MỘT PHÚ THƯƠNG ĐƯỢC PHẬT BÁO TRƯỚC CÁI CHẾT
Người ngu tính lâu dài
Ba mùa sẽ ở lại
Làm nhiều việc cho xong
Đâu ngờ vô thường đến.
Một phú thương tên Mahadhana đến từ thành Ba La Nại (Benares) - nơi nổi tiếng với khu vườn Lộc Uyển mà Phật đã thuyết giảng bài pháp đầu tiên cho năm anh em ngài Kiều Trần Như. Thời đó vùng Ba La Nại nổi tiếng với những tấm vải đẹp được dệt khéo léo, tinh xảo.
Một hôm, Mahadhana dắt một đoàn buôn chở rất nhiều vải vóc từ Ba La Nại về kinh đô Xá Vệ sầm uất để buôn bán. Khi sắp đến Xá Vệ thì ông gặp một trận mưa bão. Nước sông dâng cao khiến ông không đi qua được. Ông nghĩ rằng chỉ trong dịp lễ hội mọi người mua vải nhiều ông mới có thể bán hết số vải chất gần cả trăm chiếc xe, nhưng giờ cơn lũ đã ngăn cách làm ông lỡ mất mùa lễ hội. Quay về cũng không xong vì thời đó đường xá rất xa xôi khó đi nên ông tự nhủ sẽ đợi cho qua cơn lũ rồi đến Xá Vệ, ở lại đợi cho qua mấy mùa, đến kỳ lễ hội năm sau sẽ bán hết trăm xe vải này rồi mới quay về.
Lúc đó Phật đi khất thực ngang qua chỗ đoàn buôn và chợt mỉm cười. Thấy vậy ngài Ananda hỏi:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không bao giờ cười vô cớ. Vậy nguyên nhân nào khiến khi đi ngang qua đoàn xe của phú thương Mahadhana, Thế Tôn đã mỉm cười?
- Này Ananda, bảy ngày nữa phú thương Mahadhana sẽ bị cá nuốt chết.
- Bạch Thế Tôn, vậy con có thể báo cho Mahadhana biết không?
Phật yên lặng đồng ý. Ngài Ananda liền đến gặp Mahadhana. Do lúc còn ở Ba La Nại từng nghe danh Đức Phật và chư Tăng nên khi nghe tin có một tỳ kheo tìm mình, Mahadhana liền chạy ra đón. Ngài Ananda thông báo:
- Này phú thương Mahadhana, Thế Tôn cho biết 7 ngày nữa ông sẽ bị cá nuốt mất. Thôi từ đây đến lúc đó ông hãy gắng hoàn thành những việc cần làm.
Mahadhana hoảng kinh. Lúc định thần lại, ông nghĩ bây giờ về nhà cũng không kịp nên đã dốc hết tiền bạc đem theo để mua sắm cúng dường Phật và chư Tăng trong suốt 7 ngày. Ngày nào ông cũng dâng cúng những món ngon thượng vị, hầu hạ Đức Phật, đảnh lễ Đức Phật và cúng dường. Với số vải, ông chu đáo dặn người nhà phải xử lý thế nào, buôn bán ra sao, tiền bạc giao cho ai giữ...
Đến ngày thứ bảy sau khi Phật thọ thực xong và rời đi, ông lên cơn bệnh rồi chết tại chỗ. Dù không bị cá nuốt, ông vẫn chết vào đúng hôm đó. Lúc các tỳ kheo trình Phật rằng ông cũng chết nhưng không bị cá nuốt, Phật cho biết ông đã được sinh về cõi trời Đâu Suất nhờ công đức thành kính cúng dường Phật và chư Tăng suốt 7 ngày. Chư Tăng thời đó có rất nhiều vị A la hán nên phước lành của ông cũng rất lớn. Rồi Phật nói bài kệ trên:
Người ngu tính lâu dài
Ba mùa sẽ ở lại
Làm nhiều việc cho xong
Đâu ngờ vô thường đến.
Suy Tính Tương Lai Nhưng Cũng Chuẩn Bị Cho Vô Thường Đến
Hầu hết mọi người sống trên đời đều phải suy tính về tương lai. Buổi sáng khi thức dậy là phải nghĩ hôm nay đi chợ mua món gì, dù có thể một tai nạn bất ngờ ngay khi bước ra đường. Đi học cũng phải làm bài tập chuẩn bị trước, học một thời gian cũng phải tính chọn nghề cho tương lai. Ai cũng phải tính tương lai, vì không tính tương lai thì người đó sống không có nghị lực, không có phương hướng. Dù vậy, mọi suy tính của ta đều có thể sụp đổ vì cuộc sống luôn vô thường biến động, không lường trước được điều gì. Bất ngờ và đau đớn nhất là cái chết, tiếp đến là thương tật, thất bại, người thân yêu mất đi...
Ngoại trừ những vị có thần thông, còn lại chúng sinh đều vì vô minh mà không thể đoán trước vị lai. Vô minh có hai nghĩa: một là không hiểu đạo lý, hai là không đủ thần thông biết chuyện quá khứ vị lai. Tất cả chúng ta hiện nay đều vô minh, đều đang tính nhiều chuyện tương lai và tính trật rất nhiều.
Biết Phật Pháp, cách sống rất khôn ngoan là ta vừa phải tính tương lai nhưng vẫn luôn chuẩn bị tâm thế đón nhận chuyện vô thường bất ngờ ập đến để lòng mình không hụt hẫng. Nhờ luôn sẵn sàng cho vô thường đến nên từng ngày ta luôn chắt chiu, nỗ lực gieo nhân lành, không dám sống một ngày phung phí.
Có người nói rằng, họ sẽ làm việc thiện và giúp đỡ người khác khi giàu có như sẽ bố thí, sẽ xây cầu cho nông thôn, sẽ cất nhà cho người nghèo, sẽ bố thí cho người đói, sẽ cấp học bổng cho học sinh hiếu học, sẽ... Nói tới chữ “sẽ” cuối cùng thì cái chết cũng ập đến. Thế nên, ta hãy cứ ước mong những điều lớn lao nhưng trong từng giây phút hiện tại, hễ có cơ hội là ta làm việc thiện không chậm trễ. Để nếu lỡ như vô thường đến thì ta cũng ra đi trong thanh thản vì đã không sống ngày nào vô ích. Để ngày nào cũng là ngày tu hành, ngày nào cũng là ngày làm phước.
Người ngồi thiền có cái hay là mỗi ngày đều phải quán thân vô thường tức là chủ động đối diện với cái chết. Người tu thiền đúng, ta thấy người đó có can đảm kỳ lạ, không ai lấy cái chết ra hù dọa được. Chính vì ngày nào cũng quán chiếu về cái chết và về sự vô thường của thân xác nên cái chết không còn làm cho họ sợ hãi nữa.
Định Nghiệp Và Bất Định Nghiệp
Trong câu chuyện có một chi tiết thay đổi là Phật nói rằng sau bảy ngày Mahadhana sẽ bị cá nuốt nhưng bảy ngày sau ông lại bệnh chết, không mất xác, đó là sự chuyển nghiệp. Sau bảy ngày ông vẫn phải chết, đó là định nghiệp. Nhưng nhờ trong suốt bảy ngày cung kính cúng dường Phật và các vị Thánh Tăng đã giúp ông chuyển nghiệp, chẳng những không bị chết mất xác mà còn được sinh về cõi trời.
Trong cuộc sống, bất định nghiệp thường đi kèm với định nghiệp. Ví dụ một người sinh ra có định nghiệp là gương mặt xấu khiến cho cuộc sống của họ khó khăn hơn khi tìm việc làm hoặc đi đến đâu cũng bị thiệt thòi. Nhưng nếu họ biết cung kính bậc Thánh, biết thương yêu chúng sinh, biết cúng dường bố thí, biết hoan hỷ... thì cái nghiệp của họ chuyển dần. Có thể gương mặt của họ vẫn chưa được đẹp, nhưng họ đi đến đâu cũng thu hút cảm tình từ mọi người xung quanh. Ngược lại, cũng có người sở hữu vẻ đẹp ngoại hình, là định nghiệp, nhưng vì họ không biết tu và chỉ thích hưởng thụ nên đi đâu cũng có thể bị người khác ghét bỏ.
(St)
________________
Hoang Nguyen gởi
