Nâng Chén Tiêu Sầu
Ở mọi xã hội, mọi hoàn cảnh, từ ngàn xưa, xa xưa lắm rồi, con người đã tìm đủ mọi cách để tiêu sầu bằng sử dụng các chất say – các chất làm cho não bộ bị mê mẩn, bị rối loạn để quên đi cái đau và tiêu đi cái sầu. Nhưng theo như kinh nghiệm của cuộc sống, thật là nhiều người đã nâng chén từ ngày này qua ngày kia, từ năm này qua năm nọ mà sầu đâu có tiêu. Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm, uống vào một chén thấy sầu hoài. Sầu ở đâu mà sao chẳng rời xa, cứ nâng chén mãi rồi sầu muôn năm. Các bạn, nhất là trong những dịp lễ lớn, nhất định không phải là nâng chén nữa mà uống cạn bình cạn hũ. Ngày qua tháng lại, chúng ta có thấy rằng không những nâng chén tiêu sầu chẳng tiêu sầu mà nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm hay không?
Cái sầu đầu tiên là cái sầu làm cho chúng ta đắm chìm trong mê muội, thần trí. Não bộ của chúng ta bị tê liệt, rối loạn, chẳng làm chủ được, làm cho mất đi nhân phẩm, phẩm cách của chúng ta. Lời nói không chuẩn mực, hành động không suy nghĩ. Uống và sử dụng các chất say làm cho thần kinh yếu dần đi, thân xác tiều tuỵ. Nói về mặt khoa học, nó hại gan, hại phổi, lục phủ ngũ tạng vì nồng độ cồn dần dần thiêu đốt và có thể gây ra ung thư. Chưa kể uống các chất độc, chất say như vậy vô, làm cho chúng ta không tự chủ được trên phương tiện giao thông, dễ gây tai nạn, nguy hại cho người và nguy hại cho chúng ta. Bảo Thành có một người thân, người chị họ, đang đi bộ trên đường làng, có một người đã quá say, chắc có lẽ không phải một chén để tiêu sầu đâu mà anh ta đã tiêu diêu cái miền nào rồi, cho nên loạng quạng say quá, đi Honda thôi các bạn, tông vô người chị họ và người chị đã mất mạng. Đây là một thực trạng xảy ra trên toàn thế giới cho những ai đắm chìm vào chén rượu, cuộc cờ để tiêu sầu. Chưa kể nếu chúng ta cứ uống, cứ nâng chén gọi là mượn rượu mua vui, giải sầu nhưng rồi say tuý luý, say mà! nhân cách mất hết, rồi làm nên những chuyện có thể hại đến mạng người, xâm hại đến thân xác người khác hoặc đến những người trong gia đình của chúng ta.
Đức Phật thấy thật rõ hậu quả của văn tự mà nó làm cho chúng ta bị khích thích trong cái văn hoa của cuộc đời. Uống rượu, sử dụng các chất say, người ta không nói sử dụng chất say độc hại, mà lại mượn một câu như chủ đề quá hay. Để rồi các thanh niên, thanh nữ, người lớn, người nhỏ mượn vào câu này để được thoả mãn và nâng chén. “Nâng chén tiêu sầu”, ui cha sao nghe nó mượt mà đẹp quá, nghe nó văn hoa, nghe nó phấn chấn. Một chén nâng chưa được đâu, thêm nữa thôi. Và cứ thế thêm, thêm hoài thêm hoài. Càng thêm chén rồi đặt xuống trong sự say mê, chén đũa đụng nhau, vỡ hết tình người. Phật thấy được điều đó, vÌ đây cũng là một phong tục của loài người từ ngàn xưa. Và thay vì nhẹ nhẹ như một chất hưng phấn để lưu thông máu huyết, người ta đã lạm dụng bằng văn tự “nâng chén tiêu sầu”. Mà con người thì sầu muộn nhiều lắm bởi biết bao nhiêu sự va chạm trong cuộc sống. Thế là một chén kia gọi là chén rượu, các cụ ông cụ bà uống một chum rượu hồi xưa nó nhỏ như vầy thôi, để lưu thông máu huyết, thì ngày nay, người ta thay vào cái chén, cái ly thật là lớn. Mỗi khi sầu muộn dâng trào, họ nốc vào trong. Gan, phèo, phổi cháy hết và rồi thần trí mê loạn, tạo khổ cho muôn người. Sử dụng quá đà, quá đáng. Để rồi nhân phẩm, đạo hạnh cao quý của con người bị đánh mất, nhập vào ma đạo. Bởi khi nâng chén, quá chén, sầu chẳng tiêu mà đi thẳng vào ma đạo đó. Bởi vì ta đã mở cửa cho ma men nhập vào trong cơ thể!
Đức Phật nhìn rõ cái tai hại của những cuộc chơi trong thế trần này, dùng những chất say, chất độc hại để mà tiêu sầu, để mà giải khổ, Ngài thấy chẳng thể! Chẳng tiêu sầu, nó thêm sầu, càng sầu, chẳng hết khổ, nó càng khổ, thêm khổ. Khổ về thân, khổ về tâm, khổ về mối quan hệ trong xã hội. Khổ vì đánh mất đi luân thường đạo lý khi nạp các chất say vô, ta bị say. Say bí tỉ, say chìm vào trong đó gọi là si, mà si là một trong những chất độc của nhà Phật. Mà si quá chẳng biết làm gì nữa! Rồi mà chưa say quá đáng, tâm si chưa che mờ, thì tâm sân nó dễ trỗi dậy. Các bạn thấy trong các cuộc chơi của cuộc đời, khi nâng chén uống, nói ra nói vào một vài lời thôi là tâm sân trào dậy rồi. Biết bao nhiêu cuộc xô xát, chính như cha con, vợ chồng, anh em, người thân, có những cuộc quá say, tâm sân trỗi dậy quá mạnh, đã sát hại đến sinh mạng của người yêu thương. Chuyện đó xảy ra hằng ngày trong cuộc sống! Có người say về đánh con, đánh vợ, đánh chồng, có người say về chửi cha mắng mẹ, có người say lái xe tông chết người. Say, say rượu, say các chất độc, say các chất gây cho chúng ta mê mẩn thần trí như á phiện, tất cả….
Đức Phật đã chế ra giới thứ năm, cấm sử dụng và uống các chất say. Ngài thấy giới thứ năm này không phải là tánh tội nhưng nó sẽ làm cho chúng ta tạo ra tội bởi phá bốn giới đầu tiên như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói dối. Nên Phật cấm chúng ta không nên uống và sử dụng các chất độc hại, gây mê nhằm mục đích là để chúng ta giữ được sức khoẻ thực sự và làm cho tinh thần luôn luôn tỉnh táo trên con đường tu học. Vậy nên các bạn đồng tu thân mến, người Phật tử của chúng ta, khi đã thọ tam quy y ngũ giới, chúng ta cần phải giữ giới thứ năm không uống và sử dụng các chất say với mục đích gọi là tiêu sầu. Bởi vì nó không thể giải sầu cho chúng ta mà nó tăng sầu thêm! Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm, không có tiêu! Nâng chén lên chẳng giải được sầu mà tiêu thụ thêm cái sầu vào trong tâm cảm của chúng ta. Có ai uống rượu uống bia mà hết sầu đâu?! Đánh mất nhân cách, hại đến sức khoẻ, tinh thần bị mê mẩn. Tam độc của nhà Phật: tham – sân – si sẽ dâng tràn lên, chiếm cứ toàn bộ mọi suy nghĩ, hành động của chúng ta nếu chúng ta cứ ngày này qua tháng nọ mượn danh từ “nâng chén tiêu sầu” thì nhất định chúng ta đã biến thành ma men trong cuộc đời.
Người Phật tử không thể làm như vậy, chúng ta cần phải giữ giới! Không cần phải nói sâu về sự tai hại của những chất độc hại uống vào và đưa vào cơ thể như rượu bia và các chất gây nghiền như ma tuý, xì ke dưới mọi thể loại! Chúng ta thấy nhan nhản trong cuộc đời, có thể là những người hàng xóm, thậm chí có thể là những người thân cận của chúng ta, đã bị sa đà, ngã vào con đường đắm chìm trong những thứ đó. Các bạn thấy rồi, rất nguy hại!
Sự đưa chúng ta vào nghiện ngập các chất say và độc hại chẳng phải là nghiệp của kiếp trước nó dẫn để rồi chúng ta nói: “Ôi, tôi bị nghiệp kiếp trước nó quật, nó trổ nên tôi phải uống, tôi phải nâng chén cho tiêu sầu, tôi phải sử dụng các chất độc hại”; không phải! Sự nghiện ngập, ngay trong cả vấn đề cờ bạc, rượu chè và sử dụng các loại á phiện, nó đến từ môi trường sống. Ứng như câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chúng ta sống được nuôi dưỡng bởi một nền giáo dục đức hạnh của ông bà, cha mẹ, của thầy cô, của các bậc trưởng thượng nơi các tôn giáo. Môi trường đó sẽ giúp chúng ta tiến thân trên những suy nghĩ chín chắn và làm chủ được tự thân. Còn nếu chúng ta sống ở trong môi trường gần những người đầu trộm đuôi cướp, nghiện ngập lung tung thì nhất định chúng ta sẽ bị ô nhiễm bởi những điều đó. Ngày nay nhiều bậc phụ huynh, cha mẹ ý thức được điều đó, cho nên khi mua nhà hoặc di dời tới một chỗ nào ở, họ thường xuyên quan tâm đến vấn đề môi trường sống ở thôn, ở làng, ở cộng đồng, thành phố, môi trường có lành mạnh về giáo dục, về sinh hoạt và về xã hội hay không, có những người xấu sống ở trong đó hay không, có những người nghiện ngập, những người xâm hại trẻ thơ, những người thường hay tạo khổ cho người khác sống trong cộng đồng đó hay không. Nếu có, họ không bao giờ tới. Đặc biệt ngay ở bên Mỹ chỗ Bảo Thành ở đây, khi đi mua nhà, người ta luôn quan tâm đến vùng miền đó, thành phố đó, khu phố, thôn xóm đó, về trường học, giáo dục là đầu tiên. Rồi về những người sống ở đó như thế nào, để mua căn nhà, đưa con cái tới đó hấp thụ nền sống hoà bình nơi thành phố đó và có một nền giáo dục tốt đẹp cho tương lai.
Môi trường ảnh hưởng thật nhiều để chúng ta giữ giới thứ năm! Phật chế ra giới thứ năm không phải ngẫu nhiên mà Phật nhìn thấy rõ được cái nguy hại của chất độc như rượu bia, xì ke, ma tuý, mọi thể loại gây mê, kích thích đưa vào trong thân xác này sẽ nguy hại cho sức khoẻ. Mà thân người là phương tiện vi diệu để tu. Nếu ta dồn độc dược vào, thì cái phương tiện vi diệu này dần dần bị tàn lụi. Tinh thần là sự thanh tịnh trong sáng để tiếp cận với Phật, ta đưa các chất độc hại vào, thì tinh thần ta sẽ bị si mê, tăng trưởng lòng tham và sân hận. Ý thức được điều này, chúng ta cần phải lưu ý trong những cuộc chơi vào những dịp Tết, Noel hoặc lễ lớn, cũng nâng chén nhưng đừng mang ý nghĩa nâng chén tiêu sầu.
Các bạn! Đặc biệt là các bạn chưa thọ tam quy y ngũ giới, chúng ta cần phải uống một cách rất điều độ để giữ chừng mực, tạo hưng phấn trong cuộc vui một cách thanh tịnh, lành mạnh. Mượn câu “nâng chén tiêu sầu” cho những cái sầu bi ai oán của cuộc đời, như bị thất tình, như bị thất nghiệp, như bị mất của mất cải, như bị đau đớn phần này phần kia người ta nốc vào gọi là nâng chén tiêu sầu. Mà mấy ai nâng một chén đâu?! Nâng cả bình! Và sầu đâu có tiêu, sầu càng sầu thêm!
Trong nhà Phật, chúng ta cũng có cơ hội, không phải nâng chén tiêu sầu mà nâng cả một cái bình lên để tiêu sầu! Mà thực sự nâng cái bình này lên, tiêu sầu, tiêu sầu, không phải càng thêm sầu đâu. Bởi cái bình mà chúng ta nâng lên đó, nó đựng đầy nước ở trong đó! Người học Phật và đặc biệt các bạn đồng tu Thiền Mật, chúng ta tu trí tuệ và từ bi, chúng ta không thể đưa các chất độc hại vào cơ thể. Đặc biệt là trong Thiền Mật song tu, các bạn phải tin vào Phật – Pháp – Tăng, phải thọ tam quy y ngũ giới, phải giữ được năm giới mới có sự hộ pháp, hộ mạng đồng tu, mới có thể thể nhập vào chân lý của Phật! Cần phải giữ giới thứ năm! Không thể mượn câu nói “nâng chén tiêu sầu” nữa, mà Bảo Thành sẽ mượn một cái bình thực sự có đầy ắp nước ở trong đó, trao cho các bạn đúng như lời Phật, để giải sầu, để chuyển sầu, để hoá mọi khối sầu bi ai oán nhiều đời nhiều kiếp vốn tồn đọng ở trong ta. Đó là cái bình chứ không phải một chén nữa các bạn ơi! Một ly, một chén uống không có xi nhê, lấy luôn cả một bình. Và Bảo Thành sẽ chuyển tới cho các bạn cả một bình để uống. Không những uống cho bạn mà còn mang hiến tặng cho muôn người cùng uống nữa! Và càng uống càng không bao giờ cạn, không bao giờ hết. Mà càng uống thì sầu càng tan, khổ sẽ biến mất, hạnh phúc và an lạc sẽ tới! Chúng ta không uống bằng chén, không uống bằng ly, mà ta uống bằng bình các bạn à! Bình bự!
Cái bình đó ở đâu? Chúng ta chỉ cần theo chân của Mẹ hiền Quan Thế Âm, tới trước ngay tôn tượng của Đại Sĩ Quan Âm Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, nhìn lên Ngài, thấy bên tay của Ngài cành dương liễu và một bình cam lồ. Bình, nhưng không phải là bình rượu, bình bia, mà bình nước cam lồ các bạn ơi! Cam lồ tịnh thuỷ lưu ly! Chúng ta tới và nói với Mẹ hiền Quan Âm: “Ở đời người ta nâng chén tiêu sầu. Còn con chắc có lẽ là dại khờ, con tới con xin Mẹ cho con cả một bình đi, để con uống vào cho tiêu sầu thực sự. Chứ còn chén rượu, cuộc cờ ở đời không tiêu sầu, mà nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm. Nhưng con biết rằng cái bình của mẹ đó, con nâng lên, uống vào, thì sầu, khổ, nghiệp chướng, tai hoạ sẽ biến mất, sẽ gội rửa chân tâm, tẩy trừ mọi cấu uế”. Đúng! Bình đó là bình cam lồ có sẵn trên bàn tay của Mẹ hiền Quan Âm!
Thiền Mật song tu là thiền trí tuệ và từ bi quán – pháp thiền cao tột phương tiện của Mẹ hiền Quan Âm. Chúng ta Thiền Mật song tu là song hành với pháp tu của Mẹ hiền Quan Thế Âm. Chúng ta phải lãnh nhận cả một bình cam lồ của Ngài! Hãy mạnh dạn lên, tới với Ngài! Nếu bạn sầu, sầu về thất tình, thất nghiệp, sầu vì muôn khối chuyện ở đời nó dồn dập sức ép của cuộc sống, của sự thành-bại, có-được; đừng sợ! Chúng ta không cần phải mượn chén rượu, cuộc cờ để tiêu sầu nữa, bởi cái đó tăng sầu. Chúng ta lãnh nhận luôn chứ không cần mượn! Tới lãnh nhận luôn cả cái bình cam lồ của Mẹ hiền Quan Âm, uống, bởi vì trong đó có nước cam lồ. Nước cam lồ là nước từ bi Mu A Mu Sa, nước cam lồ là nước NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang trí tuệ và từ bi!
Bây giờ mình nâng bình cam lồ để đoạn sầu, để đoạn khổ, để đoạn phiền não các bạn ơi, bằng chuyện này các bạn nha! Nó là một sự bảo đảm chắc chắn chứ không phải như những người bạn nhậu dụ dỗ chúng ta: “Ôi, coi như chén nước, coi như ly nước uống đi, không sao đâu!”. Nếu những người uống rượu uống bia mà nói rằng: “Bạn ơi, coi như ly nước uống vô đi!”, thì bạn hãy lấy nước bạn mời họ: “Thôi, coi như rượu, uống vô đi!”, họ đâu có uống. Bởi họ biết mà, nước kia không thể biến thành rượu thì rượu kia không thể biến thành nước! Vậy nên nếu các bạn gặp một người nào đó nói rằng: “Ah, thôi, coi như là nước mà uống vào không có sao đâu!”, thì bạn hãy đổ một ly trà hoặc một ly nước đưa cho người đó uống và nói rằng: “Hãy coi đây như là rượu!”. Ở đời gọi là nâng chén trà hoặc nâng chén nước thay rượu, thì mình nâng ly nước lên thay rượu, mời họ uống!
Nay ta mang nước cam lồ của Phật hiến tặng cho muôn người và nói: “Đây không cần phải coi là nước, bởi đây là sự thật! Nếu bạn sầu, bạn nâng chén tiêu sầu chẳng hết sầu, bạn hãy nâng bình cam lồ từ bi và yêu thương, thông cảm và tha thứ, bao dung một cách trọn vẹn bằng trí tuệ nhìn thấu mọi nguyên nhân tạo khổ trong chánh niệm hơi thở. Mọi sự sầu, mọi sự khổ, mọi sự uế trược, mọi sự tai hoạ, mọi sự bệnh hoạn về thân và tâm do nghiệp sẽ đoạn diệt, sẽ hết!”
Mỗi người chúng ta hãy hứa với lòng mình rằng năm nay ta sẽ làm mới cuộc sống của mình, ta sẽ không mượn chén tiêu sầu và ta sẽ không bao giờ để cho những người thích uống đó chiêu dụ ta nữa. Ta đã theo Phật rồi và ta phải giữ giới thứ năm bởi ta đã thọ giới này! Khi kềm chế, làm chủ được thân tâm của mình để không phung phí sức khoẻ và tinh thần, đắm chìm vào trong những cuộc chơi của nâng chén tiêu sầu, thay vào đó, là ta mặc vào chiếc áo mới, chiếc áo bạch y tinh tuyền của Mẹ Quan Âm và uống vào bình nước cam lồ tịnh thuỷ tình yêu thương và trí tuệ, thì nhất định cuộc đời của chúng ta xứng đáng sống hạnh phúc và xứng đáng mang hạnh phúc thành tựu được bởi sự giữ giới đó mà trao tặng lại như món quà vô cùng cao quý!
Lời Thầy
_______________
Hoang Nguyen gởi
