Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
NGỘ ĐẠO VÀ ẤN CHỨNG



Hiện nay có một số nơi thực hiện việc “dạy tu thiền để thành Phật”, rồi cấp một số loại chứng chỉ để chứng nhận người tu đạt được một cấp độ chứng ngộ nào đó hay một số người tin rằng Phật ban cho “Hịch chứng minh Bồ Tát” để xác minh trở thành Bồ Tát. Để hiểu một phần nào đó về sự Chứng Đắc, cũng như sự Ấn Chứng của các vị Thiền sư có thể lần theo một số trường hợp tu hành, ngộ đạo và ấn chứng của các vị Thiền sư nổi tiếng. Một trong những trường hợp được nhiều người biết đến là trường hợp ngộ đạo và ấn chứng của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng.

 
 
Chân dung Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng

Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng (zh. nányuè huáiràng 南嶽懷讓, ja. nangaku ejō), 677-744, là một Thiền sư Trung Quốc, môn đệ được truyền tâm ấn của Lục tổ Huệ Năng và là một trong hai ngọn lửa thiền chiếu sáng rực rỡ đời nhà Đường (ngọn đuốc thứ hai là Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư). Môn đệ lừng danh nối dòng của Thiền sư Nam Nhạc là Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Năm 15 tuổi, Ngài từ biệt người thân, đến chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu, theo Luật sư Hoằng Cảnh xuất gia. Năm Thông Thiên thứ hai, sau khi thọ giới, Ngài tu tập theo luật Tỳ Ni tạng. Một ngày nọ, Ngài tự than thở rằng “Phàm người xuất gia nên thực hành Vô Vi Pháp, trên trời dưới thế không gì bằng”. Lúc đó người bạn đồng tu là Ngài Thản Nhiên biết Ngài có chí khí cao xa nên khuyên Ngài đến yết kiến Quốc sư Huệ An ở Tung Sơn (Quốc sư Huệ An cũng là đệ tử đắc pháp của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn). Quốc sư khai mở cho Ngài, rồi chỉ đến Tào Khê tham yết Lục Tổ Huệ Năng.

Khi Ngài đến Tào Khê tham yết Lục Tổ Huệ Năng, Tổ hỏi : - Ở đâu đến?

Ngài thưa : - Ở Tung Sơn đến.

Tổ hỏi : - Vật gì đến ?

Ngài trả lời không được và ở lại đây tu tập. Sau tám năm tu hành, một hôm Ngài chợt nhận ra và đến trình với Lục Tổ.

Ngài nói : - Con có chỗ lãnh hội.

Tổ hỏi : - Lãnh hội như thế nào ?

Ngài trả lời : - Nói một vật tức chẳng trúng.

Tổ gặn hỏi thêm : - Có thể tu chứng chăng?

Ngài đáp : - TU CHỨNG TỨC CHẲNG KHÔNG, NHIỄM Ô TỨC CHẲNG ĐƯỢC.

Tổ ấn chứng : - CHÍNH CÁI KHÔNG NHIỄM Ô NÀY LÀ CHỖ HỘ NIỆM CỦA CHƯ PHẬT. NGƯƠI ĐÃ NHƯ THẾ, TA CŨNG NHƯ THẾ !

LƯỢC GIẢI

Qua chỗ đối đáp trên người đời khó nhận ra sự chứng ngộ của Ngài Hoài Nhượng và sự Ấn Chứng của Lục Tổ Huệ Năng. Câu hỏi “Ở đâu đến?” và câu trả lời “Ở Tung Sơn đến” thì rất bình thường. Nhưng khi Lục Tổ hỏi “Vật gì đến?” thì thực sự là khó hiểu. Ngài Hoài Nhượng là người đến tại sao Tổ lại hỏi “Vật gì đến?”. Cho nên khi đó Ngài Hoài Nhượng không trả lời được là bình thường và ngay chúng ta bây giờ cũng chẳng trả lời được câu hỏi này, không những không trả lời được mà ngay cả câu hỏi cũng chẳng hiểu luôn.

Đến khi Ngài Hoài Nhượng có chỗ lãnh hội đến thưa thỉnh với Lục Tổ, Ngài trả lời  “Nói giống một vật tức chẳng trúng”. Câu trả lời của Ngài Hoài Nhượng như vậy cũng làm chúng ta chẳng hiểu gì thêm so với lúc Ngài chưa lãnh hội. Rồi Lục Tổ lại gạn hỏi thêm “Có tu chứng chăng?” và Ngài trả lời “Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được” lại càng làm chúng ta chẳng hiểu là Ngài Hoài Nhượng lãnh hội được cái gì ? Thế nhưng với câu trả lời đó thì Lục Tổ nhận ra Ngài thực sự đã có chỗ lãnh hội và chỉ rõ thêm “CHÍNH CÁI KHÔNG NHIỄM Ô NÀY LÀ CHỖ HỘ NIỆM CỦA CHƯ PHẬT”, rời chỗ “KHÔNG NHIỄM Ô” này thì Phật hết là Phật, cho nên Tổ mới nói rằng đó “LÀ CHỖ HỘ NIỆM CỦA CHƯ PHẬT”. Rồi Lục Tổ Ấn chứng cho sự lãnh hội của Ngài qua câu “ÔNG ĐÃ NHƯ THẾ, TA CŨNG NHƯ THẾ”, nghĩa là ông đã thấu được chỗ mà ta cũng đã thấu được, chỗ thấy của ông khế hợp chỗ thấy của ta, không còn cách biệt. ĐÓ LÀ SỰ ẤN CHỨNG VÀ TRUYỀN TÂM ẤN !

Người đứng bên ngoài nghe nói truyền tâm ấn, liền tưởng tượng có cái gì đặc biệt để trao truyền tự khiến không hiểu nổi, từ đó nảy sinh ra những cách truyền lạ lùng bí mật. Không thể dùng bất cứ một hình thức văn bản giấy tờ nào (là cái Hữu Tướng) để xác quyết chứng nhận cho sự chứng ngộ (là cái Vô Tướng). Quả là lầm lẫn ý Tổ, trở thành xuyên tạc và dối gạt lẫn nhau. Trên đây chỉ xem xét trường hợp Ngộ Đạo và Ấn Chứng của Thiền sư Hoài Nhượng. Vô số các trường hợp khác đều có thể thấy sự Ấn Chứng là Vô Tướng (Không có sự Ấn Chứng bằng văn bản, giấy tờ).

“Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô chẳng thể được”, nghĩa là tuy trong ấy nói giống một vật cũng không trúng, không thể so sánh hiểu biết được và cũng không phải là chỗ nói suống trên ngôn ngữ mà đạt được. Muốn thấu đạt CHÂN LÝ người tu PHẢI THẬT TU, THẬT NGỘ, THẬT CHỨNG, như lời của Thiền sư Phật Giám : “Tham thiền phải thật tham, ngộ phải thật ngộ, hãy tham cứu cùng tột suốt đến đáy của Giáo Lý”

NGƯỜI HỌC THIỀN PHẢI CHÍN CHẮN NHẬN RÕ CHỖ NÀY !

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !
NAM MÔ LỊCH ĐẠI TỔ SƯ BỒ TÁT !



Hoang Nguyen gởi