Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
MÙA CƯỚI


 

Đám cưới tất nhiên vui vì bắt đầu cuộc sống chung hạnh phúc của một đôi uyên ương, hai gia đình thêm dâu, thêm rể. Vui vì em, cháu, bạn bè có lứa, có đôi…

 

Vui thì vui nhưng cũng có người chút buồn.

Người trong cuộc lo chi phí, lễ nghi cho đám cưới. Dù cuộc sống hiện đại đã giản lược nhiều phong tục, lễ nghi. Đã bỏ bớt vấn danh, chạm ngõ… thậm chí cả lễ đính hôn. Thế nhưng chỉ vỏn vẹn còn một lễ cưới mà nhiều nhà vẫn méo mặt.

Gọi là cuộc sống hiện đại, tân tiến và ngay cả không có tiền, nhưng hiếm người nghĩ đến cuộc sống hôn nhân chỉ bắt đầu bằng một tờ hôn thú và vài mâm cơm thân mật trong gia đình. Họ thường ao ước, tính toán sao cho bằng chị, bằng em. Phải có bộ ảnh cưới trong studio, ngoài công viên hay bãi biển, đồi thông… Phải có xe Mẹc đón dâu, phải mời vài trăm thực khách… Tiền dành dụm bao nhiêu năm thậm chí đi vay lãi… để tổ chức một đám cưới to lớn.

Vì thế một thanh niên làm nghề vác lúa chỉ còn hơn tuần nữa cưới vợ mà chưa có đủ tiền quay phim, chụp hình, tiệc tùng… đã phải đi giật túi xách. Hậu quả là anh chàng này bị bắt vi tội cướp tài sản của một cô học sinh chỉ gồm sách vở, điện thoại và 8.000 đồng  tính ra khoảng hơn 3 xu Mỹ kim. Lại có chú rể tương lại đột nhập tiệm cầm đồ, dùng đá đập vỡ két sắt trộm tiền và vàng với lý do “tuần sau sẽ cưới vợ nên muốn có nhiều tiền để tổ chức một đám cưới thật hoành tráng”. Sắp đến ngày ra mắt hai họ nhưng hầu bao chưa đủ nên một tên nọ xông vào nhà người phụ nữ sống một mình, siết cổ đến chết, rồi sau đó cùng vợ sắp cưới ra tiệm vàng mua nhẫn cưới, dây chuyền, bông tai…

Gia chủ lo tổ chức đám cưới với bao nỗi lo. Nào đặt bao nhiêu bàn, mấy bàn dự trữ, hôm đó có mưa, có triều cường, có sự cố gì gây kẹt xe không… Khách tới không đầy bàn thì lỗ chỏng gọng!

Còn khách mời dự tiệc cưới thì chỉ một nỗi lo: hao tiền.

Trừ giới thượng lưu, giàu có thì đi ăn cưới là dịp xã giao, tìm gặp đối tác làm ăn, phô trương trang phục, trang sức, còn thì người dân bình thường méo mặt khi nhận nhiều thiệp cưới trong quãng thời gian ngắn, nhất là mùa cưới vào những tháng khô ráo, cao điểm là dịp trước Tết Ta.

Thời buổi đắt đỏ, khách dự tiệc cưới phải mừng phong bao coi… sao cho được. Tùy theo địa điểm dự tiệc: tư gia, nhà hàng bình dân, trung tâm tiệc cưới hay khách sạn 5 sao, bãi biển… trông đó mà bỏ phong bì cho xứng đáng.

Bạn quen thân bắt buộc có mặt còn quen sơ, không đi cũng không sao. Kẹt quá mừng tiền bằng nửa theo giá thị trường, viện lý do nhức răng, bận công tác, mắc đi một đám khác… và nhờ người bỏ phong bao vào thùng dùm.

Nhiều người than thở sao không quen thân mà cũng mời vậy hả trời? Đồng nghiệp công ty nhưng ở những phòng khác, ban khác chẳng giao du bao giờ cũng đưa thiệp càn quét. Vừa dự đám cưới xong, 3 tháng sau đi đẻ lại nhận xôi chè mừng đầy tháng, rồi mừng tiệc thôi nôi.

Có điều không thể không mời khi nhà gái mời 30 bàn mà bên nhà trai có 15 bàn thật… lép vế! Chưa cưới đã bất bình đẳng, kém thế hiển nhiên, lại còn về ở rể nữa. Nên phải mở bản danh sách điện thoại ra vét voi.

Ông thày giáo già có độc nhất cô con gái, lại có độc nhất cháu ngoại lấy vợ. Nhà vợ là “đại gia”. Bên nhà gái mời khách từ Bắc chí Nam tới 60 bàn. Bên nhà trai nạo mãi có 40 khách. Thày giáo điện thoại cho “cựu” học trò đã học thày cách đây nửa thế kỷ: “Biết bạn nào thì mời thêm hộ thày”. Đám học trò nhìn nhau: “Cháu ngoại mà thày mời mình làm chi vậy?”. Thì mời cho cân xứng với đàng gái chứ làm chi nữa.

Cô cựu hiệu phó một trường tiểu học bày tỏ tình cảm với trường cũ bằng việc mời đồng nghiệp cũ đi dự tiệc cưới người cháu gọi bằng dì. Dù cô đã nghỉ hưu hơn chục năm nhưng nhớ hồi xưa sếp hiền lành nên đa số nghĩ tình, vẫn đi ăn.

Chưa kể vào mùa cưới nhà hàng chỉ nhận đặt mười mấy bàn trở lên. Ít quá thì xin mời tại gia.

Đặt tiệc cưới tính toán cả năm trước. Nếu hai bên nhà trai, nhà gái cùng ở một thành phố thì cố gắng đặt nhà hàng ở khoảng giữa 2 nhà. Kẻo gần nhà trai thì nhà gái tự ái, gần nhà gái thì nhà trai buồn vì kém cạnh. Thế nhưng có đám, hai bên sui gia đều ở quận Năm nhưng đặt tiệc nhà hàng tuốt gần khu công nghiệp Tân Phú vì ở đó gần nhà trọ công nhân nên giá tiệc bình dân. Hàng xóm đều thoái thác vì… xa quá. Nội tiền xe cũng gần bằng tiền mừng. Dù chỉ đặt mười bàn nhưng ế hẳn hai bàn. Tàn tiệc, mỗi “nhà” chia nhau một “bàn” xách về túi to túi nhỏ.

Gia chủ tính toán đặt tiệc cuối tuần để khách mời dễ đi đông đủ, vào thứ Bảy để khách còn nghỉ ngơi ngày Chủ nhật chuẩn bị thứ Hai đi làm. Nhưng vào cuối năm chậm đặt cọc là không thể chen chân vào “giờ vàng” tối thứ Bảy. Đành chọn trưa thứ Bảy hay tối Chủ nhật.

Đám cưới buổi trưa nóng nực, thời gian gấp gáp và khách khứa không thể lên y phục lộng lẫy. Người già mắt mũi kèm nhèm thích đi tiệc ban ngày.

Người trẻ thích đám cưới vào buổi tối mát mẻ, đén đuốc sáng choang, dễ lên trang phục dạ hội, hột đá, kim sa lấp lánh. 

Vậy phải tùy dàn khách đa số là trẻ hay già. 

Cặp cô dâu, chú rể đã có con đang sống bên Canada. Về VN làm đám cưới cho đẹp lòng cha mẹ hai bên. Bạn bè đa số ở bển, bên này khách mời toàn là bạn của song thân nên đương nhiên tiệc cưới tổ chức vào giữa trưa.

Nhiều cặp đãi tiệc cưới vào buổi tối, tan tiệc còn dẫn đám bạn thân đi chặp 2 uống cà phê, đi bar…

Chủ tiệc cưới hồi hộp đặt bao nhiêu bàn, dự phòng mấy bàn, lên danh sách những người có thể… không đi. Như cô bạn mang bầu sắp sinh, anh bạn thân mới có tang mẹ già…, tháng cuối năm đã hết mưa nhưng còn rớt bão, mưa trái mùa, triều cường… 

Lúc nhận tiền mừng, gia chủ vui hí hửng vì những vị khách sộp, nếu không lời cũng hòa vốn, đỡ cho chi phí. Nhưng có đi thì phải có lại. Nhận tấm thiệp cưới của bạn thân, anh chàng mở cuốn “sổ bìa đen” mà méo mặt: Hôm trước nó mừng 2 triệu, giờ mình phải trả lại y vậy. Hết hai phần năm tháng lương”. 

Ngược lại có người cáu kỉnh: “Sáu năm trước mình “đi” nó 500 (ngàn) mà giờ đắt đỏ, lạm phát phi mã, nó trả lại 300”.

So sánh 500 với 300 còn đỡ chứ ca sĩ nọ thốt ra cay đắng: “Đàm cưới mời 650 người mà chỉ có 350 bao thư”. Chắc tại khách mời thấy gia đình ca sĩ giàu quá, ngày nào cũng khoe giàu trên báo biệt thự này, trang trại kia, du lịch thế giới… thì mừng bao nhiêu cho lại! Ngược lại có đám cưới nhà giàu ghi rõ không nhận tiền mừng, quà mừng cưới. Mừng lẻ tẻ chẳng đáng là bao nhận làm gì mang tiếng!

Thời đại công nghệ số bận rộn quá thì gửi thiệp cưới qua mạng. lại ghi rõ số tài khoản để khỏi… tốn kém cái phong bì! Còn không thì ghi mã QR tài khoản ngân hàng của cô dâu, chú rể ngày tại bàn mừng cưới trước khi vào phòng ăn.

Mùa cưới gặp ngày tốt nhiều khi khách được mời phải chạy show. Đến bỏ phong bì vào đám này xong, nếu gần thì ăn món khai vị, xong lại chạy ngay đến đám khác thân hơn. Không nên bỏ được đám nào vì trong tấm thiệp đã ghi rõ: “Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”. Vả nhiều khi còn lý do giữ các mối liên hệ ngoại giao, con sếp chẳng hạn, không nên vắng mặt chút nào.

Sau tiệc cưới, cô dâu chú rể, hay cả nhà, hay đại diện hai họ xúm nhau ngồi tháo phong bì. Không biết có rơi rớt, hay cố ý, hay vô tình mà có một chuyện gây hậu quả nặng nề. Đó là một chiếc phong bì xổ ra nhưng bên trong… trống rỗng. Mẹ cô dâu tức khí, đi ngang qua nhà chủ cái phong bì rỗng tội lỗi ấy cất tiếng chửi xéo, hắt ca nước vào mặt, tiến tới nhặt mảnh gạch vỡ đập vào đầu, đấm vào mặt, rút dao… Kết cục cùng dắt nhau ra hầu tòa.

Giá mừng cưới thị trường trung bình ở nội thành từ mấy năm nay là 500 ngàn đồng. Hễ đi lên một bậc là 1 triệu chứ hiếm ai đi “lẻ” 600, 700… Đắt đỏ, lạm phát và chơi sang. Năm trăm (ngàn), một triệu, hai triệu… chứ không thấp hơn.

Thành thử chủ đám phải tính kỹ. Đặt tiệc bàn cưới tối đa chỉ 5 triệu một bàn thôi. Nếu ra ngoại thành có thể xuống còn 3 triệu rưởi. Dĩ nhiên tiền mừng ít đi tương xứng.

Làm sếp gặp mùa cưới càng méo mặt. Ông trưởng phòng Tổ chức của một sở than trời. Sở có bao nhiêu phòng, ban, bao nhiêu công ty chi nhánh. Mà đám cưới của nhân viên, của con nhân viên… nào cũng mời ông. Thảo nào đám cưới con cái, sếp mời hàng trăm bàn là vậy. Chẳng những lấy lại vốn mà còn lời to vì người ta mừng “nhiều” chứ không mừng “ngang”.

Một ông hưu trí mở cửa tiếp người khách đồng nghiệp ba chục năm không gặp, giờ tới nhà không biết công chuyện gì. Nói chuyện thăm hỏi cả tiếng đồng hồ chuyện xưa tích cũ ông mới vỡ lẽ khi nhận tấm thiệp mời dự đám cưới con gái út đồng nghiệp cũ. 

Bà nọ đi làm thẻ căn cước gặp anh thợ chụp hình vồn vã hỏi: “Cô còn nhớ cháu không?”. Bà bối rối vì lục lọi trí nhớ một hồi vẫn không nhận ra anh thợ chụp hình là ai. Anh niềm nở nhắc: “Hồi xửa hồi xưa ông nội cháu làm cùng phân xưởng với cô. Hai tháng nữa, cháu lấy vợ, cháu sẽ mời cô. Địa chỉ với số điện thoại của cô có sẵn trong lý lịch đây. Cô ráng đi nhe”.

Cô giáo vừa ở trường về xòe ra ba tấm thiệp cưới, chép miệng với chồng con: “Tháng này cả nhà ăn cơm với rau luộc chấm trứng dầm nước mắm”.

Nói tới đám cưới là nghĩ tới chuyện vui. Dù sao đôi khi đám cưới thực sự là nỗi khổ cho cả bên tổ chức lẫn người đi dự.

Họa chăng thực sự vui cả hai bên khi khổ chủ dư dả không màng đến tiền mừng cưới, không cần tiền mừng trang trải phần nào chi phí.

Trong thiệp mời của cô người mẫu lấy đại gia in dòng chữ: “Không nhận tiền, không nhận quà cưới”. Vậy mới là “song hỷ”. Không phải song hỷ ngày xưa đại đăng khoa và tiểu đăng khoa mà là người trao thiệp và người nhận thiệp cùng vui!


SGCN

__________



Đỗ Hứng gởi