Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
NGƯỜI KHÔNG TU KHI GIÀ
TRỞ THÀNH " ĐỒ CỔ "
 


Các vị có vào bệnh viện chưa? Chỗ tôi ở sát bên bệnh viện, tôi đã vào nhiều lần thấy nản và có suy nghĩ: bây giờ thay vì đi hành hương Ấn Độ, Miến Điện, người nào lâu lâu tu tập mà thấy mình thiếu Pin, đưa họ vô bệnh viện vài lần trở ra là tắt đèn luôn. Vô đó gặp cảnh mấy cụ 80; 90 tuổi, có cụ ngủ gà ngủ gật cái cổ quẹo qua một bên, nước miếng chảy ròng ròng, mắt lờ đờ, kèm nhèm, ghèn nhớt đổ chảy ra nhìn ớn luôn, có cụ thì lẫn, ngồi nhìn qua cửa sổ cười cười gật gù nói một mình, có cụ ốm nhách xanh lè, tay chân khẳng khiu nằm trên giường thiêm thiếp, cái mền với thân xác không biết cái nào là cái nào, có cụ mập ú ù u, để cho y tá bồng ẵm nặng nề, đụng tới đâu là mặt nhăn tới đó, đau lắm mà không biết đau chỗ nào, 80; 90 tuổi mà không biết đạo, thấy ai vô thăm mừng như con nít, tới giờ họ cho ăn thì ăn đã lắm, ăn xong lau miệng rồi nằm, kế bên là bình nước biển nhỏ tỏn tỏn, có cụ nước vô cũng tỏn tỏn, nước ra cũng tỏn tỏn ống dẫn ra ngoài, nhìn nản muốn chết. Trong khi đó lúc còn trẻ thì cũng bác sĩ, kỹ sư, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, chồng yêu con quí.v..v cuối cùng rồi về già là như vậy, một bình thì chảy vô, ở dưới có một bọc nó chảy ra, các vị có muốn trốn cũng không được, nó cũ xì, mấy chục năm nó phải quá đát, hết hạn chứ. Cho nên biết như vậy mình mới quay về đời sống nội tĩnh, còn không biết đạo thì suốt đời chỉ lăng xăng hướng ngoại, luôn luôn sống trong ý hướng hành động.
 
Chánh Niệm và Tỉnh Giác
 
Thất niệm đây có nghĩa là sống không có tỉnh thức. Chữ "tỉnh thức" cũng hơi mơ hồ. Thường thì chữ "chánh niệm" được định nghĩa là tỉnh thức, nhưng mà thất niệm đây có nghĩa là mình không có biết rõ mình đang hoạt động, đang sống ra sao. Thì đó gọi là thất niệm. Thí dụ như "hít thở trong sự thất niệm" nghĩa là mình không có biết rằng mình đang thở ra, đang thở vào. Nói xa hơn tí nữa là mình không biết rằng mình đang thở ra, thở vào với cái cảm giác gì, với tâm trạng gì. Đó gọi là thất niệm ở trong hơi thở. Thất niệm trong tư thế sinh hoạt nghĩa là mình đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nhai, nuốt, tắm rửa, co duỗi mà mình không biết. Tức là tay làm việc này nhưng cái đầu lại nghĩ chuyện khác. Đó gọi là thất niệm, là không có chánh niệm. Chánh niệm đây có nghĩa là mình làm cái gì mình biết cái nấy một cách cẩn trọng, chính xác và trong sự nhận biết.
 
Chữ sati (pali) tôi thích dịch là "nhận biết" hơn. Chứ còn chữ "tỉnh thức" nghe rất là mơ hồ. "Nhận biết" là luôn luôn có sự nhận biết đầy đủ, chính xác về những gì đang diễn ra trong thân và tâm của mình. Tùy trường hợp. Khi tu tập thọ quán niệm xứ thì mình biết rõ cái cảm giác gì nó đang có mặt ở thân hay là trong tâm của mình. Còn tâm quán niệm xứ thì mình biết rất rõ là mình đang sống trong tâm trạng nào. Tham hay sân hay là bủn xỉn, hay là ganh tị, tật đố, mình biết rất là rõ. Còn thất niệm ở đây là không được như vậy. Có nghĩa là mọi hoạt động của thân và của tâm không được nhận biết một cách chính xác, một cách đầy đủ.
 
Tôi có thể ví dụ như thế này. Quý vị đi cái chân trần, chân không có giày dép, quí vị đi chân trần lên trên một con đường đất, hay trên một bờ cỏ mà mình có lòng nghi ngại không biết có cái gì ở dưới: miểng chai, kẽm gai, hay côn trùng, hay rắn rít gì đó. Thì khi mình đặt cái bàn chân trần của mình lên bờ cỏ đó, mình đặt lên với tất cả sự cẩn trọng như thế nào thì cái chánh niệm mình cũng hiểu nó đại khái như vậy. Có nghĩa là luôn luôn làm việc trong sự nhận biết đầy đủ. Hoặc là trong bóng tối ban đêm mình đưa tay mình mò tìm một cái vật gì đó, mình đưa tay đi trong sự nhận biết, chính xác là mình đang làm cái gì, thì đó gọi là chánh niệm. Thất niệm là thua. Thất niệm coi như là tất cả thiện pháp cuốn theo sự thất niệm ấy. Nhớ cái đó, cái đó rất là quan trọng.
 
Thí dụ như họ nghe chột bụng muốn đi toilet, thì khi mình chột bụng mình biết đây là khổ thọ, lạc thọ mình biết, mình biết mình đang muốn đi toilet và khi mình đang bước đi, mình biết rất rõ là mình đang bước đi.
 
Các vị hỏi tôi: mình muốn đi cầu và mình đang bước đi thì mình niệm cái nào? Trong kinh Tika nói rất rõ, cái gì rõ ràng nhất đối với mình, thì mình ghi nhận mình niệm cái đó. Thí dụ như lúc đó cái cảm giác chột bụng nó mạnh quá thì mình ghi nhận cảm giác đó, lúc đó mình đang tu thọ quán niệm xứ, nếu nó nhẹ nhàng chớm chớm thôi, lúc đó mình thấy bước đi của mình hình như nó nổi bật hơn thì lúc đó mình ghi nhận bước đi, lúc đó mình tu tập thân quán niệm xứ, đi biết là đi, hoặc lúc đó mình đang giận, hoặc đang vui chuyện gì đó thì biết rõ đây là tâm tham, đây là tâm sân, như vậy lúc đó mình đang tu tập tâm quán niệm xứ. Hoặc một cách chuyên nghiệp hơn mình biết đây là Dục triền cái, Sân triền cái, đó chính là pháp quán niệm xứ, đây là Hỷ giác chi, Định giác chi đang có mặt thì đó chính là Pháp quán niệm xứ. Cái gì nổi bật thì ghi nhận cái đó, và hành giả suốt ngày chỉ làm việc ghi nhận thôi, cứ sinh hoạt bình thường. Có nhiều người nghĩ rằng phải lừ đừ, chậm chậm, nhưng mà theo tôi biết là trong chánh kinh, chánh tạng Trường Bộ và Trung Bộ, không hề có chỗ nào nói cái chuyện mà mình phải giảm tốc độ, nhưng trong đó có nói cái này: phải liên tục và thường trực chánh niệm trong từng sinh hoạt lớn bé. Nếu mình thấy nó nhanh quá, thì mình chậm lại, mà chậm lại với tốc độ chấp nhận được, nhìn không có dị. Bởi vì nhanh quá thì dễ phóng dật, mà chậm quá thì dễ thất niệm. Có nghĩa là nó dễ bị xen kẽ bởi một suy nghĩ, phiền não nào đó, cũng kẹt lắm.
 
Cho nên đối với một hành giả Tứ Niệm Xứ là họ chỉ có một việc làm duy nhất đó là quan sát, vẫn sinh hoạt bình thường nhưng luôn luôn trong kiểm soát bằng chánh niệm, cái gì đang diễn ra.
 
Điều thứ 5 này rất khó bỏ là vì người hay có ý hướng ngoại, hành động, lăng xăng, thay vì ngồi biết là ngồi, nằm biết là nằm,  tâm tham biết tâm tham, tâm thiện biết tâm thiện, thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào, đằng này mình lại đi kiếm tìm những cái bên ngoài đề mục của mình, thì cái đó được gọi là sống thiếu nội tĩnh,  sống hướng ngoại.
 
Cái này phải học thuộc lòng, quí vị là con của tôi thì tôi đã xăm cái này lên trán câu này. Đề mục của Tứ Niệm Xứ là cái gì? Dạ thưa, đề mục của Tứ Niệm Xứ là bất cứ cái gì mà anh quan sát nó, anh ghi nhận nó kiểm soát nó bằng chánh niệm, còn cái gì anh theo đuổi nó mà nó không phải bằng chánh niệm thì cái đó gọi là hướng ngoại.
 
Thí dụ như mình đi vệ sinh, mình biết rõ là mình đang đi vệ sinh, chuyện đó nó dơ, mất vệ sinh thiệt, nhưng đó chính là đề mục, và mình hoàn toàn có thể đắc đạo bằng đề mục mà mình đang biết rất rõ làm cái gì.
 
Trong khi mình ngồi trước chánh điện thấy nó linh thiêng như vậy nhưng tâm lăng xăng là không tốt, trong khi đó, người ta đi vệ sinh trong toilet, mà mọi sự diễn ra bằng chánh niệm thì nó tốt hơn là ngồi trong chánh điện mà thất niệm.
 
Câu này tôi biết nhiều người chịu không nổi, nghĩ rằng tu là phải trang nghiêm sạch sẽ mới gọi là tu, còn trong toilet nó không sạch sẽ làm sao mà tu, nhưng thật ra không phải như vậy. Ở đâu có niệm, có tuệ, có thiện pháp thì ở đó là đất Phật, ở đó là linh thiêng. Ở đâu mà có tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi thì ở đó là cõi sa đọa.
 
Trong kinh Tăng Chi Phật dạy: Nơi nào mà có từ, bi, hỷ, xả, thì ở đó là cõi Phạm cung của Phạm thiên, ở đâu có trí sanh diệt, quán vô ngã thì ở đó chính là trụ xứ của thánh nhân, ở đâu mà có thập thiện thì ở đó là trú xứ của nhân thiên, ở đâu mà có tham sân si thì ở đó là địa ngục, là cõi bàng sanh, ngạ quỷ, A tu la, ở đâu có lòng khát khao vật chất thì đó là chốn ngạ quỷ, ở đâu có lòng sân si, tị hiềm, mâu thuẫn, xung đột thì đó chính là cõi A tu la, ở đâu mà tham ăn, tham ngủ, u mê, không phân biệt phải quấy đó chính là cảnh giới bàng sanh, ở đâu mà cắm đầu trong máu lệ, đau khổ, ghen tuông,  sợ hãi, không có lòng tìm ra lối thoát thì đó chính là cõi địa ngục.
 
Nguồn trích từ bài giảng của Sư Giác Nguyên
 
Cúi đầu xin mười phương Phật Pháp Tăng chứng minh cho phần phước này có được xin nguyện sẽ là nhân duyên cho con và tất cả chúng sanh đời đời được sống trong hiểu biết và thương yêu.


usaelection gởi