Đối với nhà nghiên cứu Dimitri Minic, chuyên gia về quân đội Nga, làm việc tại Trung tâm Nga Centre Russie/NEI thuộc Viện Pháp về Quan hệ Quốc tế (IFRI), ‘‘hiện tại quân Nga đã lâm vào thế bị động’’, ‘‘không còn đủ lực để mở một chiến dịch lớn như vào đầu năm nay’’, và ‘‘về mặt quân sự’’, quân đội Ukraina có đủ khả năng giành lại vùng bán đảo Crimée. Chuyên gia Dimitri Minic nhấn mạnh : Sức chiến đấu của quân đội hai bên không chỉ phụ thuộc vào vũ khí, mà còn vào tinh thần binh sĩ. Quân đội Nga bất ngờ bị đẩy vào thế phòng thủ tại Ukraina, trong lúc có nhiều khả năng đông đảo dân chúng Nga, nhất là giới trẻ, không ủng hộ một cuộc chiến tổng lực chống Ukraina. RFI xin giới thiệu bài phỏng vấn của chuyên gia Dimitri Minic trên nhật báo Pháp Le Journal du Dimanche ngày 12/09/2022.
Journal du Dimanche : Làm thế nào giải thích được bước tiến thần tốc của các lực lượng vũ trang Ukraina tại vùng đông bắc ?
Dimitri Minic : Cuộc tấn công bất ngờ khiến quân đội Nga lâm vào thế bị động. Trước đó, quân đội Ukraina đã thông báo về chiến dịch phản công ở miền nam, tại vùng Kherson. Quân Ukraina đã tấn công vào các kho vũ khí, các cây cầu, các sở chỉ huy và cơ sở hậu cần… Tất cả những hành động này có thể làm giảm sút khả năng bám trụ, kiểm soát lãnh thổ của quân Nga. Đây chủ yếu là một cuộc chiến hao mòn, với các cuộc oanh kích từ xa, các vụ phá hoại, xâm nhập, và các vùng đất chiếm được chỉ có diện tích không đáng kể. Ngược lại, tại vùng Kharkiv, lực lượng được huy động là tương đương, nhưng cách tấn công là hoàn toàn khác: chúng ta đã chứng kiến một chiến dịch thần tốc.
JDD : Vì sao quân đội Nga không dự kiến được cuộc phản công này ?
Dimitri Minic : Tình báo Nga đã không thực hiện được nhiệm vụ, chủ yếu do khả năng phân tích các dữ liệu thu thập được hơn là vì các khó khăn kỹ thuật trong việc thu thập dữ liệu. Do vậy, cuộc phản công của quân Ukraina đã như một đòn sấm sét giáng vào, khiến các lực lượng Nga bị mất phương hướng, kiệt sức và không ít binh sĩ hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến trường. Một bộ phận quân đội Nga đã rút lui trong hỗn loạn. Tuy nhiên, các nguyên nhân ắt là đa dạng. Ngoài vấn đề nói trên, còn có những điểm yếu trong khâu chỉ huy, cùng với việc thông tin được loan tải kém. Phía Nga đã bị đánh lạc hướng. Quân Nga đã lựa chọn việc rút bớt quân từ vùng Kharkiv và tăng cường lực lượng tại Kherson, nơi từ nhiều tuần nay Kiev thông báo tiến hành phản công. Chiến dịch của Ukraina đã thành công đến như vậy cũng do Matxcơva đã không biết cách giải quyết các thách thức về tổ chức, về chỉ huy, về quân số, cũng như các hỗ trợ tinh thần.
JDD : Vì sao nói các thành phố mà Ukraina vừa chiếm lại có ý nghĩa chiến lược ?
Dimitri Minic : Kupiansk và Izium là rất quan trọng đối với quân Nga. Kupiansk (thuộc Kharkiv, miền đông bắc) nằm ở giao điểm các tuyến giao thông trên bộ, có vai trò là hậu phương cho các chiến dịch Nga tại vùng Donbass (miền đông). Còn chính từ Izium mà Matxcơva đã từng có ý định triển khai chiến dịch bao vây các lực lượng Ukraina ở Donbass hồi tháng 2, tháng 3 năm nay. Những thất bại mang tính chiến lược này đối với Nga là điều tiêu biểu cho thấy sự sụp đổ của lực lượng Nga tại tỉnh Kharkiv và chấm dứt hy vọng của Nga có thể chiếm được Donbass trong thời gian trước mắt và trung hạn.
JDD : Các lực lượng Ukraina sẽ tiếp tục giành thêm thế thượng phong, hay cuộc phản công sẽ phải ngưng lại ?
Dimitri Minic : Cuộc phản công có thể sẽ giảm tốc độ. Quân đội Ukraina sẽ phải củng cố khu vực tiền tuyến, và bảo đảm an toàn cho các lãnh thổ vừa chiếm lại, bố trí các cơ sở hậu cần cần thiết, và để cho các đơn vị nghỉ ngơi hồi sức. Tiếp theo đó, quân đội Ukraina có thể tiếp tục tấn công để lấy lại Severodonetsk, Lyssytchansk, và một số đô thị khác thuộc khu vực này của vùng Donbass. Chắc hẳn sẽ có một thời gian ngưng nghỉ. Theo tôi, chiến dịch có ý nghĩa triệt để nhất đối với quân đội Ukraina là cắt làm đôi vùng lãnh thổ Nga kiểm soát tại tỉnh Zaporijjia, thậm chí quân đội Ukraina có thể tiến đến tận Mariupol. Chúng ta thấy mức độ thiếu tổ chức và tinh thần yếu kém của quân Nga tại Donbass, nếu quân đội Ukraina phá vỡ chiến tuyến ở khu vực trung tâm, quân đội Nga có thể sụp đổ.
JDD : Liệu quân Nga có phương tiện để tiến hành một cuộc phản công ở miền đông?
Dimitri Minic : Điều này phụ thuộc vào khả năng của phía Ukraina xác định mục tiêu. Quân Nga đã phải rút chạy, và thu quân lại. Họ vừa chịu một thất bại, nhưng thất bại này chưa có ý nghĩa quyết định. Quân Nga vẫn còn kiểm soát được Donbass, và chừng nào mà khu vực họ kiểm soát thu hẹp lại, quân đội Ukraina sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tái chiếm. Quân Nga có thể mưu toan mở một chiến dịch lớn, điều này có thể dẫn đến hai khả năng: một là thất bại hoàn toàn, và hai là có thể giúp phía Nga lấy lại niềm tin. Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy, trong tình trạng hiện nay, quân Nga không còn đủ lực để tiến hành một cuộc chiến dịch lớn như vào mùa xuân năm nay.
JDD : Nga có thể nhanh chóng mất Kherson?
Dimitri Minic : Kherson có thể thất thủ trong tháng tới. Chúng ta thấy là Nga đã mất thế chủ động, và quân đội Ukraina sẽ ngày càng áp đặt được nhịp độ của họ. Có hai kịch bản: hoặc là phía Nga sẽ không làm gì và như vậy có thể bị bao vây tại Kherson, hoặc là chủ động từ bỏ các khu vực đã chiếm được, như Kherson, để quay về bảo vệ một khu vực nhỏ hơn, và tăng cường binh lực bằng cách tổng động viên. Tuy nhiên, việc tổng động viên có rất nhiều khả năng sẽ là một thất bại với chính quyền Nga.
JDD : Vì sao như vậy?
Dimitri Minic : Xét trên giấy tờ, việc tổng động viên có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh. Tuy nhiên, kinh nghiệm về việc tuyển mộ tân binh tại Nga trong những năm gần đây, nhất là năm nay, cho thấy tỉ lệ dân Nga hưởng ứng nhìn chung là thấp. Nếu tổng động viên diễn ra, đây sẽ là một trắc nghiệm lớn về thái độ thực sự của giới trẻ đối với các kế hoạch chiến tranh của tổng thống Vladimir Putin. Đặc biệt là khả năng chiến đấu của tân binh và quân nhân dự bị là yếu kém. Và đó ắt hắn sẽ là một tính toán sai lầm về cả quân sự cũng như chính trị. Hệ quả là chế độ Putin có thể sụp đổ.
JD : Tổng thống Nga có thể sẽ buộc phải tuyên bố tổng động viên?
Dimitri Minic : Điều này thật khó dự báo, bởi vấn đề không phải là diễn biến trên chiến trường mà là cách tổng thống Nga cảm nhận về điều này. Cụ thể là, đối với ban lãnh đạo chính trị - quân sự Nga, cú đột phá này được đánh giá là thật sự nghiêm trọng hay không ? Điện Kremlin có thể có ấn tượng là cuộc phản công này của quân đội Ukraina chỉ là một giai đoạn khó khăn tạm thời, và quân đội Nga vẫn còn có thể trụ được về dài hạn. Tại Matxcơva, giới truyền thông và chính trị đang sôi sục, và bắt đầu đặt ra những câu hỏi đầy tức giận. Điều khiến cho uy thế của Putin bị suy yếu xuất phát nhiều hơn từ chỗ quân đội Nga đang thua cuộc chiến này, hơn là ông ta đã quyết định gây chiến. Các blogger quân sự Nga từ lâu nay đã kêu gọi tổng động viên, bởi ắt là họ tin tưởng một cách lạc quan ngây thơ rằng dân Nga đoàn kết với chính quyền. Tuy nhiên, điện Kremlin vẫn luôn từ chối giải pháp này. Có thể là tâm thế bi quan giúp cho họ tỉnh táo hơn.
(…)
JD : Đứng từ phía Ukraina, bước tiến này - ngoài việc khiến dân chúng phấn khích - phải chăng có thể thuyết phục phương Tây tiếp tục hậu thuẫn Ukraina ?
Dimitri Minic : Điều này thực sự có ý nghĩa bảo đảm với phương Tây là các trợ giúp của họ dành cho Ukraina là có ích, và cần phải tiếp tục đoàn kết, và những hy sinh không phải là vô ích. Điều này rất quan trọng, bởi Nga thường xuyên muốn chia rẽ nội bộ phương Tây. Thực tế là Hoa Kỳ tăng cường hậu thuẫn Kiev. Ukraina đang có các trang thiết bị ngày càng hiện đại hơn, và tinh thần ngày càng phấn chấn với các thắng lợi mới. Ngược lại tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn với quân đội Nga, quân Nga sẽ ngày càng phải huy động các vũ khí cũ kỹ hơn, với chất lượng tồi, và buộc phải huy động vào cuộc chiến những người ngày càng ít sẵn sàng chiến đấu hơn.
JD : Chính quyền Ukraina khẳng định có thể tái chinh phục toàn bộ lãnh thổ, bao gồm bán đảo Crimée, trong lúc Nga vẫn duy trì các mục tiêu ban đầu. Phải chăng điều này có nghĩa là chiến tranh sẽ còn kéo dài ?
Dimitri Minic : Cuộc chiến này sẽ chỉ dừng lại khi một trong hai bên tham chiến tin rằng bản thân họ không có thể làm gì để giành thêm thắng lợi. Về mặt quân sự, quân đội Ukraina có thể lấy lại được bán đảo Crimée. Nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, nếu lực lượng Nga tại Ukraina tiếp tục suy sụp, thì Nga không thể bảo vệ được bán đảo Crimée mà không sử dụng vũ khí nguyên tử. Điều có nhiều khả năng nhất là một thay đổi về chính trị (tại Nga và về phía Nga – người dịch), như điều này đã từng xảy ra trong lịch sử Nga. Đối với Ukraina, giờ đây mục tiêu chinh phục toàn bộ lãnh thổ là hợp lý xét về mặt chính trị, bởi lãnh thổ này thuộc về Ukraina, nhưng đồng thời cũng bởi vì mục tiêu này ngày càng trở nên ít phi thực tế hơn trước.
Trọng Thành
_____________
Đỗ Hứng gởi