Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




MIỆT VƯỜN



Lời phi lộ

Bài này dài , nếu ai từng là xuất thân từ Miệt Vườn để Nhớ Về
Nếu ai đang ở Miệt Vườn thì nên Hảnh Diện
Nếu ai chưa biết về Miệt Vườn cũng nên đọc cho biết về Miền Tây

____________________


Tui sanh đẻ ở làng Cái Mơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre
Tui lên Saigon từ nhỏ, tui không dám nói tui sanh đẻ ở Cái Mơn vì sợ tụi nó chọc tui là.....đồ cái thứ nhà quê....

Các ACE chưa biết đâu , tui học lớp chót tới lớp Nhứt ở Saigon mà tụi nhi đồng biết tui đẻ ở Cái Mơn, tụi con nít chọc thì khỏi chê Có thằng không dám đi học luôn đó chớ bộ giởn chơi sao ta

Nhưng nay tui rất Hảnh Diện tui xuất thân từ Miệt Vườn

Đồng bằng sông Cửu Long là quê hương của “văn minh sông rạch”, “văn minh miệt vườn” khá độc đáo.  Bờ sông không đắp đê, lại bị cắt từng chặng ở ngã ba, ngã tư, muốn qua rạch nhỏ thì sẵn kiểu “cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”. “Cầu ván đóng đinh” xuất hiện rất trễ khi thực dân Pháp đến.

Câu hát “Ví dầu cầu ván...” khá phổ biến, ngay cả trẻ con thời xưa cũng thuộc nằm lòng. Cầu tre khó đi nên nhiều người phải... bò, để giữ thăng bằng.

Cầu tre còn gọi là cầu khỉ (người qua cầu phải lanh lẹ tay chân như con khỉ chuyền trên cây) luôn luôn có nhịp giữa với khúc tre rời, đề phòng trường hợp ghe có mui quá cao, hoặc có cột buồm thì giở khúc tre ở giữa lên cao, ghe qua rồi thì hạ khúc tre xuống.

Trong công cuộc khai phá và xây dựng miền đất mới của cư dân người Việt ở Nam bộ, dưới tác động của thiên nhiên, con người càng có ý thức cải tạo thiên nhiên.

Lập vườn là công việc lao động đầy sáng tạo của những người mở đất. Khác với vườn ở đồng bằng sông Hồng, vườn ở đồng bằng Cửu Long rộng lớn, ở từng nơi vườn thường tập trung lại với nhau thành những không gian vườn tược rộng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Số đông các nhà nghiên cứu khi viết về văn hóa Nam bộ có một cách hiểu chung miệt vườn là “những vùng, những tỉnh xưa được lưu dân Việt vào khai phá sớm hơn cả”.
 
Đó là những dãy đất “giồng” cao ráo mà những người đi mở đất đã chọn “làm đất đứng chân” vì những nơi này “thỏa mãn những yêu cầu ban đầu cho người dân đi khai phá có nước ngọt, cao ráo, tránh được muỗi mòng, rắn rết, trồng được những hoa màu ngắn ngày và có cái ăn để tồn tại”.

Theo nhà văn Sơn Nam, miệt vườn là “những vùng cao ráo có vườn cam, vườn quýt”, “được xây dựng trên những đất giồng, đất gò ở ven sông Tiền, sông Hậu”
 
Miệt vườn - theo nhà văn Sơn Nam, là cách gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (chúng ta từng nghe nói về vườn, công tử vườn, bắp vườn, nhà vườn,...) Cho nên đã phát sinh câu ca dao:

Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh

Trai gái ở đất giồng đất bưng miền Rạch Giá – Cà Mau mơ ước có chồng có vợ từ miệt vườn đến, để học hỏi thêm.

Cô gái ở Rạch Giá thèm đời sống ở miệt vườn “mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”

Cô gái miệt vườn lại e ngại khi lìa quê, theo chồng tận chốn “chim kêu vượn hú”:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu.

Hoặc là:

Chuồn chuồn bay thấp
Mưa ngập ruộng vườn
Nghe lời nói lại càng thương
Thương em, anh muốn lập vườn cưới em.

Thật vậy, miệt vườn là nơi trù phú. Gái miệt vườn rất giỏi về nữ công gia chánh, cho nên có quan niệm rằng chỉ có trai Gia Định mới xứng đáng làm người yêu:

Ghe ai mũi đỏ xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?

Dưỡng già, sống những ngày hưu trí ở miệt vườn là thong dong nhất. Trai lớn lên mà lập vườn thì cơ sở làm ăn được vững chắc.

Bởi vì, “vườn là nguồn lợi quan trọng hơn ruộng, gái vườn ở vào trình độ cao hơn gái quê, đất vườn cao giá hơn đất ruộng.

“Đất đai viên trạch” tức là đất ruộng, đất vườn và đất thổ cư, tiêu biểu cho thôn xóm.
Cúng “mâm đất đai”, trước khi cúng vái ông bà, tức là cúng cho những người đầu tiên sáng lập thôn xóm, tiền hiền và hậu hiền”
 
“Trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên”, “Trai Hai Huyện, gái Miệt Vườn” là những lời ca ngợi dành cho dân miệt vườn.
 
Nhơn Ái thuộc Phong Điền nổi danh về vườn cam, vườn quýt ở rạch Cần Thơ. Ở đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều nho sĩ, nhất là dân trung lưu và bình dân ăn nói lễ phép, lưu loát, biết hát biết hò nơi sông sâu nước ngọt với chiếc tam bản hai chèo hoặc bốn chèo.

Gái Long Xuyên nổi tiếng giỏi về nữ công gia chánh, đặc biệt là ở vùng cù lao Ông Chưởng, vùng Chợ Mới, nơi gọi là Hai Huyện.

Nằm trên lưu vực hai con sông Tiền, sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến như một vùng sông nước hữu tình, cây lành trái ngọt quanh năm, người dân hiền hòa mến khách với những địa danh đã được biết đến từ lâu, như: cù lao Thới Sơn, trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), sân chim Ba Tri, Cồn Phụng (Bến Tre), cù lao Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng , chợ nổi Ngã Bảy (Cần Thơ, Hậu Giang), Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp)...
 
Một vùng sông nước với hệ thống kinh rạch chằng chịt, những cù lao đầy ắp hoa trái và sản vật chính là nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ để chế biến những món ăn độc đáo in đậm chất phương Nam.

Cá lóc nướng trui, lươn, rắn nướng lèo, cá tai tượng chiên xù ăn cùng với các loại rau, hoa cỏ lạ như lá lụa, lá cách, lá săng máu, kèo nèo, bông điên điển, so đũa... đủ vị thơm, chua, chát, ngọt, bùi. Kẹo dừa Bến Tre, nem Lai Vung, vú sữa Lò Rèn, măng cụt Cái Mơn, bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, xoài cát Hòa Lộc, bánh phồng Sa Đéc, bánh pía Sóc Trăng, mắm thái Châu Đốc... là những hương liệu sẽ mang lại hương vị đậm đà cho bữa tiệc ẩm thực của Đồng bằng sông Cửu Long.

Cần Thơ là địa danh tiêu biểu ở vùng đất này. Nó không chỉ là biểu tượng của quê hương mà còn là tình cảm, là niềm hãnh diện của người dân miệt sông nước đồng bằng:

Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về...
 
Câu ca dao lưu truyền từ bao đời đã làm lay động lòng người mỗi khi có dịp dừng chân ghé thăm vùng đất Tây Đô.
 
Đến Cần Thơ, ngoài tận hưởng đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị quê nhà, ăn cơm sốt dẻo nấu bằng gạo Tài Nguyên thơm phức với mắm cá lóc,kèm bát canh cua đồng nấu với bông so đũa, bạn đừng quên đi du thuyền nghe hát dân ca.

Chính vì thế mà Cần Thơ thu hút đông đảo bè bạn bốn phương. Ca dao cũng có câu rằng:
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
 
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.

Hay:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh!

Hay:

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười
 
Bến Tre nằm giữa bốn bề sông nước, bao gồm cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa, xen lẫn với đồng ruộng và vườn dừa xanh tươi.

Khi đặt chân tới Bến Tre, ta sẽ được khám phá vùng hạ lưu và cửa sông Cửu Long.

Cuộc sống của người dân Bến Tre luôn gắn bó với cây dừa. Bến Tre có các vùng sinh thái tự nhiên như: vùng sinh thái nước ngọt gồm các cồn, vùng dân cư ven sông Tiền, sông Hàm Luông, với những vườn trái cây nhiệt đới, làng hoa cảnh...

Vùng sinh thái nước lợ ở xã Hưng Phong với nét sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm nét làng quê Nam bộ.

Vùng sinh thái nước mặn tại khu vực bãi biển Thới Thuận, Thừa Đức, Thạnh Phong và khu rừng ngập mặn phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, nghỉ dưỡng, giải trí và thưởng thức các món ăn mang hương vị biển.

Các cù lao ở Bến Tre có màu xanh bạt ngàn của rừng dừa xen lẫn những vườn trái cây đủ loại.

Người dân vùng Cái Mơn, huyện Châu Thành kể rằng, ngày xưa họ đi mưu sinh khắp nơi. Nhiều người từ nước ngoài trở về đem theo các giống cây lạ như: măng cụt, sầu riêng, bòn bon, chôm chôm cùng với kỹ thuật ghép cành, gây giống. Sau khi trồng thử, trái ngon, ngọt thích hợp với dân địa phương và các vùng chung quanh. Từ đó, Cái Mơn được mệnh danh là đất tổ của nghề làm cây giống và lai ghép cây, trong đó, nổi tiếng nhất là sầu riêng Cái Mơn.
 
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn,
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày,
Xoài chua, cam ngọt Ba Lai,
Bắp thì chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa,
Quýt đường, vú sữa, ngổn ngang,
Dừa xanh Số Sãi, tơ vàng Ba Trị

Bến Tre còn là quê hương của nhiều loại hoa quả. Ở đây có đến hàng chục loại trái cây nổi tiếng như sầu riêng, xoài cát, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm được trồng khắp nơi, thứ nào cũng thơm ngon, hấp dẫn.

Khi đến thăm xứ dừa Bến Tre, lúc ra về không quên mua một vài sản phẩm đặc sản của địa phương để làm quà cho người thân mà còn được nghe những câu hát ngọt ngào, tình tứ:

Kẹo Mỏ Cày vừa thanh, vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo, vừa ngoan...
Ai đến quê tôi mênh mông Đồng Tháp
Thẳng cánh cò bay bát ngát ruộng đồng
 
Đồng Tháp là vương quốc của các loài trăn, rắn, rùa, già đãi, sếu đầu đỏ, nhơn sen, le le, chằng nghịt, ốc cao, quốc... cùng nhiều loại chim muông khác...

Khắp nơi có tràm gió, sen, súng, bàng. Chưa kể đến các khu vực đầy ắp lúa ma, mồm mốc, mồm vàng, đưng, sậy. Hình ảnh người nông dân đi xuồng gặt lúa nổi, hay tay cầm chắc cây phảng phát hoang là hình ảnh tiêu biểu cho công cuộc lao động ở xứ sở này. Ngày nay, đất Đồng Tháp đã trải một màu xanh ngắt của lúa, của tràm, của màu sắc hoa sen và rất nhiều những dòng kinh xanh biếc.

An Bình đất mẹ cù lao
Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long
Khách về nhớ mãi trong lòng
Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang.

Người dân ở cù lao An Bình (Vĩnh Long) nói riêng, các cù lao ở miệt vườn Nam bộ nói chung, bao đời nay vẫn luôn tự hào với những sản vật của quê hương: bưởi, nhãn long, sầu riêng, chôm chôm...

Mảnh đất cù lao như người mẹ hiền cung cấp biết bao màu mỡ cho cây trái xum xuê, tươi tốt. Ai đã một lần đến với nơi đây lòng không khỏi vấn vương bởi hương bưởi thanh tao hay hương vị ngọt ngào của trái nhãn long đất Vĩnh.

Hương thơm, vị ngọt ấy như muốn giữ chân du khách nán lại mảnh đất cù lao bé nhỏ mà thân thương này thêm chút nữa...

Cảnh thiên nhiên và đời sống văn hóa miệt vườn ảnh hưởng rất lớn đến những sáng tác ca dao miền sông nước Cửu Long.

Một trong những biểu hiện ấy là sự phong phú và mới mẻ của những hình tượng thiên nhiên liên quan miệt vườn: hình tượng chim và hoa.

Trong hệ thống thiên nhiên miệt vườn, đối tượng được phản ánh chính là những hình tượng cây trái do con người trồng trọt. Hệ thống cây trái do trồng trọt chiếm đa số trong hệ thống những hình tượng thiên nhiên liên quan đến miệt vườn: sầu riêng, vú sữa, nhãn, măng cụt, mận, mãng cầu, mít, cam, quýt, xoài, bưởi, dừa, chôm chôm...

Nhìn chung, nét đặc thù của thiên nhiên miệt vườn đã nảy sinh những sáng tác ca dao của Đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình hình thành miệt vườn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra những yếu tố văn hóa tinh thần phù hợp với đặc điểm tự nhiên và tư duy sáng tác ca dao của người Nam bộ. Sáng tạo đó đã góp phần phát triển thể loại văn học dân gian nói chung, làm phong phú và đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
 
Hùynh Thúc Kháng
 
___________________


Đỗ Hứng gởi