Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 

NGÀI CA CHIÊN DIÊN GIẢNG BÁT CHÁNH ĐẠO CHO CƯ SĨ


Trích đoạn Đỉnh Núi Tuyết tập 24: Đệ Nhất Hùng Biện.

… “ - Này các gia chủ. Chúng sinh đau khổ vì vô minh quá nhiều, bản ngã quá lớn, phiền não quá dày đặc, tà kiến quá sâu. Nếu chúng sinh gỡ bỏ các tà kiến, phiền não, bản ngã, vô minh đó ra khỏi, thì tự nhiên được giải thoát được Giác Ngộ. Này các gia chủ:
Giáo Pháp của Thế Tôn GOTAMA dùng để gỡ bỏ tà kiến, phiền não, vô minh gồm Tám Chánh Đạo ( Bát Chánh Đạo )

+ Thứ nhất là: CHÁNH KIẾN.
Nghĩa là hiểu cho đúng đạo lý, để không nhận thêm tà kiến nào vào làm nặng nề tâm hồn nữa, trong đó tin hiểu nghiệp báo nhân quả là cốt yếu.

+ Thứ hai là: CHÁNH TƯ DUY.
Nghĩa là chỉ cho phép tâm mình suy nghĩ những điều đúng khiến tâm mình nhẹ nhàng thư thả, chứ không suy nghĩ điều viển vông làm tâm hồn mình nặng nề thêm.

+ Thứ ba là: CHÁNH NGỮ.
Nghĩa là chỉ cho phép tâm mình nói những điều đúng, làm cho mọi người chung quanh mình vui vẻ hiền lành yêu thương nhau, khiến cho cuộc sống này trở nên nhẹ nhàng tươi mát, chứ không nói những điều sai lầm khiến mọi người buồn giận nhau.

+ Thứ tư là: CHÁNH NGHIỆP.
Nghĩa là chỉ cho phép mình làm những điều đúng, giúp đỡ mọi người, dạy dỗ giới hạnh cho mọi người, bố thí kẻ khó khăn, cúng dường Bậc Hiền Thiện, ngăn cản sự chia rẽ, tạo nên sự hoà hợp, từ chối làm việc ác, từ chối các dục lạc thấp hèn, khiến cho chung quanh mình ai cũng hưởng được niềm vui từ nơi mình.

+ Thứ năm là:CHÁNH MẠNG.
Nghĩa là có phước rồi, ta sẽ chọn nghề nuôi sống bản thân và nuôi sống gia đình, sao cho nghề đó mỗi ngày đều tạo ra phước chứ không tạo ra tội, nghề đó cũng phải dư ra thời gian để ta bắt đầu bước vào tu tập đời sống tâm linh, chứ không phải quá tất bật mất hết thời gian cho nó.

+ Thứ sáu là:CHÁNH TINH TẤN.
Nghĩa là khi có phước rồi, có Chánh Mạng ổn định rồi, có thời gian dư ra rồi, ta phải bắt đầu tập toạ thiền nhiếp tâm thanh tịnh để giải toả hết những phiền não vọng động trong nội tâm, giai đoạn ban đầu này, dù đã được dạy một phương pháp Thiền Định, nhưng ta vẫn chưa đạt được liền sự nhiếp tâm thanh tịnh, ta vẫn cực khổ khi Ngồi Thiền , chân thì đau, tâm thì loạn, vì vậy giai đoạn này mới gọi là Chánh Tinh Tấn.

+ Thứ bảy là: CHÁNH NIỆM.
Nghĩa là sau thời gian dài vất vả tu tập Thiền Định mà tâm vẫn loạn động mãi, bây giờ bắt đầu xuất hiện kết quả đầu tiên, tâm có tỉnh giác, có rỗng rang, có kiểm soát, có nhẹ nhàng, ta bắt đầu có niềm tin vào con đường mình đã đi là Chân Chính, giai đoạn Chánh Niệm này có khi mất 7 ngày, có khi mất 7 thảng, có khi mất 7 năm, có khi mất 7 kiếp, có khi mất 70 kiếp, tùy theo phước nghiệp của từng người.

+ Thứ Tám: CHÁNH ĐỊNH .
Nghĩa là sau khi thuần thục Chánh Niệm, ta sẽ bắt đầu nhập Sơ Thiền, rồi nhập Nhị Thiền, rồi nhập Tam Thiền, rồi nhập Tứ Thiền. Mỗi giai đoạn Thiền này cũng tùy theo phước nghiệp riêng của mỗi người mà kéo dài khác nhau.

-Này các gia chủ.
Sau khi nhập Tứ Thiền, vì đó bắt đầu nhớ lại từng đời sống quá khứ, nhớ đến vô lượng kiếp của mình, nhớ rõ từng đời sống sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên họ là gì, đã làm những hạnh nghiệp gì, và như vậy, vị ấy chứng được Túc Mạng Minh.

-Này các gia chủ.
Tiếp theo vị đó sẽ quan sát sự lưu chuyển của tất cả chúng sinh, giống như người đứng ở lầu cao tại ngã tư đường thấy rõ mọi người qua lại.
Cũng vậy, vì ấy thấy rõ chúng sinh chết đây sinh kia, nhận lấy khổ vui theo đúng nghiệp mình đã gây tạo một cách hết sức công bằng, và như vậy, vị ấy chứng được Thiên Nhãn Minh.

-Này các gia chủ. Tiếp theo vị đó thấy rõ chúng sinh cả Pháp Giới này đều sống trong đau khổ, bởi vì ái kiến vô minh.
Vị đó thấy rõ Niết Bàn là nơi chấm dứt mọi khổ đau.... Và con đường để đạt đến Niết Bàn chính là Bát Chánh Đạo mà ta vừa nói xong, và như vậy vị ấy chứng được Lậu Tận Minh để trở thành một vị A La Hán Giác Ngộ Phi Thường.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
St

__________________


Hoang Nguyen gởi