Nàng dâu Mỹ viết về món ăn Việt
Khi tôi khởi sự dùng nước mắm – fish sauce – trong hầu như bất cứ và mọi thứ món ăn, tôi biết rằng tôi bắt đầu trân quí lối nấu bếp của dân Việt Nam rồi đó. Cái món gia vị đậm đà tuyệt hảo này đã cung hiến cho thực phẩm một mùi vị ngon ngọt và mặn mòi, khiến ta một khi ghiền nó rồi, thực khó mà bỏ quên nó khi nấu ăn. Thịt, cá, rau cỏ… hầu như tuốt luốt mọi thứ chỉ cần rẩy chút nước mắm đều ngon trội hơn lên.
Nhiều người thường khuyến cáo tôi chớ kê mũi ngửi hay tệ hơn là rây vãi nó ra (Tôi đã từng kinh nghiệm cái nỗi khổ này khi tôi đánh vỡ tung tóe cả chai nước mắm trên sàn bếp, làm cho mùi hôi khắm lừng lên cả mấy ngày sau tẩy không hết).
Câu chuyện tôi kể sau đây cho quí bạn biết tôi đã hâm mộ món nước mắm thế nào và cái điều tôi kỳ vọng minh chứng hơn cả là lý do làm sao một cô gái Mỹ cao lớn, mắt xanh như tôi lại trân quí và trọng vọng thức ăn và văn hóa Việt Nam.
Kinh nghiệm đầu lưỡi của tôi với thức ăn Việt là món súp bò phổ biến của Việt Nam – mệnh danh thông thường là Phở. Tôi được một cô bạn thân người Việt làm cùng sở đưa tới tiệm phở Công Lý. Bạn tôi đã kỹ lưỡng dạy một điều quan trọng là muốn ăn “Phở” ngon thì phải tìm đến một nơi chuyên môn nấu phở. Bước vào tiệm này, tôi vẫn còn nhớ dai đẳng cái mùi thơm nồng của nước dùng phở nấu với đại hồi và các mùi rau thơm tươi. Cái mùi này nực nồng khiến bạn thực sự phải thay áo mình mặc sau khi ăn Phở vì y trang của mình quả tình đã ướp tràn trề với đủ thứ hương thơm.
Thế là chúng tôi ngồi xuống và gọi món ăn trong khi tôi lắng nghe thích thú cô bạn tôi líu lo trao đổi bằng tiếng Việt gọi “một tô Phở tái lớn” giá chỉ có $4.95 thôi. Khi phở dọn ra, tôi hơi kinh hãi thấy thịt bò tươi sống nằm vắt vẻo trên miệng tô khiến tôi hoảng hốt ngó về phía cô bạn. (Tôi vẫn tự hào mình chút ít đảm lược trong chuyện nếm món ăn , nhưng không ngờ rằng mình sẽ ăn thịt bò còn sống nhăn!). Cô bạn bèn trấn an tôi bằng cách nhúng thịt bò của mình trong tô phở nóng, làm cho nó chín ngay tức khắc.
Giây phút chân lý quả đã đến, nên tôi xúc ngay một muỗng đầy nào giá sống, nào thịt bò, nào bánh phở, nào nước dùng và nếm cái món súp cổ truyền của Việt Nam. Mùi vị nói giản dị là ngon tuyệt và kể từ đây tôi là một đệ tử hâm mộ Phở. Kinh nghiệm này cũng dạy tôi cái điều mà tôi gọi là “ba căn bản” cho thức ăn Việt Nam: 1) Rẻ 2) Ngon 3) Nhiều.
Có lẽ cái chuyến du hành vỡ lòng này vào địa khu của Phở đã dọn đường đắp lối cho tôi lấy chồng là một thanh niên Việt Nam. Tôi thực tình nói không hẳn chắc, nhưng tôi biết rằng Thái chồng tôi là Đấng Phu Quân xứng đáng cho tôi. Kết hôn với chàng ta đã khiến tôi như có một giấy thông hành độc nhất vô nhị vào cái lãnh thổ mênh mông và muôn hình sắc của thực phẩm và văn hóa của nước Việt Nam. Cái viễn kiến của chàng đã chỉ dạy cho tôi làm sao yêu mến cái tinh thần về một quốc gia của con người bất khuất và học hỏi càng lúc càng tăng về mối duyên tình thắm thiết của họ về chuyện thực phẩm.
Từ Bánh Cuốn cho tới Bò Nhúng Dấm và Cá Kho Tộ, bao nhiêu món ăn yêu chuộng của tôi bây giờ là món Việt Nam. Dù tôi là người Mỹ, gia đình của chúng tôi là gia đình Việt Nam. Nhà tôi bây giờ đã ngửi thấy cái mùi cơm nấu chín đặc thù cho một mái nhà Á Đông và ít khi mà chúng tôi không trữ trong nhà một bao gạo thơm hảo hạng kếch xù và Nước Mắm. Và đương nhiên chúng tôi không mang giầy dép đi trong nhà và có rất nhiều đũa. Ngay cả con chó chúng tôi nuôi cũng có khuynh hướng Việt Nam, và thường đớp ngồm ngoàm nhanh như chớp những thức ăn thừa đã được nấu với nước mắm.
Một đôi dịp cần quyết định đi ăn tiệm, thì cái lựa chọn của chồng tôi luôn luôn vẫn thế: “Nếu để tùy anh chọn, thì em thừa biết rằng anh thích Việt Nam!” Những dịp thường xuyên đi ăn những tiệm Việt Nam đã lưu lại cho tôi cảm tưởng ghiền vài món căn bản của kiểu nấu nướng Việt Nam: thịt heo, giá sống, rau thơm tươi và dĩ nhiên là nước mắm! Và ít lâu sau, tôi nghiệm rằng đối với tôi, thưởng thức thực phẩm quả là chưa đã, tôi muốn tự tay tôi có thể làm chúng để ăn sốt dẻo. Mặc dù chồng tôi đôi lúc cũng chịu ăn món burger Mỹ, nhưng trái tim, bao tử và kỷ niệm ấu thời của anh ấy đã kết chặt với thức ăn Việt Nam. Do đó tôi mơ ước trở thành một tay nấu thuần thục về bếp Việt Nam.
Tôi đã cẩn thận khai thủ với món Cơm Thịt nướng, kể ra khá ngon (ấy cũng nhờ nước mắm thôi). Rồi tôi tiến lên Cá Kho Tộ, món này đã khiến tôi phải thử đi thử lại dăm lần mới thắng nước mầu cho đúng mức.
Ít lâu sau, tôi cảm thấy sẵn sàng để chạy những dặm đường dài xa hơn: làm Bánh Xèo! Tôi hoạch định một bữa ăn tối thịnh soạn cho gia đình nhạc gia tôi gồm ông cha chồng, mẹ chồng, chị chồng và em chồng (mục đích là nhắm coi mọi người thấy tôi thành công hay thất bại).
Đúng là căng thẳng biết bao, nhưng tôi cảm thấy tôi có thể ganh đua. Trong khi tôi đứng bên bếp lò mướt mồ hôi và tinh thần căng thẳng, xoay trở luôn tay đổ món bột quậy màu vàng, tôi cẩn thận liếc mắt nhìn trộm những người khách trong khi họ ăn và hỏi: “Bây giờ tôi đủ tư cách làm dân Việt chưa?” Ông cha chồng nhìn tôi cười rạng rỡ trong miệng còn nhồm nhoàm nhai Bánh Xèo và tuyên bố: “Ồ, Đủ quá đi thôi !” Đây là giây phút tưởng thưởng cho tôi, nó luôn thôi thúc tôi hưởng thụ và kiện toàn cách nấu nướng Việt Nam.
Các bạn có thể tự hỏi tại sao tôi, một người Mỹ, lại hân hoan ôm món ăn Việt vào lòng. Một trong những lý do chính là tôi phải ý thức để thấu hiểu cái ý nghĩa rộng lớn hơn của thực phẩm trong văn hóa Việt Nam. Mỗi khi mẹ chồng tôi mời chúng tôi lại ăn cơm, đó là một dịp họp mặt xã hội. Chúng tôi quây quần quanh bàn ăn, uống rượu và trao đổi những chuyện trò, món ăn hầu như trở thành thứ yếu đối với thời khắc sum họp gia đình. Lớn lên trong truyền thống ăn Hamburger làm sẵn, tôi luôn luôn trân quí món ăn tươi ngon được chế biến từ không nhiều vật liệu với hương thơm bổ khỏe của các thứ rau tươi!
Cũng ngộ thay lối ăn theo Việt Nam, nghĩa là món ăn dọn trên bàn vô số kể (chẳng tốt gì cho vòng eo đó) và mặc bạn tùy thích gắp cho mình. Hầu như không nghe họ nói ăn theo kiểu Mỹ là dọn ra cho mỗi dĩa thực khách những phần chia cố định của mỗi món ăn. Tôi vẫn không hiểu nổi làm sao những người thân Việt Nam của tôi thân hình vẫn thon gọn mặc dù tôi từng chứng kiến những buổi ăn nhậu no tuyệt đối cành hông. Một điều tương phản mà tôi thực sự nhận xét giữa cách ăn của dân Mỹ và dân Việt là cảm tưởng của họ về chuyện ăn.
Dân Mỹ thường rất bị ám ảnh và lo âu về chuyện ăn. Họ ăn những món họ hưởng thụ, tuy nhiên họ lại tuồng như hối hận vì ăn. Dân Mỹ yêu món ăn fast food, tuy nhiên lại đồng thời lên án nó. Dân Việt thì lại thoải mái hơn rất nhiều và thực sự hưởng thụ chuyện ăn, dù là thức ăn béo bổ hay không. Tôi thích cái thái độ lành mạnh này về thức ăn.
Sự dinh dưỡng của món ăn Việt cũng là một lý do khác mà tôi thích nó. Trong khi món ăn Mỹ tiêu biểu thường nặng, béo và ít khi chứa rau xanh, món ăn Việt thì lại quân bình nhiều hơn về mặt dinh dưỡng. Xin chớ cho tôi nói sai, dân Việt thích món thịt bò, và chả giò của họ cùng mỡ heo, nhưng những món này được quân bình hóa với một vài dĩa cơm và hầu như luôn luôn với ít nhiều lê ghim và rau xanh.
Bây giờ thì tôi cảm thấy làm chủ được tài nấu ăn Việt, chặng đường kế tiếp là ngôn ngữ. Tôi phải chấp nhận rằng đôi lúc tôi cảm thấy bị gạt một bên khi mọi người nói tiếng Việt (dù rằng người chồng yêu quí tôi luôn luôn mau lẹ phiên dịch cho tôi). Chúng tôi đôi lúc nói về sự sống ở Việt Nam, điều nay tôi rất thích. Đây chính là phương cách duy nhất mà tôi cảm thấy tôi thực sự có thể học ngôn ngữ. Và tôi chắc chắn tôi sẽ học thêm vài mánh khóe nấu ăn từ dân địa phương.
Trong khi tôi ngắm Alexandra, đứa con gái mới thôi nôi của chúng tôi, mỗi ngày mỗi lớn, tôi cảm thấy nó thực sự có phước. Nó được cha mẹ nó thương, và càng đặc biệt hơn, nó đã thoát thai từ hai văn hóa: Hoa kỳ và Việt Nam. Cũng như nét vẻ của chồng tôi và tôi đã được trộn lẫn giao hòa trên khuôn mặt xinh đẹp của nó, nó sẽ kính yêu cả hai ngôn ngữ, cả hai lối ẩm thực, cả hai văn hóa, cả hai dân tộc. Và một ngày nào đó, chính tôi sẽ cố gắng dậy nó làm Bánh Xèo.
Tammy Dewitt Le
Note: Bài viết được bố chồng của tác giả là Bác sĩ Lê Văn Lân dịch sang Việt ngữ.
Theo Le Canard épilé de l’Amicale Epatente des Joyeux-Jeunes Retraités
____________
Đỗ Hứng gởi