Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Một ít hồi ức về Huynh Trưởng cấp Dũng, Chí Pháp Nguyễn Thanh Quang



Thích Như Điển
 

Năm rồi(2017)trong khi chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam Âu Châu đang có khoa tu học Phật Pháp kỳ thứ 29 tổ chức tại chùa Khánh Anh Évry, Pháp Quốc, chúng tôi hay tin từ Gia Đình của Huynh Trưởng Chí Pháp và TT Thích Thông Trí là Anh Chí Pháp đã đi vào trạng thái yếu dần trong từng hơi thở. Do vậy TT Minh Giác, chúng tôi và TT Thông Trí đã có kế hoạch sang Hòa Lan để niệm Kinh cho Anh lần cuối. Từ Paris đến Hòa Lan không xa; nên chúng tôi đã dùng xe hơi để đến thăm Gia Đình. Khi đến đó thì thi thể của Anh đã được để vào quan tài và chờ giờ khâm liệm.
 
Nhìn lên tường thấy những hình ảnh sinh hoạt của Anh tại Hòa Lan, Âu Châu cũng như khi còn ở quê nhà với tư cách là một người Phật Tử, một Huynh Trưởng và một người sau nầy có cấp bậc cao nhất tại Âu Châu. Đó là cấp Dũng. Sau thời Kinh chúng tôi nói chuyện cùng Gia Đình thì được biết rằng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu sẽ  đứng ra tổ chức với tư cách là Ban Tang Lễ. Đây có lẽ là lần đầu tiên, GĐPTVN tại Âu Châu đã làm được điều đó. Trước đây có đám tang của Anh Huynh Trưởng Tâm Ngọc Lê Giao mất tại Hòa Lan; nhưng lúc ấy tôi đã không tham dự, vì bận Phật sự ở xa; nên đã không biết tang lễ đã được tổ chức như thế nào về dạo ấy.
 
Âu Châu, một lục địa bao gồm nhiều Quốc Gia thành viên, nhỏ hơn Hoa Kỳ; nhưng mỗi nước có một nền độc lập riêng; nên Phật Giáo Việt Nam khi du nhập vào đây sau năm 1975 cũng chịu ảnh hưởng không ít về sự tồn tại và phát triển tại những quê hương mới nầy, mà Hòa Lan là điển hình. Đất nước Hòa Lan nhỏ hơn so với Đức và Pháp; nên cũng chỉ có một đơn vị GĐPT sinh hoạt. Đó là GĐPT Chánh Tín; nơi đó lại có đến hai Anh Huynh Trưởng cấp cao của Gia Đình và chùa Vạn Hạnh cũng chỉ là một ngôi chùa độc nhất tại Hòa Lan để GĐPT Chánh Tín sinh hoạt tại đó từ mấy chục năm nay. Nhưng bây giờ thì cả hai Anh đều đã ra đi, để lại cho các Anh Chị Em trong GĐPT Chánh Tín toàn là những Huynh Trưởng và những Đoàn Sinh trẻ. Đây là một mất mát không nhỏ đối với GĐPTVN tại Hòa Lan nói riêng và cho cả Âu Châu nữa.
 
Trong những năm tháng khi tôi còn làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên GĐPTVN tại Âu Châu cũng đã có những buổi họp quan trọng, mà cũng không kém phần gay cấn với các Anh Chị Em Huynh Trưởng; nhưng với Anh Chí Pháp và Anh Tâm Ngọc là những Huynh Trưởng kỳ cựu của tổ chức GĐPT nên đã đề ra những phương án thật thiết thực, cụ thể; nên GĐPT Chánh Tín nói riêng cũng như GĐPTVN tại Âu Châu nói chung vẫn đứng vững với thời gian suốt mấy mươi năm qua; công đức của hai Anh thật là không nhỏ.
 
Mấy năm gần đây Anh Chí Pháp yếu dần, phải ngồi xe lăm và mỗi năm như vậy tôi chỉ qua Vạn Hạnh được một lần để tham dự lễ Vu Lan và cứ mỗi lần như thế đều thấy Chị hay các cháu đẩy xe lăn của Anh lên cầu thang rồi chánh điện để Anh lễ Phật. Những hình ảnh ấy cho đến bây giờ vẫn còn gợi nhớ trong tôi. Ai cũng biết rằng đời nầy cũng như thế gian nầy là cõi tạm; nhưng chúng ta những người còn lại nơi trần gian nầy cũng không khỏi xót xa ngậm ngùi khi tiễn biệt một người thân ra đi, để trở về với thế giới khác; nơi đó không còn những muộn phiền đau khổ nữa. Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có một ngày như thế; nhưng khi ra đi, thứ nhất phải làm sao cho thân và tâm của chúng ta cho được an ổn và thứ nhì, phải nên để lại một cái gì đó làm lợi ích cho đời. Đó chính là những điểm chính yếu mà người Cư Sĩ cũng như chư Tăng Ni nên đáng quan tâm.
 
Như Anh Chí Pháp Nguyễn Thanh Quang, sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ Việt Nam; kể từ khi trong ngành Oanh, cho đến Thiếu Nam; rồi ngành Thanh. Sau đó học, thi cho bao nhiêu bậc của Kiên, Trì, Định, Lực…rồi đến các trại A Dục, Huyền Trang v.v… để trở thành những Huynh Trưởng cầm Đội, cầm Đoàn. Kế tiếp là thăng cấp Tập, cấp Tín, cấp Tấn và cuối cùng là cấp Dũng. Nhiều Anh Chị Trưởng đã gần tuổi 80 và hơn 60 hay 70 năm trong GĐPT mới tiến đến cuối cùng vị trí nầy. Có nhiều người bỏ dỡ giữa chừng, không phải vì không trung thành với lý tưởng của chiếc Áo Lam đã mặc trên mình mỗi khi sinh hoạt hay phương châm của GĐPT, mà vì hoàn cảnh hay nhiều lý do khác; nhưng tôi nghĩ rằng: đó chỉ là những ngoại duyên mà thôi. Cuối cùng rồi những cánh chim lạc đàn ấy sẽ tìm về tổ ấm và một mai đây, nếu họ có con cái, cũng sẽ mang chúng trở lại sinh hoạt với GĐPT vậy.
 
Với người đã nằm xuống thì một năm đã trôi qua; với người sống thì thời gian ấy là khoảng thời gian để cho mọi người lắng đọng tâm tư nhớ về đã có một người Anh Cả của GĐPTVN tại Âu Châu như vậy. Đây cũng là một khoảng không gian cần thiết để tự mỗi người Huynh Trưởng, mỗi Đoàn Sinh trong tập thể Áo Lam phải chiêm nghiệm về tự thân của mình, phải làm sao đó cho xứng đáng là những người Phật Tử chân chính. Hôm nay gợi nhớ lại những ngày tháng xa xôi về trước của tập thể GĐPTVN tại Hòa Lan và tại Âu Châu, tôi xin có mấy lời trân trọng xin gửi đến hương linh của Anh Chí Pháp, cùng với thân bằng quyến thuộc và nhất là với Đoàn Thể Áo Lam tại Âu Châu. Xin nguyện cầu cho Anh được thảnh thơi nơi cảnh giới của chư Phật và là điểm tựa tinh thần của Gia Đình, của con cái, những người thân và nhất là GĐPTVN tại Hòa Lan nói riêng và Âu Châu nói chung. Chúng ta phải  luôn luôn cố gắng trau dồi đạo hạnh để được xứng danh như Huynh Trưởng Cấp Dũng Chí Pháp Nguyễn Thanh Quang vừa ra đi cách đây 365 ngày về trước.
 
Viết xong bài nầy vào ngày 3 tháng 7 năm 2018 nhân mùa An Cư Kiết Hạ năm Mâu Tuất tại chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.

                        

________________________



 
Lời Giới Thiệu
 

Đọc những bài viết ngắn của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Úc Châu , cũng là Webmaster quangduc.com trên nhiều trang nhà khác nhau trên thế giới đã được đăng tải; chắc ai trong chúng ta cũng đều phải công nhận rằng Thượng Tọa là người có nhiều tài năng đặc biệt như: viết văn, dịch sách, thông dịch, diễn giảng, làm báo v.v… chỉ chừng ấy phạm trù, không phải ai cũng dễ thực hành được, mà Thượng Tọa Nguyên Tạng nay đã thể hiện được điều đó, không phải là điều đáng được tán thán hay sao?
 
Tôi cũng có cái duyên với văn chương chữ nghĩa lúc nào chẳng hay biết và cũng đã cùng Thầy Nguyên Tạng dịch chung hai tác phẩm bằng Anh Ngữ ra Việt Ngữ nhan đề là: Chết an lạc, tái sanh hoan hỷ và Thiền Học về Sống và Chết; ngoài ra tôi cũng đã đề tựa cho nhiều sách của Thầy ấy đã xuất bản như: Đạt Lai Lạt Ma-Con trai của tôi v.v… Nay Thầy lại sẽ cho ra mắt tác phẩm mới nhan đề là: Bát cơm Hương Tích, nhằm giới thiệu với các độc giả xa gần khắp nơi trên bình diện rộng rãi hơn; nên tôi lại một lần nữa được Thầy yêu cầu viết lời giới thiệu và tôi đã sẵn lòng.
 
Đọc Văn tức hiểu người. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc nhận xét nầy của ai đó từ lâu rồi; nhưng người Tăng Sĩ đa phần khi viết văn hay dịch sách là viết sự thật nhiều hơn và những gì như nó là; chứ ít có trau chuốt, màu mè, đón trước ngăn sau như nhiều nhà văn khác. Đó chính là việc“chân thật bất hư“mà Thầy Nguyên Tạng cũng đã thể hiện được điều đó.
 
Nay Tác Phẩm nầy sắp ra đời, tôi xin trân trọng viết lời giới thiệu đơn giản nầy đến Quý Vị độc giả xa gần, hãy mở sách ra và bắt đầu thưởng thức  những trang văn trong Tác Phẩm nầy mà Thượng Tọa Nguyên Tạng đã trải rộng lòng mình vào nơi ấy. Đến khi xếp sách lại, mỗi người đọc sẽ có được những cảm nhận riêng và đó có lẽ cũng là sự mong đợi của Tác Giả nơi Tác Phẩm nầy.
 
Kính chúc Qúy Độc Giả tận hưởng được niềm đam mê khi đã bắt đầu gửi hồn mình vào những trang văn như vậy.
 
Viết xong lời giới thiệu nầy vào một sáng mùa Xuân năm 2018 tại thư phòng chùa Viên Giác
 

Thích Như Điển-Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc


Chùa Viên Giác gởi