Ngã
Chấp Ngã – Vô Ngã
***
Nội dung
1. Ngã trong Phật giáo Nam truyền:
1.1. Cách nhìn về Ngã.
+ Chấp ngã. + Vô ngã
1.2. Ngã trong Tam Pháp Ấn.
Vô thường – Khổ – Vô ngã
2. Ngã trong Phật giáo Bắc truyền
2.1. Ngã (Chấp ngã) và Vô ngã.
2.2. Ngã trong Tam Pháp ấn.
2.3. Ngã trong Thường Lạc Ngã Tịnh.
2.4. Ngã trong “Duy Ngã độc tôn”.
NBS: Minh Tâm 7/2019
Ngã [我; P:Attā; S: Ātman; E: Self] là đối tượng của triết học, tôn giáo và xã hội, với những khái niệm, quan điểm khác nhau. Ngã thường được giải thích là Tôi, Cái tôi, Ta, Cái ta, Thực thể (tự hữu, thường hữu, bất biến, …)
1. Ngã trong Phật giáo Nam truyền:
1.1. Cách nhìn về Ngã.
Trong Phật giáo Nam truyền, Ngã thường được thấy dưới 2 dạng là Chấp ngã và Vô ngã:
- Chấp Ngã(執我; P: Lagga-Attā; S: Lagna-Ātman; E: Intra-Self hay Intra-existed-Self): Đây là quan điểm có tính chất đóng khung, mang tính cực đoan, đối kháng từ nhận thức chủ quan đối với các yếu tố về Ngã.
Chấp Ngãnơi đây hàm ý hoặc Chấp có(xác định) hoặc Chấp không(phủ định) về Ngã.
- Vô Ngã(無我; P: An-Attā; S: An-Ātman; E: Non-Self hay Non-existed-Self): Đây là quan điểm có tính chất vượt thoát từ nhận thức khách quan đối với các yếu tố về Ngã.
Vô Ngãnơi đây hàm ý là Vô Chấp Ngã, có nghĩa là không Chấp có về Ngã, cũng không Chấp không về Ngã. Nói rõ hơn: Vô Ngãkhông có nghĩa là không có Ngã, mà thấy biết rằng Ngã không có Thực thể (tự hữu, thường hữu, bất biến, …). Do đó mà có thể hiểu Vô Ngã là Giả Ngã, là Ngã dùng trong cách xưng hô giao tiếp như một đại từ (pronoun) ở ngôi thứ nhất.
Có thể nói rằng Chân lý Duyên khởi là yếu tố xúc tác chuyển Mê khai Ngộ, hay chuyển hóa từ Chúng sinh sang Bậc giác ngộ, là khám phá trọng đại của đức Phật Thích Ca. Chân lý này thể hiện xuyên suốt về mặt thời gian là Vô thường, và xuyên suốt về mặt không gian là Vô ngã.
1.2. Ngã trong Tam Pháp Ấn.
Tam Pháp Ấn là ba phạm trù nghĩa lý đặc trưng để bảo chứng nhận diện ra những lời dạy của đức Phật một cách chính xác, nhằm tránh nhầm lẫn với những lời dạy không phải của đạo Phật.
Vô thường và Vô ngã là hai Pháp Ấn biểu hiện cho Chân lý Duyên khởi, còn Khổ là Pháp Ấn thứ ba biểu hiện cho trạng thái tâm trí nơi chúng sinh khi chưa nhận ra được Chân lý này.
Tam Pháp Ấn “Vô thường – Vô ngã – Khổ” mang tính pháp định, nhằm xác chứng Phật chất đích thực nơi mọi suy tư, mọi ngôn thuyết, mọi diễn giải, mọi thực hành và mọi kinh điển từ đức Phật thuyết hay do các vị Tổ sư trước tác.
Tam Pháp Ấn được xem là giáo lý đúc kết từ các tạng Kinh Luận trong Phật giáo, điển hình là từ nội dung ba bài kệ 277, 278, 279 của kinh Pháp Cú – Phẩm Đạo, như sau:
277. Sabbe saṅkhārā aniccā’ti,
yadā paññāya passati;
Atha nibbindati dukkhe,
esa maggo visuddhiyā.
Tất cả Hành Vô thường
Với Tuệ, quán thấy vậy
Ðau khổ được nhàm chán;
Chính con đường thanh tịnh.
278. Sabbe saṅkhārā dukkhā’ti,
yadā paññāya passati;
Atha nibbindati dukkhe,
esa maggo visuddhiyā.
Tất cả Hành Khổ đau
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán;
Chính con đường thanh tịnh.”
279. Sabbe dhammā anattā’ti,
yadā paññāya passati;
Atha nibbindati dukkhe,
esa maggo visuddhiyā.
Tất cả Pháp Vô ngã,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh.
Tổng hợp lại:
Sabbe saṅkhārā aniccā’ti
Sabbe saṅkhārā ca dukkhā’ti
Sabbe dhammā anattā’ti
Yadā paññāya passati
Atha nibbindati dukkhe
Esa maggo visuddhiya
Nghĩa là:
Tất cả hành Vô thường
Tất cả hành là Khổ
Tất cả pháp Vô ngã
Khi trí tuệ (bát-nhã) quán chiếu
Ắt thoát ly khổ não
Đó là thanh tịnh đạo.
Trong đó:
- Hành(行; P: Saṅkhārā)
+ Saṅkhārā trong câu 1 có nghĩa là hành hayhữu vi tức là các pháp duyên khởitrong thế giới tự nhiên cho nên là Vô thường(Anicca).
Trong kinh Niết Bàn (quyển 4) có bài kệ sau:
Chư hành vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc.
Nghĩa là:
Các hành vô thường
Là pháp sanh diệt
Sanh diệt diệt rồi
Tịch diệt là vui.
+ Saṅkhārā trong câu 2 ám chỉ hành trong hành uẩn nghĩa là phần chức năng tâm tạo tác các Nghiệp, cho nên là Khổ(Dukkhā).
Tổng hợp hai loại hành này chính là Ngũ uẩn.
- Pháp(法; P: Dhammā) trong câu 3 bao gồm cả pháp hữu vi (2 loại hành trên) và pháp vô vi (Niết Bàn), tức ngoại pháp và nội pháp đều là Vô ngã(Anatta).
Có lẽ với cách nhìn từ phân tích đến tổng hợp, từ gần đến xa trình bày nơi các bài kệ, nên Tam Pháp Ấn thường được gọi theo thứ tự Vô thường – Khổ – Vô ngã.
2/. Ngã trong Phật giáo Bắc truyền:
Trong Phật giáo Bắc truyền, vấn đề về Ngã gồm Chấp ngã và Vô ngã cũng tương tự như ở Phật giáo Nam truyền.
Chân lý Duyên khởi với tướng Vô thường-Vô ngã và dụng Nhân-Duyên-Quả vẫn xuyên suốt trong hệ thống giáo lý của cả hai hệ Phật giáo. Vì thế, nếu như có một số các tiểu dị trong giáo lý Phật giáo Bắc truyền, thì chúng rất nên được lý giải và hiểu biết đúng đắn theo các giá trị này, để không trở thành “tầm gửi” trên “cây Giác ngộ”.
2.1. Ngã (Chấp ngã) và Vô ngã.
– Trong kinh Kim Cương “Đoạn 26 - Pháp Thân Phi Tướng” của kinh có chép:
Bản Hán:
Nhược dĩ sắc kiến Ngã, 若以色見我
Dĩ âm thanh cầu Ngã, 以音聲求我
Thị nhân hành tà đạo, 是人行邪道
Bất năng kiến Như Lai 不能見如來
Dịch:
Nếu do sắc thấy Ta, Thấy sắc cho rằng thấy Phật đà,
Do âm thanh cầu Ta, Nghe thanh, lại bảo đó là Ta,
Người ấy hành đạo tà, Những người như vậy hành tà đạo,
Không thể thấy Như Lai. Hồ dễ thấy tường Đức Phật a?
Theo đó, chữ Ngã nơi đây hàm ý Chấp ngã.
– Trong kinh Trường A-hàm quyển 1, Đ. 1, trang. 0009b đức Phật dạy:
Nhược học quyết định pháp
Tri chư pháp Vô ngã
Thử vi pháp trung thượng
Trí tuệ chuyển pháp luân…
Nếu muốn học pháp quyết định
Phải biết các pháp Vô ngã
Ở đây là pháp trung, thượng
Trí tuệ quay bánh xe pháp….
– Trong kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát-nhã sớ 2, trang. 0259c dạy:
“Quán các pháp Vô ngã, sở hữu của Ngã, các pháp này từ nhân duyên hòa hợp mà hiện hữu, chúng không phải là người tạo tác, cũng không phải là người nhận lãnh.”
– Theo luận Đại Trí Độ 20, Đ. 25, trang. 0206b thì nên:
“Quán các pháp Vô ngã, ngã sở không, các pháp từ nhân duyên hòa hợp phát sinh, không có tác giả, không có thọ giả cho nên gọi là Không môn.”
– Theo luận Nhiếp Đại Thừa,thích 9, Đ.31, trang. 0370b thì:
“Khi Bồ-tát thông đạt các pháp Vô ngã thì trí bình đẳng phát sinh, thấy rõ các pháp kia đều không có tự tánh, các hữu sinh tử là Niết-bàn.”
2.2. Ngã trong Tam Pháp ấn.
Cả hai hệ Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền đều xác minh về Tam Pháp ấn – tức Chân lý Duyên khởi. Bởi lẽ mục đích của Tam Pháp ấn là nhằm vào chuyển hóa nội tâm chấp thủ cực đoan - đầu nối của vô minh. Tam Pháp Ấn nơi Phật giáo Bắc truyền được mô tả như sau:
Anityāḥ sarva-saṃskārāḥ
Nirātmānaḥ sarva-dharmaaḥ
Śantaṃ nirvāṇam
Các hành Vô thường,
Các pháp Vô ngã
Niết bàn Tịch tĩnh
– Theo Căn bổn Thuyết nhứt thiết hữu bộ Tỳ-nại-da 9, đức Phật bảo với Hiền Thủ:
Chư hành giai Vô thường
Chư pháp tất Vô ngã
Tịch tịnh tức Niết-bàn
Thị danh Tam Pháp ấn.
Các hành đều Vô thường
Các pháp ắt Vô ngã
Vắng lặng tức Niết-bàn
Đó là Ba Pháp ấn.
–Theo Kinh Duy Ma Cật sớ 6, thì:
“Như luận Đại Trí thuyết thì kinh Thinh Văn có Ba Pháp ấn, Vô thường ấn, Vô ngã ấn, Tịch diệt Niết-bàn ấn. Hành giả nào vâng theo những lời dạy trong những kinh này thì sẽ đắc đạo. Nếu kinh nào không có Ba Pháp ấn này thì không phải là kinh liễu nghĩa.”.
– Theo A-tỳ-đạt-ma pháp Uẩn Túc luận 12, thì:
“Đối với Ba Pháp ấn mà hành giả còn sinh khởi do dự cho rằng tất cả các pháp Vô thường mà cho rằng chẳng phải tất cả các pháp là Vô thường; tất cả các pháp là Vô ngã mà cho rằng chẳng phải tất cả các pháp Vô ngã; là Niết-bàn tịch tĩnh mà cho rằng chẳng phải Niết-bàn tịch tĩnh, thì những quan niệm này là si mê.”
–Theo luận Cu Xá ký 1, Đ. 41, xác nhận Ba Pháp ấn này, thì:
“Kinh giáo tuy là nhiều, tóm lược lại thì chia ra làm ba loai gọi là pháp ấn: Một, chư hành vô thường. Hai, chư pháp vô ngã. Ba, Niết-bàn tịch tĩnh. Vì ấn chứng các pháp nên gọi là pháp ấn. Nếu thuận theo ấn này thì gọi là kinh Phật, nếu nghịch lại ấn này thì chẳng phải là những lời Phật dạy.”
Như vậy, Tam Pháp ấn trong Phật giáo Bắc truyền có nội dung là Vô thường – Vô ngã – Niết-bàn. Thật ra cách diễn đạt này không khác với diễn đạt của Phật giáo Nam truyền là Vô thường – Vô ngã – Khổ; bởi Khổ là cách diễn đạt theo cơ chế Nhân Quả “Khổ – Tập”, còn Niết-bàn là cách diễn đạt theo cơ chế Nhân Quả “Diệt – Đạo” của Tứ Diệu Đế.
Chúng ta có thể phân tích Chân lý của đạo Phật như sau:
1)Vũ trụ quan của đạo Phật:
Duyên khởi <==> Vô thường + Vô ngã.
2)Nhân sinh quan của đạo Phật:
Khổ não <==> Chấp thường + Chấp ngã
[Khổ đế] [Tập đế]
Niết-bàn (*) <==> Vô thường + Vô ngã
[Diệt đế] [Đạo đế]
(*) Niết-bàn chính là Hạnh phúc đến từ tuệ giác (chứ không từ cảm giác).
2.3. Ngã trong Thường Lạc Ngã Tịnh.
Thường Lạc Ngã Tịnh(常樂我淨; E: The four noble qualities of Nirvāṇa: Eternity, Bliss, Personality, Purity) được gọi là Tứ đức Niết-bàn, được trình bày trong kinh Đại Bát Niết-bàn.
–Nơi trang 253, Tập I (Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn – Nguyễn Minh Tiến), đức Phật dạy:
“Vì điên đảo nên người thế gian biết văn tự mà không biết nghĩa chân thật. Thế nào là nghĩa chân thật, không điên đảo?
- Vô thường là hàng Thanh văn và Duyên giác, Thường tức là Pháp thân Như Lai;
- Khổ là tất cả ngoại đạo, Lạc tức là Niết-bàn;
- Vô ngã là sanh tử, Ngã tức là Như Lai;
- Bất tịnh là pháp hữu vi, Tịnhtức là Chánh pháp của chư Phật, Bồ Tát.
“Vì không điên đảo nên biết được cả văn tự và nghĩa chân thật. Nếu muốn lìa xa bốn pháp điên đảo, cần phải biết rõ nghĩa chân thật Thường, Lạc, Ngã, Tịnh như vậy.”
– Nơi trang 254-255, Tập I (Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn – Nguyễn Minh Tiến) có ghi:
“... Các ông nên khéo học phương tiện. Bất kỳ lúc nào và ở đâu cũng thường tu những pháp quán tưởng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Lại nên biết rằng, bốn phép quán tưởng Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh mà các ông đã tu tập trước kia đều là điên đảo cả.
Muốn tu các pháp quán tưởng cho đúng lẽ chân thật, phải như người có trí kia, biết dùng phép khéo léo để lấy hạt bảo châu ra khỏi nước. Ấy là các pháp quán tưởng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh…
Qua các đoạn kinh văn trên, có thể thấy rằng Niết-bàn là trạng thái tâm thanh tịnh từ sự vượt thoát các cực đoan chấp thủ đối đãi về Ngã và được hiểu như sau:
1) ThườnghayThường Đức, Thường Ba La Mật [常; P: Nicca; S: Nitya; E: Permanence, Eternality]: Hàm ývượt thoát ý thức chấp thủ Thường-Đoạn (tức chấp Thường+ chấp Đoạn).
2) LạchayLạc Đức, Lạc Ba-la-mật[樂; P: Pīti; S: Prīti, Sukha; E: Joy, Bliss]: Hàm ývượt thoát ý thức chấp thủ Lạc-Khổ (tức chấp Lạc+ chấp Khổ).
3) Ngã hayNgã Đức, Ngã Ba-la-mật [我; P: Attā; S: Ātman; E: True Self, Personality]: Hàm ývượt thoát ý thức chấp thủ về Chấp ngã-Vô Ngã (tức chấp Chấp ngã+ chấp Vô ngã).
4) TịnhhayTịnh Đức, Tịnh Ba-la-mật [淨; P;S: Suddha; E: Purity]: Hàm ývượt thoát ý thức chấp thủ Thanh-Trọc hay Tịnh-Động [Thanh tịnh (Vissudhi) - Loạn động] (tức chấp Tịnh+ chấp Động).
Vì thế, để có thể tránh nhầm lẫn về cách nói gọn mang tính khẩu hiệu Thường, Lạc, Ngã, Tịnh,nên chăng được hiểu là ChânThường, ChânLạc, ChânNgã, ChânTịnh.
2.4. Ngã trong “Duy Ngã độc tôn”.
Trong Đại Chính, Kinh Tu Hành, Bản Khởi, q1 hoặc Trường A Hàm I có chép:
“Thiên thượng thiên hạ, duy Ngãđộc tôn.
Nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”
天 上 天 下, 唯 我 獨 尊
一 切 世 間,生 老 病 死
Dịch và nghĩatheo nhiều cách:
1)“Chân ngã đối với tất cả chư thiên và loài người là tối tôn tối thắng. Thế gian vì Chấp Ngã mà bị động ràng buộc nơi Sinh Lão Bệnh Tử”.
2)“Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý. Khi chưa giác ngộ, chúng sinh mãibị ràng buộc trong Sinh Già Bệnh Chết”.
Nhiềunghiên cứu cho rằngvăn bản gốc của đoạn kinhtrênđược dịch trực tiếp từkinhPali, đoạn văn của Trường Bộ kinh, tập I, trang 139, D.II,65, Chattha sangayana CD như sau:
“Aggo ham asmi lokassa, jettho ham asmi lokassa, settho ham asmi lokassa, ayam antimà jàti, natthi dàni punabbhavoti”
Dịch:
Tự mình là tối thượng của thế gian
Tự mình là tối tôn của thế gian
Tự mình là tối thắng của thế gian…
Có ýkiếncho rằngChân ngã đã giúp soi sáng bản chất thật 2 mặtđối đãiChấp ngã và Vô ngã, cho nên mọi hoạt dụng vì thế mà không phải gặp chướng ngại. Do đó, chữ “Ngã” nơi đây nên được hiểu như “Ngã” ở Tứ đức Niết-bàn vậy.
Xem thêm:
- Các hành vô thường! -Diễn Đàn Phật Pháp
- Ba Pháp Ấn - Giảng Giải Kinh - THƯ VIỆN HOA SEN
- CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG CÁC PHÁP VÔ NGÃ.... - Đai Đức Nguyên Tuệ
VIDEO
- Triết Lý Vô Ngã -Thích Nhật Từ
- Học thuyết Duyên Khởi - Thích Nhật Từ
- Giáo Lý Duyên Khởi- Thích Nhất Hạnh
- Thích Hạnh Tuệ - Nguyên Lý Duyên Khởi
- Tìm Hiểu Thuyết Duyên Sinh - Vô Ngã - Thích Phước Tiến
- Duyên khởi và Vô ngã- TT.Thích Viên Trí
- Duyên khởi và Vô ngã- TT.Thích Viên Trí
- Bài 14 – Duyên khởi và Vô ngã [Phần 01] – TT.Thích Viên Trí
- Bài 15 – Duyên khởi và Vô ngã [Phần 02] – TT.Thích Viên Trí
- Bài 16 – Duyên khởi và Vô ngã[Phần 03] – TT.Thích Viên Trí
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 1ĐĐ Thích Minh Thành
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 2 ĐĐ Thích Minh Thành
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 3ĐĐ Thích Minh Thành
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 4 ĐĐ Thích Minh Thành
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 5 ĐĐ Thích Minh Thành
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 6 ĐĐ Thích Minh Thành
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 7ĐĐ Thích Minh Thành
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 8 ĐĐ Thích Minh Thành
- DUYÊN KHỞI VÀ VÔ NGÃ 9 ĐĐ Thích Minh Thành
Hoan nghênh các bạn góp ý trao đổi!
***
Huy Thai gởi
|
|