MỘT TỲ KHEO MUỐN HOÀN TỤC VÌ GIA SẢN THỪA KẾ
Dẫu mưa tuôn vàng bạc
Cũng chẳng thỏa lòng tham
Những lạc thú trần gian
Dẫn theo nhiều cay đắng.
Đệ tử của Như Lai
Chẳng mong cầu dục lạc
Dù dục lạc cõi trời
Chỉ mong trừ tham dục.
Phật nói bài kệ này bởi câu chuyện sau. Có một gia chủ sinh được hai người con trai, người con cả đã xuất gia theo Phật, còn người con thứ vẫn ở lại với ông.
Trước khi mất, ông đã để lại gia tài cho người con thứ, còn người con cả chỉ được 100 đồng tiền vì đã sống đời sa môn, không còn ở với gia đình.
Sau khi chôn cất cha xong, người em đã tìm đến vị tỳ kheo anh mình và thuật lại lời cha đã để lại. Nghe vậy, tỳ kheo đó đã lập tức chạy đến xin trả y bát cho thầy tổ để hoàn tục. Vị thầy hỏi lý do, ông chỉ ậm ờ nói qua loa rằng mình muốn sống đời cư sĩ, nên vị thầy đành đưa ông đến gặp Đức Phật. Khi Phật hỏi tại sao lại hoàn tục, ông mới nói thật rằng vì đã được cha để lại gia tài 100 đồng tiền vàng.
Đức Phật không nói gì, chỉ bảo ông hãy đi ra góc nhà mang lên mấy cái bát bể không dùng nữa. Ngày xưa khi chưa có giấy viết như hiện nay, để phân chia tiền bạc vào những khoản khác nhau, người ta thường dùng đến những cái bát. Phật bảo ông lấy 100 viên sỏi rồi chia đều vào từng cái bát, mỗi bát đại diện cho một mục đích sử dụng tiền, ví dụ như tiền cưới vợ, tiền mua nhà đất, tiền mua bò cày, tiền mua vật dụng trong nhà và còn nhiều mục đích khác. Cuối cùng, ông nhận ra rằng chi phí để xây dựng một gia đình và duy trì cuộc sống đầy đủ phải gấp 10 lần số tiền 100 đồng. Chỉ với việc cưới vợ thôi đã hết 100 đồng rồi, không còn đủ tiền để cất nhà, mua đất, mua bò hay các vật dụng cần thiết khác.
Đến đây, Đức Phật cho rằng 100 đồng tiền vàng không đủ để xây dựng một cuộc sống bình thường, vậy mà ông đã đòi hoàn tục. Mọi thứ trên thế gian đều rất mong manh và không có gì bền chắc. Dù cho ai đó có tiền muôn bạc vạn thì thật sự cũng chỉ bấp bênh tạm bợ và mọi dục lạc của thế gian đều kéo theo đau khổ. Ngay cả những bá chủ thế giới tưởng như có tất cả trong tay đến lúc chết vẫn còn những nguyện ước dang dở chưa hoàn thành, bởi lòng tham và ước mơ của con người là vô tận, được món này rồi vẫn muốn món khác, tới chết vẫn chưa chấm dứt. Chỉ khi chấm dứt lòng tham thì người ta mới có thể tìm thấy hạnh phúc thật sự. Dù chỉ với một bình bát trơ trọi, tấm y đơn sơ sống thênh thang giữa đời, hay ngày đi xin ăn một bữa, vậy mà hạnh phúc vô biên.
Lời Phật dạy làm tỳ kheo đó cảm động, nhiều người cũng nhờ vậy mà thêm tinh tấn tu hành. Ngày hôm nay nghe lại chúng ta cũng rất xúc động và cảm thấy thật sự mình đang thật giàu có.
LÝ TƯỞNG GIẢI THOÁT LÀ VÔ GIÁ
Một người đến chùa để nghe pháp, nhưng khi vừa đến cổng chùa thì lại nhận được cuộc điện thoại rủ rê đi ăn nhậu. Người đó vội quay về để kịp tham gia cuộc vui, và với họ, giá trị của một thời pháp thua xa một bữa ăn ngon. Trong tâm trí của họ, niềm vui trong cuộc sống vật chất thường trội hơn đạo lý cao siêu. Và người như vậy không bao giờ có thể tu tập được.
Tương tự, một người đã xuất gia nhưng lại vội vàng từ bỏ sự tu tập chỉ để có được 100 đồng tiền vàng, thì lý tưởng giải thoát của người đó đã thua xa 100 đồng.
Họ không bao giờ có thể tinh tấn tu hành tốt đẹp, vì lý tưởng giải thoát đối với họ quá kém.
Lý tưởng giải thoát là vô giá, không có tiền bạc nào trên thế gian có thể mua được. Kẻ khác có thể mua điều gì đó từ chúng ta, như một số đồ đạc trong nhà, chiếc xe ta đang sử dụng, hoặc cả căn nhà ta đang sống, nhưng hãy nhớ rằng lý tưởng giải thoát là không thể đánh đổi bằng bất cứ số tiền nào.
Nếu có ai đề nghị:
- Tôi biết trong lòng anh có lý tưởng tu hành giải thoát, tôi xin mua lại lý tưởng đó với giá 20 tỷ đồng, hãy bán lại cho tôi và đừng nuôi lý tưởng đó nữa.
Chúng ta hãy trả lời:
- Lý tưởng giải thoát này không hình không tướng nhưng là ánh sáng, là lẽ sống của đời tôi, không chỉ kiếp này mà còn đến vô lượng kiếp sau. Không tiền bạc nào trên thế gian này mua nổi, cũng không có điều gì trên thế gian đe dọa được. Với bất cứ giá nào anh cũng không thể làm cho tôi đánh mất lý tưởng giải thoát này. Chính anh cũng vậy, hãy tự mình thắp lên trong trái tim ước mơ giải thoát. Chỉ như thế thì anh mới có một gia tài mà không điều gì trên thế gian này so sánh, đánh đổi được.
Sống giữa thế gian là sống giữa bao niềm vui gọi mời, chực chờ quyến rũ. Nhưng chúng ta hãy nhớ câu chuyện tích này để tự dặn lòng đừng bao giờ từ bỏ lý tưởng tu hành giải thoát của mình mà đổi lấy dục lạc thế gian như thế.
HẠNH PHÚC LÀ CHẤM DỨT LÒNG THAM
Trong bài kệ, Phật đã nói rằng:
Đệ tử của Như Lai
Chẳng mong cầu dục lạc
Dù dục lạc cõi trời
Chỉ mong trừ tham dục.
Có một cô gái xinh xắn giàu sang đến chùa. Ban đầu cô cũng tụng kinh lễ Phật nhưng chỉ vài hôm sau đã gạ gẫm, tán tỉnh người tu trong chùa. Vị sư ban đầu thấy cô ngoan hiền và hay cúng dường, nhưng vì cô cứ tới lui và nói những lời tha thiết, cuối cùng vị sư đã quyết định hoàn tục.
Vị sư hoàn tục vì thấy rằng thứ nhất cô này thương mình, thứ hai cô khá giả nên cô cũng sẽ nuôi mình. Đâu biết rằng sự thật tình thương yêu rất vô thường, hôm nay có thương nhưng hôm khác đã ghét. Người phụ nữ kia đến khi hết thương và tình cảm biến mất thì cũng sẽ hết nuôi. Từng có người tu hoàn tục cưới vợ, để rồi chính người vợ từng hứa yêu thương ông lại là người mắng chửi ông từng ngày, đau khổ vô cùng mà không biết đi đâu. Cuộc đời vô thường như thế.
Chúng ta sống được là nhờ phước, hết phước thì không những người yêu thương sẽ ghét bỏ quay lưng, hơn nữa còn phải chịu đựng lời mắng nhiếc nặng nề.
Có một thanh niên từ bé đã sống rất lý tưởng, luôn mơ ước sẽ đắp xây nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời. Khi có duyên được gặp một vị Hòa Thượng đức độ, anh đã chắp tay nói lên lý tưởng sống của mình.
- Bạch Hòa Thượng, con cũng như mọi thanh niên tuổi mới lớn, luôn luôn mong ước sống vị tha, nhưng con không biết hạnh phúc thật sự là gì để có thể mang đến cho mọi người?
- Con không bao giờ thỏa mãn được lòng tham của con người, không bao giờ. Hạnh phúc là khi con người chấm dứt được lòng tham.
Nghe câu đó, người thanh niên bừng tỉnh và quyết tâm đi xuất gia, sau này suốt đời biết ơn vị Hòa Thượng năm xưa.
Mong cầu cho mình làm ta mệt mỏi, bất an, đau khổ. Nếu ta biết mong cầu cho mọi người thì lòng ta vị tha hơn, bớt khổ hơn. Nhưng cuối cùng, giúp cho mình và cho người dứt sạch lòng tham và dừng lại mọi ham muốn vị kỷ mới là điều tốt nhất.
(Trích: "Những Điều Thú Vị Từ Truyện Tích Pháp Cú Tập 10", trang 73 - 78)
___________________
Hoang Nguyen gởi
