NGÀY ẤY NGÀY GÌ ?
Ngày 6 tháng 1 vừa qua, để đánh dấu “đệ nhất chu niên” ngày được gọi là cuộc nổi loạn tại Điện Capitol (the Jan 6 Capitol riot), Tổng thống Biden đã đọc một bài diễn văn “nẩy lửa”, gọi đó như một cuộc tấn công vào trung tâm của nền dân chủ Mỹ và cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump và những người Cộng Hòa về cuộc bạo loạn ấy.
Lên tiếng từ đại sảnh của Điện Capitol, ông Biden đã tấn công người tiền nhiệm mà ông gọi một cách sách mé là “một cựu tổng thống đã bị đánh bại”. Bài diễn văn cũng nhằm hô hào những người Dân Chủ xiết chặt hàng ngũ trong khi ông Biden trực tiếp buộc ông Trump vào một phong trào cực đoan quá khích mà ông cho là đang đe dọa nền dân chủ Mỹ.
Ông Biden nói: “Những kẻ đã tràn vào Điện Capitol này, những kẻ đã chủ mưu và xúi dục, và những kẻ đã ra lệnh, đã kề một lưỡi dao vào cổ họng nước Mỹ- vào nền dân chủ Mỹ.
Ông Biden kêu gọi dân Mỹ hãy đứng về phía mình trong một cuộc chiến đấu chống lại cánh hữu cực đoan quá khích. Ông Biden, ám chỉ ông Trump, nói rằng những người đã tới Điện Capitol làm loạn là để “phục vụ cho một người”.
Sau những lời phát biểu của Tổng thống Biden, ông Trump – “một cựu tổng thống đã bị đánh bại” – đã phổ biến ba bản tuyên bố, cáo buộc ông Biden cố gắng đánh lạc hướng mọi người khỏi những sách lược thất bại của ông ta. Ông Trump cũng lặp lại những tố cáo của mình rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị gian lận.
Trong một bản tuyên bố khác, ông Trump nói: “Những người Dân Chủ muốn dành riêng ngày 6 tháng 1 này cho họ để họ có thể gieo rắc sự sợ hãi và chia rẽ nước Mỹ. Hãy để cho họ làm điều đó bởi vì nước Mỹ nhìn thấy qua sự nói dối và sự nói một đường làm một ngả của họ.”
Ông Trump đã dự trù tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 6 tháng 1 nhưng đã hủy bỏ và cho biết sẽ có một cuộc thảo luận về vụ nổi loạn và sự chính trị hóa của phe Dân Chủ tại cuộc biểu dương được tổ chức vào ngày 15 tháng 1 ở Arizona.
Mặc dù cuộc họp báo vào ngày 6 tháng 1 không diễn ra, ông Trump đã không bỏ rơi hoàn toàn sự cáo buộc cuộc bầu cử đã bị đánh cắp của mình và sự bênh vực những người nổi loạn là những người “yêu nước”.
Ông Trump cho biết ông trù tính sẽ nói đến các đề tài như Ủy ban Đặc cử của Hạ Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát để điều tra về nguồn gốc của cuộc nổi loạn và “truyền thông tin bịa đặt” tại cuộc biểu dương vào ngày 15 tháng 1 ở Arizona.
Ông cựu tổng thống không có ý định rút lui khỏi chính trường và đã tuyên bố hậu thuẫn một số ứng cử viên Cộng Hòa trong những cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay và đã phổ biến hàng trăm bản tuyên bố.
Ông Trump đã công bố những thành tích của chính quyền do ông lãnh đạo và đã tổ chức một cuộc diễn hành tấn công TT Biden và những người Dân Chủ khác, cũng như những người Cộng Hòa trở mặt chống lại ông, mà mục tiêu đầu tiên là Dân biểu Liz Cheney.
Cuộc họp báo đã bị hủy bỏ được dự trù cho ông Trump cơ hội để chống lại nguồn tin từ cuộc điều tra của Ủy ban Đặc cử Hạ Viện, mà những người Cộng Hòa đã loại bỏ như một nỗ lực của đảng Dân Chủ để làm nhục ông Trump và toàn thể đảng Cộng Hòa.
Phản ứng về bài diễn văn của TT Biden, các nhân vật phía Cộng Hoà đã tránh không bênh vực ông Trump. Họ cáo buộc ông Biden đã đọc một bài diễn văn nóng bóng, phe đảng để che đậy những vấn đề làm ung thối chính quyền của ông ta.
Nghị sĩ Lindsey Graham, Cộng Hòa – South Carolina, nói rằng bài diễn văn của ông Biden là một “cố gắng để vực dậy một nhiệm kỳ tổng thống thất bại”. Ông lên tiếng trong một bản tuyên bố:
“Nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, một năm sau ngày 6 tháng 1, đang rơi tự do không phải vì cuộc tấn công vào Điện Capitol nhưng vì sự thất bại của những chính sách và vì sự lãnh đạo yếu kém. Chính quyền Biden dường như bất lực, không đối phó được với những thách thức của nước Mỹ, và những cố gắng chính trị hóa vụ 6 tháng 1 sẽ xì hơi.”
Nghị sĩ Tom Cotton, Cộng Hòa – Arkansas, buộc tội TT Biden là “đạo đức giả”. Ông tweet như sau:
“Biden đã nói dối về việc cứu người Mỹ ra khỏi Afghanistan. Ông ta đã nói dối về chương trình chi tiêu “trả giá zero đô-la” của ông ta. Ông ta đã nói dối về luật bầu cử. Ông ta đã nói dối về nạn lạm phát, và ‘chương trình’ của ông ta để chặn đứng con vi khuẩn bệnh dịch. Bây giờ, ông ta giảng dạy chúng ta về sự ‘sống với sự thật’.”
Dân biểu Marjorie Greene, Cộng Hòa – Georgia, cáo buộc những người Dân Chủ khai thác vụ 6 tháng 1 vì mục đích chính trị. Bà nói trong một cuộc họp báo:
“Vì sao Quốc Hội này quá quan tâm đến chính họ mà bất cần biết đến người dân Mỹ? Đây là một hệ thống công lý hai chiều không bao giờ nên có trong đất nước chúng ta. Và tôi đã chán ngấy với chuyện này.”
Trong khi đó, Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland cho biết nỗ lực của bộ này để truy tố những người chịu trách nhiệm về cuộc nổi loạn tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm ngoái và nói rằng “không có ưu tiên nào cao hơn” cho bộ chúng tôi. Ông ta nói thêm như sau:
“Bộ Tư Pháp vẫn còn buộc trách nhiệm theo luật pháp cho tất cả những kẻ liên hệ tới vụ 6 tháng 1, ở bất cứ mức độ nào – dù là họ đã có mặt vào ngày hôm đó hay là họ chịu trách nhiệm hình sự về việc tấn công vào nền dân chủ của chúng ta.”
Nhưng, Dân biểu Ruben Gallego, Dân Chủ Arizona, trong một cuộc phỏng vấn của CNN ngày 4 tháng 1 đã nói rằng ông ta nghĩ sự đối phó của ông Garland với vụ nổi loạn ở Điện Capitol là “cực kỳ mềm yếu”.
Để trả lời, ông Garland cho biết 725 người đã bị bắt giữ vì liên hệ tới cuộc tấn công. Hơn 325 người trong số đó bị buộc tội đại hình, gồm cả 20 đã nhận tội.
Gần 150 người mà phần lớn đã không gây ra thương tích cho ai hay hư hại vật chất đã nhận tội tiểu hình. Vào khoảng 40 người bị truy tố về tội mưu toan cản trở thủ tục điều tra của Quốc Hội hay ngăn trở thi hành luật pháp. Trong những tháng tới đây, 17 bị cáo sẽ ra tòa để xét xử về tội đại hình.
Ông Garland nói thêm rằng Bộ Tư Pháp sẽ tiếp tục cuộc điều tra “cho tới bao giờ công lý được thi hành”.
Phía Cộng Hòa đã cáo buộc Bộ Tư Pháp thiên vị phe đảng chính trị trong việc dùng nhiều thời gian hơn để nhằm vào những kẻ gây loạn thiên hữu trong vụ ngày 6 tháng 1 hơn là những kẻ nổi loạn thiên tả đốt phá và hôi đồ cướp của trong suốt năm 2020 diễn ra trên toàn quốc.
Sau phát biểu của Garland, Nghị sĩ Ted Cruz, Cộng Hòa – Texas, nói rằng “bất cứ ai có hành động bạo lực chính trị nên bị truy tố, bất cứ người nào tấn công một nhân viên công lực nên cho vào tù trong một thời gian rất lâu dài.” Và, ông nghị sĩ nói thêm:
“Chính trị cánh tả muốn đối xử với bạo động chính trị của phe tả một cách khác biệt không thể giải thích được và không thể chấp nhận.”
Trong khi ủy ban đặc cử do phe Dân Chủ lèo lái chuẩn bị công bố kết quả việc làm của mình, không có dấu hiệu cho thấy ủy ban này đã thực hiện được điều gì để thuyết phục các dân biểu Cộng Hòa rằng cuộc điều tra của ủy ban không có gì khác hơn là một “vụ lừa bịp có tính phe đảng” (a partisan sham).
Theo Fox News ngày 6 tháng 1, Dân biểu Rodney Davis, Cộng Hòa – Illinois, thành viên có đẳng cấp của Ủy ban Quản trị Hạ Viện, ngày 3 tháng 1 đã gửi cho bà chủ tịch Hạ Viện Pelosi một văn thư, đòi hỏi các văn phòng tại Hạ Viện dưới quyền của bà hãy chấm dứt sự cản trở một cuộc điều tra của đảng Cộng Hòa về tình trạng an ninh sơ hở tại Điện Capitol. Văn thư có đoạn như sau:
“Biến cố ngày 6 tháng 1, 2021 đã phơi bày tình trạng an ninh sơ hở nghiêm trọng tại Khu Capitol. Không may, trong thời gian 12 tháng qua, những người Dân Chủ tại Hạ Viện đã quan tâm nhiều hơn tới việc khai thác biến cố ngày 6 tháng 1 cho những mục tiêu chính trị hơn là tiến hành một cuộc duyệt xét sâu rộng những sơ hở về an ninh đã phơi bày vào ngày hôm ấy.”
Dân biểu Davis kết thúc văn thư của ông ta bằng những lời cáo buộc phe Dân Chủ chỉ bày tỏ một “sự quan tâm nông cạn trong việc soát xét những sơ hở về an ninh lộ rõ vào ngày 6 tháng 1” và ngăn cản những người “Cộng Hòa thu thập hồ sơ của Hạ Viện”, cho đến nay đã “buộc những nhân chứng phạm tội hình sự khinh thị Quốc Hội trong khi họ nêu ra những câu hỏi chính trực về ưu quyền pháp lý. Tiêu chuẩn nước đôi này chỉ làm rõ thêm bằng chứng là những người Dân Chủ đang dùng biến cố 6 tháng 1 làm vũ khí chống lại những đối thủ chính trị của họ.”
Trong một lần xuất hiện mới đây trên hệ thống truyền hình NewsMax, Dân biểu Davis đã gọi Ủy ban Đặc cử của Hạ Viện là một “gánh xiếc chính trị”.
Thật ra, phe Dân Chủ cũng không che đậy việc dùng vụ 6 tháng 1 làm vũ khí chính trị chống lại đảng Cộng Hòa bằng cách kết hợp vụ này với dự luật bầu cử “vì nhân dân” và dự luật ngân sách “Build Back Better”.
Ngay trong bài diễn văn ngày 6 tháng 1 ông Biden cũng gọi vụ tấn công vào Điện Capitol và vụ chống dự luật bầu cử “vì nhân dân” là mưu toan “lật đổ nền dân chủ”.
Lên tiếng trong ngày 6 tháng 1 để giới thiệu Tổng thống Biden tại Điện Capitol, Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã trực tiếp kêu gọi thông qua dự luật bầu cử “vì nhân dân”, đã được Hạ Viện thông qua nhưng bị “kẹt” tại Thượng Viện gần một năm nay. Bà nói: “Chúng ta không thể để tương lai của chúng ta quyết định bởi những kẻ chủ trương làm im tiếng nói của chúng ta, đảo ngược những lá phiếu của chúng ta, loan truyền sự dối trá và tin tức thất thiệt. Điều quan trọng khi ấy và bây giờ là quyền định đoạt tương lai chúng ta đã được diễn tả trong Hiến Pháp, bởi nhân dân chúng ta, tất cả mọi người dân.”
Trong bài diễn văn, bà Harris đã so sánh vụ 6 tháng 1 với vụ Nhật tấn công Trân-Châu-Cảng ngày 7.12.1941 và vụ khủng bố Hồi giáo tấn công vào trung tâm đầu não nước Mỹ ngày 11.9.2001. Bà nói: “Có những ngày tháng âm vang trong lịch sử. Trong đó có những ngày nhắc nhở tất cả những ai đã sống vào lúc đó khi nền dân chủ của chúng ta đã bị tấn công. Những ngày đó không chỉ chiếm một chỗ trong cuốn lịch của chúng ta nhưng một chỗ trong ký ức chúng ta. Ngày 7.1.1941, 11.9.2001, và 6.1.2021. Vào ngày 6 tháng 1 tất cả chúng ta đã thấy quốc gia chúng ta như thế nào nếu lực lượng phá hủy nền dân chủ của chúng ta thành công: sự vô luật pháp, sự bạo động...”
Ông cựu Tổng thống Obama, người đang bị cho là cầm đầu “quyền lực ngầm”, cũng không bỏ lỡ cơ hội đánh hôi bằng mồm với những lời lẽ hoang tưởng về một “đội quân khủng bố theo Trump mưu toan lật đổ nền dân chủ Mỹ. Một năm trước, một cuộc tấn công hung bạo vào Điện Capitol của chúng ta đã cho thấy rõ nền dân chủ Mỹ thực sự mong manh ra sao?”
Một tuần lễ sau khi xảy ra vụ 6 tháng 1, Hạ Viện đã đàn hặc ông Trump về tội xúi dục cuộc nổi loạn, nhưng Thượng Viện đã không kết tội ông ta. Nay, trong bài diễn văn chỉ trích ông Trump với những lời lẽ gay gắt, ông Biden đã không hề nhắc tới tên người tiền nhiệm mà chỉ nói bóng gió. Khi được các phóng viên báo chí hỏi về việc này, TT Biden trả lời rằng ông không muốn biến buổi lễ kỷ niệm ngày 6 tháng 1 thành một “cuộc đấu đá chính trị giữa tôi và cựu tổng thống”.
Vụ nổi loạn ngày 6 tháng 1 được cho là đã đưa đến cái chết của 5 người. Ashli Babbit là người duy nhất đã chết vì bạo động. Một sĩ quan cảnh sát tại Điện Capitol đã bắn bà khi bà cố xâm nhập phòng khách của chủ tịch Hạ Viện, sát ngay phòng họp của Hạ Viện.
Ba người ủng hộ Trump khác đã chết trong vụ hỗn loạn, hai vì tim đột quỵ (heart attack) và một vì uống thuốc quá liều (drug overdose)
Vài giờ sau vụ hỗn loạn, một sĩ quan cảnh sát tại Điện Capitol chết vì tai biến huyết mạch (stroke) mà khám nghiệm y khoa cho là nguyên do tự nhiên. Một số sĩ quan cảnh sát khác đã bị thương, và bốn sĩ quan đã tự sát vì khủng hoảng tinh thần.
Công bằng mà nói, không thể so sánh vụ này với vụ Trân Châu Cảng và vụ 11 tháng 9, 2001, không phải chỉ kể về tổn thất nhân mạng, mà vì vụ 6 tháng 1 không bao giờ là một “đội quân khủng bố theo Trump mưu toan lật đổ nền dân chủ Mỹ”.
Như nhận định của Trung tướng hồi hưu Keith Kellog trong bài phân tích về biến cố 6 tháng 1, 2021, nước Mỹ đã từng trải qua sự chia rẽ, từ những cuộc làm loạn trên đường phố của những người chống đối cuộc chiến tại Việt Nam đến hai vụ ám sát Robert Kennedy và Martin Luther King Jr. Không may là phần nhiều của sự chia rẽ ngày nay đang bị lèo lái bởi một giới báo chí phân cực. Một phần báo chí cực kỳ thù nghịch bất cứ cái gì liên hệ với ông Trump và nuôi dưỡng phần lớn sự chia rẽ chúng ta thấy ngày nay.
Chính nhóm này cũng đã thúc đẩy vụ thông đồng Trump-Nga giả tưởng liên hệ đến cuộc bầu cử tổng thống năn 2016. Giới báo chí ấy cũng đang lèo lái quốc gia này. Gần phân nửa (44%) những người Dân Chủ tin tưởng một cách sai lầm những người ủng hộ ông Trump chấp nhận vụ tấn công ngày 6 tháng 1, 2021.
Ngày 6 tháng 1, 2021, Tướng Kellogg đang ở trong Tòa Bạch Ốc với tư cách cố vấn. Ông đã ra tham dự cuộc tập họp biểu dương của đám đông ủng hộ ông Trump và đã chứng kiến những gì xảy ra trong suốt ngày hôm ấy. Tướng Kellogg viết:
“Ngày 6 tháng 1 là một ngày xấu tại Điện Capitol? Vâng. Đó có phải là một cuộc nổi dậy lật đổ? Không. Đó là một đám đông trở thành mất kiểm soát. Vụ xâm nhập Điện Capitol đã khởi đầu khoảng 20 phút trước khi ông Trump chấm dứt bài diễn văn với đám đông biểu dương bên ngoài Tòa Bạch Ốc, nơi khá xa với Điện Capitol.”
Và, ông Tướng kết luận bài viết của mình như sau:
“Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết những tình trạng như thế này đã từng có trước đây. Đừng xé bỏ lịch sử hay viết lại lịch sử, nhưng nên học hỏi từ lịch sử. Nếu bạn không thích những gì đối phương nói, bạn không bắt buộc phải đồng ý. Nhưng bạn nên học hỏi và tự mình quyết định cái gì là “sư thật”. Đừng để người khác suy nghĩ cho bạn. Hãy tiến tới. Người Mỹ luôn luôn tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho chính họ và con cháu họ.”
Ông Tướng 3 sao này có vẻ văn võ toàn tài.
Ký Thiệt
14.1.2022
________________
usaelection gởi