‘Máy hút bụi’ lớn nhất thế giới bắt đầu hút khí carbon chống biến đổi khí hậu
ZURICH, Thụy Sĩ (NV) – Nhà máy “lớn nhất thế giới” được chế tạo để hút không khí ô nhiễm làm nóng hành tinh ra khỏi bầu khí quyển có nhiệm vụ như một cái máy hút bụi khổng lồ nay bắt đầu hoạt động tại Iceland hôm Thứ Tư, 8 Tháng Năm, theo Đài CNN.
Climeworks, công ty Thụy Sĩ khởi công xây cất “Mammoth,” nhà máy thương mại hút khí trực tiếp thứ nhì và lớn hơn 10 lần so với nhà máy tiền nhiệm Orca, bắt đầu hoạt động từ 2021.
Hút khí trực tiếp, hay DAC, là kỹ nghệ được sáng tạo để hút không khí và loại bỏ khí carbon bằng cách ứng dụng hóa chất. Khí carbon có thể được nhà máy bơm sâu xuống lòng đất, tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành các sản phẩm dạng rắn.
Nhà máy Mammoth của Climeworks ở Hellisheiði, Iceland, bắt đầu hoạt động ngày 8 Tháng Năm, 2024 (Hình: Oli Haukur Myrdal/Climeworks)
Climeworks có kế hoạch đưa khí carbon xuống lòng đất, tại đó khí carbon sẽ được chuyển hóa bằng một quy trình thiên nhiên để hóa thành đá, ém carbon vĩnh viễn dưới đó.
Climeworks đang hợp tác với công ty Iceland Carbfix để thực hiện tiến trình cô lập carbon.
Toàn bộ hoạt động sẽ được nguồn năng lượng địa nhiệt sạch sẽ và dồi dào của Iceland hỗ trợ.
Các giải pháp chống biến đổi khí hậu thế hệ tiếp theo như DAC đang làm chính phủ các quốc gia và ngành công nghiệp tư nhân chú ý nhiều hơn khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Nồng độ khí carbon dioxide trong khí quyển với tác hại làm nóng hành tinh đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023.
Khi Trái Đất tiếp tục nóng lên – gây ra những hậu quả tàn khốc cho con người và thiên nhiên – nhiều khoa học gia cho rằng thế giới cần tìm cách loại bỏ khí carbon ra khỏi khí quyển ngoài chiến lược nhanh chóng giảm bớt nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng các kỹ nghệ dùng để loại bỏ khí carbon như DAC vẫn còn gây tranh cãi. Kỹ nghệ loại bỏ khí carbon bị chỉ trích là đắt đỏ, tiêu tốn nhiều năng lượng và chưa được chứng minh ở quy mô lớn. Một số nhà ủng hộ chống biến đổi khí hậu cũng lo ngại các kỹ nghệ hút khí carbon có thể làm các chính sách giảm bớt nhiên liệu hóa thạch bị lơ là.
Climeworks khởi công xây cất Mammoth vào Tháng Sáu 2022 và công ty cho biết đây là nhà máy lớn nhất thế giới. Mammoth có thiết kế theo kiểu module bên trong chứa 72 “máy hút khí” – bộ phận chân không của cỗ máy có nhiệm vụ hút khí carbon từ không khí – có thể xếp chồng lên nhau và di chuyển xung quanh dễ dàng. Hiện nay có 12 máy hút khí đang vận hành và sẽ có thêm máy được lắp ráp trong vài tháng tới.
Ở công suất tối đa, Mammoth có thể hút 36,000 tấn khí carbon từ khí quyển một năm, theo Climeworks. Điều đó tương đương với loại bỏ khoảng 7,800 xe hơi chạy bằng xăng khỏi đường sá trong một năm.
Climeworks không đưa ra chi phí chính xác để hút mỗi tấn carbon, nhưng cho biết chi phí này ở mức gần $1,000 một tấn thay vì $100 một tấn – mức $100 được nhiều người coi là mức quan trọng giúp kỹ nghệ này có giá cả phải chăng và khả thi.
Khi Climeworks tăng quy mô nhà máy và giảm chi phí, mục tiêu là đạt mức $300 tới $350 một tấn vào năm 2030 trước khi đạt $100 một tấn vào khoảng năm 2050, Jan Wurzbacher, nhà đồng sáng lập, đồng Tổng Giám Đốc Climeworks cho biết, trong một cuộc điện đàm với các phóng viên.
Tất cả các cỗ máy hút khí carbon trên thế giới chỉ có thể loại bỏ khoảng 0.01 triệu tấn carbon một năm, thấp hơn nhiều so với mức 70 triệu tấn carbon cần phải loại bỏ một năm từ đây tới 2030 để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu, theo Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế IAEA.
Ngoài ra còn có nhiều nhà máy DAC lớn hơn đang được các công ty khác vận hành. Thí dụ, Stratos, đang được xây cất tại Texas, được chế tạo để loại bỏ 500,000 tấn carbon một năm, theo Occidental, công ty dầu mỏ hậu thuẫn nhà máy này.
Nhưng có thể có một nhược điểm. Occidental cho biết sau khi hút, carbon sẽ được lưu trữ trong đất đá sâu dưới lòng đất, nhưng trang mạng của Occidental cũng nói tới việc công ty sử dụng lượng carbon hút được cho một quy trình nôm na là “tăng cường thu hồi dầu.” Điều này liên quan với việc đẩy khí carbon vào những cái giếng để loại bỏ các tàn dư dầu khó với tới – cho phép các công ty nhiên liệu hóa thạch khai thác từ các mỏ dầu cũ nhiều hơn.
Chính quy trình này làm một số nhà phê bình lo ngại rằng kỹ nghệ hút khí carbon có thể được ứng dụng để kéo dài thời gian sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng với Climeworks mà nói, họ không dính dáng gì tới các công ty nhiên liệu hóa thạch, Climeworks nói kỹ nghệ này rất có triển vọng và cho biết họ có tham vọng lớn.
Jan Wurzbacher, đồng sáng lập, đồng Tổng Giám Đốc Climeworks, cho biết Mammoth chỉ là cỗ máy nằm ở giai đoạn mới nhất trong kế hoạch của Climeworks nhằm mở rộng quy mô hút khí carbon lên tới 1 triệu tấn một năm vào 2030 và 1 tỷ tấn vào năm 2050.
Các kế hoạch gồm có khởi công xây cất các nhà máy DAC tiềm năng tại Kenya và Hoa Kỳ. (TTHN)
Tập Cận Bình đi Pháp: Cuộc tiếp đón gây tranh cãi của Macron và thông điệp từ nước Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc lần đầu trở lại châu Âu kể từ năm 2019, với Pháp là điểm đến đầu tiên. Cuộc tiếp đón ‘‘thân tình’’ của tổng thống Macron, trong đó có chuyến đưa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về thăm quê ngoại ở vùng núi Pyrénées, bị nhiều chỉ trích. Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo họ Tập ngày 06/05/2024, Mỹ bày tỏ hy vọng Pháp thuyết phục Trung Quốc ngừng hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lăng Ukraina.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G) và phu nhân Bành Lệ Viên (P), thưởng thức rượu vang với tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) tại một nhà hàng gần đèo Tourmalet, núi Pyrenees, ngày 7/5/2024. AP - Aurelien Morissard
Căng thẳng cao độ tại dải Gaza đêm ngày 6/5 rạng sáng ngày 7/5. Dân chúng thành phố Rafah, bị vây hãm, ùa xuống đường ăn mừng chiến tranh chấm dứt, sau khi Hamas chấp nhận ‘‘thỏa thuận ngừng bắn’’, nhưng hy vọng lập tức biến thành tuyệt vọng. Lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít 09/05 tại Nga bất ngờ trở thành điểm tham quan ưa thích của dân Trung Quốc, điều khiến không ít người Trung Quốc phẫn nộ. Siêu sao nhạc pop Mỹ, Taylor Swift, chọn Pháp là điểm mở đầu vòng trình diễn châu Âu. 41 nghìn khán giả trong buổi trình diễn đầu tại Paris. Nhiều người căng lều chờ trực ba ngày để có được chỗ tốt. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Đèo Tourmalet, mũ bê-rê, chăn len, thịt lợn đen….
Ngày 07/05/2024, tổng thống Pháp đã dành cho lãnh đạo Trung Quốc và người vợ một sự tiếp đón được coi là rất thân tình, với điểm đến là quê hương của bà ngoại, rất gắn bó với tuổi thơ của ông, tại vùng núi Pyrénées, đông nam nước Pháp. Ông Macron mời vợ chồng lãnh đạo họ Tập dùng bữa tại L’Etape du Berger, một quán ăn nhỏ trên núi cao hơn 2.200 mét, do Eric Abadie, một người bạn thân từ thuở nhỏ điều hành, nằm sát ngọn đèo huyền thoại Tourmalet, nổi tiếng với Tour de France, cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp.
Sau hơn một giờ đi xe lên núi, lãnh đạo Trung Quốc được tiếp đón với đàn sáo cùng vũ điệu truyền thống địa phương. Chăn len Pyrénées, quà tặng thân mẫu chủ tịch Trung Quốc nhân dịp sinh nhật. Áo maillot vàng, với chữ ký của Jonas Vingegaard, tay đua vô địch giải xe đạp vòng quanh nước Pháp năm vừa qua. Mũ bê-rê, rượu Armagnac, vang Madiran lâu đài Montus năm 2008 (năm Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Hội), pho mát đỉnh Pic du Midi, jambon thịt lợn đen Bigorre: tất cả đều là đặc sản quê hương của Emmanuel Macron.
Lãnh đạo hai bên bỏ cà-vạt. Chủ tịch Trung Quốc hứa giới thiệu jambon Pyrénées với người Trung Quốc. Không khí đầm ấm như thể trong gia đình : Thật khó tin trong bối cảnh công chúng không xa lạ với thế đối đầu ngày càng trở nên trầm trọng giữa phương Tây và Trung Quốc, từ an ninh, chính trị cho đến kinh tế, nhân quyền. Chỉ hôm trước, trong ngày đầu tiên chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Pháp cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong buổi đối thoại ba bên tại phủ tổng thống Pháp, đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc xuất hàng hóa tràn ngập châu Âu.
Rất nhiều tiếng nói chỉ trích tổng thống Pháp cả tin mắc bẫy Trung Quốc, hoặc bị ru ngủ trong ảo tưởng về nước Pháp. Ông Macron bị lên án đã tiếp tục sai lầm quá khứ, khi từng tiếp đón tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần với mức thân mật ít nhiều tương tự, với kết quả như đã biết. Chế độ Putin rõ ràng đã chà đạp luật pháp quốc tế với cuộc xâm lăng một nước có chủ quyền, và ngay trước cuộc xâm lăng, lãnh đạo Trung - Nga đã khẳng định ‘‘tình hữu nghị không bờ bến’’, mối quan hệ càng trở nên mật thiết sau hơn hai năm chiến tranh. Ngược lại, không ít người cho rằng lối ngoại giao hữu nghị nói trên của tổng thống Pháp, kể cả với quốc gia đối thủ, là điều không thể thiếu, nếu muốn tìm ra một giải pháp chấm dứt chiến tranh.
Mỹ: ‘‘Không ai có khả năng thuyết phục Bắc Kinh hơn TT Macron…’’
Theo một số nhà quan sát, một trong những điểm đáng chú ý nhất trong chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc, đó là Bắc Kinh cam kết sẽ kiểm soát chặt việc xuất sang Nga các phương tiện ‘‘lưỡng dụng’’ (dual-use), tức vừa có thể dùng trong dân dụng, vừa cho quân sự, như tuyên bố của tổng thống Macron trong cuộc họp báo chung với chủ tịch Trung Quốc. Phía Trung Quốc không bác bỏ. Vấn đề kiểm soát các phương tiện ‘‘lưỡng dụng’’ Trung Quốc xuất sang Nga cũng là chủ đề trọng tâm chuyến công du Bắc Kinh của ngoại trưởng Mỹ hồi tháng trước. Tuy nhiên, hai bên Trung Mỹ đã không tìm được tiếng nói chung. Để gây áp lực, Wahington cân nhắc các biện pháp trừng phạt mạnh, như ngăn chặn các ngân hàng Trung Quốc tiếp cận với đồng đô la, nếu ‘‘con đường ngoại giao thất bại’’.
Khác hẳn với đánh giá của nhiều người, các vận động ngoại giao của ông Macron với chủ tịch Trung Quốc hoàn toàn không phải chỉ là sáng kiến cá nhân của nguyên thủ Pháp. Ít ngày trước khi Tập Cận Bình đến Paris, thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại Giao Mỹ tới Pháp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ban Pháp ngữ đài RFI, phát vào buổi sáng ngày 06/05, ngày đầu tiên của chuyến công du, ông Kurt Campbell đặc biệt nhấn mạnh khả năng tác động của tổng thống Pháp đến lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề này:
‘‘Những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai nhiều nỗ lực đáng kể và có phối hợp để cung cấp phương tiện cho Nga, để tái xây dựng các lực lượng quân sự Nga, đang được sử dụng hàng ngày để phá hủy Ukraina. Hậu thuẫn của Trung Quốc đối với tổ hợp quân sự công nghiệp Nga khiến xung đột kéo dài. Chúng tôi đã cung cấp cho Pháp nhiều thông tin cụ thể về các hậu thuẫn này. Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc là bên cung cấp hàng đầu các phương tiện quân sự cho Nga. Tôi không nghĩ rằng có nhà lãnh đạo nào lại có được khả năng thuyết phục mạnh mẽ hơn là tổng thống Macron về các quan ngại này. Chúng tôi tin tưởng là tổng thống Macron không tránh né các lo ngại rất rõ ràng của chúng tôi về điều mà Trung Quốc đang làm tại Ukraina, một vấn đề hệ trọng đối với tất cả chúng ta. Chúng tôi ủng hộ tất cả những gì có thể mang lại hiệu quả trong việc chuyển đến Bắc Kinh thông điệp như vậy, trên bình diện quan hệ đa phương.’’
Áp lực trừng phạt song hành với đối thoại – hợp tác : Ảo tưởng hay con đường duy nhất khả thi ?
Chuyến đi Trung Quốc của Macron cách nay một năm (tháng 4/2023) đã diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ tìm cách nối lại đối thoại cấp cao với Trung Quốc sau biến cố ‘‘khinh khí cầu’’. Ngay trước chuyến công du của Macron lần đó, phía Mỹ cũng đã ngỏ ý muốn Pháp tác động Trung Quốc để sớm chấm dứt chiến tranh Ukraina. Đối thoại thượng đỉnh Washington – Bắc Kinh chỉ được mở lại nửa năm sau với cuộc gặp Biden – Tập tại San Francisco. Một năm sau Nga vẫn tiếp tục cuộc xâm lăng trong lúc Trung Quốc bị cáo buộc hậu thuẫn mạnh hơn cho chế độ Putin.
Cam kết kiểm soát các phương tiện ‘‘lưỡng dụng’’, mà tổng thống Pháp khẳng định đã nhận được từ Tập Cận Bình, liệu có khả năng thực thi? Hay đây chỉ là hành động câu giờ để né trừng phạt Mỹ trong khi chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Mỹ tháng 11?... Cam kết miệng của lãnh đạo Trung Quốc về kiểm soát việc xuất sang Nga các phương tiện ‘‘lưỡng dụng’’ có thể coi là một ‘‘bước đột phá với châu Âu’’ (breakthrough for Europe) có lợi cho một giải pháp hòa bình cho chiến tranh tại Ukraina, như ghi nhận của báo mạng Hồng Kông South China Morning Post ?
Theo một số nhà quan sát, tổng thống Macron có thể đang tiếp nối con đường trước đây của cố tổng thống de Gaulle, quốc gia phương Tây đầu tiên ‘‘thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc’’, với chủ trương, công nhận Nhà nước Trung Quốc ‘‘hoàn toàn không có nghĩa là ủng hộ chế độ cộng sản Trung Quốc, mà chỉ là thừa nhận một thực tại’’, nhưng với những thách thức chưa từng có. Trong một thế giới đang có nguy cơ rơi vào xung đột không khoan nhượng giữa các khối quốc gia, việc duy trì các kênh đối thoại cởi mở phải chăng vẫn là cơ hội giúp nhân loại giảm bớt đối đầu (về ý thức hệ), để cùng đối mặt với hàng loạt khủng hoảng trầm trọng chung khó có lối ra, trong đó có cuộc đại khủng hoảng khí hậu, môi trường ?
Đàm phán Israel - Hamas: Vì sao Rafah từ hân hoan chuyển sang tuyệt vọng ?
Cuộc chiến tranh của Israel chống tổ chức Hamas tại Gaza, để trả đũa vụ thảm sát trên đất Israel ngày 07/10/2024, đã kéo dài 8 tháng. Song song với cuộc chiến trên thực địa là một trận chiến ngoại giao căng thẳng. Do áp lực của cộng đồng quốc tế, chính quyền Israel chấp nhận đàm phán tìm một thỏa thuận ngừng bắn, không tấn công thành phố cực nam Rafah, nơi tị nạn của khoảng 1,5 triệu dân, nhưng trên thực tế chính phủ Netanyahu không từ bỏ mục tiêu tiêu diệt Hamas. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa Hamas và Israel là ‘‘cuộc đối thoại giữa những người điếc’’.
Ngày 06/05 vừa qua đáng được ghi nhận như một thời điểm đặc biệt, khi người dân Rafah ùa xuống đường phố, vui mừng chào đón ngày kết thúc chiến tranh, nhưng niềm vui của họ sớm bị dập tắt. Tường trình của đặc phái viên Sami Boukhelifah gửi về từ Jerusalem :
‘‘Tối hôm qua tại Rafah, tràn ngập cảnh tượng dân chúng vui sướng. Trong một khoảng khắc ngăn ngủi, người dân đã ăn mừng chiến tranh kết thúc. Bởi ‘‘trái bóng’’ đã từng ở bên sân Palestine. Sau nhiều tháng thương lượng, Israel rút cục đã đưa ra một đề xuất ngừng bắn nghiêm túc cách nay ít ngày. Hồi tuần trước Hoa Kỳ đã cổ vũ tổ chức vũ trang Palestne chấp thuận đề xuất ‘‘hào phóng’’ của Israel. Tối hôm qua, thứ Hai mùng 06/05, Hamas đã chấp thuận. Nhưng Israel nói không. Tại dải Gaza, dân chúng hoàn toàn mất phương hướng.
Mohamed, một cư dân Rafah, cho biết : ‘‘Một làn sóng hy vọng đã tràn ngập đường phố. Người ta nói với nhau, chính Israel đã đưa ra dự thảo thỏa thuận ngừng bắn này. Như vậy chỉ còn thiếu sự chấp thuận của Hamas. Hamas đã đồng ý. Nhưng rồi thay vì đình chiến, bom đạn lại dữ dội hơn ở phía đông Rafah. Oanh kích bừa bãi, không ngừng nghỉ’’.
Dân chúng tại Gaza không còn biết đâu mà lần. Tại Israel cũng vậy, nơi người dân nóng lòng chờ đợi thỏa thuận ngừng bắn này, đồng nghĩa với việc trả tự do cho các con tin. Tối hôm qua trên đường phố Jerusalem, người dân biểu tình tự phát. Trong số những người tham gia, có người thân các nạn nhân, và không chỉ có họ. Một đám đông nổi giận chống lại thủ tướng Benyamin Netanyahou bác bỏ hưu chiến. Lewis, một công dân Israel, phẫn nộ: ‘‘Chúng tôi phản đối chính phủ Netanyahu. Chúng tôi tin rằng chính phủ này không có năng lực, họ chỉ mang lại máu và chết chóc. Chúng tôi có mặt ở đây tối nay để nhắc lại rằng tiếp tục chiến tranh không thể giúp các con tin trở về. 35.000 người Gaza đã chết. 35.000 cái chết phí hoài. Một cuộc chiến trả thù không phải là một cuộc chiến tranh. Đó là tội ác chiến tranh’’.
Ngay từ đầu, chính phủ Israel đã đặt ra nhiệm vụ: tiêu diệt tổ chức Hamas. Đối với chính phủ Netanyahou, mục tiêu này quan trọng hơn việc giải phóng con tin. Như vậy họ đã chôn vùi hy vọng ngừng bắn. Chiến tranh tiếp tục bước sang tháng thứ tám.’’
Liệu cộng đồng quốc tế, người dân Israel và các quốc gia liên quan có đủ sức ngăn lại cuộc chiến một mất một còn thảm khốc tại cực nam Gaza ? Hay lực lượng Hamas không tránh khỏi số phận tiêu vong và phe của thủ tướng Netanyhu rút cục sẽ bị lật đổ, như dự đoán của cựu bộ trưởng Israel Yossi Beilin, nhà đàm phán Thỏa thuận Oslo 1993 về hai nhà nước Do Thái và Palestine cùng tồn tại ? (thỏa thuận tan vỡ sau khi thủ tướng Israel kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Yitzhak Rabinc bị phe cực hữu sát hại năm 1995).
Đi xem duyệt binh Nga: Dân Trung Quốc người phấn chấn, kẻ phẫn nộ
Tham quan lễ duyệt binh mừng chiến thắng chống phát xít của Nga, được tổ chức ngày 09/05, đột ngột trở thành mốt mới với cư dân miền đông bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc, hoạt động này gây phẫn nộ với một bộ phận dân mạng. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
‘‘Trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, hoạt động tham quan giá rẻ đang thu hút nhiều du khách Trung Quốc. ‘‘Lễ duyệt binh lớn mừng chiến thắng’’ ở thành phố Nga Vladivostok, cách biên giới Trung Quốc khoảng 100 cây số, là một trong các điểm đến như vậy. Từ vài ngày nay, các hãng du lịch rầm rộ quảng cáo cho vẻ đẹp của quân đội Nga và phong cảnh Siberi.
Trên trang mạng ‘‘Tiểu Hồng Thư’’ (tên vốn dùng để cuốn tuyển tập Mao Trạch Đông bỏ túi – Mao tuyển), bà Wang ở thành phố Cáp Nhĩ Tân (Harbin), đông bắc Trung Quốc, nhân viên của một công ty lữ hành, cho biết: ‘‘Để tham gia vào cuộc duyệt binh ở Vladivostok, chúng tôi đề nghị với quý vị một chuyến đi 4 ngày, từ ngày 7 đến ngày mùng 8/5. Đoàn gồm 40 người. Người tham gia chỉ cần mang theo hộ chiếu có hiệu lực hơn 6 tháng.’’
Các chuyến xe buýt đi Vladivostok đều kín người, theo các công ty du lịch mà chúng tôi liên lạc. Chương trình bao gồm tham quan kiến trúc tân cổ điển của thành phố cảng Nga, khám phá các đặc sản ẩm thực địa phương và tiếp xúc với vũ khí và phương tiện quân sự Nga. Đối với An, một kỹ sư thường đi xem duyệt binh, đây là một dịp may vô cùng hiếm có.
Anh nói: ‘‘ Tôi cảm thấy rất phấn chấn và vui sướng, bởi đây là lần đầu tiên được xem cận cảnh một cuộc duyệt binh. Chúng tôi được phép chụp ảnh thoải mái. Chúng tôi cũng được đến rất gần các vũ khí và phương tiện. Điều này không thể có tại Trung Quốc. Tôi rất thích chuyến đi này. Ở đây tôi không hề bị kỳ thị, những người Nga mà tôi gặp đều dễ thương.’’
Nhiều người vui sướng, nhưng ngược lại, cũng có nhiều tiếng nói chỉ trích. Trong giới yêu nước trên mạng và say mê lĩnh vực quân sự ở Trung Quốc, nhiều người coi sự hiện diện của quân nhân Nga tại vùng Siberi là một nỗi ô nhục. Họ nhắc lại các thỏa ước bất bình đẳng, mà nhà Thanh ký kết nửa sau thế kỷ 19, nhượng lại cho nước Nga Sa hoàng gần 400.000 cây số vuông’’.
Vẫn theo phóng viên Stéphane Lagarde, số người phẫn nộ nói trên không thể nói là đa số trong xã hội Trung Quốc, nhưng quan điểm ngờ vực Nga của họ được thể hiện rõ. Để chuẩn bị công luận cho chuyến công du dự kiến từ nay đến cuối tháng của lãnh đạo Nga Putin, Alekxandr Duguin – từng được coi là một kiến trúc sư của tư tưởng đế quốc Nga – đã mở một tài khoản bằng tiếng Trung trên mạng Trung Quốc Weibo hồi tuần trước. Ngay lập tức, có thể ghi nhận nhiều tiếng nói lên án Alekxandr Duguin với các lời lẽ như : ‘‘Hồ Baikan là của chúng tôi !’’, ‘‘Hãy trả lại lãnh thổ bị chiếm đóng!’’, ‘‘Tại sao ngươi muốn phần lãnh thổ phía bắc Trung Quốc thành vùng ảnh hưởng Nga ?’’, hay ‘‘Ukraina muôn năm !’’.
Người Việt - Trọng Thành - RFI
12/05/2024
May 9, 2024
____________
Đỗ Hứng gởi