NGHĨ THẤY THƯƠNG ÔNG DONALD
Trần Ngũ và Mai Loan - September 4, 2020
Lời giới thiệu:
Có lẽ mọi người không còn phủ nhận hiện tượng Donald Trump là một điều kỳ lạ chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử, và có lẽ cũng sẽ không thể tái xuất hiện trong tương lai, qua việc chỉ có một nhân vật duy nhất từ trước tới nay đã tạo ra hai phản ứng hoàn toàn đối chọi dữ dội: hoặc là thần tượng và tôn sùng như thánh sống, hoặc là chê bai kịch liệt như là một lãnh tụ tệ hại đáng lên án nhất. Đối với Trump, có lẽ người ta không thể dửng dưng, nếu sống cùng thời như tại Hoa Kỳ.
Điều này dẫn đến sự phân hoá trầm trọng trong chính trường và xã hội, và nhiều gia đình đã phải lâm vào cảnh xâu xé lẫn nhau chỉ vì những người thân thuộc và bạn bè lâu năm giờ đây bỗng trở nên gay gắt, bực tức hoặc thù ghét nhau chỉ vì ưa hoặc chống Trump.
Vì lẽ đó, nhiều người muốn giãi bày đôi điều nhưng vẫn còn muốn giữ hoà khí hoặc tình cảm thân thiện lâu năm nên không muốn công khai lên tiếng để tránh tình huống khó xử cho đôi bên. Một thân hữu đã gửi bài viết sau đây, và kẻ này đã không ngần ngại chia sẻ cùng bạn đọc xa gần, khi thấy nội dung của nó cũng đã giúp nói thay cho mình nhiều điều.
Mai Loan
https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2020/09/BB184sjU.jpeg
NGHĨ THẤY THƯƠNG ÔNG DONALDRedBall2.gif
(Sau Khi Đọc Too Much and Never Enough của Mary L. Trump)
Thương ở đây không phải là thương ông Tổng Thống Donald Trump. Tổng thống nào mà chẳng đáng thương, đáng trọng. Bao nhiêu là trách nhiệm phải gánh vác: chuyện quốc gia đại sự, chuyện thế giới hòa bình, chuyện địa cầu ô nhiễm, v.v.. Tổng thống nào sau khi mãn nhiệm kỳ cũng bạc cả đầu. Từ ông Obama, đến ông Bush, đến ông Clinton. Riêng ông Trump thì tóc ông màu cam nên không biết màu tóc ấy có khi nào bạc đi không. Thương ở đây ý tôi muốn nói là thương con người ông Donald J. Trump.
Từ lúc tranh cử tôi đã thấy thương ông khi ông bị cô xướng ngôn viên đài Fox là Megyn Kelly dồn vào thế bí vì những lời khiếm nhã ông dùng cho phụ nữ, khiến ông sau đó đã phải lấy chuyện kinh nguyệt của cô Kelly ra để trả đũa. Lúc ấy tôi đã thấy thương ông, vì tôi nghĩ thật không may cho ông là từ những ngày còn bé ông đã không được bố mẹ dạy là “Winning is not everything.” Rằng sống ở đời người ta phải biết trọng lẽ phải. Rằng ra đời phải chiến đấu để chiến thắng, nhưng chuyện thắng thua phải dựa trên tinh thần thượng võ. Đứng trên võ đài mà đánh vào hạ bộ của đối thủ thì cho dù có thắng cũng đáng xấu hổ. Mà không những chỉ xấu hổ. Cái tinh thần phải thắng bằng mọi giá là điều có thể dẫn đến vô vàn xấu xa, tai hại. Chính nó đã gây ra không biết là bao nhiêu đau thương cho nhân loại. Cái thảm họa mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra trên thế giới chính là do bắt nguồn từ điều ấy, từ việc người Cộng Sản tin theo và áp dụng phương châm “Cứu cánh biện minh cho phương tiện.” Họ sẵn sàng đày đọa, giết hại hàng triệu người hòng dựng lên cái thiên đường vô sản mà họ mơ tưởng. Mọi sự xấu xa, tội lỗi của phương tiện sẽ được cứu cánh bào chữa cho. Họ thà giết oan một trăm người vô tội, hơn là tha nhầm một người có tội. Miễn sao thắng được thành quả họ mong muốn. Win, win, win, by all means. Ông cũng thế, ông Trump ạ. Ông cũng chủ trương là phải thắng bằng mọi cách, kể cả nhục mạ, ức hiếp, hay lừa dối, gạt gẫm người khác. Thật đáng thương cho ông là bố mẹ ông đã không dạy ông là sống như thế là không phải.
Tôi đã nghĩ như thế mà đâm ra trách lỗi bố mẹ ông. Cho đến khi tôi đọc cuốn sách của người cháu gọi ông bằng chú viết về gia đình, về bố mẹ, anh chị em của ông, thì tôi mới biết là tôi đã hoàn toàn sai nhầm về bố ông. Thì ra là chính bố ông đã dạy cho ông cái tinh thần phải thủ lợi, phải chiếm đoạt phần thắng về mình. Phải thành công. Bằng mọi giá. Vì thành công là mẹ của mọi lý tưởng trên đời. Win, win, win. Winning is everything. Càng hiểu hơn về gia cảnh ông tôi lại càng thương anh em ông hơn. Anh em ông đã là nạn nhân của một ông bố khắc nghiệt và keo kiệt. Thương nhất là ông Freddie, người anh cả của ông. Ông ấy đã tìm cách thoát ra khỏi sự áp đặt của cha mình, là phải nối dõi sự nghiệp kinh doanh địa ốc. Phải trở thành một thầu khoán xây cất nhà cửa, một thương gia triệu phú, tối ngày chỉ biết có đi làm kiếm tiền, nhặt nhạnh từ cái đinh, con ốc, cậy cục dựa vào ngân sách xây dựng các khu gia cư của chính phủ để làm ăn trong các công trình xây cất. Anh của ông đã đi con đường trái ngược với ý cha. Ông ấy biết sống, biết vui chơi với cuộc đời. Thích bơi lội, thích chơi thuyền buồm, câu cá, thích uống rượu, nấu nướng ăn uống với bạn bè. Và nhất là thích lái máy bay. Anh Freddie của ông đã trở thành phi công lái máy bay cho hãng Pan Am. Nhưng anh Freddie đã bị cha mình chê trách, khinh rẻ, là đi làm cái nghề lái taxi trên trời. Và bị hắt hủi. Đến độ phải bỏ nghề phi công về làm việc cho cha, để rồi cuối cùng sống trong tủi hổ, mặc cảm là kẻ thất bại, chán đời, rồi đâm ra nghiện rượu. Cuối cùng thì anh ấy bị đau tim, nằm chết một mình trong nhà thương. Cha mẹ biết tin mà ngồi ở nhà không vào thăm. Còn người em trai là ông thì hôm ấy bận đi xem ciné. Nghĩ mà thấy thương lẫn thấy mến ông ấy. Có thể kết làm bạn được.
Còn ông, tuy là tôi không thương ông bằng thương anh Freddie, và tuy là tôi không có ý muốn làm bạn với ông, nhưng tôi suy nghĩ thì cũng thấy thương ông lắm, ông Trump ạ. Ông cũng đã là nạn nhân của bố ông, một người cha hết sức nghiêm khắc và độc tài, đầy uy quyền và tham vọng. Nhưng khác với anh Freddie đã tìm cách cưỡng lại ý cha để sống theo ý mình, ông thấy cái gương ấy chỉ đi đến cảnh bị cha đày đọa tinh thần, chê bai, bạc đãi, nên ông đi theo con đường của bố để được cha mình chấp nhận. Và ông đã trở thành một người đầy tham vọng và mưu mẹo, vừa tự tôn, lại vừa tự ti. Vì khổ nỗi là tuy ông có muốn, có cố gắng đi theo con đường của cha ông, nhưng số ông không may, ông không có tính cần cù chịu khó như cha, lại bồng bột thích chuyện hào nhoáng bên ngoài, nên việc gì ông nhúng tay vào cũng hư đường hư bột. Nhưng nhờ ông khéo lấy lòng cha nên được bố ông vốn có trong tay hàng bao nhiêu triệu đô la sẵn sàng tung ra để cứu độ cậu con cưng. Ông vừa dựa vào thế lực của cha, vừa dựa vào tài ăn nói hung hăng, mạnh miệng, có ít xít ra nhiều, tha hồ vay tiền nhà băng mà mượn đầu heo nấu cháo. Như là chuyện ông lập hãng hàng không, hay mở sòng bạc casino. Rồi khi thua vỡ nợ, công ty của ông khai bại sản thì chỉ có nhà băng là lãnh đủ. Ông thì chỉ mất mỗi cái du thuyền mấy triệu bạc. Còn cha ông có mất vài chục triệu cũng chẳng thấm thía gì. Khi cha ông già lẫn đi thì ông tìm cách thu đoạt tài sản của cha làm của riêng, nhưng bị cha và chị em ngăn cản. Rồi khi cha ông chết thì ông đem bán hết bao nhiêu đất đai, nhà cửa, cao ốc mà cha ông đã vất vả thu lượm cả đời. Được cả hằng tỷ bạc. Ông sống trên sự thành công của cha. Nhưng, với sự che chở và đồng lõa của cha, ông dấu nhẹm điều ấy đi. Ông và bố ông ngụy tạo ra hình ảnh một Donald tỷ phú nhờ tài kinh doanh buôn bán, khôn khéo thương lượng. Rồi dựa trên cái nhãn hiệu hào nhoáng ấy, ông gắn tên mình lên những mặt hàng khác nhau, từ thịt bò bít tết đến rượu vang, từ áo sơ mi đến cà vạt, tất cả đều mang nhãn hiệu Trump. Nhưng các mặt hàng ấy chỉ có mỗi cái tên là dính dáng đến ông. Còn chúng được làm ở đâu, made in China hay Bangladesh thì ông chẳng cần biết. Ông lại lập ra cái mạo danh là đại học mang tên Trump University để dụ dỗ những người nhẹ dạ đem hết tiền bạc dành dụm trong bao năm trời ra đóng học phí mấy chục ngàn đô–la mỗi người để mong được ông dạy cho cái bí quyết làm ăn, đầu tư buôn bán. Nhưng cái đại học Trump University này lại cũng chỉ là một cửa hàng mượn đầu heo nấu cháo khác. Ông chẳng những không có mặt trong ban giảng huấn, mà cũng chẳng tham dự tí gì vào giáo án, học trình. Mọi chuyện ông khoán hết cho mấy người chuyên viên địa ốc được ông mướn vào với mục đích duy nhất là moi thêm học phí bằng cách vẽ vời ra những lời chiêu dụ, là muốn học được cái bí quyết thành công của ông thì phải theo học khóa kế tiếp. Rồi khóa cao cấp tiếp theo nữa. Mà học phí thì càng ngày càng tăng theo cấp số nhân. Nhưng khổ nỗi ông đâu có bí quyết gì đâu, ngoài cái bí quyết là có một người cha tiền muôn bạc triệu, muốn con thành công theo gương mình nên sẵn sàng tô son vẽ phấn cho nó. Cuối cùng rồi thì những người theo học Trump University chẳng học được gì nên lôi ông ra tòa, đòi lại tiền. Ông la làng, lớn tiếng nhưng rồi cũng phải điều đình trả lại tiền họ. Còn cái mạo danh đại học ấy cũng đã bị đóng cửa vì nó không có đủ tư cách pháp lý, không mảy may có các tiêu chuẩn đòi hỏi để được gọi là university.
Nhưng tôi càng suy nghĩ những gì cô cháu Mary Trump của ông viết về gia đình ông nội cô ấy, tôi lại càng thấy không muốn trách móc ông. Từ những ngày còn trẻ, ông đã lớn lên trong một môi trường giăng chằng chịt những áp lực, thúc dục phải thành công như là lẽ sống tối thượng trên đời. Nhìn gương Freddie, người anh hơn ông 8 tuổi bị bố bạc đãi, ông đã chọn đi theo con đường cha ông muốn, quyết tâm phải thành công vượt bực hơn người, phải ăn trùm thiên hạ, bằng mọi cách, dù lương thiện hay trí trá, mà cha ông đã làm tấm gương sáng cho ông noi theo. Cái áp lực ấy ắt là kinh khủng lắm, vì cho đến ngày hôm nay, sau khi bố ông chết đã hơn 21 năm, ông vẫn không thoát ra khỏi cái mặc cảm vừa tự ti lại vừa tự tôn ấy. Lúc nào ông cũng cần có người ở bên cạnh xưng tụng ông là thiên tài bậc nhất thiên hạ, là chỉ có mình ông, Donald Trump, mới làm được những việc phi thường chưa từng có ai trong lịch sử nước Mỹ làm được. Điều ấy chỉ càng làm lộ ra cái bộ mặt trái ngược là lúc nào ông cũng như sống trong bất an, lo âu, đầy tự ti và sợ hãi. Sợ hãi rằng ông không trở thành được con người mà cha ông và ông mong muốn ông trở thành. Bao nhiêu lần thất bại, tuy được cha cứu vớt, được cha che chở, nhưng tận sâu trong tiềm thức ông, ông biết rằng ông chưa làm được gì cho cha ông thực sự hãnh diện về ông. Cha ông và ông đều biết rõ điều ấy, là thiên tài Donald, nhà đầu tư tài giỏi hơn người, chỉ là nhân vật ảo tưởng không có thực. Cha ông và ông biết rằng ông thua cha ông xa lắm. Cha ông thì ông ấy đã thành công như ông ấy mong muốn. Còn ông, thật là đáng thương cho ông, cho đến ngày cha ông chết thì ông cũng chỉ làm được mỗi việc là lừa dối thiên hạ mà không có được một ngày bình an trong tâm hồn, một đêm được ngủ yên giấc cho đến khi trời sáng.
Cuốn sách của Mary Trump cũng hé ra một điều khiến tôi thấy thương ông hơn. Đó là ông đã lớn lên thiếu hẳn tình mẫu tử. Mẹ ông vốn là một thiếu nữ di dân đến từ một gia đình nghèo khổ trên một hòn đảo ở Tô Cách Lan. Trước khi sinh ra ông, bà bị bệnh nặng tưởng đã chết. Tuy là bà đã hồi phục nhưng luôn yếu đuối, nên ít để ý, săn sóc đến con cái. Bố ông thì từ sáng đến tối mải mê công việc. Người phụ nữ lo lắng cho ông ngày ông còn nhỏ chính là bà Maryanne, người chị gái hơn ông 9 tuổi. Rồi đến tuổi 13, vì hay nghịch ngợm, phá phách, cha ông gửi ông vào trường trung học bán quân sự suốt 5 năm trung học. Cuối tuần cũng không được về nhà, ngoại trừ những dịp lễ lạc. Chính cha ông là người trong 5 năm lái xe mỗi cuối tuần, gần 2 tiếng đồng hồ đi, 2 tiếng đồng hồ về, đến trường New York Military Academy thăm ông. Thật là đáng tiếc cho ông vì thiếu đi sự dịu dàng, thương yêu, săn sóc, vỗ về của người mẹ để cân bằng lại sự nghiêm khắc, bó buộc của người cha đầy uy quyền nên ông đã không có cơ hội để phát triển bình thường.
Nhiều người nói ông là một kẻ narcissist, là kẻ tự yêu mình vì tự thấy mình quá là đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Tôi không nghĩ như thế. Tôi không nghĩ tự thâm tâm ông, ông nghĩ mình là anh tài hay thiên tài gì cả. Trái lại, ông muốn mình là người như thế nhưng không làm được. Ông tìm cách chứng tỏ điều ấy với chính ông. Nhưng làm sao mà chứng tỏ được một điều không có thực. Con ếch sẽ vui sống nếu nó không tìm cách chứng tỏ nó to như con bò. Càng tìm cách chứng tỏ, ông càng không nhìn thấy điều gì khác, ông chỉ thấy mỗi mình ông, và do thế ông trở thành một kẻ ích kỷ, chỉ biết cho mình và vì mình. Chính người chị là bà thẩm phán Maryanne, người mà ngày trước thường vốn làm homework cho ông lúc ông mới vào đại học, đã phải nói: Trump is for Trump. He has no principles. Không, theo tôi ông không phải là một kẻ mắc bệnh narcissism. Mà trái lại, tôi nghĩ là ông mắc phải bệnh phobia of self worth, sợ hãi là giá trị của chính mình không hay không đẹp như mình mong muốn, và sợ hãi là mọi người, nhất là ông bố đã khuất núi của ông, nhìn ra điều ấy. Ông thật đáng thương, sống mà cứ luôn phải lo âu, đầu óc đầy căng thẳng stress.
Tôi cũng không nghĩ ông là một người racist, kỳ thị màu da hay kỳ thị chủng tộc. Ông còn tệ hơn thế. Một người KKK, hay white supremacist, ít nhất còn có trong đầu cái ý tưởng vì người khác, cho tha nhân. Đúng hay sai, ít nhất những người ấy còn biết lo cho quyền lợi chung của một nhóm người. Ông thì không thế. Ông còn tệ hơn họ vì ông chẳng nghĩ cho ai cả. Ông chỉ lo cho ông. Điều gì có lợi cho ông, “inure” cho Donald, theo lời của chị ông, thì đó là điều Donald làm. Ông không ghét người da màu vì màu da của họ. Nhưng khi người da đen muốn thuê apartment của cha ông thì bị gạt ra, vì cha ông và ông biết là một số người da trắng không thích sống gần người da đen. Ông không muốn bị mất khách da trắng nên ông gạt ra ngoài khách da đen. Thế thôi, cho dù là luật cho thuê nhà ở New York không cho phép chọn khách thuê nhà dựa theo tiêu chuẩn mầu da, ông vẫn làm. Chỉ vì quyền lợi của ông. Chứ ông đâu có kỳ thị màu da. Ông còn tệ hơn thế. Win, win, win. Miễn sao có lợi.
Ông cũng có một tật xấu mà ông nên sửa, ông Trump ạ. Là ông bớt nói dối đi. Ông từng nhiều lần bịa chuyện là bố ông sinh ra ở một nơi thật xinh tươi bên nước Đức, dù ông biết là bố ông sinh ra ở New York. Tại sao ông lại phải nói dối như thế, tôi không biết. Chuyện ấy cũng chẳng tai hại gì. Nhưng chuyện bố ông bịa là ông ấy vốn dòng dõi người Thụy Điển thì tôi hiểu tại sao. Chẳng qua chỉ vì bố ông làm ăn phải vay tiền các chủ ngân hàng người Do Thái nên ông ta không muốn nhận mình là người Đức. Sợ bị họ ghét. Thế thôi. Lúc nào có lợi là người Đức thì là người Đức, lúc nào không thì là người nước khác. Win, win, win. Hay như chuyện pro life hay pro choice. Ngày trước không ra tranh cử thì ông tán đồng phụ nữ được quyền phá thai nếu họ muốn. Bây giờ ông cần lá phiếu của giới Evangelical, những người tin theo kinh Phúc Âm chống lại việc cho phép phá thai, thì ông lên tiếng cổ võ cấm phá thai. Hành động đón gió trở cờ ấy thì trong giới các chính trị gia chẳng phải riêng mình ông. Nhưng ông vượt xa họ đến ngàn vạn lần ở chỗ không những ông chỉ nói cho xuôi lòng người nghe, mà ông còn ăn không nói có, hoàn toàn dựng đứng, thêu dệt lên những chuyện ở đẩu ở đâu để đạt đến mục đích của ông. Như trong lời ông tweet ra cho mọi người là tổng thống Obama đã đặt máy nghe lén vào điện thoại riêng của ông trong mùa bầu cử 2016. Nguyên văn: “How low has President Obama gone to tapp my phones during the very sacred election process. This is Nixon/Watergate. Bad (or sick) guy!” Ông đổ cho ông Obama làm điều ấy, rồi khi mọi người hỏi ông có chứng cớ gì thì ông nói quanh là chờ ít ngày sẽ biết. Rồi 2 tuần sau, khi người xướng ngôn viên vốn thân thiện với ông là ông Tucker Carlson hỏi ông trên đài Fox là sao ông không kiểm lại với các cơ quan hữu trách trước khi gửi tweet ra như vậy, thì ông không trả lời tại sao không kiểm chứng, mà lại trả lời là ông đọc tin ấy trên tờ New York Times, tờ báo mà ông thường đổ là chuyên loan tin vịt. Nhưng báo New York Times còn rành rành ra đó. Làm gì có bài báo nào như thế trên tờ NYT. Họa chăng là hai tháng trước đó có bài báo viết về việc FBI đã theo dõi điện thoại của những người liên quan đến ban tranh cử của ông, vì những người này có liên lạc với nhân viên chính quyền Nga. Mà chuyện hợp tác với một quốc gia khác để can thiệp vào chuyện bầu cử trong nước là một trọng tội. Nhưng chuyện FBI lén lút nghe các ông Paul Manafort hay Page Carter, hay Roger Stone đúng hay sai là chuyện không nói đến ở đây. Điều nêu ra ở đây là ông bịa chuyện đổ tội lên đầu ông Obama là gắn máy nghe lén điện thoại của ông. Nói dối như ông Clinton đã nói vì ông ta ở thế kẹt, ngượng với vợ, là điều đáng chê trách nhưng còn có thể hiểu được. Dù gì thì cũng là hành động “tự vệ”. Ông Clinton có ăn vụng nhưng sợ vợ nên phải nói là không. Còn ông thì chuyện không mà ông lại thêu dệt, nói ra là có. Nói dối, bịa đặt ra một chuyện để tấn công một người đang không tấn công mình thì không thể là để tự vệ, mà là để hãm hại người khác. Chuyện ấy đáng trách gấp mấy lần ông Donald ạ.
Ông cũng hay làm một chuyện mà một người có chút tự trọng thường đắn đo kiểm lại xem đúng sai thế nào trước khi kể lại cho người khác. Ông là tổng thống một đại cường quốc. Lời ông nói có trọng lượng gấp ngàn lần người khác. Thế mà ông không care, không cần biết xem có mấy phần sự thật, ông cứ vô tư, vô ngần thoải mái tweet lại những điều lọt đến tai, vương đến mắt ông. Miễn là nó có lợi cho ông. Và có hại cho kẻ chống lại ông. Ông nấp đằng sau cái vỏ là ông nghe thấy thế này, thế nọ, “không biết đúng hay sai, nhưng có lẽ đúng”. Rồi bảo là không chịu trách nhiệm về điều người khác đã nói. Như chuyện gần đây nhất là chuyện hôm 30 tháng 8, ông tweet lại một video clip, chiếu cảnh mấy người da đen dưới một subway ở New York City đánh đấm, xô đẩy lẫn nhau, rồi xô luôn một phụ nữ da trắng đứng cạnh đó té lăn xuống đất, và phao tin đây là hành động của nhóm người biểu tình Black Lives Matter hành hung người da trắng. Nhưng khi dư luận kiểm lại thì việc xô xát này đã xẩy ra từ tháng 10 năm ngoái, trước khi có những vụ biểu tình sau khi ông George Floyd bị cảnh sát tấn cổ chết hồi cuối tháng 5 năm nay. Cảnh sát New York City xác nhận đã truy tố anh chàng da đen vốn có nhiều thành tích gây hấn ở subway này từ lâu rồi. Hai chuyện xảy ra ở 2 thời điểm, trong 2 hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng đã được một người xưng là bạn của “Groyper”, một tổ chức theo sô vanh chủ nghĩa (chauvinism), người ấy tự nhận là muốn hô hào việc thượng tôn người da trắng, lập nên một quốc gia không có người da màu, ông ta đã kết nối hai chuyện khác nhau ấy lại thành một để lập lờ đánh lận con đen, dựng chuyện bêu xấu người khác. Khi sáng hôm sau, 31 tháng 8, Twitter biết chuyện và loại bỏ video thất thiệt này đi thì nó đã loan rộng ra tới hơn 650,000 người trong chương mục Twitter của ông. Hỏi Bạch cung nghĩ sao về việc này thì họ trả lời là tổng thống chỉ re-tweet một cái tweet của người khác. Nói như thế nghe không được, ông Trump ạ. Một người dân thường cũng còn phải nên suy xét để đừng làm chuyện hồ đồ, loan tin không xác thực. Huống chi ở cương vị tổng thống thì cái trách nhiệm ấy ông nên nhận lấy một cách nghiêm chỉnh, vì nó sẽ làm rất nhiều người lầm lạc tin theo. Mà việc kiểm lại ấy đối với ông quá dễ. Ông chỉ bảo một tiếng thì nhân viên của ông truy hỏi ra ngay. Có mất mát gì đâu.
Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ. Tôi nghĩ thấy thương ông, muốn cho ông tránh khỏi cái tiếng xấu muôn đời, nên có vài lời khuyên ông nên cố tu tỉnh. Để đến một ngày kia, khi gặp lại cha ông ở dưới suối vàng, ông có thể nói với cha rằng: “Thành công đến mức nào thì con không dám chắc, nhưng thưa bố con đã thành người.”
Mong ông bảo trọng.
Trần Ngũ
Houston, Đầu tháng 9, 2020
Viết thêm:
Một trong những tội khó tha thứ cho Donald Trump là việc tự động bắn lại những mẩu tweet dối trá của người khác, một hành động cáo buộc sai lầm rất tai hại nhưng cũng để lộ bản tín hèn nhát vì không muốn nhận trách nhiệm vào mình. Mới đây ông đã retweet lại 2 cái tweets trước đây của những kẻ tung tin dựng chuyện để cáo buộc rằng “cơ quan CDC đã âm thầm thụt lùi và sửa lại con số người chết vì Covid-19 từ 153,504 người xuống chỉ còn có 9,210 người.”
Mục đích của những kẻ tung tin này là nhằm chỉ trích giới truyền thông và những ai lo sợ về mối nguy của bệnh dịch vì số người chết thật sự và muốn nói rằng các con số đã bị thổi phồng quá đáng chứ bệnh dịch này không đáng sợ như vậy. Thật ra trong một bản báo cáo về thống kê của CDC có nói trong số những người tử vong vì dịch bệnh, chỉ có 6% được ghi trên giấy khai tử nguyên nhân duy nhất là vì coronavirus. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là 94% còn lại là những người chết không phải vì dịch bệnh Covid-19.
Theo sự giải thích rõ ràng của các chuyên gia, nhiều bệnh nhân đã có sẵn trong người những chứng bệnh khác như cao máu, tiểu đường, ung thư v.v. vì thế nên sẽ có rủi ro tử vong cao hơn nhiều nếu như chẳng may bị lây nhiễm. Tình trạng sức khoẻ yếu kém đó dễ dẫn đến nhiều biến chứng như sưng phổi, khó thở, yếu tim v.v. càng khiến họ dễ tử vong và các yếu tố này có thể được liệt kê thêm trên giấy khai tử.
Mục đích của Trump khi bắn lại các mẩu tweet này là muốn giảm nhẹ hình ảnh khiếp đảm của số người chết tại Mỹ vì Covid-19 quá lớn do hậu quả bất tài và vô trách nhiệm của mình. (Nam Hàn và Hoa Kỳ có trường hợp người bị lây nhiễm đầu tiên vào cùng ngày 21/1, nhưng cho đến nay chỉ có hơn 20,000 ca và 329 người tử vong trong khi Hoa Kỳ có đến hơn 6 triệu người bị lây nhiễm và khoảng 190,000 người chết (và sẽ còn tăng nữa) giữa lúc người dân Mỹ sắp sửa đi bầu vào tháng 11.
Việc bắn ra những mẩu tweet có nội dung sai lạc và hàm hồ là của những kẻ có đầu óc bệnh hoạn về những thuyết âm mưu như QAnon hoặc trang mạng Gateway Pundit. Nhưng một vị nguyên thủ quốc gia như Donald Trump lại bắt chước công việc tệ hại đó thì quả thật là một sự sỉ nhục cho chức vụ tổng thống Mỹ, một hành động đáng lên án, chứ không phải chỉ chê trách. Rất may là công ty Twitter đã nhanh chóng kịp thời tháo bỏ cái tweet tào lao này của Trump.
Mai Loan
Houston, Texas, ngày 4 tháng 9/2020
anhtuan...@gmail.com
usaelection gởi