Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
NGƯỢC GIÓ HƯƠNG BAY 


KHÔNG BIẾT TRÊN THẾ GIAN NÀY CÒN CÓ MÙI HƯƠNG NÀO SIÊU VIỆT HƠN HƯƠNG THƠM NƠI THÂN PHẬT, ĐỂ DÙ GIÓ THỔI THẾ NÀO, VẪN NGƯỢC GIÓ HƯƠNG BAY, NGƯỜI XUNG QUANH CŨNG VẪN NGỬI THẤY.

HƯƠNG THƠM ĐẶC BIỆT NƠI THÂN PHẬT, MỘT TRONG NHỮNG QUÝ TƯỚNG CỦA ĐỨC NHƯ LAI. 

Ngài Ananda là thị giả của Đức Phật nên luôn được hầu cận bên cạnh Phật. Những lúc Phật vào trong hương phòng, Ngài thường ở bên ngoài ngay gần đó để nếu có ai đến thăm Phật, Ngài sẽ ra đón tiếp hỏi han, xem như lọc khách trước rồi mới quyết định có nên đưa vào gặp Phật hay không. Lúc Phật đi đâu xa, Ngài cũng là người sắp xếp đồ đạc hành lý mang theo. Ngài là một thị giả hết sức tận tụy, bởi lòng thương kính cũng như sự trung thành của ngài đối với Đức Phật đã đầy ắp và hoàn toàn tuyệt đối.

Vì thường ở gần Phật nên Ngài phát hiện một điều là thân Phật luôn tỏa ra một hương thơm tự nhiên rất lạ. Dù Đức Phật có đi du hành qua nhiều vùng đất, trải qua nhiều ngày không tắm, mùi hương ấy vẫn dìu dịu, không mất. Thời nay, chúng ta có sẵn vòi nước, mỗi ngày đều tắm ít nhất một lần, nhiều khi vào ngày quá nóng ta tắm đến vài ba lần.

Còn vào thời xưa, tìm được một hồ nước để xuống tắm hoặc tắm xong giặt được bộ đồ không phải dễ. Vì lý do này nên người Ấn Độ xưa rất ít tắm, 7 ngày mới tắm một lần là chuyện bình thường. Thậm chí, vì chư tỳ kheo quá đông trong khi hồ nước không phải vô tận nên trong Tăng đoàn đã chế ra luật là các vị phải thay phiên nhau tắm, cứ 15 ngày mới được xuống tắm một lần. Đức Phật cũng ít tắm vì phong tục chung như thế. Nhưng đặc biệt là dù ít tắm mà cơ thể Người vẫn luôn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng, những người ở gần cảm nhận rất rõ. Mùi hương này gần giống như mùi của các loại gỗ quý (gỗ chiên đàn hay gỗ trầm), phảng phất như hương của các loài hoa hay loại rễ cây thơm, chứ không hoàn toàn giống bất cứ mùi hương nào cả.

Có những loại cây thân thơm, hoa thơm, lá thơm mà lại không thơm bằng rễ, lạ như vậy. Nếu chúng ta đào xuống đất và lỡ chặt vào rễ thì lập tức mùi thơm sẽ bừng lên. Mấy mươi năm trước, chúng tôi có quen một anh làm bảo vệ ở chợ, trong những giấc mơ liên tiếp anh cứ thấy Đức Phật Di Lặc xuất hiện. Đến một ngày, trong giấc mơ có người chỉ anh đào nền nhà lên, anh lật đật làm theo, quả nhiên dưới nền nhà có một rễ cây ngoằn nghoèo, cuốc vừa chặt trúng thì mùi hương thơm lừng xông lên khắp nhà. Đó chỉ là phần rễ mọc tự nhiên dưới đất mà không hề ló lên thành một thân cây nào cả. Anh cứ phăng theo cái rễ, tìm thấy phần rễ cuối cùng đang bao quanh một vật gì đó. Gỡ hết rễ ra, anh phát hiện bên trong là bức tượng Phật Di Lặc. Anh liền đem về thờ phụng chu đáo đến bây giờ, bức tượng rất linh thiêng.

Hương thơm của Đức Phật cũng tương tự như thế, mùi thơm ấy gần giống với gỗ chiên đàn, có một chút giống mùi của các loại hoa và tỏa mùi thơm như một loại rễ cây quý hiếm nào đó. Đặc biệt là mỗi lần Đức Phật đi ở đầu gió, đoàn người đi sau đều nghe mùi thơm từ thân Phật thoảng đến rất rõ. Còn nếu gió ở đằng sau thổi tới thì mọi người ít nghe hơn, vì gió đã đưa mùi hương bay về phía trước.

Ngài Ananda thường đi ngay sau Đức Phật, nên mỗi khi gió thổi xuôi hay thổi ngược, Ngài cũng có lúc ngửi được mùi hương, có lúc lại cảm nhận hương thơm rất rõ. Việc này khiến Ngài suy ngẫm rằng là: “Ngay cả mùi hương nơi thân Phật quý như thế, đặc biệt như thế mà cũng có thể bay ngược chiều gió để mọi người luôn ngửi được. Không biết trên thế gian còn có mùi hương nào siêu việt hơn hương thơm nơi thân Phật, để dù gió thổi thế nào, người xung quanh cũng vẫn ngửi thấy?”. Ngài cứ thắc mắc như thế mà không sao giải đáp được, cuối cùng đành đến hỏi Phật.

Ngài Ananda muốn hỏi đến mùi hương vật chất siêu việt nào đó, nhưng Đức Phật lại nói đến mùi hương thuộc về tinh thần. Đó là Giới hương, Đức hương, Định hương, Tuệ hương. Tức là khi một người sống chân chính, hiền thiện, hết lòng giúp người, giữ gìn giới cấm, người đó sẽ được cả trời, người, thánh thần tán thán. Đương nhiên hương thơm này không bị lệ thuộc vào chiều gió, nên dù người đứng ở đâu cũng luôn cảm nhận được rõ ràng. Câu trả lời thật độc đáo, không chỉ giải quyết được thắc mắc của ngài Ananda, mà còn nhắc nhở cho chúng ta về giá trị của đạo đức và sự tu tập tâm linh.

Câu truyện tích đã nhắc đến một quý tướng trong 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật, đó là cơ thể cực kỳ thơm. Không chỉ riêng Đức Phật mà bất cứ ai trên đời cũng vậy, người nào có cơ thể thường tỏa mùi thơm nhè nhẹ cũng chắc chắn là người sang quý. Vì vậy, muốn biết mình có quý tướng về mùi hương hay không chúng ta hãy thử không tắm suốt 7 ngày, nếu những người đứng gần cứ né dần, né dần thì biết là mình chưa có quý tướng. Còn nếu họ không phản ứng gì, coi chừng tướng của ta cũng thuộc loại quý. Thật sự có những người như vậy, nhiều khi vài ngày họ không tắm, đến lúc mang bộ đồ đi giặt vẫn không nghe mùi khó chịu, ngửi lên còn thấy thơm phảng phất. Đây là hạng người có quý tướng.

Ngược lại, không ít người vẻ ngoài rất đẹp, quần áo sang trọng bảnh bao, nhưng chỉ cần ngồi làm việc từ sáng đến trưa là không ai đến gần được nữa, vì mùi cơ thể quá nặng. Đây cũng là một phá tướng, người này phải sám hối rất nhiều...

“Hương các loài hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió bay khắp nơi
Hương của bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”.

(Sưu tầm)

________________


Hoang Nguyen gởi