MỘT THƯƠNG GIA VỚI NHÂN DUYÊN KỲ LẠ
Có vị trưởng lão tên Bahiya Daruciriya trước khi xuất gia từng là một thương nhân. Một lần, chiếc thuyền buôn của ông bị đắm giữa biển, mọi người đi trong đoàn đều bỏ mạng. Riêng Bahiya Dacuciriya nhờ may mắn chụp được tấm ván trôi dạt rồi được sóng biển tấp vào bờ nên thoát chết.
Qua mấy ngày bập bềnh trên biển, áo quần ông bị cuốn trôi hết. Vào thời đó, vải vóc không dư dả như bây giờ mà rất hiếm. Bahiya Dacuciriya đành phải xé vỏ cây đắp quanh người, dùng dây quấn lại mặc đỡ rồi đi xin ăn. Ông đi khe khẽ, không dám đi nhanh sợ lỡ có sự cố gì thì sẽ xấu hổ. Nhìn hình ảnh này, mọi người xung quanh không hề biết ông mới bị đắm tàu, mất hết quần áo phải đi ăn xin thê thảm. Họ tưởng ông là một thầy tu khổ hạnh đang đi khất thực.
Ông cầm gáo dừa đi xin ăn và phát hiện điều lạ lùng là mọi người cho ông thức ăn với thái độ cung kính, thậm chí có người còn chắp tay quỳ lạy. Ông thầm nghĩ: “Ồ, nghề này có vẻ hay đấy”. Ông quan sát thấy những Sa môn thật sự thì đắp y, mang bát, quấn vải đàng hoàng, đi xin người ta cũng cho nhưng vừa chừng, chỉ riêng ông quấn vỏ cây thì lại được họ quỳ lạy, cung kính. Ông suy luận tiếp:
“Bộ đồ vỏ cây này coi bộ có lý hơn đồ vải. Thôi từ nay ai có cho vải ta cũng không nhận, mặc vỏ cây ngon lành hơn, được cung kính hơn. Ta hãy sống như thế”.
Ông không thể trở về quê được do đã bị trôi dạt đi quá xa, và ông cũng bắt đầu thấy dễ chịu với đời sống hiện tại.
Suốt vài tháng, ông cứ sống như thế, ai cho vải không mặc, chỉ mặc đồ bằng vỏ cây và đi xin ăn, mọi người thấy ông quá đàng hoàng nên tiếp tục xuýt xoa:
“Đây có lẽ là vị A la hán rồi chứ người bình thường làm sao mặc vỏ cây mãi như vậy được”.
Thế là họ lũ lượt kéo đến lạy lục:
“Xin ngài A la hán hãy ban phước cho, chúng con xin được cúng dường ngài...”.
Ông càng khoái chí hơn:
“Ồ, thì ra ta đã lên làm bậc A la hán rồi!”.
Không ngờ ý nghĩ này động đến cõi trời.
Khi ta làm chuyện động trời thì hai trường hợp sẽ xảy ra, hoặc có một Thiên tử sẽ xuống giúp ta, hoặc thiên lôi sẽ xuống đánh ta chết ngay lập tức. Bahiya Dacuciriya rất may mắn khi ông có ý 'động trời' này thì một vị Phạm thiên chứng quả A na hàm đã muốn giúp ông. Do có duyên xưa với ông nên vị ấy động tâm giúp đỡ ngăn chặn ý nghĩ sai lầm của ông, vì biết rằng nếu ông cứ nuôi dưỡng ý nghĩ đó chắc chắn ông sẽ đoạ địa ngục.
Vào thời Đức Phật Ca Diếp, đến kỳ mạt pháp thì giáo pháp của Ngài bị hiểu sai, thực hành sai khắp nơi. Người ta cũng thờ Phật, mở miệng cũng nói lời Phật nhưng hoàn toàn lệch lạc, giới hạnh không gìn giữ, tu hành sai đường, quên mất Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Họ còn đặt ra nhiều pháp tu kỳ lạ như tin rằng ăn món này đắc đạo, ăn món kia không đắc đạo, mặc bộ đồ này được phước lành, mặc bộ đồ kia không chứng đạo, cạo tóc bên này sẽ chứng quả gì, để tóc bên kia chứng quả gì... Họ đặt ra đủ chuyện khiến cho giáo pháp bị hiểu sai hoàn toàn.
Lúc đó, chỉ còn lại bảy vị tỳ kheo tu hành rất chân chính. Thấy tà pháp tràn ngập, tuy mang danh Phật Pháp mà không còn ai hành trì đúng pháp, các vị buồn bã sợ mình sẽ dần nhiễm tà pháp nên đã rủ nhau lên một đỉnh núi cao tu hành. Các vị quyết tu bỏ thân trên đó chứ nhất định không quay về. Ở dưới, người ta sa đọa, ô nhiễm, tà kiến, rối ren, không còn ánh sáng, không còn niềm tin hay hy vọng, nên bảy vị quyết định leo lên trên đỉnh núi rồi cắt dây bỏ thang, nguyện rằng nếu đắc đạo thì sống, không đắc đạo thì chết, không ăn không uống và chỉ ngồi thiền.
Chỉ trong ngày đầu tiên, vị trưởng nhóm đã chứng quả A la hán, căn cơ của ngài cũng thật đặc biệt. Sau khi chứng quả, ngài đã dùng thần thông đi sang cõi khác lấy thức ăn mang về cúng dường cho các bạn mình. Tuy nhiên, sáu vị còn lại cũng rất gan lỳ, họ kiên quyết từ chối:
“Chúng tôi chỉ dùng thức ăn do thần thông, bao giờ chứng đạo chúng tôi sẽ tự lấy, còn bây giờ chúng tôi không nhận, ngài cứ đi”.
Sáu vị ngồi tu tiếp, sang ngày thứ hai, vị tiếp theo chứng quả A na hàm. Thấy qua hai ngày các bạn mình đã rất đói, vị đó cũng dùng thần thông đem thức ăn về. Năm vị kia vẫn tiếp tục từ chối. Vì không có duyên chứng đạo nên sang đến ngày thứ năm, tất cả họ đều kiệt sức và qua đời. Chứng kiến cảnh đó, hai vị kia đã dùng thần thông bỏ thân tịch luôn tại đó. Vị đắc A la hán thì vào Niết bàn, còn vị chứng A na hàm thì sinh lên cõi trời Phạm thiên. (Đây chính là vị Phạm thiên đã động tâm muốn giúp Bahiya.)
Năm vị đã mất do kiệt sức dù chưa chứng đạo nhưng nhờ lòng thương kính Phật Pháp và tu hành chân chính nên cũng không sinh lại cõi đời rối ren đó nữa mà được lên an trú ở cõi trời, dù đó là cõi trời không cao lắm. Đến đời Đức Phật Thích Ca, họ đều sinh vào cõi người để gặp Phật, trong đó có ông Bahiya trong câu chuyện này và một vị tên Kumara Kassapa rất nổi tiếng, sau này chúng ta sẽ gặp lại ngài trong một bài kệ Pháp Cú khác.
Khi Bahiya suy nghĩ chuyện động trời thì vị Phạm thiên chứng A na hàm ở trên cõi trời đã hiện thân xuống báo với ông:
“Anh đã hiểu sai rồi, anh không phải là A la hán, nếu cứ tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ đó anh sẽ đọa địa ngục. Hiện nay, có đức Thế Tôn đang xuất hiện nơi thành Xá Vệ, anh hãy đến đó thiết tha cầu pháp".
Nghe những điều này, Bahiya bỗng hết sức mừng rỡ. Vì bao nhiêu nghìn năm xưa, dù ở trên cõi trời nhưng ông vẫn tu hành, bây giờ duyên xưa trở lại, lòng ông khấp khởi niềm vui kỳ lạ. Ông lật đật chạy về thành Xá Vệ mong được gặp Phật. Lúc ông đến nơi thì Đức Phật đang đi khất thực. Ông cứ chặn đường quỳ trước Phật mà lễ lạy, xin Người hãy cho ông một lời pháp để tu hành. Phật vẫn bước đi và ông cứ đến cản phía trước.
Phật nhẹ nhàng bảo:
- Ông đã đến phi thời, bây giờ không phải lúc vì Như Lai đang đi khất thực.
- Không, xin Thế Tôn hãy cho con lời pháp để con tu hành.
- Ông đã đến phi thời, giờ này Như Lai đang đi khất thực nên sẽ không giảng pháp.
- Dạ không, xin Người hãy cho con một thời pháp.
- Thôi, vậy hãy nghe đây.
Đức Phật giảng một câu pháp rất ngắn:
- Này Bàhiya, hãy quán như thế này, trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái biết chỉ là cái biết, hãy suy nghiệm như thế.
Ông ngồi lắng tâm suy nghiệm rồi hốt nhiên chứng A la hán. Ông liền xin gia nhập vào Tăng đoàn.
Thông thường, với những vị có thiện căn và được chứng quả trước khi vào Tăng đoàn, Đức Phật chỉ nói một câu: “Thiện lai tỳ kheo” (Ehi Bhikkhu), tức là “Lành thay, hãy đến đây tỳ kheo”. Khi Phật công nhận như vậy thì ngay lập tức bằng thần lực, tóc người đó sẽ rụng xuống, một tấm y sẽ hiện ra phủ lấy thân vị đó, một cái bát cũng hóa hiện ra trước mắt. Phật chỉ dùng nghi thức xuất gia đặc biệt này dành cho những người đã chứng quả. Khi Phật nói: “Thiện lai tỳ kheo”, chúng ta phải hiểu đó là một câu thần chú của Phật, khi Phật nói xong thì tức khắc y cụ của một tỳ kheo hiện bày đầy đủ.
Nhưng riêng trường hợp Bahiya thì không được như vậy. Khi Bahiya chứng Thánh quả và xin gia nhập Tăng đoàn, Phật chỉ nói: “Nếu muốn vào Tăng đoàn, ông hãy đi tìm đủ y bát đến đây”. Vì sao vậy?
Bởi từ nhiều kiếp qua, Bahiya có một đặc tính rất kỳ lạ là hễ có ai đến xin vật gì ông đều trả lời một câu: “Có tay có chân thì tự đi tìm, thứ gì cũng xin người ta”. Do cái nghiệp này nên dù đã chứng Thánh quả nhưng Phật vẫn từ chối dùng nghi thức đặc biệt của thần lực để trao y bát cho ông. Phật buộc ông tự tìm y bát cho đúng với cái nghiệp khi xưa.
Hiểu nhân quả này, từ nay mỗi khi có ai cần đến sự giúp đỡ, chúng ta đừng bao giờ nói giống như Bahiya: “Có tay có chân thì tự tìm đi, nhờ gì mà nhờ hoài”. Nếu ai cần điều gì, ta hãy cố gắng giúp đỡ họ. Có khi ta cũng không giúp được vì nghiệp của họ quá nặng mà ta lại không đủ khả năng, nhưng dù sao cũng đừng nói những câu bạc bẽo vô tình.
Vâng lời Phật, Bahiya cũng đi tìm y bát nhưng vừa đi được một khúc đường đã bị một con trâu húc chết.
Phật đã gọi các tỳ kheo đến mang xác ông về thiêu theo đúng với nghi thức dành cho một vị A la hán, đắp nấm mồ cao lên gần như một cái tháp. Các tỳ kheo ngạc nhiên hỏi:
“Bạch Thế Tôn, bài pháp của Thế Tôn cực kỳ ngắn còn Bahiya là một con người thật kỳ khôi, bướng bỉnh. Thế Tôn đang đi khất thực mà cứ chặn đường hỏi mãi. Vì con đã đi tu chứ không con cũng đá một cái cho hắn rớt qua một bên rồi. Tại sao ông ta lỳ lợm như thế mà Thế Tôn chỉ nói ba câu đã được chứng đạo?”.
Phật bảo rằng, các ông đừng đo lường giáo pháp của Như Lai bằng số lượng nhiều ít, đôi khi chỉ một lời nói rất ngắn mà đúng cơ duyên thì vẫn mang lại tịnh lạc cho chúng sinh. Rồi Phật nói thêm:
Dẫu cả ngàn câu kệ
Nhưng không có lợi ích
Sao bằng chỉ một câu
Khiến người được tịnh lạc.
_________________________
TẠI SAO BAHIYA GIẢ TU MÀ VẪN ĐƯỢC KÍNH TRỌNG
Trong câu chuyện, lúc bị rơi vào hoàn cảnh phải sống như một người khổ hạnh thì Bahiya vô tình nhận được sự cúng dường, cung kính hết mực. Thật ra, đây là do phước làm tỳ kheo đời trước của ông còn rơi rớt lại.
Vào thời Đức Phật Ca Diếp, ông đã quyết tâm tu, lúc sinh lên cõi trời cũng rất tinh tấn nên đời này, khi lâm vào cảnh khổ phải quấn vỏ cây đi xin ăn, ông vẫn phảng phất phong thái của một nhà tu hành. Người ta bắt gặp được phong thái đó cộng thêm tâm lý con người thường khâm phục sự ép xác khổ hạnh nên mới ngưỡng mộ Bahiya. Nếu không có cái phước dư thì sẽ không có ai cung kính Bahiya cả.
____________________
TINH TẤN NHƯNG KHÔNG LIỀU MẠNG
Câu chuyện bảy tỳ kheo leo lên núi liều mạng tu hành cũng cho ta vài điều để suy ngẫm. Trong bảy người liều mạng tu thì chỉ có hai người chứng, còn năm người đều bỏ mạng. Ta phải hiểu rằng, không phải mọi sự liều mạng đều đưa đến kết quả tốt đẹp, vì nhân quả của mỗi người là khác nhau.
Một thiền sư bị hôn trầm mãi không khắc phục được, khi đã quá bế tắc, ngài đành ra bờ vực ngồi thiền, nguyện rằng nếu hôn trầm thì sẽ chúi đầu xuống vực chết. Vì bản năng sinh tồn mà ngài cố gắng giữ tỉnh táo tu hành, nhờ vậy cũng thoát được nghiệp hôn trầm. Sau này, ngài ngộ đạo, trở thành một thiền sư nổi tiếng. Nghe vậy, có người cũng bắt chước leo lên lan can lầu để ngồi thiền không bị hôn trầm. Kết quả là ngày hôm sau báo đăng tin một thanh niên đã nhảy lầu tự tử. Sự thật, người đó không tự tử mà chỉ liều mạng kiểu thiền sư nhưng vì nhân quả không giống với vị thiền sư nên không thu nhận được kết quả mà còn mất mạng.
Hiểu điều này, khi thấy một người tu theo cách nào đó rồi có kết quả, ta đừng nhầm tưởng rằng nếu ta bắt chước y như phong cách đó, ta cũng sẽ được kết quả giống như vậy. Ta sẽ chuốc lấy thất bại vì đây chỉ là một sự liều lĩnh mà thôi.
________________________________
CÁI THẤY CỦA BẬC THÁNH
Khi Đức Phật dạy rằng: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái biết chỉ là cái biết” thì ngài Bahiya lập tức chứng A la hán. Câu nói của Phật đang diễn tả về cảnh giới của một vị A na hàm, một vị Thánh. Thay vì đề cập đến rất nhiều pháp căn bản từ chánh tư duy, chánh kiến, chánh ngữ, chánh nghiệp... thì đối với người này, Phật lại nói thẳng vào cảnh giới, vào cái tâm của một vị Thánh. Bahiya cúi đầu suy nghiệm rồi bừng tỉnh và chứng luôn Thánh quả A la hán.
Cảnh giới của Thánh: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy” khác với chúng ta thế nào? Ví dụ, khi ngồi nghe giảng trong một pháp hội, ta mở mắt ra nhìn, trong cái thấy này có bao nhiêu thứ? Thứ nhất là ta thấy vị giảng sư đang cầm micro nói, rồi trong khi đang thấy vị giảng sư thì đầu ta có yên tịnh không? Không, bên trong cũng đầy vọng tưởng: “lát nữa nghe xong mình sẽ đi ăn món gì”... Tức là, đầu óc ta vẫn không ngừng suy nghĩ. Vậy trong cái thấy của ta ít nhất có thêm hai điều: một là đối tượng bị thấy, hai là những suy nghĩ tuôn trào theo cái mà ta đang thấy. Nhưng có phải chỉ có hai cái không? Không. Ít nhất là hai nghìn cái đang cùng xuất hiện bởi ảnh hưởng từ những yếu tố ở ngoại cảnh cùng với những vọng tưởng trong tâm. Nghĩa là tâm ta luôn sôi sục vô số tâm niệm khi đang nhìn một vấn đề.
Còn với bậc Thánh, trong cái thấy của các ngài chỉ là cái thấy, ngay cả cái bị nhìn thấy cũng rất thanh tịnh, tất cả những tâm niệm hay vọng tưởng bên trong đều biến mất, chỉ có cái thấy Vô ngã mà thôi. Đó là cảnh giới của Thánh. Đức Phật đã nói cho Bahiya một câu rất cao siêu, đi thẳng vào cảnh giới của Thánh, Bahiya nghiệm ra được và chứng đạo.
Trong năm ấm Sắc – Thọ - Tưởng - Hành – Thức thì cái thấy, cái biết, cái nghe này thuộc về Thức ấm. Mà Thức ấm thì giống như là thanh tịnh nhưng sự thực đó không phải là thanh tịnh.
Ví dụ, cánh tay quơ qua lại là động hay tịnh? Động, có sinh diệt vì khi mỏi quá ta phải bỏ xuống. Hoặc lời nói là động hay tịnh? Động, bởi vì lúc nói lúc ngừng rất rõ ràng. Ánh sáng động hay tịnh? Thấy như tịnh vì nó bất động, đều, vằng vặc không thay đổi. Nhưng thật sự nó có tịnh không? Không, bởi vì từng photon bắn ra vẫn là sinh diệt, tuy nhiên cái sinh diệt quá nhanh làm chúng ta tưởng rằng nó tịnh, không thay đổi.
Cũng vậy, trong năm ấm thì sắc, tức là xác thân này thay đổi từng giờ từng phút, chúng ta nhúc nhích, di chuyển rồi chết đi. Thọ, tức là cảm giác cũng thay đổi, khi vui khi buồn. Tưởng, hình ảnh và âm thanh luôn ẩn hiện trong đầu ta. Hành cũng thế, ta luôn tính chuyện này, sáng tạo chuyện kia. Chỉ thức (cái biết, cái nghe, cái thấy) thì giống như thường hằng bất biến, lúc nào ta cũng đang biết, đang nghe, đang thấy... giống như ánh sáng cứ vằng vặc mãi và ta tưởng nó là thanh tịnh, nhưng đó không phải là hoàn toàn thanh tịnh.
Còn cảnh giới ban đầu của bậc Thánh là gì? Trong biết chỉ là biết, trong nghe chỉ là nghe, trong thấy chỉ là thấy, giữ Thức ấm lại vì đó cũng tạm thời là thanh tịnh. Chỉ có bậc A la hán là vượt ra khỏi cả những cái thấy, nghe, biết của Thức ấm để chỉ còn lại bản thể Niết bàn tuyệt đối, siêu việt. Điều này vượt ngoài sự lý giải thông thường. Nhưng trong đời sống bình thường, một vị Thánh giữ ngang Thức ấm để tu, để bất động là điều chuẩn mực nhất.
Đức Phật đưa ra chuẩn mực này để giải thích một câu cực kỳ cao siêu, không ngờ nhân duyên của Bahiya đã đến lúc chín muồi.
___________________________
TỈNH TÁO TRƯỚC LỜI HỨA HẸN
Một hôm, có anh thanh niên hỏi chúng tôi:
“Con nhớ hồi xưa có vị thầy dạy con là tu theo cách của thầy đó chỉ trong vòng 3 tháng tâm đã chuyển biến, trong 3 năm con phải đắc đạo, ngay đời này sẽ thành Phật, mà tại sao con tu được bảy năm rồi mà vẫn không thấy chứng?”.
Đến với Phật Pháp nhiều Phật tử đã được hứa hẹn như vậy, và thật sự mọi lời hứa có hạn định thời gian đều là tà kiến. Vì sao vậy?
Trong kinh ghi lại: nhờ nhân duyên của mười bảy nghìn năm thiền định đã giúp Bahiya bất ngờ chứng quả tối thượng. Tức là, công lao của mười bảy nghìn năm vất vả mới trổ thành kết quả chứ không phải một ngày một giờ.
Do đó, chúng ta không nên thắc mắc: “Thưa thầy, con theo thầy tu đã ba khóa thiền, tức là ba tháng trôi qua rồi mà sao con chưa nhập định được?”.
Vì ba tháng, ba năm hay bảy năm chưa là gì cả, hãy tinh tấn tu tiếp. Chúng ta đã trôi lăn trong luân hồi sinh tử vô lượng kiếp rồi nên vài mươi nghìn năm cũng chỉ là một cái chớp mắt mà thôi.
ST
__________________
Hoang Nguyen gởi

|
|