Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

MỘT CHUYỆN KỂ NGÀY VALENTINE
 

Trước 1975, Vũ là giáo sư đệ nhị cấp vừa mới ra trường, dạy môn Việt văn. Dạy chưa đầy năm thì bộ đội về. Trường bị tiếp quản và ban giám hiệu thay toàn bộ. Hiệu trưởng là một anh từ Bắc vào, một hiệu phó từ rừng ra, một hiệu phó nữa là cô giáo của trường hoạt động nội thành. Vũ trở thành giáo viên lưu dung, thấy không hợp nên bỏ dạy, theo mấy người bạn ra lăn lóc chợ trời. Lúc đầu gặp gì cũng mua, ai mua lại bán kiếm tiền chênh lệch. Vốn liếng không có nên bán buôn cũng chẳng khá chút nào, cũng chỉ đủ ngày hai bữa cơm hàng cháo chợ, sáng thuốc lá cà phê. Có thằng bạn thân rủ đi bán thuốc Tây nhưng lại không có vốn. Thấy cái nghề lăn lóc chợ trời ngó bộ không bền, Vũ chuyển sang đạp xích lô. Và từ nghề đạp xích lô mới có một chuyện tình để kể.
 
Hành nghề đạp xe nhưng Vũ cũng chỉ quanh quẩn ở khu chợ trời quen thuộc. Cũng có mấy mối thường xuyên nên cũng không phải chật vật lắm. Trai chưa vợ, chẳng rượu chè, không nuôi ai nên cũng không đến nỗi thiếu thốn. Đạp xích lô nhưng Vũ vẫn ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ theo thói quen như hồi còn đi dạy học. Biết Vũ là thầy giáo chế độ cũ giờ vì thời thế phải đạp xích lô nên nhiều người quý. Trong số mối chạy hàng ngày có một cô gái khoảng hăm ba, hăm bốn tuổi bán quần áo cũ ở chợ. Ngày hai bận Vũ chở đi chở về. Vốn tánh ít nói, không tò mò nên Vũ chỉ biết cô ấy chưa chồng, trước cũng là con nhà khá giả, cha công chức chế độ cũ, mẹ là cô giáo. Đó là một cô gái có nhan sắc, đàn ông nào lại không mê nhan sắc nên ở chợ mấy thằng đàn ông chưa vợ lẫn có vợ đều thích thú ngắm nhan sắc của nàng. Vũ cũng có để ý nhưng trong thầm lặng vì anh thiếu tự tin. Cô ấy nghiêm trang, không quan tâm đến những lời cợt nhã của bọn đàn ông. Sáng dọn hàng trên mảnh vải nhựa, chào hỏi người chung quanh, chiều dọn về. Có hôm rảnh rỗi, Vũ cũng phụ giúp cô dọn hàng. Phần nhiều khi chở cô ấy đi về, Vũ ít khi bắt chuyện, cứ lầm lũi đạp đi đến nơi về đến chốn. Nhà cô ở khu Ông Tạ, dân Bắc di cư 54. Cô tên Lan, Hoàng Lan, hoa lan vàng. Một người con gái đoan trang, biết lo lắng cho gia đình, có hiếu với cha mẹ, hoà nhã với mọi người chung quanh. Vũ chỉ biết đến thế.
 
Một lần, trời mưa tầm tã, Vũ chở Lan về, cả hai ướt như mới ở dưới sông lên. Lan bảo Vũ vào nhà đợi bớt mưa, quần áo bớt ướt rồi hẳn về kẻo bịnh. Vũ đành vậy chứ biết làm sao. Căn nhà này ngày trước chắc cũng khá, giờ tuềnh toàng chẳng còn chi, có lẽ đã bán hết đồ đạc làm vốn liếng mà ăn dần. Ba má Lan niềm nở đón Vũ, bà cụ còn lấy khăn cho Vũ lau khô người. Sau đó lại còn mời Vũ ở lại ăn cơm tối. Bữa ăn chẳng có chi ngoài chén mắm tôm, dĩa rau muống luộc với dĩa cá vụn kho. Nhưng Vũ ăn rất ngon miệng, cảm giác khác hẳn những bữa ngồi ăn một mình ở quán. Không khí gia đình đầm ấm, sum họp khiến Vũ thèm khát một không khí gia đình mà đã lâu lắm rồi anh không có được.
 
Từ hôm đó, Lan có vẻ thân thiết với Vũ hơn, có lúc mua cà phê cho anh, có khi đưa cho anh bao thuốc lá. Vũ cũng cảm thấy mình rung động, nhiều đêm nằm một mình anh thấy nhớ Lan, nhớ khuôn mặt đẹp của cô ấy. Hai người đã có cảm tình với nhau nhưng Vũ nghĩ mình nghèo, công danh, sự nghiệp chẳng có chi lại đang là anh chạy xích lô kiếm sống nên cũng chẳng dám mơ tưởng gì.
 
Một hôm trên đường chở Lan về, cô bảo bố em mời anh chiều nay ghé nhà, bố em có chuyện muốn nói với anh. Vũ hơi bất ngờ, không hiểu có chuyện gì, cứ suy nghĩ mãi suốt đường đi.
 
Hôm đó là lần thứ hai anh được ăn cơm ở nhà Lan. Bữa cơm hôm đó khá hơn lần trước, có dĩa thịt kho mặn. Sau bữa cơm, bố Lan bảo anh ra sân uống trà. Sau mấy chén trà, ông bảo với Vũ: Tôi thấy cậu là người tốt, có học thức, vì thời thế mà phải sa cơ làm anh đạp xích lô. Nhà tôi quý cậu và con Lan nhà tôi cũng quý cậu. Lan cũng đã đến tuổi rồi nhưng thời buổi nhiễu nhương này biết kiếm đâu người tin cậy. Tôi biết Lan cũng có cảm tình với cậu. Do vậy, nếu như cậu không chê gia cảnh nhà tôi, cậu có thể nhận Lan làm vợ được không?
 
Vũ bất ngờ, bối rối nên cũng chẳng biết trả lời sao. Một lát sau anh mới trấn tĩnh mà trả lời: Dạ thưa bác, con cám ơn bác đã không chê thân phận của con mà gả Lan cho con. Nói thật là con cũng có cảm tình với Lan nhưng xét hoàn cảnh của mình nên không dám ngỏ. Giờ bác nói thế con mừng lắm, nhưng không biết ý của Lan thế nào?
 
Bố Lan hớp thêm một ngụm trà, tay xua xua bảo: Cậu khỏi lo, ý này cũng là do con Lan gợi ý đấy. Cũng chẳng dấu gì cậu, ngày trước nó cũng có người yêu là sĩ quan không quân, nhưng sau những ngày biến cố tháng tư, cũng chẳng có tin tức gì nữa cả, có lẽ anh ấy di tản ra nước ngoài rồi.
 
Và thế là Vũ và Lan thành vợ thành chồng sau một bữa tiệc nhỏ đãi bà con họ hàng. Hai vợ chồng trẻ thuê một căn phòng ở khu vườn rau Lộc Hưng gần đấy cho gần bố mẹ Lan. Chồng vẫn tiếp tục sáng chở vợ đi chiều chở về. Chưa giàu nhưng hạnh phúc. Lan chăm sóc thương yêu chồng. Vũ quý trọng, nâng niu Lan. Hai người như đôi chim câu lúc nào cũng đầm ấm và hạnh phúc. Một thời gian sau, bố Lan nhờ người quen giới thiệu cho Vũ làm nhân viên cho một công ty ở Biên Hoà. Có khi anh sáng đi, chiều về. Cũng có khi công việc nhiều, Vũ ở lại đôi ba ngày. Lan cũng không bán ở chợ trời nữa, sang được một gian hàng bán quần áo ở chợ Tân Bình. Cuộc sống khá dần lên, không khí gia đình lúc nào cũng tràn tiếng cười vui, chỉ thiếu đứa con nữa là toàn vẹn. Những mấy mấy năm rồi mà Lan chưa có thai. Vũ cũng trông nhưng không thổ lộ ra mặt, Bố mẹ Lan thì nhắc mãi, lần nào gặp cũng hỏi sao chưa cho bố mẹ đứa cháu để ẵm bồng. Hai người cũng đi khám, xét nghiệm khắp nơi, bác sĩ có, bịnh viện có, tất cả đều bình thường.
 
Một hôm từ Biên Hoà về, anh nhìn thấy một người đàn ông vừa bước ra cửa nhà mình, anh cũng chẳng hỏi Lan, nhưng Lan đã bảo đấy là người bạn cũ, vừa mới đi học tập cải tạo về. Vũ cũng chẳng quan tâm bởi anh tin vợ, tin tuyệt đối.
 
Đã bốn năm, cuộc sống an lành và đầm ấm cứ trôi đi, đời sống đã khá hơn, Lan buôn bán phát đạt, Vũ lên chức, lên lương. Hai vợ chồng và bố mẹ Lan trông ngóng mãi đứa con, đứa cháu. Nhiều lúc thấy bố mẹ Lan thở dài mà xót cả ruột.
 
Ngày hôm đó đi làm về, Vũ ngạc nhiên vì thấy trên giường có cái va li của vợ với đầy nhóc áo quần. Chưa kịp hỏi thì Lan đã từ bếp bước ra. Lan nhìn Vũ rồi hai bàn tay đặt trên vai Vũ. Vũ nghĩ chắc có chuyện gì nghiêm trọng rồi, từ trước đến giờ chưa bao giờ Lan có cái nhìn lạ lùng như vậy. Lan bảo: Em đã có thai, Lan muốn nói tiếp nhưng Vũ đã nhảy cẫng lên rồi ôm siết Lan vào ngực. Anh lắp bắp, anh mừng quá, anh mừng quá. Nhưng ánh mắt Lan vẫn thế, lạnh tanh. Lan buông hai tay rời vai Vũ, bước lui một khoảng rồi nói tiếp: nhưng nó không phải là con anh. Vũ chới với, họng khô cứng, đầu óc trống rỗng, anh buông mình xuống cạnh giường, nhìn Lan với câu hỏi: thế là sao? Thế là sao anh không hiểu. Lan cúi xuống xách chiếc va li: Tôi nói đứa con này không phải của anh, chúng ta chia tay và tôi phải đi. Vũ cũng không nói được câu nào, tay chân anh lạnh buốt. Và Lan bước ra cửa, đi mất. Vũ thẫn thờ, bất động, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Một lát sau anh tung cửa chạy ra thì bóng Lan đã mất hút. Một cuộc tình tan vỡ một cách lạ lùng, một cuộc chia tay không một lời oán than, trách móc.
 
Đã gần bốn mươi năm rồi, cho đến giờ Vũ cũng không hiểu chuyện gì đã xảy đến cho mình, cho tình yêu của mình. Bố mẹ Lan cũng chẳng biết gì, cũng chẳng rõ đứa con gái yêu quý của mình đang ở đâu. 
 
Chiều chiều ở quán nhỏ cạnh bờ kè kinh Nhiêu Lộc người ta luôn nhìn thấy một lão già râu tóc đã bạc ngồi uống rượu độc ẩm, đôi mắt nhìn về một cõi xa xăm. Lão già độc thân sống một mình tên là Vũ.
 
Nói thêm: Thật sự chuyện này nhạt phèo, chẳng có gì để kể. Hôm nay lại là ngày Valentine, ngày tình nhân, ngày tình yêu mà kể chuyện này e không hợp. Nhưng suy nghĩ kỹ, tình yêu có muôn mặt, có trăm ngàn biểu hiện chứ không phải chỉ có hạnh phúc. Sự phản trắc đôi khi đã ươm mầm sẵn trong tình yêu, nhiều khi chẳng bao giờ lý giải được.

14.2.2023

DODUYNGOC

_______________


Hoang Nguyen gởi