MƯA TRÊN PONCHO
Bất cứ ai đã một thời ca bài “Ta đi tòng quân” đều không thể nào quên được đời lính. Trong đời lính, dù là lính già hay lính trẻ đều mặc bộ đồ trận, vui buồn theo tiếng kèn đồng đếm nhịp thời gian. Và một trong những món hành trang cần thiết thân yêu của người lính ngoài cây súng nhân tình, phải kể đến thành phần quân quân dụng này: Ấy là chiếc Poncho. Nhà binh gọi là “Pông Xô”.
Về hình thức, nó lớn bằng chiếc chiếu, mầu xanh cứt ngựa, làm bằng vải pha nylon gọi là vải ngụy trang, bốn cạnh chung quanh có lỗ, có khuy bấm bằng sắt.Chính giữa có một cái lỗ chui đầu làm thành cái mũ che, có giây buộc đàng hoàng.
Về nội dung, Poncho có công dụng chính là làm cái áo đi mưa. Khi trời bắt đầu nổi cơn mưa gió, người lính chỉ việc mở chiếc Poncho ra chui đầu vào giữa, đội nón là xong. Phần còn lại của Poncho nó lùng tùng xòe quanh cổ, quanh vai, quanh người che chở từ súng đạn đến ba-lô rất ư kín đáo an toàn.
Nó dản dị đơn sơ như thế nhưng công dụng thì lại vô cùng đa diện. Đến ngay người sáng chế ra nó cũng không thể nào ngờ rằng Poncho được dùng trong nhiều việc như thế.
Với chiếc áo đi mưa nhà binh – Poncho - mắc vào cành cây có thể làm chỗ che nắng che mưa khi canh gác một mình. Với hai chiếc Poncho ghép lại có thể thành một lều cho hai quân nhân tá túc. Với 4, 6 hoặc 8, 10 Poncho, dùng cọc dã chiến nối lại cho dài, dùng giây ghép Poncho cho kín là có một lều cho cấp tiểu đội, nom rất tư cách.
Khi quân ta sang sông trong một chiều hành quân, Poncho có công dụng như phép lạ. Nếu không có chuyến đò vĩ tuyến chuyển quân, nếu không có giây đu bắc ngang dòng nước ngược, nếu không có chiếc cầu khỉ, cầu treo... thì nhất định người chiến sĩ phải dùng đến chiếc Poncho làm phao di chuyển.
Mở rộng chiếc Poncho ra, túm chặt lỗ chui đầu lại, bao nhiêu ba lô đạn dược tập trung vào đó. Xong bỏ vài cành cây khô cho cồng kềnh, gấp Poncho lại theo kỹ thuật nhà binh làm sao cho kín mít, nước không lọt, thắt giây xong là Poncho chẳng khác gì một chiếc phao. Thả Poncho xuống nước, gác súng trên Poncho, người lính ôm cái phao cá nhân tà tà sang sông rất là đẹp mắt.
Ngoài công dụng che nắng che mưa, làm phao nổi, lều cá nhân, lều tập thể, Poncho còn dùng làm chiếu, làm nệm, có khi làm võng.
Trong các trại gia binh, anh em ở dưới mái nhà tôn nóng như lò bánh mì thì lại có sáng kiến dùng Poncho làm trần làm vách cho vợ con đỡ được đôi ba phần nắng nôi gió máy.
Còn các cấp chỉ huy ở nhà gạch mái ngói không cần đến Poncho làm trần nhưng nhiều vị có sáng kiến lấy Poncho may thành chiếc bạt phủ xe nhà cho khỏi bụi bậm, đỡ trầy nước sơn.
Những nhà dân giả, nhà binh, nhà quê thiếu ống máng hứng nước mưa thì Poncho là cái phễu vĩ đại, hết sẩy!
Poncho cũng lan tràn đến cả chợ búa. Từ xa trông cảnh chợ, xanh xanh một mầu cả trăm chiếc Poncho giăng mắc la liệt khắp nơi, nom tưởng như một tiểu đoàn đóng quân vậy. Lại gần mới thấy Poncho làm mái che cho hàng cá, hàng thịt, hàng rau, hàng quà, quán nhậu, hủ tíu bò viên, bún riêu bún ốc.
Poncho cũng di chuyển cùng chiều với các bạn đạp xích lô, kéo xe thồ, lái xích lô máy. Một chiéc Poncho thôi là đủ may chiếc áo mưa, vừa che đầu, che thân tới nữa người, gọn gàng và bền bỉ.
Poncho được chiếu cố tận tình như thế cho nên mức độ tiếp liệu dù cao, dù đúng hạn, dù mau lẹ vẫn không thỏa mãn được nhu cầu của quân đội và dân sự.
Các binh đoàn tiếp nhận xong, nhập kho, phân phối là Poncho đã chuẩn bị tan hàng. Một phần về đơn vị, một phần vào các khu dân sinh, chợ Kim Biên, chợ cũ, chợ Ông Tạ...
Tại các tỉnh, các quận, tình trạng Poncho cũng tương tự như rứa.
Poncho chẳng những phổ biến rộng rãi, đa dụng trong tình quân dân cá nước mà còn đóng một vai trò quan trọng tại các quân trường.
Ai đã một thời nhập trại Quang Trung, Đồng Đế, Thủ Đức mà không nhớ nhung kỷ niệm quân trường những ngày gió mưa tàm tã. Buổi sáng tinh mơ tập họp trung đội, đại đội, tiểu đoàn mà nhằm ngày trời mây u ám gió cuốn tả tơi hoa lá thì anh em rất là một sự lục xục, lộn xộn, lạo xạo. Ai cũng nón sắt đội đầu Poncho chùm thân, đi đứng lù đù.
Khi anh em đi bãi về trong buổi chiều mưa, từng trung đội lạch bạch bùn đất, hàng ngũ trật tự nhưng không mấy chỉnh tề. Nếu có người yêu nào đó đứng chờ, tìm kiếm người tình giữa chốn ba quân thì có mà như đá vọng phu vẫn hoài công đứng đợi. Bởi cả trăm người lính xùm xụp Poncho trong hàng quân như thế, làm sao nhận ra được ai là người yêu của lính? Thế là hoa lạc giữa rừng gươm.
Nhưng bù vào những cái bất tiện như rứa, Poncho cũng có lúc trở thành một nguòi bạn tâm phúc, đắc dụng.
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, quân trường nào cũng đầy ắp thân nhân bạn bè vào thăm tân binh, sinh viên sĩ quan. Ngoại trừ những ai được đi phép đặc biệt như chim sổ lồng, còn thì đa số nằm trong trại chờ người nhà đến thăm viếng.
Cái cảnh đồng bào ta lái xe nhà, đi xe đò, chạy Honda, Vespa, Lambretta, gắn máy đi thăm lính thật là ồn ào náo nhiệt.
Quà bánh thì nào là bánh mì, bánh bao, bánh ngọt, lạp xường xúc xích, cam táo chôm chôm ổi mận trái cóc, sữa Guigoz, Similac...Có người đem khăn mặt, bàn chải đánh răng, xà bông, thuốc lá,dầu cù là, dầu thơm...
Tất cả cho lính!
Rồi người ta kéo nhau tấp nập vào cổng trường, ghi tên lấy thẻ, qua trạm kiểm soát rồi là coi như thong thả tới địa điểm dành cho từng đơn vị.
Về phía lính thì cả tuần tập tành, “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, chỉ rình mong đến cuối tuần để được đón gia đình, bè bạn vào thăm viếng nên chuẩn bị rất ư là kỹ lưỡng. Có điều giống nhau, chả ai bảo ai, ai cũng cặp kè chiếc Poncho ra khu tiếp tân ngóng đợi thân nhân.
Thành phần thân nhân được phân định làm nhiều giới.
Giới cổ điển là các ông bô bà bô đi thăm con thì được ngay anh tân binh hay sinh viên sĩ quan mời các cụ vào câu lạc bộ nghỉ đỡ chân. Nếu câu lạc bọ hết chỗ thì mời hai cụ quá bộ ra cạnh quán, trải chiếc Poncho là tạm xong phần nghênh tiếp. Bố con, mẹ con rủ rỉ chuyện trò, ăn uống lai rai cho đến hết giờ thăm viếng.
Giới thứ nhì là giới bán cổ điển với bầu đoàn thê tử đi thăm chồng vào lính trễ. Giới này thường trải Poncho dưới tàng cây cao bóng mát hoặc ở trong các khu tiếp tân tập thể, vợ chồng con cái đìu íu, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện con cái học hành, chuyện làm ăn buôn bán, chuyện hàng xóm láng tỏi, ồn ào như chợ Bến Thành hay chợ Cầu Ông Lãnh.
Giới thứ ba là giới độc thân, toàn đàn ông con trai đi thăm con trai mà thôi. Giới này thường tụ tập tại câu lạc bo nhậu nhẹt tán róc. Xong cái màn đó, các cậu lại rủ nhau ra lề đường, ngồi trên Poncho ngắm các em gái hậu phương đi thăm chiến sĩ, với lời bàn Mao Tôn Cương rất ác liệt.
Giới thứ tư là giới cô đơn, gồm những anh không có người nhà đến thăm, ôm chiếc Poncho đi lòng vòng khắp khu tiếp tân, ngong ngóng một chuyện gì như thể sắp xẩy ra mà lại mơ hồ như có như không mới khổ!
Giới thứ năm là giới chiến thuật mà mỗi người là một chiến thuật gia. Giới này thường chuẩn bị rất kỹ, nghiên cứu địa hình địa vật và lựa chọn điểm đóng quân thật sớm. Thông thường, các vị trí này cách xa khu tiếp tân, xa các khu ồn ào nhiều kẻ qua người lại. Họ lựa chọn chỗ vắng vẻ kín đáo, có tí mô đất, có tí cành cây để giăng chiếc Poncho hững hờ lơ lửng. Tuy chiếc Poncho nom ra vẻ lụp xụp, thiếu mỹ thuật thật đấy nhưng lại chứa đựng tất cả những gì gọi là nghệ thuật tinh vi và khoa học hiện đại. Giới chiến thuật này thường có đối tượng là người yêu của lính!
Khi những chiếc Poncho xanh mầu lá cây rừng rải rác vô trật tự họp lại mí nhau thành một chiến tuyến thì dưới những mái Poncho là những cặp tình nhân đang tỉ tê quyến luyến, thề non hẹn biển...
Thời gian lặng lẽ một dòng tưởng chừng buồn tênh mà hóa ra sống động, vùn vụt như ma đuổi. Cho đến khi lá hoa về chiều, lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa, các đôi lứa lại càng quyến luyến xoắn xuýt lấy nhau như sam, như chẳng muốn rời.
Nhất là vào những buổi chiều có ttí gió mưa thì lại càng làm cho lòng người thêm mưa gió.
Mây trời hạ thấp, những giọt mưa nho nhỏ rơi đều trên Poncho trong làn gió thoảng, đủ làm cho Poncho hạ thấp xuống một chút xíu nữa, như che gió che mưa cho cặp tình nhân tạm quên đi thế giới bên ngoài.
Chỉ thấy những mái Poncho lay động, bập bềnh, ngả nghiêng vội vã, trong khi ngoài kia tiếng kèn thu quân đang dục giã liên hồi...
Cuộc hẹn hò nào rồi cũng chia xa.
Giới chiến thuật là đơn vị giải tán thành phần cơ hữu sau cùng, vơ vội ôm quàng chiếc Poncho ù té chạy về doanh trại.
Để rồi người lính quân trường lại có những ngày chờ ngày đợi ngày mong. Mong sao cho chóng đến cuói tuần, cặp kè chiếc Poncho với nỗi lòng nao nức, rạo rực thương yêu của tuổi hoa niên thời chinh chiến.
Như thế, quả nhiên chiếc Poncho đa dụng đa năng cho cả hai phía quân dân. Nó lại còn là một biểu tượng của đồng lõa, cho đời vẫn còn mầu hồng, còn một chút gì gọi chút dễ thương.
Và rõ ràng cụ thể nhất, nó chính là kỷ vật cho em.
Nghĩ thế, một hôm nhớ về quân trường cũ, kẻ này gặp một cựu nữ sinh hoa khôi, mới khẽ hỏi xem nàng nghĩ thế nào về chiếc Poncho đối với tuổi trẻ ngày xưa?
Người đẹp bỗng nhiên má đỏ hồng hồng, mắt sáng trong trong, thỏ thẻ đáp rằng:
- Poncho! Poncho! Ồ, thật là kỳ diệu...
Lê-văn-Phúc
usaelection gởi