Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
NGHĨ VỀ NGƯỜI DA ĐEN



I. HIỄU

Là một người ham đọc sách, từ lúc còn nhỏ xíu tôi đã đọc một số sách về nỗi khổ của người da đen nô lệ như Túp lều của bác Tôm, Cội rễ,… đầu óc non nớt của tôi không hiểu nhiều về xã hội Mỹ nhưng trái tim tôi thật sự quặn đau với những mảnh đời tăm tối của họ.

Cách đây 3 năm, tôi đọc Just Mercy, một cuốn sách thuộc hàng Best-seller của New York Times do Bryan Stevenson , một luật sư da màu viết. (Bản tiếng Việt được phát hành tại VN dưới tựa đề Nhân từ với quỷ dữ). Một lần nữa tôi thực sự bần thần suốt cả mấy tuần liền khi cuốn sách là đề tài thảo luận trong lớp học. Lúc đó tôi chưa vào trường Luật ở Mỹ, tôi cảm thấy thật sự đau xót và sợ hãi khi nghĩ đến cảnh 1 người vô tội có thể bị bắt do “tình nghi” và dễ bị bắn chết khi cảnh sát nghi ngờ họ có vũ khí. Tôi tự hỏi Mỹ có phải là một quốc gia thượng tôn pháp luật như tôi từng nghĩ không vì bối cảnh trong Just Marcy chỉ mới cách đây mấy chục năm thôi. Tôi đã thử hỏi một bạn nữ da đen trong lớp rằng bạn có chứng kiến những việc tương tự trong Just Mercy không. Bạn đó đã trả lời tôi rằng, cô ấy là một nhân chứng sống. Cô ấy đã vượt rất nhiều khó khăn có thể học hết phổ thông. Trường của cô đã không cho học sinh da đen tham gia đầy đủ các sinh hoạt như học sinh da trắng và rất dễ bị đuổi học. Khi tôi và cô học chung lớp viết văn, cô ấy tầm 45 tuổi.

Tôi chợt hiểu ra thêm một lý do vì sao nói đến da đen, nhiều người nghĩ ngay đến bạo lực, băng đảng, giết người, hiếp dâm, nghiện thuốc,… Họ mang trái tim lạc loài và không tiếp xúc được với nền giáo dục cho đến mấy mươi năm gần đây.

Cộng đồng người da đen hiện tại, nhiều kẻ mang trong người chủ nghĩa tự do và phá phách, tinh thần này không xuất phát trực tiếp từ sự thù hằn của giới nô lệ qua nhiều thế hệ như một lời biện minh. Theo tôi, đó là hệ quả xã hội gián tiếp từ những năm tháng đó. Một cộng đồng xuất phát từ cha ông thất học, sống thiếu định hướng nhiều thế hệ có thể tạo ra những con người hạnh phúc hay hữu ích cho xã hội? Nước Mỹ đã cải tiến rất nhiều về giáo dục và các chính sách xã hội, nhưng thay đổi hoàn toàn một cộng đồng như thế là điều mà nước Mỹ còn đau đầu dài dài.

Hãy thử tưởng tượng, bạn sinh ra trong một gia đình mà cha nghiện hút, mẹ chơi bời hay cả cha lẫn mẹ bỏ bê bạn đi mất tăm, bạn có dễ dàng có một con đường sáng để đi không. Chưa nói nếu bạn lớn lên trong môi trường gồm phần lớn những người giống bạn, mỗi người phải dùng bản năng để bảo vệ mạng sống của chính mình, bạn có thể hiền lành để trưởng thành không? Một đứa trẻ liệu có vô nhiễm trong một cộng đồng mà ngày nào cũng chứng kiến sự giết chóc lẫn nhau, đạn bay vèo vèo ngoài sân, ngoài đường,...mà khi bạn lâm nạn có khi gọi cảnh sát rất lâu mới có mặt hoặc không thèm đến luôn. Sự quá tải và chán ngán của giới cảnh sát ở các khu cư dân nhiều da đen hoặc Mễ là điều không lạ.

Các cuộc bạo động diễn ra gần đây đã thể hiện rất rõ hiện trạng của các cộng đồng da đen ở nhiều tiểu bang và vì sao họ bị kỳ thị và sợ.

Theo nhận định của tôi, sự kỳ thị đối với người da đen hay da màu là có. Tuy nhiên, việc kỳ thị này xuất phát vì cuộc sống thực tại hơn là lịch sử sâu xa. Cách người da đen sống đã khiến mọi người phải đề phòng với những ý nghĩ không mấy thiện cảm. Việc kỳ thị người châu Á nói chung và người Trung quốc gần đây cũng xuất phát phần lớn từ những hành xử của chính chúng ta.

II. BẢN THÂN TÔI CŨNG SỢ

Là con nhà luật, tôi được giáo dục từ nhà trường và cuộc sống rằng phải giữ và rèn luyện cho mình sự trung lập, tránh bị ảnh hưởng bởi định kiến của xã hội hay thành kiến bên trong mình để có thể có được những nhận định sáng suốt hơn.

Là người học và thực hành tâm linh, tôi không luôn giữ tâm mình tránh xáo động bởi những phân biệt hay phán xét.

Thế nhưng, rõ ràng tôi vẫn sợ người da đen, dù tôi không muốn như vậy. Tôi ân hận mãi về một ánh nhìn của một người thanh niên da đen đến lắp hệ thống lọc lá trên mái nhà. Khi đó tôi đang ở nhà một mình, nghe chuông cửa, tôi vội vàng mở của trong để nhìn ra vì tôi nghĩ bạn tôi quay trở lại vì cô ấy mới rời nhà tôi khoảng 3 phút. Bất ngờ trước mặt tôi là một thanh niên da đen. Tôi lập tức lúng túng vì bất ngờ và sợ. Câu ấy liền giơ ra trước mặt tôi một tờ giấy ghi rằng cậu ta đến đây vì công việc, tôi không cần mở cửa vì chỉ cần làm việc bên ngoài.

Tôi thấy rõ ánh mắt chịu đựng của cậu ấy. Ắt hẳn việc này khá bình thường và câu ấy đã nhiều lần gặp phải điều tương tự. Tự nhiên tôi thấy tràn ngập sự thương cảm khi nhìn ánh mắt ấy, tôi biết rằng mình đã sai. Nhưng sợ, là cảm giác thật sự nảy sinh trong tôi khi nhìn người da đen trong điều kiện vắng vẻ.

III. LÀM BẠN

Tuy hoàn cảnh sinh sống và làm việc hiện tại không cho tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với người da đen, nhưng 3 năm qua, tôi có 5 người bạn thuộc cộng đồng này trong môi trường học tập và làm việc. Đương nhiên những người bạn này không nằm trong số đông những người da đen đang bạo loạn ngoài kia. Những người bạn này đã đạt đến một số thành tựu trong cuộc sống nhờ những sự cố gắng vượt bậc. Tôi có thể trò chuyện cởi mở với họ vì họ khá sôi nổi, tự nhiên, và không quá mang vỏ bọc "xã giao" khi họ tin rằng bạn muốn kết bạn thực sự. Họ có thể không thích sự bất bình đẳng hoặc phân biệt chủng tộc, nhưng họ cũng nói rằng họ thật buồn cho cộng đồng người da đen hiện nay với quá nhiều tệ nạn. Tôi cảm thấy rất mến và thương những người bạn này cùng những câu chuyện họ kể cho tôi nghe về cá nhân về gia đình và cộng đồng của họ.

IV. LÒNG TIN & HY VỌNG

Dù lịch sử đau thương đã mang nhiều hệ lụy cho xã  hội Mỹ. Nước Mỹ đã chưa thể đạt đến công bằng hay hạnh phúc thật sự cho người da màu ở Mỹ nói chung, nhưng tôi tin là nước Mỹ chưa bao giờ quên điều đó. Nước Mỹ luôn tự phát hiện, tự sửa sai để hướng đến một nền văn minh pháp trị

Gần 2 năm nay, tôi đã có nhiều dịp  tham dự các phiên tòa ở Kansas City,  đã chứng kiến nhiều vụ án liên quan đến người da đen hoặc những người không phải da trắng, lòng tin của tôi vào hệ thống pháp luật không ngừng tăng lên.

Hơn 1 năm  vào trường Luật, tiếp xúc với khá nhiều những vụ án đau lòng mang tính lịch sử ở đây. Tôi nhận biết rằng bất công cho người da đen là có thật. Nhưng nước Mỹ, với tinh thần Mỹ, đã không ít người luôn đấu tranh để khắc phục những điều đó.

Việc kỳ thị là có thật nhưng nó sẽ dần giảm đi chính nhờ vào biểu hiện của cộng đồng đó.


Hoang Nguyen gởi