Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
MẪU MỰC NGHÌN XƯA


Đời Đường, Thiền sư Hoài Hải ở núi Bá Trượng, kế thừa Thiền sư Đạo Nhất, hiệu Mã Tổ khai sáng tùng lâm, về sau Ngài lập ra quy củ tùng lâm rất có hệ thống chính là bộ Thanh quy Bá trượng.

Người ta nói rằng: “Mã Tổ khai sáng tùng lâm, Bá Trượng lập ra thanh quy” chính là ý này vậy. Thiền sư Bá Trượng đề xướng sinh hoạt thiền gắn liền với công việc nông nghiệp: “Một ngày không làm, một ngày không ăn".

Ngài đã từng gặp phải rất nhiều người chống đối, bởi vì Phật giáo một bề lấy sinh hoạt đúng giới luật làm khuôn phép, mà Thiền sư Bá Trượng cải tiến chế độ, lấy thiền nông nghiệp làm sinh hoạt, thậm chí có người phê bình ngài là ngoại đạo.

Ngôi tùng lâm của ngài trụ trì ở trên đỉnh núi Bá Trượng (Mỗi trượng gần bằng 10 mét tây, vậy núi cao khoảng 1.000 mét), nên người ta gọi ngài là Thiền sư Ba Trượng.

Mỗi ngày, ngoài việc lãnh đạo đại chúng tu hành ra, Ngài còn đích thân làm các việc nặng nhọc, siêng năng làm mọi công tác, trong cuộc sống chi tiêu từ nguồn lao động của chính mình, rất chăm chỉ với công việc của bản thân, đối với công việc vụn vặt thường ngày, dứt khoát không nhờ sự giúp đỡ của người khác.

Năm tháng dần dà trôi qua, tuổi của Thiền sư Bá Trượng cũng đã già, nhưng mỗi ngày vẫn theo chúng lên núi gánh củi, xuống đồng cày cấy, do vì sinh hoạt nông nghiệp, chính là cuộc sống phải tự cày cấy mới có ăn. Các đệ tử cuối cùng chẳng
nhẫn tâm để cho sư phụ tuổi già làm các công tác nặng nhọc này, do đó, đại chúng khẩn cầu ngài chẳng cần theo chúng lao động, nhưng Thiền sư Bá Trượng luôn dùng thái độ cương quyết nói:

- Ta không có đức chẳng muốn làm phiền người khác, người sống ở trên đời, nếu chẳng đích thân lao động, thì chẳng phải là người tàn phế sao?

Các đệ tử ngăn cản chẳng được, vì quyết tâm phục vụ Thầy, nên buộc lòng phải đem các nông cụ của Thiền sư thường sử dụng như: đòn gánh, cuốc v.v... giấu đi, chẳng cho Ngài lao động nữa. Thiền sư Bá Trượng không còn cách nào khác, buộc lòng phải dùng chiêu thuật tuyệt thực không ăn cơm để chống lại, các đệ tử lo sợ hỏi rằng:

- Vì sao Ngài chẳng ăn cơm?

Thiền sư Bá Trượng đáp:

- Bởi vì không lao động thì không thể được ăn?

Các đệ tử không còn cách nào khác, buộc lòng phải đem các nông cụ hoàn trả lại cho ngài, chấp nhận cho ngài theo đại chúng sinh hoạt. Tinh thần “Một ngày không làm, một ngày không ăn ” của Thiền sư Bá Trượng, đã trở thành mẫu mực của nghìn xưa trong chốn tùng lâm!

LỜI BÌNH:

Có người cho là tham thiền, chẳng những cần giũ sạch trần duyên, thậm chí các công tác cũng chẳng cần làm, cho rằng chỉ cần ngồi thiền tốt là đủ rồi.
Những người ấy chẳng làm công tác, ly khai sinh hoạt, trong ấy lại có thiền chăng?

Thiền sư Bá Trượng vì để cứu vãn bệnh đương thời của người tu thiền, chẳng những ghi lòng tạc dạ câu “Một ngày không làm, một ngày không ăn”, thậm chí ngài còn hô hào khẩu hiệu: “Bửa củi, gánh nước đều là thiền”, bất luận là niệm Phật cũng tốt, tham thiền cũng tốt, chẳng phải mượn lý do tu hành để lười biếng. Hy vọng rằng những người tu thiền ngày nay, nghe rõ âm thanh của Thiền sư Bá Trượng!


________________


Hoang Nguyen gởi