Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
MỘT CÂU CHUYỆN QUÁ HAY

 
Chiếc xe gã đang lái đi làm hằng ngày là chiếc Toyota đời xa lắc . Gã đã già tơi tả, chiếc xe thiếu điều còn già tơi tả hơn .Vậy mà gã và xe đã cùng nhau đi làm hết ngày này qua tháng nọ không hề đau yếu một lần. Chiếc xe cứ thế khật khù mỗi lần gã leo lên, cũng như gã cứ thế mà lừng khừng trôi vào cuộc sống . Đôi lúc đang trên đường gã mong một chiếc nào tông vào đít xe của gã để gã có cái cớ nằm vạ bắt đền . Biết đâu chừng nhờ vậy gã mới có dịp mua một chiếc xe khác khá hơn . 
 
Vào một buổi chiều trong khi gã đang đợi đèn đỏ ở một góc ngã tư, thì bỗng nhiên có một chiếc xe nào đó xớn xác tông vào đít xe gã thật . Như vậy là xe mình đã được tông , gã mỉm cười khoái chí . Cái ngày này gã mong đợi từ lâu , cuối cùng cũng đã có một con nhạn sa lưới. Gã nhủ thầm không biết con nhạn nào đây? Trẻ, già, trai, gái, lớn, bé? Gã tà tà mở cửa xe bước xuống, thầm mong sao chiếc xe mình thật thê thảm để dễ bề bắt đền . Chiếc xe quả thê thảm thật, nhưng kẻ gây ra tai nạn không thê thảm chút nào. Cô gái ngồi tỉnh bơ trên chiếc xe của mình. Dân số người Mỹ trên 300 triệu, dân Việt Nam chiếm chưa đến tỷ lệ một phần trăm, cô gái lại là người Việt Nam. Gã hơi thất vọng, người Việt Nam nổi tiếng liều mạng, cứng đầu, gan góc không dễ gì bắt chẹt.
 
 Gã chắc lưỡi, trong cái hên ( được xe đụng ) vẫn còn cái xui (người đụng là Việt Nam lại là nữ?) 
 "Hình như cô đã tông vào xe tôi “ 
 "Tông rõ ràng chứ còn hình như gì nữa"
 "Như vậy là cô phải đền “
 "Đương nhiên"
 
Cô gái mở cửa bước xuống. Khi cô gái bước xuống không hiểu sao mọi ý đồ nằm vạ bắt đền của gã tiêu tan . Gã trố mắt nhìn. Cô gái đầy khoan thai và hấp dẫn . Cô gái hỏi
 "Ông muốn đền bao nhiêu”
 
Gã lắc đầu:
"Chuyện nhỏ thôi, bỏ qua đi"
 "Bỏ qua đâu được, xe ông tan nát thế kia?"
 "Kệ nó đừng để ý đến. Nó cũng đã cũ lắm rồi"

Gã chép miệng triết lý một câu rất sến “ nó già cũ giống như tôi “ Nhưng cô gái lại cương:
"Nếu ông không chịu bắt đền thì tôi sẽ gọi cảnh sát"

Gã cãi:
"Người gọi cảnh sát là tôi chứ đâu phải cô. Tôi là nạn nhân mà"
 
Cô gái phì cười:
 "Ờ há"
 "Thôi mạnh ai nấy đi trả lưu thông lại cho đường xá" 
 "Vậy thì cám ơn ông nha"
 
Gã nói y như thiệt:
" Ơn nghĩa gì, đều là người Việt xa xứ với nhau" 
 
 Chiếc xe mắc dịch chưa từng đau yếu một lần cả những lần gã mong cho nó đau yếu mà nó vẫn trơ trơ khỏe mạnh . Còn lần này gã mong nó được khoẻ mạnh thì nó lại trở chứng đau yếu . Gã loay hoay gần toát mồ hôi mà chiếc xe cứ lì lợm máy không chịu nổ. Giống như là nó đang giận vì gã cam tâm phản trắc mượn đao thiên hạ giết mình. Thấy vậy cô gái hỏi:
 "Xe ông sao rồi?"
 
Gã đáp cộc lốc:
 " Trở chứng, hết xí quách. Cô đi đi, để tôi đẩy vào lề rồi đón xe bus về cũng được"
" Bến xe bus có gần đây không?"
 " Đi bộ quẹo khoảng hai ba góc đường là tới"
" Hay là tôi đưa ông về? Nhà ông ở đâu “
 " Tận bên West lận"

Cô gái reo lên:
 "Tôi cũng ở bên đó, như vậy là tiện đường rồi"
 
Gã nói chận một câu để gọi là cho đỡ mất mặt nam nhi :
 "Tự ý cô mời chứ tôi không có yêu sách gì hết đó nghe"
 "Biết rồi, biết rồi"
 
 Chiếc xe của cô gái trông rất xịn và ngon lành tuy thế vẫn còn thua xa chủ nhân. Trong khoảng dung tích thu hẹp của lòng xe đựng hai người, tim gã bỗng nhiên rộn ràng. Cô gái có mùi thơm đặc biệt (có cô gái nào mà chẳng có mùi thơm) vậy mà gã thầm xính quýnh. Chẳng lẽ ngồi im, gã khơi chuyện để giết thì giờ: 
"Năm nay cô được bao nhiêu tuổi?"
 
Câu khơi đầu không lịch sự lại điểm trúng vào yếu huyệt của đàn bà. Đàn bà con gái kỵ nhất là ai hỏi tuổi của mình. Gã hỏi lãng xẹt, vậy mà trong khi cô gái im lặng không thèm nói, gã lại yên chí đợi câu trả lời.
 "Sao cô không trả lời?"

Đến nước này cô gái buột miệng:
 "Hỏi vô duyên sao trả lời"
 
Gã chợt hiểu mình đã vi phạm luật phái nữ:
"Xin lỗi, xin lỗi"
 "Lỗi phải gì mà xin. Ông còn câu hỏi nào vô duyên hơn câu hỏi hồi nãy không?"
 "Cô làm ở đâu?"

Lại thêm một câu hỏi dở ẹt, cô gái lắc đầu:
 "Phải công nhận dở hơn câu hỏi hồi nãy thiệt."
 
Gã triết lý cùn:
 "Dở cũng phải chịu. Ở đời đâu phải cái gì cũng giống như ý mình muốn đâu? Ví dụ như tôi ghét nhất hamburger vậy mà ngày nào cũng phải nhai nó để mà sống. Sống có nghĩa là để chấp nhận."
 
Cô gái chỉ biết nhìn gã. Không biết thằng cha này có điên hay không, nói chuyện lừng khừng gì đâu. Nhưng rồi cô gái nghĩ thằng chả xem ra cũng có lý, như mình có muốn tông vào xe thằng chả đâu vậy mà vẫn tông. Mình đâu tốt đến nỗi phải chở thằng chả về nhà, vậy mà vẫn phải chở. Ngẫm nghĩ đến đây, quay sang nhìn, cái tướng lùi xùi nhìn kỹ thấy cũng hay hay. Tự nhiên cô gái mỉm cười:
 "Bên West nhà ông ở đường nào?"
 "Terry Parkway. Cô cứ giữ lane trái qua khỏi cầu con Cò sẽ thấy Exit Terry Parkway"
 "Tôi biết đường Terry Parkway, nhưng nhà ông nằm ở khúc nào?"
 "Khúc giữa"

Gã trả lời cắc cớ. Cô gái đỏ mặt, ước gì mình không còn chút tình người tấp đại xe vào lề trân trọng mời gã cút xéo cho rồi.
 
 Vậy mà gã và cô gái quen nhau. Một đêm bên góc quán cà phê DuMont, có ngọn gió từ dưới sông Mississipi thổi lên cuốn theo một chiếc lá rớt trên mặt bàn. Gã cầm chiếc lá đưa cho cô gái:
 "Có chiếc lá rụng tức nhiên là mùa thu đang về."
 
Thấy gã bỗng nhiên lãng mạn ngang xương, cô gái chọc: 
 "Giống cải lương ghê"
 " Ừ giống cải lương thật,tôi vẫn tự thấy mình giống như một kép hát cải lương. Cô biết không mùa thu ảm đạm lắm, cái không gian đó dễ làm chạnh lòng những ngườì xa xứ."
 "Giống như ông chẳng hạn?"
" Đúng. Như tôi chẳng hạn. Tặng cô chiếc lá này"
 "Tặng tôi?"
 "Ừ tặng cô, đừng xem thường nó, nó là sứ giả của mùa thu đấy"
 "Để làm chi vậy?"
 "Để làm kỷ niệm"
 "Trời đất, giữa thời buổi internet này mà ông muốn em giữ chiếc lá giống như thời lạc hậu để làm kỷ niệm?"
 
"Đôi lúc cần phải giữ. Người ta trước khi có hiện tại ai cũng đều bị có quá khứ hết. Quá khứ nhiều lúc có muốn cởi bỏ nó không phải dễ. Cô biết không ngà xưa có một con ốc nhỏ sống một mình trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày mà nó cho là buồn thảm. Cư mỗi một ngày trả một ngày về cho quá khứ, sự buồn thảm theo nhau chất quá khứ nặng nề trên lưng con ốc. Một hôm nó quyết định mang quá khứ đi chôn. Nó nghĩ chỉ có cách đó nó mới được nhẹ nhàng trong cuộc sống. Nghĩa địa nằm bên kia đường. Khi con ốc cõng được quá khứ đến mé đường thì nó mới thấy rằng băng qua không phải dễ. Xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, không chừa một khoảng trống thời gian nào để khả dĩ tương xứng với vận tốc chậm như ốc để nó có thể băng qua. Cuối cùng con ốc hiểu rằng nếu nó muốn qua bên kia thì không thể nào thoát khỏi bị cán nát dưới những bánh xe. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia. Con ốc đã không đủ can đảm làm một cuộc cách mạng để trút bỏ quá khứ  . Con ốc tự nó biết là cả suốt một cuộc đời đành luẩn quẩn ôm một quá khứ đau buồn của mình và chờ chết"
 "Con ốc nằm chờ chết thật hả ông?"
 "Chẳng lẽ nằm chờ sống. Có một sinh vật nào được trường sinh bất tử đâu?"
 "Buồn quá nhỉ. Giả dụ như em chận xe lại để giúp con ốc qua đường. Như vậy theo ông con ốc có hy vọng gì chôn được quá khứ mình không?"
 "Bên kia đường là nghĩa địa, con ốc còn chậm hơn rùa. Chỉ sợ khi nó cõng được quá khứ đến nơi thay vì chôn quá khứ thì nó lại tự chôn mình. Bởi vì thời gian trôi còn nhanh hơn vận tốc của nó nữa đó."
 "Sao kỳ vậy?"
 "Vì lúc đó con ốc đã già lắm rồi."
 "Nhưng em thấy ông chưa già. Ông còn cả một quãng đường dài trước mặt"
 "Sao cô biết tôi còn một quãng dài trước mặt?"
 "Biết chứ sao không vì em đã chận tuổi già ông lại rồi."
 "Từ lúc nào?"
 "Từ lúc em tông vào xe ông"
"Cô quả quyết như thế?"
 "Quả quyết như thế"
 "Quả quyết từ điểm nào?"
"Từ điểm ông bước xuống xe.. Lúc ông bước xuống xe cái mặt có vẻ muốn ăn thua đủ lắm, nhưng trông thấy em rồi ông lại tiu nghỉu bỏ qua"
 "Tôi đâu có bỏ qua, bằng chứng cô đang ngồi đây với tôi trong hiện tại, trong khi cách đây không bao lâu khi còn là quá khứ mình là hai người không hề quen biết"
 "Đó là do cơ duyên" 
 "Do cơ duyên? Vậy thì cô có dám ngừng xe lại để đưa con ốc qua đường?"
 "Sợ gì mà không dám. Chỉ sợ quá khứ đã tan thành máu nuôi cơ thể con ốc buồn thảm kia. Nếu rút máu ra thì con ốc chỉ là cái xác khô queo. Đã là cái xác thì ông đâu còn sống nữa. Giả dụ như còn sống hấp hối thì sống để làm gì?"
 Gã ngước mắt nhìn cô gái, dường như sau mái tóc ngắn, khuôn mặt gầy gầy, cô gái lớn hơn, hiểm hóc hơn gã tưởng nhiều.
 
   Khi người đàn ông nào để ý đến người con gái nào và cảm thấy trong lòng mình có những biến chuyển trên mức tình cảm thì không hiểu sao người đàn ông đó lại có khuynh hướng che dấu mọi biến chuyển xét ra vô cùng tự nhiên kia. Có thể sợ bộc lộ ra sẽ không tránh khỏi bão táp phũ phàng của dư luận. Dù vậy trong tận cùng sâu xa của trái tim, ai cũng muốn nhanh chóng công khai hóa cảm xúc càng ngày càng mạnh mẽ đối với đối phương. Xét cho cùng đó là một điều nghịch lý, nhưng lại là một điều nghịch lý có thể chấp nhận được. Gã không thoát khỏi điều thường tình đó. Từ lúc quen biết cô gái, cái chất lừng khừng chừng như muốn biến mất đi. Gã đâm ra xao xuyến, cảm thấy mình không còn là mình nữa. Con nhỏ thì cứ nhởn nhơ trước sự đổi khác lạ thường trong con tim gã. Vì muốn che giấu cảm giác của mình, gã đâm ra đau khổ vì sự che dấu đó. Gã loay hoay tìm cách thoát ra nhưng đành bất lực. 
 
Một hôm khổ sở quá, gã rủ thằng bạn người Mỹ làm chung sở đi uống rượu tiêu sầu. Thằng bạn nói:
 " Để tao dẫn mày đến chỗ này."

Chỗ này của nó là một cái quán " ngực trần “ nằm trên đường BourBon. Con đường vẫn giữ y nguyên đặc thù của Pháp, mặc dù thành phố này đã thuộc về Mỹ hơn trăm năm nay. 
 "Vào đây đi. Ở đây đa số là người bản xứ của tao, rất ít ngưới đồng hương của mày. Tao biết người Việt Nam mày rất ngại chạm mặt nhau ở chỗ không đáng chạm”
 
Khi hai đứa bước vào, ban nhạc đang chơi bản Sweetdream. Cô tiếp viên với hai mảnh vải nhỏ xíu che thân, miệng cười toét gần đến mang tai dẫn gã và thằng bạn chỉ vào cái bàn nhỏ khuất phía sau sân khấu. Sân khấu là một cái bục gỗ vuông vức được căng dây bốn phía giống như võ đài đấu quyền anh. Lúc gã vào, trên sân khấu cô nhỏ người Mỹ trắng đang đánh đu trên một sợi dây như hát xiệc, từ từ lột từng mảnh trên người theo tiếng nhạc. Lột cho bằng hết, lột sạch sẽ những gì vướng víu trên người, chỉ trừ quyển sách luật của Tiểu bang Louisiana nhỏ xíu che khiêm nhượng ở điểm cuối cùng. Tiền tip được tặng theo lòng hảo tâm, cứ việc tự do dắt vào sợi dây thun cột ngang bắp vế các cô nàng. Khách có quyền hả hê la hét khỏi phải bị thưa về tội quấy nhiễu tình dục  . Tất cả đều hợp pháp, bởi vì một phần thuế thu nhập từ những khuôn mặt há hốc kia được dùng để phục vụ xã hội. Người Mỹ từ lúc lập quốc đến giờ vẫn là một thực tế lòng vòng khó hiểu.
 
Gã chơi bảnh, gọi nguyên một chai Hennessy, vui vẻ đưa đầu cho thiên hạ chặt vào nỗi phiền muộn của mình. Trong khung cảnh ồn ào đầu óc gã mơ màng để tận đâu đâu. Trong lúc gã đang ở trong trạng giác đó, thằng bạn vỗ vào tay gã:
 "Ê mày, xem cô kia có phải người Á đông?"

Theo tay thằng bạn, gã choáng váng mặt mày khi trông thấy cái người đã làm cho gã nhức nhối tâm can mấy bữa nay. Cô gái đang đứng bên sân khấu chờ đến phiên mình . Gã không tin vào đôi mắt . Đâu lẽ nào như vậy, nhưng nếu lẽ nào như vậy thì đã sao? Gã trả lời:
 "Có thể là người Á đông, nhưng tao không tin đó là người Việt Nam"
 "Tại sao mày không tin là người Việt Nam?"
 "Bởi người Việt Nam tao đã từng trải qua đau khổ, mà những nỗi đau khổ đó không xứng đáng hội nhập vào cái xô bồ đất nước mày."
 "Đành rằng vậy, nhưng cá tính mỗi người mỗi khác."
Gã nổi sùng:
 "Tao nói không phải là không phải. Còn mày không phải đã nói ở đây toàn dân bản xứ của mày hết đó sao?"
 
Thằng Mỹ chỉ biết nhún vai, lắc đầu. Khuôn mặt cô gái đêm nay diêm dúa đầy tội nghiệp. Ban nhạc đang thổi những điệu kèn thôi thúc, đây là dịp ngàn năm một thuở, gã có thể thoả mãn được lòng hiếu kỳ của mình mà không cần phải tốn một sự năn nỉ ỷ ôi nào hết. Nhưng sao trong lòng gã tức tối vô cớ, gã bỗng tự nổi cơn thịnh nộ đứng dậy bỏ ra về. Cái dáng nhỏ con của gã đang lủi thủi lách qua ánh đèn mờ ảo giữa đám Mỹ to lớn trông thật não lòng. Cô gái bất chợt trông thấy, cô há miệng chưa kịp kêu lên tiếng nào,thì gã đã ra đến ngoài đường.  Gã đi lang thang suốt đêm, ngửa cổ ngước nhìn lên trời cao xem có cơn gió nào lạc lõng thổi về để rụng trên tay một chiếc lá để chứng tỏ rằng mùa thu đang hiện hữu đâu đây
 
Kể từ đêm đó gã không còn gặp cô gái nữa, nỗi buồn không vì thế mà nguôi ngoai. Một năm sau, trong lúc còn đang nẫu ruột vì thất tình và thất vọng, gã nhận được thư cô gái. Trong thư cô viết:
“Hi ông,

Lâu quá không gặp. Em biết ông đang buồn vì nhớ em. Em cũng vậy. Em hiện giờ không còn ở New Orleans nữa. Sau đêm đó em đã đi chuyển lên miền Bắc để sống . Như vậy hiện giờ em và ông ở cách xa nhau lắm. Ở đây em nhớ đến có lần ông nói người ta trước khi có hiện tại ai cũng đều phải có quá khứ. Không biết ông còn nhớ hôm chiếc lá vô tình rụng tấp trên mặt bàn trong quán cà phê DuMont. Chiếc lá rụng được thổi đến bởi cơn gió đầu thu dưới dòng Mississipi. Em và ông, hai người cùng chứng kiến. Khi cùng chứng kiến thì chiếc lá rõ ràng là hiện tại. Ông đã tặng chiếc lá đó cho em. Chiếc lá vụt trở  thành quá khứ. Quá khứ theo lời ông nói, nhiều lúc muốn cởi bỏ không phải dễ. Nơi em ở cũng có một con ốc nhỏ muốn cõng chiếc lá đi chôn, nói đúng hơn vì không nỡ để chiếc lá nằm chết trần trụi trên đời. Nghĩa địa bên kia đường. Khi con ốc nhỏ đứng bên này đường nhìn qua thì xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Con ốc nhỏ biết rằng muốn qua bên kia đường không phải là dễ, nhưng nó vẫn băng qua vì trên lưng nó còn chiếc lá, còn có một quá khứ mà nó muốn chôn đi . Kết quả ông biết sao không? Kết quả dòng xe khổng lồ đã cán chết con ốc . Em đã dám cõng chiếc lá băng qua đường để mong chôn nó. Còn ông? Ông có dám không? 
Nếu ông không dám thì hãy xem em như người dưng nước lã, đừng nhớ em làm chi cho mệt xác."
 
chiếc lá 
truyện ngắn: quan dương 
 
________________


Hoang Nguyen gởi