Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 


MỘT CHỮ PHÚC

 



Đây là bài số năm trăm bốn mươi hai (542) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có dạy: "Một lần mỗi năm hãy đến một nơi nào đó mà bạn chưa từng đặt chân đến". Nhờ Phật Trời ban phúc, sau khi nghỉ hưu, mỗi năm  vợ chồng người viết sắp xếp thời gian để đi du lịch một nơi mà từ lâu thường mong ước được viếng thăm: Tứ Động Tâm của nhà Phật ở Ấn Độ, hang Bethlehem nơi Chúa giáng sinh của nhà Chúa ở Israel, chiêm ngưỡng Kim Tự Tháp ở Ai Cập, Quảng Trường Đỏ của nước Nga, Machu Picchu ở Peru  v...v

 

Được đi “tiếu ngạo giang hồ” nhiều nơi xa lạ trên thế giới quả nhiên là một duyên phúc tốt đẹp mà ai cũng mong ước vì bạn sẽ biết thêm nhiều điều mới lạ, chính mắt nhìn thấy, nghe thấy những gì bạn đã đọc qua sách vỡ, báo chí, qua những phương tiện truyền thông khác. Bạn sẽ thấy mình nhỏ bé hơn trước những cảnh vật thiên nhiên hay công trình, kiến trúc vĩ đại đã có tự ngàn xưa mà mãi tới bây giờ bạn mới biết.

 

Bạn sẽ nhìn thấy đời sống con người mỗi nơi mỗi khác. Có nơi thì sao quá nghèo khổ khốn cùng như đời sống của những người nghèo sống trên hè phố ở Ấn Độ.  Có nơi sao quá xa hoa phù phiếm như đời sống của các vị vua chúa trong các cung điện ở điện Versaille xứ  Pháp, cung điện mùa  Đông của các Sa Hoàng xứ  Nga, Tử Cấm Thành của  Trung Quốc.  Cũng cùng là một kiếp người nhưng sao có sự khác biệt như thế?  Có thể nào được giải thích theo luật nhân quả của nhà Phật hay chăng: làm lành sẽ được hưởng phước lành, làm ác sẽ phải nhận hậu quả xấu và con người khi chết đi, không mang theo được gì cả mà chỉ mang theo nghiệp duyên mà ta đã tạo, để rồi luân chuyển mãi trong vòng sinh tử luân hồi.


Nhân chuyện làm việc thiện lành, người viết xin chia sẻ với các bạn mẫu chuyện Thiền nho nhỏ dưới đây để bạn tùy nghi suy nghĩ nhé:

 

Cổng Chùa


 

Ngày xưa, có một trưởng giả tên Heizayemon. Ông cố gắng thực hiện những công đức - theo lời dạy của Tiên Thánh - suốt đời mình.

Một người sốt sắng và chăm chỉ, Heizayemon thường đem tài sản xài rộng rãi vào những việc từ thiện, bố thí, và lợi ích.

Nhiều trẻ gia đình nghèo khó được quan tâm giúp đỡ, và cá nhân ông đã từng cống hiến tiền bạc xây cất nhiều cầu cống, đường sá trong vùng để dân chúng thuận tiện qua lại.

Khi ông chết, Heizayemon di chúc rằng tài sản của ông để lại phải được dùng để làm những việc từ thiện tiếp tục nhiều thế hệ,và con cháu ông tôn trọng điều này.

Một hôm, người ta kể rằng có một vị sa môn xuất hiện trước cửa nhà ông. Dường như vị tu sĩ này đã nghe việc bố thí vô vị lợi của vị trưởng giả đặc biệt hơn những người giàu có cùng thời, và ông đến để xin tiền xây một cổng chùa.

Nhà từ thiện cười và bảo rằng:

- Tôi giúp mọi người vì tôi không chịu nổi khi thấy họ đau khổ. Còn ngôi chùa không có cổng có gì tệ hại đâu?

Và cũng từ chữ Phúc, mỗi người có một quan niệm khác nhau. Có người cho rằng được giàu sang  quan quyền, phú quý là có phúc.  Có người cho rằng gia đình có con cháu đầy đàn, biết  hiếu thuận là có phúc. Có người cho rằng sống lâu trăm tuổi là có phúc.

Dĩ nhiên được phúc, lộc, thọ tam đa như thế quả thật là có phúc.


Người viết cũng xin chia sẻ thêm 5 điều phúc, 6 điều vui,7 điều sung sướng, 8 cái chút xíu dưới đây.  Nếu bạn thấy vui khi có được những điều ấy thì kể như mình đã có phúc rồi đấy nhé. 

 

5 PHÚC

1. Có thân thể mạnh khỏe, gọi là phúc.
2. Có vui thú đọc sách, gọi là phúc.
3. Có bạn bè tri kỷ, gọi là phúc.
4. Có người nhớ đến anh, gọi là phúc.
5. Làm những việc mà mình thích làm, gọi là phúc.


6 VUI

Một vui là hưu nhưng không nghỉ.
Hai vui là con cái độc lập.
Ba vui là vô dục tắc cương.
Bốn vui là vui vẻ vấn tâm mà không xấu hổ.
Năm vui là có nhiều bạn hữu.
Sáu vui là tâm tình không già.


7 SUNG SƯỚNG

1. Biết đủ thường sung sướng..
2. Biết giải trí khi nhàn rỗi.
3. Biết đắc chí tìm niềm vui.
4. Khi cấp thời biết tìm niềm vui.
5. Biết dùng người làm vui.
6. Biết vui khi hành thiện.
7. Bình an là vui nhất.


8 CHÚT XÍU

1. Miệng ngọt ngào thêm một chút nữa.
2. Đầu óc hoạt động thêm một chút nữa.
3. Nóng giận ít thêm một chút nữa.
4. Độ lượng nhiều hơn một chút nữa.
5. Lòng rộng rãi thêm một chút nữa.
6. Làm việc nhiều thêm một chút nữa.
7. Nói năng nhẹ nhàng thêm chút xíu nữa.
8. Mỉm cười nhiều thêm chút nữa.

( Nguồn: sưu tầm trên net)

 

Bạn thử thí nghiệm xem ra sao nhé?

Riêng thiển ý của người viết, ở trong cái tuổi “không còn trẻ nữa như hiện tại, người viết chỉ mong cầu: thân không tật bịnh, tâm không phiền não, có trí huệ sáng suốt  là có phúc quá rồi.  Bạn có đồng ý với tôi chăng?

 

Trong thời gian gần, những cơn bão lụt nặng nề ở Việt Nam đã tiêu hủy hàng trăm ngôi nhà  và làm hàng nghìn nạn nhân không có nơi ăn chốn ở, khổ sở vô cùng.  Các cơ sở tôn giáo, các nhà từ thiện kêu gọi lòng từ tâm của đồng bào khắp nơi ra tay giúp đỡ lương thực cần thiết và tiền mặt cho các nạn nhân. Người người hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ này nên  đã đóng góp tiền bạc, mỗi người một ít tùy khả năng để giúp đỡ các nạn nhân trong tinh thần "lá lành đùm lá rách"

 

Trong một bài viết gửi cho các Phật tử đồng tu, Thầy Thích Tánh Tuệ có nêu ra một câu chuyện  mà  nếu đọc kỷ, ta sẽ thấy thật hay và thấm thía vô cùng. Xin trích đăng lời dạy này để bạn và tôi cùng đọc nhé :

 

VÌ SAO PHẢI LÀM VIỆC THIỆN?

 

Sau cơn mưa, cậu bé phát hiện một con ốc sên nhỏ ở bên đường, cậu ngồi xuống nhặt nó lên, nhẹ nhàng đặt vào trong bụi cỏ.

 

– “Đừng có chạy lung tung nhé, bà nội gọi cậu.

Cậu bé ngẩng khuôn mặt bầu bĩnh lên, hưng phấn nói:

“Cháu đang giải cứu ốc sên. Nó nằm ở giữa đường đi ạ, rất là nguy hiểm, cháu đưa nó về nhà”.

Bà nội muốn tìm hiểu cháu: “Ốc sên biết cháu cứu nó sao?”.

Cậu bé trả lời: “Nó chắc là không biết”.

Bà nội nói: “Vậy cháu làm chuyện tốt này chẳng phải là không công sao. Ai mà biết cháu cứu ốc sên chứ?”

Cậu bé lập tức nói: “Cháu tự mình biết là được rồi! Cháu cứu một con ốc sên, cháu thấy rất vui!”.

 

*** Câu nói đơn giản này của đứa trẻ, lại ẩn chứa hàm ý triết học nhân sinh sâu xa: Ta làm việc tốt, không phải vì để cho người khác biết. Thậm chí người được giúp cũng không cần biết, tự mình ta biết là được rồi.

 

 - Thiện niệm chính là nhân tố cơ bản nhất để duy trì một tâm  hồn bình an, ổn định và gắn kết giữa người với người, giữa chúng ta và thế giới chung quanh .

 

Người phương Tây có một khái niệm phổ biến về “vòng tuần hoàn của việc tốt”, người phương Đông tin vào luật Nhân – Quả, khi bạn làm điều tốt bạn sẽ nhận lại được điều tốt và ngược lại.

 

 “Chớ chê khinh điều thiện

Cho rằng “Chưa đến mình, ”

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người trí chứa đầy thiện,

Do chất chứa dần dần.”


(Kinh Pháp Cú 122)


Như Thị

TTT

 

 Nét đẹp này mong ngàn sau còn mãi...

 

Trên thế giới này, có một sợi dây liên kết vô hình giữa con người với con người, đó là lòng tốt. Lòng tốt có thể khiến hai người xa lạ trở thành gần gũi, những trái tim thương tổn có chung nhịp đập và những ai có chung lý tưởng ngồi chung trên một con thuyền, con thuyền đó được mang tên “Tình Người.”

 

Người ta vẫn thường nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ người điếc có thể nghe và người mù có thể nhìn thấy”.

 

Tại sao vậy? 


Bởi lòng tốt dung chứa một trường năng lượng mạnh mẽ, nó như ánh bình minh xóa tan đi mây mù ảm đạm, như dòng suối mát gột rửa sạch hết những bụi phủ hoen ố của thời gian, như hương thơm thanh khiết xua tan đi những âu lo và mỏi mệt, như liều thuốc diệu kỳ có thể chữa lành mọi vết thương.

 

Mỗi người đều mang trong mình món quà vĩ đại này, được xuất phát từ nguồn tâm chói sáng. Thế giới của chúng ta sẽ trở nên tươi đẹp biết nhường nào, đó là thế giới mà người ta có thể giao thiệp với nhau bằng ánh mắt và ngôn từ xuất phát tự chân tâm."

 


Như Nhiên Thích Tánh Tuệ



usaelection g
ởi