Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Một thế hệ nợ nần: Từ Việt Nam
nhìn ra thế giới 


Thế hệ Millennials (những người sinh năm 1981 đến 1996) nợ nần và nghèo khó hơn cha mẹ, ông bà họ. Đây không chỉ là xu hướng ở Mỹ mà còn diễn ra ở Việt Nam và COVID-19 càng khoét sâu thêm tình trạng này.


Tùng Anh, từng là phó giám đốc kinh doanh một công ty du lịch danh tiếng với mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng, từ lương chính thức và lợi nhuận đến từ 2 nhà hàng và 2 căn hộ chung cư cho thuê. Tháng 3/2020, làn sóng COVID-19 đầu tiên ập đến, khách hàng trả nhà vì giá thuê của anh cao hơn mức thị trường đang lao dốc, Tùng Anh dùng mọi mối quan hệ để mời chào khách mới nhưng 2 căn hộ vẫn đắp chiếu.


Cùng lúc đó, công ty du lịch gặp khó khăn, nhân viên nghỉ việc hàng loạt, tầm quản lý như anh bị cắt giảm chỉ còn mức lương cơ bản. Điều đáng nói là 2 căn nhà chung cư và nhà hàng Tùng Anh đầu tư đều là vốn từ ngân hàng, với số tiền gốc lẫn lãi phải trả lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.


Thu nhập giảm, kinh doanh bết bát, nợ nần chồng chất, Tùng Anh rơi vào suy sụp, trầm cảm, phải đi khám ở viện tâm thần để thoát khỏi bệnh mất ngủ và những ý nghĩ tiêu cực. Đến mùa thu 2020, anh phải bán cắt lỗ 2 căn chung cư, căn nhà đang ở, đóng cửa nhà hàng để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Từ một ông chủ giàu sang với mức sống trung lưu nhiều người mơ ước, ở tuổi 40, Tùng Anh tạm thời chạy taxi công nghệ, bắt đầu làm lại từ con số 0.


Trong đại dịch COVID-19, những người từ tầng lớp trung lưu bỗng rơi vào cảnh nợ nần, nghèo đói như Tùng Anh không phải hiếm. Trên một diễn đàn về vén khéo chi tiêu – tiết kiệm trên Facebook, nhiều người chia sẻ trước đại dịch, với mức thu nhập xông xênh, hầu như họ không nghĩ đến việc chi tiêu dè sẻn để tiết kiệm và đầu tư.


Thu Hà, sinh năm 1981, từng có một tuổi thơ khốn khó, có lúc phải ăn cơm độn sắn, không có nổi chiếc xe đạp đi học, nên khi trở thành trưởng phòng marketing với mức lương cao, chị có tâm lý “xả van” trong chi tiêu. “Tôi đi xe SH, dùng iPhone đời mới nhất. Quần áo, giày dép chất thành đống trong tủ, có nhiều cái còn dán tem mác. Cuối tuần đi ăn hàng, vài ba tháng đi du lịch một lần, tụ tập bạn bè, xem phim, cafe… tôi chi tiêu không tiếc. Đời người chỉ sống một lần, sao cứ phải ki cóp, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Lúc chết có mang được tiền theo không?”, chị nói.


Chị kể, ở công ty, có hai vợ chồng đồng nghiệp thu nhập 20 triệu một tháng, cũng vay trả góp mua xe, điện thoại đời mới nhất, tháng nào cũng vài triệu trả cả gốc lẫn lãi. Hỏi ra mới biết, cả cơ quan không ai đi xe đời cũ nữa nên họ cũng phải cố gắng bằng bạn bằng bè.


“Khổ mãi rồi chả nhẽ không một lần được sướng”, Lan Khuê, một chuyên gia về tài chính cá nhân, chỉ ra tâm lý của rất nhiều người Việt thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) hiện nay. Lối sống lấy ngắn cắn dài, hôm nay không cần biết đến ngày mai, khá phổ biến tại các thành phố lớn.


Một trong những nguyên nhân là do thế hệ bây giờ có xu hướng chạy theo vật chất nhiều hơn, chị Khuê phân tích. Nhất là trong bối cảnh mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram bùng nổ, nhiều người có tâm lý mua sắm, tiêu xài nhiều hơn cho quần áo, phụ kiện, điện thoại, xe, túi xách, ăn hàng, du lịch… để thỏa mãn nhu cầu “sống ảo”, nhận được nhiều nút “like”. Chuyên gia này ví dụ, nhiều bạn trẻ mới ra trường thu nhập vài triệu, thậm chí còn ăn bám bố mẹ nhưng chi hầu hết thu nhập để vay trả góp iPhone, mua đồ hiệu, check-in quán cà phê sang chảnh.


Ngoài ra, nhiều người có tư tưởng hưởng thụ, sống cho hôm nay chứ không chắt bóp, tiết kiệm như thế hệ cha mẹ ông bà. Đi du lịch, xem phim, ăn hàng, thuê huấn luyện viên tập gym, Yoga, liên tục đổi xe và điện thoại mới… là những nhu cầu cần phải thỏa mãn ngay tức khắc.


Bên cạnh đó, mặc dù ra đời từ những trường đại học danh tiếng nhưng rất nhiều người không có kiến thức và kỹ năng về quản lý tài chính, đầu tư. Theo anh Hưng, một chuyên gia tài chính cá nhân, nhiều người không phân biệt nhu cầu “cần” và “muốn”. Có thể chỉ cần một chiếc điện thoại có những tính năng cơ bản như chụp ảnh, nghe nhạc, đọc tin giá vài triệu đồng nhưng nhiều người chi hàng chục triệu để mua điện thoại đời mới nhất, chủ yếu thể hiện nhu cầu “oai”. Việc thiếu kiến thức, thiếu kỷ luật kiểm soát bản thân, cộng với chủ nghĩa tiêu dùng, quảng cáo, khuyến mãi và cạm bẫy tài chính ở khắp nơi (như vay trả góp)… khiến cho đồng tiền tiêu đi rất nhanh.


Tình trạng thế hệ Millennials có nhiều nợ, ít tài sản, nghèo khó hơn cha mẹ, ông bà cũng là câu chuyện phổ biến ở Mỹ – quốc gia được coi là nền kinh tế lớn nhất thế giới với chủ nghĩa tiêu dùng được coi là đòn bẩy kích thích tăng trưởng mỗi năm. Theo trang kinh tế Bloomberg, Kellie Beach, một luật sư bất động sản với thu nhập triệu đô la mỗi năm, người đã bước sang tuổi 40 nhưng vẫn sống trong cảnh nợ nần. Cuộc đời Kellie xoay quanh những khoản vay nợ thẻ tín dụng, từ mua nhà, xe, đồ nội thất… đến cà phê, ăn hàng, mua sách, du lịch. “Tôi vẫn tồn tại bằng thẻ tín dụng. Tôi chỉ quen với việc quẹt thẻ và bội chi, rồi trả nợ”, cô nói.


Hàng triệu người Mỹ có lối sống bằng thẻ ghi nợ như Kellie, chi tiêu trước bằng thẻ tín dụng, rồi dùng lương để trả nợ. Do đó, nếu một người lâm vào cảnh mất việc, coi như ngày tận thế ập đến. Ngân hàng, các công ty siết nợ sẽ lao đến tịch thu tài sản. Chỉ trong một đêm, có thể từ kỹ sư công nghệ lâm vào cảnh vô gia cư không nhà cửa, phải sống nhờ trợ cấp và những bữa ăn từ thiện của cộng đồng. Thậm chí, nhiều người Mỹ chỉ làm các nghề lao động chân tay như phục vụ bàn, trông trẻ, lau chùi, hoặc công nhân trong nhà máy cũng chi hàng trăm đô la cho mỗi lần làm móng (nail), dưỡng tóc, massage.


Nhiều người Mỹ trong độ tuổi U40 vẫn không thể sở hữu căn nhà như cha mẹ họ ở cùng độ tuổi, họ vẫn phải sống chung cùng phụ huynh, tiền lương để dành trả nợ học phí đại học lên tới hàng nghìn đô la. Trịnh Hải, một kỹ sư định cư ở Mỹ nhận xét: “Bất động sản ở xứ cờ hoa rất đắt đỏ. Nhiều người dành dụm hàng chục năm không thể mua nổi vì giá nhà tăng phi mã so với mức lương trung bình của họ. Ví dụ, nếu trước kia bố mẹ chỉ cần chi 216.000 đô la là mua được nhà, thì hiện nay, giới trẻ phải chi 328.000 để có tài sản tương tự, trong khi tiền lương chỉ tăng 20% so với năm 1989”.


COVID-19 đã khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp khi nhà hàng, cửa hiệu, các điểm vui chơi giải trí du lịch phải đóng cửa. Tầng lớp trung lưu Mỹ, gồm kỹ sư, giáo viên, người làm trong lĩnh vực truyền thông, thể thao, giải trí, kiến trúc sư, công nghệ thông tin cũng lâm vào cảnh mất việc làm hoặc giảm thu nhập.


Cho tới giữa tháng 3-2020, Alysse Hopkins vẫn có một cuộc sống thoải mái với công việc luật sư. Hai vợ chồng cô có thu nhập khoảng 175.000 đô la/năm, đủ để trang trải khoản vay mua nhà, thuê 2 xe hơi, khoản vay sinh viên, thanh toán thẻ tín dụng và nuôi 2 cô con gái. Sau khi COVID-19 bùng phát, nhiều tòa án đóng cửa, các vụ kiện vì thế cũng bị hoãn lại, công việc của Hopkins không còn. Cô cho biết trợ cấp thất nghiệp có giúp ích phần nào nhưng gia đình Hopkins đang cạn kiệt dần tiền tiết kiệm và không thể thanh toán đủ 9.000 USD tiền trả nợ hằng tháng, bao gồm cả khoản vay mua nhà. “Tôi tuyệt vọng vì không thể kiếm sống, dù tôi có bằng luật và gần 20 năm hành nghề”, cô nói.


Là người sinh ra trong thập niên 1980 ở Việt Nam, đã có nhiều năm học và làm việc tại Mỹ, Trịnh Hải đưa ra lời khuyên cho những người bạn cùng thế hệ. Anh nói: “Tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp sống theo kiểu lương tháng nào hết tháng đó, hầu như không có một khoản tiết kiệm phòng thân khi gặp biến cố hay chuẩn bị cho tuổi già. Nguyên nhân là do họ ngập trong nợ nần, từ khoản vài chục nghìn đô la học phí đại học, đến mua nhà, mua xe, sắm nội thất… Cả đời nai lưng trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con”.


Hải rất tâm đắc với bí quyết quản lý tài chính của nhà kinh tế Dave Ramsey, theo đó, mỗi người nên chuẩn bị tài chính cá nhân theo 7 bước, gồm: Bước 1, tích lũy một khoản tối thiếu 20 triệu phòng tình huống khẩn cấp như ốm đau, tai nạn…; Bước 2, trả tất cả các khoản nợ nếu có từ nợ thẻ tín dụng, nợ mua xe, điện thoại hay các đồ gia dụng khác; Bước 3, có một khoản tiết kiệm ít nhất chi dùng cho 3-6 tháng, phòng khi lâm vào cảnh thất nghiệp, phá sản, ốm đau hoặc người nhà ốm phải nghỉ làm. Khi đó, bạn vẫn có một khoản dự trữ tiêu dùng để khắc phục dù không có thu nhập; Bước 4, tích lũy ít nhất 15% thu nhập cho về hưu; Bước 5, lập quỹ cho con đi học đại học; Bước 6, trả hết các khoản vay lớn như mua nhà, đất; Bước 7: tiết kiệm, tích lũy, đầu tư cho tiền đẻ ra tiền bằng các cách như gửi ngân hàng, mua chứng khoán, mua bất động sản, góp vốn làm ăn…


_________________


usaelection g
ởi