ý định của mình.
Anh gom hết những con ruồi vào một cái rổ, những con ruồi như những hạt đậu đen, anh đem ra giếng nước lấy lon Guigoz múc nước giội lên hai ba lượt. Anh vẫn còn ý niệm được một chút vệ sinh, vì anh vẫn biết loại ruồi nầy đã bay và đậu bất cứ ở đâu, nhất là dãy cầu tiêu nằm sát bên lán trại nầy. Tù nhân ra đó đi cầu xuống những thùng phuy, từ đó đội rau xanh ra lấy phân hòa với nước lạnh tưới lên rau làm phân bón. Ruồi nhặng tha hồ đến đó mà kiếm ăn, nhứt là những con ruồi xanh to cỡ hạt bắp, màu xanh dương tuyền ánh lên và khi nó bay tiếng kêu vo vo thật lớn. Vì vậy nên Huân phải rửa sơ qua những con ruồi nầy cho vệ sinh chút xíu. Xong xuôi anh đem cái lon Giugoz bỏ vào mấy giọt mỡ mà người bạn đã cho anh trong lần thăm nuôi vừa rồi. Chút mỡ chỉ còn mấy giọt thôi, anh lấy những bao nhựa quấn chặt lại rồi đem đốt lên, khi lửa cháy bùng anh đặt lon gô lên. Mở trong lon gô bắt đầu nóng và chảy xèo xèo, anh đổ đám ruồi và lấy đũa quậy qua, quậy lại cho đều, lửa càng cao thì mỡ càng nóng sôi lên sùng sục, những con ruồi dính vào nhau sền sệt và co quắt lại. Huân rắc một chút muối vào, thế là anh có món ruồi xào hoàn tất.
Bây giờ thì Huân thảnh thơi đem chén mì lác còn lại buổi trưa, anh để chén mì trên bàn. Cái lon Guigoz kho ruồi đặt bên cạnh, hơi nóng còn bốc khói. Huân suy nghĩ, dù gì cũng là lần đầu tiên ăn ruồi, nên anh nghe ớn ớn và thấy lợm ở cổ, dù vậy, vì cái sống, cái sinh tồn, và cái bao tử cồn cào quá đỗi, sôi sục lộng hành kêu gào riết róng, Huân phải ăn, phải ăn gấp, chứ không thì không kịp nữa, cơn lợm giọng lại trở về, Huân run run một tay anh bốc miếng khoai mì, một tay anh cầm đũa quệt một vòng vô trong lòng lon Guigoz, một đám ruồi lổn nhổn quyện trên đôi đũa Huân bỏ lên lát khoai và đưa vào miệng, động tác mau chóng, nhanh lẹ, Huân nhai vội rồi nuốt ngay. Vị muối mặn đánh thức từng tế bào trong cơ thể anh, nhưng cái nhờn nhợn, tanh tưởi bắt đầu làm anh khó chịu. Huân vội uống một miếng nước sôi để nguội cho nó đẩy củ khoai và ruồi xuống sâu dưới bao tử, Huân cầm lát khoai mì thứ hai lên và lấy đũa tiếp tục quệt vào trong lon Guigoz, anh vừa lấy đôi đũa ra thì từ trong ruột anh quặn lên từng hồi, bắt anh phải ngáp thật dài và anh bắt đầu ói. Huân cố nín nhưng nước miếng, nước mũi, từ trong người anh tự động trào ra, Huân ngồi thụp xuống đất và không tự chủ được nữa rồi, anh lấy tay móc vào họng, một dòng nước ố vàng chứa những con ruồi tuôn ra. Huân lăn vào trong một góc nhà ăn rồi ngồi xuống, miệng há ra cho nước, khoai mì và ruồi tiếp tục trào ra, Huân chỉ còn há miệng ra cho bao tử có gì trào ra hết, mắt Huân mờ đi, anh mửa đến lộn cả mật xanh mật vàng, người anh co quắp, mắt anh lờ đờ, một tay đưa sâu vào cổ họng để móc, mùi tanh lợm làm anh không chịu nổi, đến khi người Huân run lên, có lẽ trong ruột Huân không còn một chút gì, khô ran, trống rốc, nhưng miệng anh vẫn tanh lợm, anh nằm xuống nền xi măng thở phì phò và ngất đi.
Buổi chiều đội rau xanh đi lao động về, thấy Huân nằm bất động bên góc nhà ăn, anh em tù xúm lại khiêng anh lên bệnh xá. Huân còn thoi thóp thở. Lên bịnh xá, y tá khám qua loa rồi cho uống mấy viên thuốc nam xuyên tâm liên, vì bệnh gì ở đây cũng cho uống xuyên tâm liên cả. Huân cựa quậy một chút rồi nằm im, thở đều. Anh em tù trong đội nghe tin Huân bị bất tỉnh vội chạy vào trong nhà ăn để xem, trên hiện trường còn bỏ lại một chén khoai mì lác đã nguội, một lon Giugoz sền sệt những con ruồi. Anh em tù nhìn nhau, ai cũng thầm hiểu ra sự việc, vẻ đau xót, thương cảm, hằn sâu trên nét mặt mỗi người.
***
Hai mươi năm sau tại một nhà nursing home ở đường Habor, tiểu bang California, ông Huân đã vào sống ở đó. Thời gian đã làm ông già đi và tiều tụy thấy rõ. Các con ông đã đem ông vào đây sống vì tụi nó mắc bận công việc làm ăn xa. Một đứa là bác sĩ, nó mở phòng mạch ở tận tiểu bang Florida, một đứa là chủ tiệm nail ở Mass, một đứa theo chồng về sống ở WA state. Còn Như Ngọc thì đã có một người đàn ông khác.
Lần đó, đứa con lớn nói: – Ba già rồi, ba vào đó ở rất tiện cho tụi con, tụi con không thể mang ba theo được. Huân bằng lòng và nghĩ “Tụi nó còn non lòng nhẹ dạ, nó đem mình theo nó chỉ cản trở công việc làm ăn của tụi nó thôi”. Nhớ ngày Huân được tha về sau bảy năm ở trại tập trung, ông lặn lội đi tìm ba con đã thất tán mỗi đứa mỗi nơi. Cả Như Ngọc nữa, nàng trở về lại với ông sau khi đã trải qua nhiều người đàn ông. Huân bươn chải với cuộc sống với đủ mọi thứ nghề để nuôi thân, nuôi gia đình.
Cuộc sống còn khổ cực hơn ngày ông ở trong trại. Cho đến ngày gia đình xuất cảnh. Nay thì ông an tâm, ông tự nhủ lòng: “Thôi thế cũng xong, cũng lo được toàn vẹn cho tụi nhỏ đến bến bờ. Đời như vậy cũng tạm yên.” Ông âm thầm sống trong khu nursing home. Chỉ hiềm một nỗi, ở đây, xứ sở nầy không có ruồi cho ông đập nữa.
TRẦN YÊN HOÀ
________________
Hoang Nguyen gởi