Sau đôi cánh cửa đen ấy là một thế giới tâm linh trang nghiêm, tràn đầy Phật lực - Ảnh: Huyền Lam
Quân quay về hướng ông Ted:
- Ông ơi! Chiếc tủ thờ uy nghi, công phu mỹ thuật quá. Cháu thấy lần đầu tiên trong đời. Chiếc tủ này phải quý lắm, giá phải cao lắm. Cháu e mua không nổi. Được chiêm ngưỡng chiếc tủ thật không uổng công cháu lái xe đến đây ông ạ.
Ông Ted khuôn mặt tươi, cười rạng rỡ:
- Cháu qua phòng khách, chúng ta cùng nói chuyện.
Cha ông Ted sinh ra ở Nhật; ông theo cha mẹ qua Mỹ định cư khi chỉ mới 2 tuổi. Đây là chiếc tủ thờ Phật của cha ông Ted, không biết có từ thời nào. Ông Ted còn nhớ hồi 2, 3 tuổi đã được cha hướng dẫn tới đảnh lễ trước tủ thờ. Hai mươi năm trước cha mất, ông thừa hưởng chiếc tủ thờ dù đã có riêng một chiếc nhỏ hơn nhiều. Cách đây 4 năm, ông Ted bị đụng xe chấn thương cột sống nên di chuyển khó khăn, nay tuổi đã lớn không thể sống một mình, đành bán nhà vào khu dưỡng lão. Do diện tích phòng trong khu dưỡng lão khá khiêm tốn, ông chỉ có thể đem theo chiếc tủ thờ Phật nhỏ của mình.
Ngồi xuống chiếc ghế nệm, ông Ted chậm rãi:
- Cháu thích chiếc tủ này lắm phải không?
Quân nhìn ông, mỉm cười gật đầu:
- Cháu chưa bao giờ thấy được một tủ thờ huyền diệu tuyệt mỹ như vậy. Khi đứng đối diện tủ thờ, cháu cảm được nguồn thiêng liêng, từ lực phát ra ông ạ.
Ông Ted choàng tay qua, vỗ nhẹ nhẹ vào vai Quân:
- Nhiều người đọc tin rao vặt xin đến xem. Có người trả 1 ngàn, 5 ngàn, có người trả 10 ngàn... nhưng ta không bán vì họ toàn là những người sưu tầm đồ cổ hoặc thấy đẹp mua về để trưng bày.
Quân chêm vào:
- Nhưng cháu không đủ tiền để mua vật quý giá này đâu thưa ông.
Giọng ông Ted lộ chút xúc động:
- Nhìn cháu tiếp xúc chiếc tủ thờ, ta biết đã gặp đúng người. Còn vài ngày nữa là giao nhà, ta cứ tưởng phải tiễn chiếc tủ thờ cho các người sưu tầm đồ cổ.
Ông Ted nhìn Quân một lúc lâu, cười hiền từ:
- Ta bán cho cháu giá 200 nhé, không thêm, không bớt. Ta không thể cho, vì cho thì cháu sẽ mang ơn ta.
Quân hốt hoảng:
- Không thể được đâu ông ạ. Chiếc tủ quý thế này phải trên 10 ngàn ông ạ. Cháu được xem lần đầu là thỏa nguyện rồi. Ông hãy bán cho người sưu tầm đồ cổ để có tiền lo cho tuổi già.
Ông Ted cười lanh lảnh:
- Ta đã bán căn biệt thự này thì thêm 10 ngàn, 20 ngàn đâu có thay đổi gì. Điều ta cần là tìm được người mỗi ngày biết sống, biết giao cảm thiêng liêng với chiếc tủ thờ. Trong hộc tủ thờ, có vài cuốn kinh, văn hóa phẩm bằng tiếng Nhật của cha ta. Con giữ làm kỷ niệm, không thì đốt giùm nhé. Ta đã giữ quá nhiều đồ của ông cụ rồi, không thể đem thêm được nữa, ta lại không biết tiếng Nhật.
Quân bối rối:
- Cháu rất cảm động, cám ơn ông nhiều lắm. Cháu cứ tưởng mình đang sống trong mơ ông ạ.
*
Quân trang trọng an vị chiếc tủ thờ trong phòng khách được anh thiết kế thành thiền phòng. Mỗi đêm anh thường tắt hết đèn điện, thắp ngọn nến nhỏ, gõ tiếng chuông ngân vang, ngồi thiền. Một không gian phản chiếu hào quang huyền diệu. Quân cảm được năng lượng từ bi, thanh tịnh phát tỏa từ Đức Phật lung linh gần gũi.
Vài tháng sau, Quân bắt đầu xem những tập sách in bằng tiếng Nhật xếp đầy trong các hộc tủ bên phần dưới tủ thờ. Cầm từng cuốn sách, lật vài trang, liếc vội dòng chữ, anh nghĩ thầm chắc đây là lời kinh bằng Hán tự như tiếng Việt xưa. Anh chợt để ý dòng chữ bên trong tập sách mỏng như được viết bằng bút lông, ruột sách hầu hết là giấy trắng đã hoen màu, ngoài bìa có vài chữ được in lớn.
Quân dù không biết Hán tự, nhưng nhìn nét bút lông tinh tế, đẹp đều, anh suy đoán những dòng chữ này ắt phải có ý nghĩa rất quan trọng. Anh chụp hình bìa sách rồi gởi tin nhắn (text message) đến người bạn Việt Nam sống tại Nhật mà anh quen qua mạng xã hội:
- Chị Du ơi, lâu ngày không liên lạc, nay làm phiền chị rồi. Mấy chữ ngoài bìa sách nói gì thế?
Chị Du:
- Chào anh Quân, lâu quá nay mới thấy. Chữ này có nghĩa là Gia Phả Tổ Tiên.
Quân chụp hình trang viết tay gởi chị Du:
- Chị dịch thêm vài dòng trang này nhé, có phải là chữ viết tay không?
Mấy trang này nói ngày sinh, ngày mất của ông bà tổ tiên, nghề nghiệp, quê quán… tương tự cách ghi chép gia phả của người Việt Nam. Nét chữ rất đẹp, có thể do quý tôn sư trong chùa viết.
Quân kể chị Du nghe về chiếc tủ thờ và người Mỹ già gốc Nhật rồi nhờ thêm:
- Có 3, 4 trang chị dịch ra tiếng Việt giùm nha, rồi Quân sẽ dịch ra tiếng Anh. Biết đâu ông già Nhật muốn biết những điều này. Mai mốt gặp nhau ở Mỹ hay ở Việt Nam, Quân hậu tạ nhé!
Chị Du:
- Không sao đâu anh Quân, giúp chút xíu có gì đâu mà. Nhưng đãi nhà hàng thì cũng nhận đấy!
Khi cánh cửa mở ra, một Phật điện trang nghiêm biểu hiện - Ảnh: Huyền Lam
*
Hôm sau, Quân gọi cho ông Ted theo số lưu lại trong điện thoại di động. Anh hồi hộp nghe chuông reng, hy vọng ông không đổi số, đầu dây có tiếng quen thuộc:
- Xin chào, tôi Ted đây.
Quân mừng rỡ:
- Chào ông, cháu là người mua tủ thờ của ông. Ông ơi, mấy cuốn kinh trong hộc tủ thờ, có cuốn là gia phả nhà ông.
Ông Ted ngạc nhiên:
- Hả, cháu nói gì, cuốn gia phả hả?
- Dạ phải, vì ghi ngày sinh, quê quán, nghề nghiệp của hầu hết người có tên họ là Tazuma.
Ông Ted thốt lên mừng rỡ:
- Ôi tốt quá! Thật không ngờ. Khi cha ta sống thì ta không thèm để ý. Đến khi cha ta mất, khát khao muốn biết gốc gác thì không biết hỏi ai. Gần đất xa trời ta cứ ôm hận không biết tổ tiên mình.
Quân nhẹ nhàng:
- Dạ, ông cho cháu địa chỉ mới, cháu gởi cuốn gia phả và bản dịch tiếng Anh cho ông ạ.
Ông Ted sung sướng cười lanh lảnh:
- Nhân quả, Phật pháp tuyệt vời làm sao. Nếu ta ham tiền thì đâu thể gặp cháu. Cháu cho ta món quà vô giá!
Ông cười to, nói tiếp:
- Một ông Việt ở Mỹ mua đồ của ông Nhật gốc Mỹ, rồi ông Việt lại nhờ bạn Việt ở Nhật dịch tiếng Nhật ra tiếng Việt, ông Việt lại dịch ra tiếng Mỹ... Chuyện như một giấc mơ, cháu nhỉ!
Quân phấn khởi cười với ông:
- Dạ, cháu đến giờ nhìn tủ thờ vẫn tưởng đang mơ ông ạ. Ông và cháu có một giấc mơ rất đẹp.
Ông Ted cười khoái chí:
- Điều đẹp nhất là giấc mơ của chúng ta có thật. Phật pháp nhiệm mầu quá, cháu nhỉ!
GocKhuat Tam Hon gởi