Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
 
Người Bạn Mỹ Thầm Lặng
 
 
 
DAVID&XUAN-3
 
Bài viết kính gửi đến anh David Lawrence Abbott phu quân của chị Trương Ngọc Bảo Xuân.
Thân gửi đến chị Bảo Xuân người bạn của nhóm Việt Bút với tất cả chân tình và lòng quý mến.
Cầu nguyện cho linh hồn anh được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
 
                                        *********
 
“Y” là  tiếng miền Nam rặt, ít ai dùng. Thay cho tiếng vợ gọi chồng thông thường bằng anh, ảnh, ổng… chị gọi anh bằng “y”. Tôi nghe riết rồi quen cũng gọi anh bằng “y”. Đôi khi đến chơi, tôi nghe chị gọi David bằng “honey” như các cặp vợ chồng Mỹ.

Chị Xuân ít xài phone. Chị có một tổng đài thường trực ở nhà. Mỗi lần tôi gọi chị, David là người bắt phone. Vì anh bệnh, đi đứng khó khăn, chiếc phone bên cạnh giúp anh liên lạc vi xã hội bên ngoài. Chị nói đùa “Để y bắt phone cho có job đỡ buồn”. Nhận ra giọng Annie, nếu chị ở nhà, câu trả lời luôn luôn là tiếng gọi trong trẻo kéo dài quen thuộc khó quên : “X..u..â..n.. ….. Annie calls.” hoặc “ X..u..â..n. You have phone”.

Thỉnh thoảng tôi hay bạn bè Việt Bút có dịp ghé chơi thăm chị, gặp David là hình ảnh anh thầm lặng ngồi trên chiếc ghế to bành trước cái màn hình lớn. Anh xem đủ các loại đài bất kể sáng trưa chiều tối. Đây là thú giải trí duy nhất của anh. Có lần tôi thấy anh trong phòng khách xem một show hài trên tivi và cười một mình, nụ cười hiếm hoi của người phải chiến đấu với cơn bệnh kéo dài. Vì tiếng Mỹ “tiếng có tiếng không” tôi cũng chẳng biết nói  chuyện gì, chẳng lẽ hỏi thăm sức khỏe người bệnh hoài nên sau vài câu xã giao , hai chị em ra vườn ngắm hoa, hái trái, trao đổi cây cảnh, nói chuyện tào lao.

Và anh vẫn ngồi đó, thầm lặng, nét mặt bình thản, đầu hơi nghiêng nghiêng, mắt nhắm nghiền, chị nói “y đang take a nap”. Anh ngủ ngon lành trong tiếng ồn ào của trận bóng chày trên tivi vẫn đang sôi nổi.

Kiên trì. Bền bỉ. Chịu đựng. Bệnh tim và tiểu đường của anh như hàn thử biểu khi trồi khi sụt, khi lên khi xuống. Khi anh khỏe, chị lạc quan nảy ra sáng kiến rủ gia đình đi chơi Arizona tháng 10 cùng với các bạn Việt Bút. Tôi hỏi “Đi nổi không. Bỏ y cho ai?” Chị nói “Được. Sẽ nhờ mấy đứa nhỏ chăm sóc y ít ngày”.  Cũng may chị có cháu gái ở sau nhà chị tiếp tay chị chăm sóc cha khi chị đi vắng. Bất ngờ bệnh anh trở nặng chị phải hủy chuyến đi. Và còn bao nhiêu cuộc hội họp, đàn đúm vui chơi “dã chiến”với bạn Việt Bút chị phải từ chối. Nếu hôm nào lỡ vui với bạn thì mau về sớm, “to go” vài món ưa thích cho người bệnh đang chờ ở nhà.
 
Ai trong Việt Bút đều biết chị có máu văn nghệ. Chị hát tân nhạc, vọng cổ, cải lương rất nghề, đóng tuồng nhập vai, đọc truyện, lồng tiếng với chất giọng miền Nam rõ ràng và truyền cảm. “Tài năng còn nằm trong lá ủ” chưa kịp “Anh hoa phát tiết ra ngoài” thì anh David tỏ ra không hài lòng mỗi khi chị đi tập hát có khi phải về khuya, chị quyết định bỏ luôn niềm đam mê ca hát của mình “để y vui”.

Cùng chủng tộc, ngôn ngữ, nhưng khác sở thích, quan điểm.thì vẫn “đồng sàng dị mộng”. Như truyền thống của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa, bí quyết tạo dựng hạnh phúc gia đình của chị trong cuộc hôn nhân dị chủng này là sự hy sinh. Chị quan niệm phải “hòa” với những cái bất “đồng”. Phải hòa nhập và tôn trọng ý thích của nửa kia “để y vui”. Câu nói này tôi nghe hoài.
Như chị tâm sự, sự hy sinh của chị bắt nguồn từ hai chữ “ơn và nghĩa”.  Sau cái chết đau đớn của ba chị năm Mậu Thân 1968, chị lấy anh David và theo anh qua Mỹ chính thức năm 1970. Năm 1973 hiệp định Paris  ký kết, anh chị về Việt Nam đón được hai đứa em gái qua Mỹ trong đó có Hoàng Thư và Thúy Phương. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, mẹ chị và 4 đứa con leo được lên máy bay. Đại gia đình 11 người kẻ đi trước người đi sau đã đến nước Mỹ an toàn.
 
Hoàng Thư tâm sự với lòng biết ơn “Anh David là người đưa em qua Mỹ”. Dưới mắt của cô bé Thúy Phương khi cha chết lúc mới 3 tuổi, ông anh rể còn là người cha của các em. Anh bao bọc, cưu mang bà mẹ và 6  người em vợ, kẻ đi học, người đi làm đủ nghề kiếm sống tha phương từ Nevada, North Carolina về Cali. Giờ đây, gia đình các em ai cũng êm ấm, đề huề, làm nên sự nghiệp. Bà mẹ già gần trăm tuổi vẫn còn sống hạnh phúc bên cạnh con cháu. Thấu hiểu sâu sắc lòng biết ơn người chồng tử tế, tốt bụng, ch đã sống trọn vẹn nghĩa tình chung thủy với anh David đến cuối đời.

Ngọc Anh post những tấm hình cũ hồi đám cưới chị và anh David, tôi khen y đẹp trai. Chị nói hồi đó y ốm nhom nhưng đẹp trai giống Elvis Presley. Chị tươi tắn ôm hoa cạnh ông chồng Mỹ hải quân cao nhồng nhưng giỏi từ kỹ thuật đến thương mại. Trải qua bao nhiêu năm cùng “tát biển Đông” chị và David từ làm công rồi làm chủ, lên xuống thăng trầm bao phen cho đến ngày anh bị tai nạn mô- tô một chân phải đi khập khiểng rồi về hưu sớm.

Chắc nhóm Việt Bút không ai biết anh David có máu phiêu lưu và mộng hải hồ. Anh chị có 7 năm sống lênh đênh sinh hoạt trong một ngôi nhà là chiếc tàu đầy đủ tiện nghi giống như một chiếc du thuyền nhỏ trên biển. Khi đi làm thì tàu đậu ở bến cảng cho chị lên bờ. Khi về thì chị xuống bến, anh cho tàu nhổ neo đón chị. Biển hay sông thì cũng là hình ảnh đẹp và lãng mạn khi tôi tưởng tượng có những ngày mưa ướt át, anh giơ tay đưa đón chị “Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần. Sợ bến đất lấm gót chân…” (1)

Sau tai nạn phải mổ chân, anh phải từ giã hạnh phúc lênh đênh đưa đón chị đi về và chị Xuân phải lên bờ, quyến luyến “Con Thuyền Tình Ái”. Chị Xuân đã quên hát bài ca tiễn biệt rằng: “Anh ơi Con Thuyền Tình Ái đó chắc không có trên trần gian… Chuyện tình mình không nghe lừa dối. Lời hẹn đầu chưa đi vào tối thì thuyền tình mang tên tình ái đón hai đứa chúng ta mà thôi”.(2)
 
Anh David không còn nữa. Lời tâm sự với chị Phương Lan trong Việt Bút: “Hoa cẩm chướng của tui đã rụng rồi’. Giờ này các bạn Việt Bút đang gửi những lời chia buồn đến chị Xuân trong mail của nhóm và trên Facebook. Annie nghĩ rằng những lời viết về anh chị trong bài này chỉ là những kỷ niệm ngắn ngủi và thoáng qua so với cuộc sống 53 năm thật đủ và đầy ắp những kỷ niệm của anh chị.

Thời gian sẽ phôi pha. Nỗi buồn nào rồi cũng nhạt nhòa nhưng những ngày này trong căn nhà vắng lặng, chiếc ghế bành to trong phòng khách mới mua cho anh chưa kịp ngồi vẫn còn đó, chị phải đối diện với sự cô độc và nỗi cô đơn.

“Đôi khi tôi muốn tin. Đôi khi tôi muốn tin. Có những người, có những người khóc lẻ loi một mình” (3) Chị thường nói chị thích chia sẻ những niềm vui với mọi người nhưng nỗi buồn thì chị giấu kín chịu đựng một mình. Đêm về, chị cứ khóc đi cho khuây khỏa nỗi lòng. Những giọt nước mắt cần thiết để giải tỏa những niềm đau nỗi khổ của chị trong lúc này.
23 tháng 12 năm 2022. Mùa Giáng Sinh ảm đạm và nhiều nước mắt.

Mùa Xuân đang ở phía trước. Mùa Xuân sang năm sẽ không đến với một người.
 
Phùng Annie Kim                                    
Cali ngày 26 tháng 12 năm 2022.
 
____________________________


 
Đỗ Hứng gởi