Ngày ta bỏ núi



Lời giới thiệu: Hồi ký “Ngày Ta Bỏ Núi” đã được viết cách đây 16 năm. Nhưng khi phổ biến, nó đã bị cắt xén và che giấu nhiều điều. Tác giả Thiếu tá Vương Mộng Long đã bỏ công nhuận sắc lại toàn bộ bài viết này. “Ngày Ta Bỏ Núi” với đầy đủ chi tiết từng ngày, từng sự kiện diễn ra trong suốt cuộc lui binh, kể cả những bí mật mà trước đây bị che đậy và giấu nhẹm.
 

Đa Dung – con sông kỷ niệm. Nguồn: PGĐ 2021
 
Nhiều kỳ – Kỳ 1
 
Giữa tháng 2 năm 1975, tôi lái xe từ đồn Kiến-Ðức, Quảng-Ðức lên thăm Ðại tá Biệt Ðộng Quân Phạm Duy Tất, Tư Lệnh Mặt Trận Kontum tại căn cứ Non Nước, khoảng 10 cây số Bắc Kontum.
 
Ðêm đó thầy trò tôi nằm bên nhau, hàn huyên tới khuya.
 
Tôi được Ðại tá Tất cho đọc bản cung từ của một hồi chánh viên Việt-Cộng.
 
Bản cung từ này do Ðại úy Vũ Quang Dũng của Trung Tâm Thẩm-Vấn/ Phòng 2/ Quân Ðoàn II thiết lập.
 
Người hồi chánh là một Thượng sĩ Trưởng mũi thám sát của Trung Ðoàn 48/ Sư Ðoàn 320A Cộng- Sản Bắc Việt.
 
Anh ta khai rằng, hai tháng nữa sẽ có một cuộc tấn công đại quy mô của Cộng Quân nhằm giải phóng thị xã Ban Mê Thuột. Anh ta còn kê khai ra những tổn thất của Sư Ðoàn 320A Cộng- Sản Bắc Việt trong trận đánh 33 ngày đêm vây hãm Pleime tháng 7&8 năm 1974. Trận này Trung Ðoàn 48/ Sư Ðoàn 320A chủ công đã bị thiệt hại rất nặng, mỗi đại đội chỉ còn khoảng 17, 18 cán binh. Ðơn vị này phải về hậu cứ gần biên giới Việt Miên để bổ sung quân số rồi chuyển vùng hoạt động.
 
Ðêm đó tôi có nói với Ðại tá Tất rằng,
 
– Thằng 48 đã bị tôi đánh xiểng liểng hai lần. Kỳ này Tư Lệnh cho tôi về phòng thủ Ban Mê Thuột, tôi sẽ có dịp “cưa” với nó một lần nữa. Ðại tá yên chí! Nếu tôi chưa chết thì Ban Mê Thuột chưa lung lay. Tôi cam đoan với Ðại tá như vậy!
 
Tôi thực lòng mong muốn được về giữ thành phố này. Vì cha mẹ, vợ con, anh em tôi, và gia đình binh sĩ đơn vị tôi sinh sống ở đây.
 
Ông Tất cười cười trả lời,
 
– Cậu đừng lo! Ông Phú đã giao cho ông Tường vụ này rồi!
 
(Ghi chú: Ông Phú = Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II. Ông Tường = Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh)
 
Tôi cũng được ông Tất cho biết rằng Sư Ðoàn 23 Bộ Binh sẽ án ngữ tại Buôn Blech, có thể dễ dàng di động giữa Ban Mê Thuột và Pleiku.
 
Tiếp đó Ðại tá Tư Lệnh “bật mí” cho tôi một tin vui: Vài tháng nữa Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi sẽ được tăng cường để có quân số trên 800 người, với một hệ thống ngang 16 máy truyền tin, gồm đủ Trinh Sát, Viễn Thám cùng một đại đội chỉ huy và bốn đại đội tác chiến. Tiểu đoàn tôi sẽ xuất phái khỏi Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân để làm lực lượng xung kích dưới quyền Tư Lệnh Mặt Trận Kontum.
 
Hôm sau, trước khi từ giã Ðại tá Tất, tôi có đi quanh một vòng thăm Trung tá Lê Tất Biên, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân và vài người bạn đang tham gia phòng thủ vùng Bắc Kontum.
 
Thiếu tá Thi, liên đoàn phó Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân hướng dẫn tôi đi quan sát vị trí bố quân của liên đoàn.
 
Tôi thấy mặt trận ở đây có vẻ còn yên tĩnh hơn vùng Ngã Ba Tam-Biên-Nam (Cao Miên, Nam Kỳ, Trung Kỳ) mà tôi đang trấn giữ.
 
Trên đường về Quảng-Ðức, tôi ghé Ban Mê Thuột thăm tiền cứ của tiểu đoàn, rồi về nhà nghỉ với vợ con tôi một đêm.
 
Buổi sáng ngày kế đó, tôi vào tiệm Phở Tây-Hiên, ăn điểm tâm trước khi lên đường. Lúc tôi sắp lên xe thì người lính già mới giải ngũ Dương Ðức Mai (cựu Trung tá Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân) xuất hiện giữa phố, giơ tay vẫy,
 
– Chào người hùng Pleime! Ghé tệ xá cho tôi hỏi thăm đôi lời đi ông Quan Tư!
 
Tôi và bác Mai là chỗ rất thân tình. Chúng tôi đã nhiều năm làm việc chung ở Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2.
 
Tôi theo chân bác, vào thăm nhà bác. Nhà bác Mai ở kế hàng rào Sân Vận Ðộng Ban Mê Thuột.
 
Vào tới sân, cựu Trung tá Dương Ðức Mai, thật nghiêm nghị, hỏi tôi,
 
– Theo ý cậu, tụi Việt-Cộng có dám đánh Ban Mê Thuột hay không?
 
Vừa nâng niu những giò lan rực rỡ trên giàn, tôi vừa hùng hồn cam đoan với người chỉ huy cũ.
 
– Bác cứ yên chí lớn! Ông Tường sẽ bảo vệ Ban Mê Thuột, ông Tất nói vậy, bác đừng lo!
 
Bác Mai nhìn tôi, dọ dẫm,
 
– Thế ông gia, bà gia và vợ con cậu không di chuyển đi đâu sao?
 
Tôi cầm tay bác, trấn an bác,
 
– Có thể địch sẽ tấn công, nhưng chắc chúng không làm nên sự việc gì đâu. Gia đình tôi còn ở đây, đủ hết, cha mẹ, anh em, vợ con tôi, vợ con binh sĩ tiểu đoàn tôi.
 
Tới đây thì bác Mai có vẻ yên tâm.
 
Tối trước, khi thấy bố vợ tôi âu lo vì những tin đồn địch sẽ tấn công, tôi nói với ông cụ rằng, một cặp chỉ huy dày dạn chiến trường Tường & Luật đủ bảo đảm cho sự đứng vững của thành phố nhỏ bé này rồi.
 
(Ghi chú: Tường&Luật = Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh & Đại tá Nguyễn Trọng Luật Tỉnh trưởng Darlac).
 
Nghe tôi mạnh miệng, bố vợ tôi mới hết lo lắng.
 
Bố vợ tôi cũng là một cựu Trung tá của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh vừa giải ngũ được hơn một năm.  Ông cụ và bác Dương Ðức Mai là bạn khá thân.
 
Sau khi chuyện trò một lúc, tôi bắt tay từ giã người cựu Liên đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân Dương Ðức Mai, rồi lên đường.
 
Vài ngày sau, ở Kiến- Ðức, tôi chợt nhớ ra rằng, bản cung hồi chánh đã cũ, và nếu đúng theo diễn tiến mà anh Thượng sĩ của Trung Ðoàn 48/SÐ 320 A/ Ðiện-Biên đã khai, thì giữa tháng Ba tới, địch sẽ triển khai chiến dịch tấn công Ban Mê Thuột.
 
Tôi lại nghe tin A 2 phổ biến từ Phòng Nhì/ Quân Ðoàn II thông báo những chỉ dấu chuyển quân của Việt-Cộng từ biên giới Việt Miên về vùng ven căn cứ biên phòng Bản-Don.
 
Tôi biết rất rõ về Trung Ðoàn 48/ Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản Bắc Việt, đơn vị chủ công sẽ đánh Ban-Mê-Thuột.
 
Tôi tin tưởng rằng đơn vị tôi đủ sức đương đầu với chúng. Trong quá khứ, đơn vị tôi đã hai lần chạm trán với trung đoàn Cộng Sản này ở căn cứ 711 Pleiku (tháng Tư 1974) và ở căn cứ biên phòng Pleime (tháng 7&8 năm 1974).
 
Mối quan tâm của tôi là, gia đình tôi và đa số gia đình binh sĩ Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đều ở Ban Mê Thuột. Tôi vội thảo gấp một cái công điện gởi thẳng cho hai nơi, một cho Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Biệt Ðộng Quân/ Quân- Khu 2 đang ở Kontum, một cho Bộ Tư Lệnh /Quân Ðoàn II ở Pleiku. Tôi xin thượng cấp cho phép Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân được rời Kiến-Ðức, Quảng-Ðức để về phòng thủ Ban Mê Thuột.
 
Vì đây là điện văn riêng, nên tôi không gởi theo hệ thống dọc qua Bộ chỉ huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân và qua Bộ chỉ huy Tiểu Khu Quảng-Ðức mà chúng tôi đang tăng phái. Nhưng Trung tá Hoàng Kim Thanh, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân rõ chuyện này, vì tôi có tâm sự với ông, ông rất thông cảm hoàn cảnh của tôi.
 
Tôi chờ đợi từng ngày. Không ai trả lời bức điện thỉnh cầu của tôi vì nó là một điện văn gửi vượt hệ thống quân giai, hoàn toàn sái nguyên tắc.
 
Những khi hành quân xa, tôi thường đặt đài tiếp vận để tiện liên lạc với hậu cứ. Những tiểu đoàn bạn, đôi khi cả bộ chỉ huy liên đoàn cũng vào tần số đài này nhờ chuyển tin.
 
Sáng ngày 9 tháng Ba năm 1975, đài tiếp vận “Tam Quái 82” của tôi đặt trên căn cứ hoả lực Núi Lửa, Ðức-Lập báo cáo rằng địch đang pháo kích vào Chi Khu Ðức-Lập. Tới gần trưa thì chính căn cứ Núi Lửa cũng bị địch pháo kích và tấn công bằng bộ binh.
 
Xế chiều, tôi nghe anh binh nhì trưởng toán tiếp vận báo cáo bằng bạch văn lời cuối,
 
– Thiếu tá ơi! Tam Quái chắc tiêu ma đợt này rồi Thiếu tá ơi!”
 
Sau đó tôi không còn nghe được gì nữa.
 
Tôi thường gọi mấy anh Biệt Ðộng Quân của Tiểu Ðoàn 82 giữ máy tiếp vận trên đỉnh Núi Lửa là “Tam Quái”. Chỉ vì toán này gồm ba anh lính có tật, một anh cà thọt, một anh điếc, và một anh thong manh. Anh điếc nấu cơm, hai anh kia trực máy truyền tin.
 
Những năm sau này, quân số thiếu hụt, những người có tật cũng bị bắt đi quân dịch, mà Biệt Ðộng Quân lại thiếu người, nên rất dễ dãi vấn đề tuyển quân. Biệt Ðộng Quân nhận tất cả quân nhân bổ sung từ bất cứ nguồn nhân lực nào.
 
Chúng tôi được bổ sung quân số từ Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3 chuyển qua Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, từ Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Ðộng Quân Dục Mỹ, từ Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn, và từ Ðơn Vị 2 Quản Trị Ðịa Phương, Nha-Trang với những người lính vừa mãn án tù, kể cả Lao Công Phục Hồi.
 
Tôi không chê bất cứ ai trình sự vụ lệnh về phục vụ đơn vị mình. Thong manh, cà thọt, mẻ sứt, kể cả ma túy, xì-ke tôi nhận tuốt! Những quái nhân này ở tiểu đoàn tôi chỉ ít lâu sau đã thành những con người mới. Người nào có việc nấy, tôi cứ áp dụng lời khuyên của người chỉ huy cũ, Trung tá Bùi Văn Sâm:
 
“Viên đạn nào cũng bắn vào đầu địch. Chỉ cần người lính chịu bóp cò là được rồi. Xấu trai mà dám bóp cò, còn hơn đẹp trai mà ra trận chưa nghe súng nổ, mắt đã láo liên. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!” 
 
Vì thế mà quân số tiểu đoàn tôi lúc nào cũng đông hơn tiểu đoàn khác.
 
Lính cà thọt không chạy nhanh được, cho họ làm tiền đồn. Cà thọt đóng chốt thì khỏi lo mất chốt.
 
Lính thong manh, không canh gác được thì cho trực truyền tin, nấu cơm.
 
Lính điếc thì cho tải đạn cối 81 ly, cối 60 ly, SKZ 57 ly. Lính điếc mà bắn cối hay SKZ thì nhất! Ðiếc đâu cần bịt lỗ tai!
 
Xì-ke nghiện ngập cũng dễ chữa thôi! Tôi lúc nào cũng dùng lời khuyến dụ êm ngọt trước, dùng võ lực sau. Anh nào không nghe lời nhỏ nhẹ bỏ nghề chích choác thì tôi mời vào connex nằm chơi. Ngày này qua ngày khác, chỉ có món nước đường do Thiếu úy Huỳnh Kim Hoàng, Ðại đội trưởng đại đội công vụ tiếp tế. Những ngày đầu thiếu thuốc, dân choác khổ sở, vật vã vô cùng. Dăm ba ngày sau quen dần, quen dần… Người nghiện nặng cách mấy cũng chỉ một tuần là phải từ giã ống chích, kim tiêm, khỏi bịnh!
 
Theo lời dạy của cổ nhân,”Dụng nhân như dụng mộc”, tôi sắp xếp người của tôi vào công việc phù hợp với họ; trên dưới đề huề, thương nhau.
 
Những năm sau cùng, không khí sinh hoạt trong đơn vị tôi (Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân) là thế đấy!
 
Tin Tam Quái trên Núi Lửa bị mất liên lạc làm cả ban tham mưu tiểu đoàn buồn rầu.
 
Sáng 10 tháng Ba năm 1975, bộ chỉ huy liên đoàn báo cho tôi biết tin địch đang pháo kích vào tiền cứ Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân ở Ban Mê Thuột. Tiền cứ này nằm sát trại Thiết-Giáp trên đường đi Bản-Ðôn. Người chỉ huy tiền cứ của liên đoàn là Thiếu tá Lê Ðình Hồng đã bị thương nặng.
 
Hậu trạm của tiểu đoàn tôi ở Ban Mê Thuột cũng có mặt sáu người là, Thiếu úy Huỳnh Kim Hoàng, Chuẩn úy Lê Hữu Ðức, Chuẩn úy Nguyễn Hữu Phước, Trung sĩ 1 Lưu Ðức Hoàn, Lao công Phan Thành Hoàng, và ông Tàu Hỷ chủ Câu Lạc Bộ. Không rõ tình trạng của các ông này ra sao?
 
Xem thêm:   Ngày ta bỏ núi (kỳ 7)
Tới trưa thì có tin chiến xa Việt-Cộng nối đuôi nhau chạy rầm rầm giữa trung tâm thị xã. Mọi cuộc đàm thoại vô tuyến bị đứt đoạn vì không có đài tiếp vận.
 
Liên lạc giữa Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân từ Gia-Nghĩa với tiền cứ Ban Mê Thuột bằng các hệ thống máy tầm xa như VRC 67 và PRC 74 cũng đột nhiên chấm dứt.
 
Ðêm đó đài BBC loan tin Ban Mê Thuột thất thủ. Tôi và cả ban tham mưu tiểu đoàn bàng hoàng, vì tiền cứ của tiểu đoàn tôi cũng như gia đình binh sĩ đều ở thành phố này.
 
Ngày 11 tháng Ba năm 1975, tôi nghe được tiếng Ðại tá Phạm Duy Tất trên tần số. Ông Tất đang bay trên trời Ban Mê Thuột và gọi tôi.
 
Tôi hỏi ông về địch tình, về phản ứng của Chuẩn tướng Lê Trung Tường.
 
Ðại tá Tất buồn rầu trả lời:
 
“Ông Tường không đủ sức ngăn chúng nó toa ơi! Bây giờ chỉ còn hy vọng thằng Dậu cố gắng cứu vãn tình thế. Không biết có được hay không?”
 
(Ghi chú: Thằng Dậu= Trung tá Lê Quý Dậu)
 
Trung tá Lê Quý Dậu là Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân.
 
Ông Dậu mới lên chỉ huy liên đoàn được hai, ba tháng, thay thế cho Trung tá Nguyễn Lang (Lang Trọc) vừa giải ngũ.
 
Tôi cố nài nỉ ông chỉ huy trưởng,
 
– Trường An cho phương tiện bốc tôi về Ban Mê Thuột đi! Trường An ơi! Vợ con tôi ở đó! Vợ con lính của tôi ở đó!
 
Trường An là danh hiệu truyền tin của Ðại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2.
 
Lúc đó tôi nghẹn lời. Bên tôi, người Sĩ quan Tiếp liệu tiểu đoàn, Trung úy Trần Văn Ðăng mắt cũng đỏ hoe.
 
Tôi tỉnh người khi nghe ông Tất hứa hẹn,
 
– Rồi! Ta sẽ nói lại với Số 1 (Thiếu tướng Phạm Văn Phú) để bốc Thái-Sơn về!
 
Thái-Sơn là tên riêng của tôi, tôi mang tên này từ khi còn phục vụ ở Tiểu Ðoàn 11/ Biệt Ðộng Quân, Pleiku, thời 1967-69.
 
Ðược lời như cởi tấm lòng. Tôi quyết định rút trung đội tiền đồn của Ðại Ðội 4/82 trên đồi Bù-Row cách 3 cây số hướng Bắc về.
 
Tôi cũng gọi sĩ quan đại đội trưởng một đại đội của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân đang tăng cường cho tôi lên gặp tôi.
 
Tôi dặn dò anh kỹ càng những điều phải làm để phòng thủ Ngã Ba Kiến-Ðức thay cho Ðại Ðội 1/82 Biệt Ðộng Quân của Thiếu úy Ðặng Thành Học, nếu chúng tôi có trực thăng bốc đi.
 
Tiếp đó tôi cho tiểu đoàn chuẩn bị hai ngày cơm vắt, vũ khí, đạn dược sẵn sàng.
 
Sau khi lệnh chuẩn bị hành quân của tôi được thông báo tới mọi cấp trong đơn vị, tôi nghe tiếng bàn tán xôn xao trong các túp lều và bên giao thông hào.
 
Niềm háo hức hân hoan lộ rõ trên những khuôn mặt sạm nắng.
 
Những người lính gốc Rhadé, Jarai dưới quyền tôi đã lâu, nên qua nụ cười, ánh mắt của họ, tôi hiểu rằng lúc đó họ đang vui sướng vô cùng.
 
Suốt ngày 12/3/75 tôi không nghe tiếng Ðại tá Tất trên máy, nhưng tôi liên lạc được một phi công đang quan sát trên trời Ban Mê Thuột.
 
Tôi nhờ anh ghi nhận và chuyển cho tôi những gì anh nhìn thấy dưới chân anh.
 
Tôi mô tả con đường Hàm Nghi cạnh nhà thờ Vinh-Sơn, là nơi gia đình tôi cư ngụ và khu tiền trạm của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.
 
Sau hồi lâu quan sát, anh cho tôi biết rằng cả hai nơi đều nằm trong màn khói đen mù mịt.
 
Buồn quá, tôi ngồi trước cửa hầm, ôm cây đàn guitar. Tay tôi chỉ bấm một cung Mi Thứ; tôi lần mò một bài tình ca buồn.
 
(Còn tiếp)
 
Vương Mộng Long

April 30th, 2021


usaelection gởi