Người Lính Đại Hàn Ở Saigon
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây là bài viêt mới của cô.
* * *
Hãy Hứa Với Cha (Ode to My Father), là tựa đề của cuốn phim Đại Hàn mà một người bạn đã giới thiệu cho tôi xem, với ghi chú: “Phim này quá hay cho tủ phim gia đình, nhiều điều học hỏi cảm động về nhân sinh, có thể nói thành công nhờ đạo diễn làm truyện phim trở nên phong phú, có đoạn nói về chiến tranh VN cho tới 1975”.
Lời ghi chú tử tế của người bạn giúp tôi có cơ hội xem phim. Kết quả là tôi tốn chắc cỡ nửa hộp khăn giấy Kleenex, và phải ngừng 2 lần, ra sân trước nhổ cỏ dại để dằn bớt xúc động.
Đây là phim lẻ, khoảng 2 tiếng hơn, theo lối nói ngày nay, để phân biệt với phim bộ nhiều tập dài lê thê cò cưa đầu đuôi xuôi ngược để lôi kéo khán giả của các đài truyền hình.
Đạo diễn hay thật. Dàn diễn viên không có mỹ nam -với làn da trắng muốt mịn màng. Mà cũng chẳng cần có mỹ nữmỹ nữ - với tươi sáng, mặt ngọc đẹp hơn hoa. Mọi diễn viên và mọi thứ trong phim đều rất bình thường, như những con người thật ngoài đời, người nam gân guốc, làn da sạm nắng, lỗ chỗ những vết thâm, sẹo, lỗ chân lông nở to, đó là những người đội nắng dầm mưa, gian khổ kiếm miếng ăn.
Cuộc sống cực nhọc mưu sinh giúp mẹ nuôi đàn em đã bị chia cắt người cha, cột trụ gia đình, vì chiến tranh, nên cậu bé đã thay cha mà lớn lên với sức nặng trách nhiệm của cha để lại trên đôi vai từ lúc còn là cậu trai rất nhỏ.
Cũng là một bộ phim dàn dựng để lấy nước mắt khán giả thôi, nhưng sao tôi quá đổi xúc động. Là vì câu chuyện hay, rất hay, hay vì có một đoạn liên quan tới VN nhũng ngày tháng cuối cùng trước khi rơi vào tay cộng sản Bắc Việt tháng tư năm 1975.
Có lẽ cả hai, và thêm lý do khác nữa.
Xem hơn nửa phim mới tới câu chuyện khi hai chàng trai trẻ Nam Hàn, vì nghèo, để kiếm thêm tiền cho gia đình, đã đầu quân vào lính, chiến đấu ở Việt Nam, lương được trả bằng tiền đô la 680 đồng mỗi tháng, so với lương bổng ở Đại Hàn lúc đó, là rất cao.
Tôi coi phim, nhìn khuôn mặt nam diễn viên chánh thấy vài nét quen thuộc, cảm giác như mình vừa tìm lại một điều gì đó, chìm trong quá khứ đã gần nửa thế kỷ.
*
Đó là khoảng thời gian đầu năm 70-71... Gia đình tôi ở cư xá Phú Lâm A, trên đường Lục Tỉnh. Lúc đó khu vực nầy còn nhiều hoang vu, đồng cỏ ao hồ hai bên con đường gần bến xe đò chạy về Hậu Giang lục tỉnh.
Cách cư xá khoảng cây số có một khu vực quân sự dành riêng cho người Mỹ, gọi là đài ra đa Phú Lâm. Tôi chưa bao giờ tới gần chỗ nầy, vì là khu vực cấm và dây kẽm gai dăng ngang cổng. Đôi khi có dịp đi ngang qua, thường chỉ thấy bên trong toàn những người lính Mỹ thường hay cởi trần dang nắng.
Lúc đó tôi còn không biết có người Đại Hàn làm việc trong khu vực đài ra-đa nầy. Cho tới khi má tôi nghe nói có một số lính Mỹ muốn mướn nhà để ở bên ngoài khu vực quân sự, nên má gắn cái bảng nhỏ cho mướn một phòng trong nhà để kiếm thêm tiền nuôi đàn con. Rồi, một ngày, có hai người lính Đại Hàn tìm tới, mướn phòng đang để trống. Họ nói làm việc ở đài ra-đa.
Hai người lính nầy, một còn rất trẻ, trạc độ lớn hơn tôi chắc vài tuổi, còn người lính kia trông có vẻ chững chạc, tôi đoán cũng khoảng trên dưới 40.
Đàn ông người xứ Đại Hàn thời đó có đường nét khuôn mặt không hề lẫn lộn với đàn ông các nước Á Châu khác, như Tàu, Nhựt, hay Phi Luật Tân. Đôi mắt một mí, khuôn mặt hơi vuông có góc cạnh, sóng mũi thẳng không cao lắm, gò má cao, đó là những đường nét rất nam tính chứ không gọt cằm, độn mũi như những mỹ nam trên phim ảnh Hàn bây giờ.
Dỉ nhiên má tôi mới là người nói chuyện (bằng cả tay chân) với hai người lính nầy để cho họ mướn phòng. Hai người họ ở chung với nhau, rất ngăn nắp và sạch sẽ đúng tác phong quân nhân. Họ ít về nhà vào ban đêm.
Thời đó tôi còn ngồi ghế Trung học, rất nhút nhát và hoàn toàn không giao tiếp với họ. Thực sự trong lòng tôi còn có chút ác cảm với những người lính ngoại quốc nầy.
Má tôi một chữ Mỹ cũng không có, nói chuyện với hai người lính Đại Hàn hoàn toàn bằng tiếng Việt, mà không hiểu sao vẫn hiểu nhau, còn tôi thì giữ thái độ xa cách, một lời cũng không nói với các anh, dù lúc đó tôi cũng nghe và hiểu tiếng Mỹ đôi chút nhờ học ở trường.
Thường ngày tôi đi học buổi sáng, buổi tối còn đi học thêm những môn chánh để luyện thi tú tài. Có khi về nhà, bước vô phòng khách nếu nhằm lúc họ đang ở nhà, thế nào cũng thấy má tôi ngồi với người lính trẻ, nói chuyện hai thứ tiếng Việt – Hàn, cười vui rất là tâm đắc. Nhìn hai mái tóc đen bên nhau cứ giống như hai má con. Tôi nghĩ chắc má tôi thương vì anh ấy đi lính xa nhà thiếu tình thương gia đình. Đôi khi má biểu tôi ngồi xuống, rồi cắt nghĩa cho tôi anh chàng lính mắt một mí đang nói gì nữa.
Hôm đó má đem cuốn album hình gia đình cho anh chàng coi, rồi chàng ta móc túi lấy ra mấy tấm hình nhỏ, chỉ cho má tôi coi hình nhà anh, má anh, và có một thiếu nữ mặc đồ y tá, cho biết đó là người em gái của anh. Trong hình cảnh nhà ở đồng quê, có tuyết.
Người lính lớn tuổi có vẻ nghiêm trang ít nói, chỉ chào thôi, nhưng gần như mỗi ngày, khi ông trở về nhà tôi, đều cầm theo khi thì trái bôm đỏ tươi, lúc trái cam thật to, hay một cái bánh gì đó trịnh trọng đặt lên bàn thờ, cúi chào. Má tôi cười nói, ổng chào ba tụi bây.
Họ lễ phép và lịch sự như thế đó.
Hai người lính nầy, tôi chỉ biết một người tên (hay họ?) là Park, còn người trẻ tên là Young, cũng không hiểu là họ hay tên nữa. Vì tôi không hề nói chuyện với họ, nên chỉ biết vậy khi nghe má tôi kêu. Nếu tôi để tâm một chút, tôi đã biết rõ tên các anh, vì họ luôn mặc quân phục có ghi bảng tên.
Một hôm, anh lính trẻ đang ngồi bên má tâm tình, tự nhiên móc túi lấy ra ít tiền đưa cho má tôi, nói cho mấy đứa để mua guốc mới. Má tôi đã dùng số tiền nầy mua ngay cho chị em tôi mỗi đứa một đôi guốc. Dù vậy, tôi vẫn không ưa anh chàng, nhưng mấy đứa em thì rất thích thú được tặng đôi guốc mới.
Khi tôi nấu cơm, nếu hai người lính có mặt ở nhà, thế nào họ cũng ké vài miếng bánh tráng màu đen đen trên nắp nồi cơm, hâm cho ấm trước khi ăn. Về sau tôi mới biết nó là miếng rong biển ép (seaweed).
Rồi một hôm, lúc tôi đang trong bếp, anh lính nhỏ đưa cho tôi cái túi, bảo tôi mở ra xem, đó là chai kem dùng dưỡng da tay, nói tặng tôi.
Tôi nhận, nhưng cũng không biết nói lời cám ơn.
Má kể, má thấy anh chàng thường hay đeo chiếc đồng hồ coi rất đẹp, nên dặn dò khi đi đường hay từ chỗ làm về nhà nên tháo ra cất trong túi, để đừng bị du đảng theo cướp giựt có khi nguy hiểm tánh mạng. Anh chàng đã cười khà, nói, một mình anh ta có thể quật ngã 5 người khác, nếu bị tấn công, vì vậy má cứ an tâm. Lúc đó tôi quá nhút nhát, lại mang thành kiến, cho nên chẳng bao giờ liếc con mắt để ngó xem chiếc áo lính anh chàng mặc mang huy hiệu của binh chủng gì? Mãnh Hổ, Bạch Mã, hay Rồng Xanh, nhưng qua lời kể của má, tôi nghĩ anh chàng rất giỏi võ nghệ.
Dù cho anh có tự hào như vậy, tôi cũng không có cảm giác sợ anh.
Rồi một ngày khác, hôm đó là ngày cuối tuần, nên tôi đi coi hát với nhỏ bạn học, về nhà có hơi trễ. Về tới cổng thì ngạc nhiên quá đổi vì cổng bị khoá không vào được. Tôi phải gỏ, rồi lắc cánh cửa sắt cho má hay mấy đứa em nghe để ra mở cổng cho tôi. Thì thấy anh chàng lửng thửng đi ra, tay cầm chìa khoá, nét mặt hầm hầm, mở khóa cổng cho tôi vô nhà, còn nói một tràng dài nghe rất giận dữ.
Tôi tức giận ứa gan, hỏi má:
- Tại sao nhà mình mà má để người ta khóa cổng không cho con vô nhà?
Thì má tôi cười, nói:
- Nó bồn chồn đi ra đi vô từ chiều, hỏi má con đi đâu sao giờ chưa thấy về nhà, rồi hỏi má chìa khóa khóa cổng lại, nói rằng con gái không được đi chơi về nhà quá trễ.
Mà thật tình tôi cũng đâu có đi về quá khuya, vẫn chưa tới giờ giới nghiêm kia mà !!!
Tôi giận anh chàng hết mấy hôm, càng thêm ghét, cứ đụng mặt là tôi né qua chỗ khác.
Tới một hôm, anh chàng chận tôi lại, mặt đỏ bừng, nói một tràng dài gì đó tôi làm sao mà hiểu? để trao cho tôi một món quà xin lỗi. Cũng lại má tôi thông dịch cho tôi nhận lời làm quen của anh. Từ ngày đó, tôi khó né tránh được những lần anh nhìn tôi đăm đắm, luôn kiếm dịp để làm quen, và nói chuyện, nhưng tôi cứ hững hờ với anh, như người xa lạ.
Rồi một ngày, nhìn anh mệt mỏi trở về sau mấy ngày đi vắng, thấy những đốm vết máu trên áo trận, đôi giầy bùn lầy nhơ nhớp, tôi bắt đầu hơi có chút thương cảm cho anh, một người lính trận ngoại quốc xa quê nhà thăm thẳm đã chiến đấu chung chia xương máu ở đất nước của tôi.
Khi tôi bắt đầu nhìn thấy anh, thì là lúc anh phải trở về quê hương.
Cả hai anh cùng từ giả chúng tôi. Thấy anh buồn lắm, nắm mãi bàn tay của má tôi, còn tôi trốn sau bếp.
Tình cảm chưa kịp nhem nhúm đã phai tàn thật mau. Nhưng khi anh đã đi, tôi không thể nào quên anh, người lính ngoại quốc đã khóa cổng khi tôi đi chơi về trễ, vì lo lắng cho tôi, vì thương yêu một cô gái mỏng manh, luôn nhìn tôi đăm đắm khi tôi quay lưng về phía anh. Người con gái chưa từng nói với anh một lời.
Tôi nhớ và tiếc, phải chi lúc đó mình có cái nhìn cởi mở hơn, gần gũi thiện cảm hơn một chút để hiểu anh, một người lính trẻ rất cô đơn đến từ phương trời xa. Bây giờ phim ảnh Hàn Quốc tràn ngập thị trường, chiếu tự do trên mạng toàn cầu hay mua về xem, xứ sở họ mau chóng tiến bộ trên mọi mặt, vượt xa nước VN đang đắm chìm trong chế độ cộng sản hại dân bán nước, nghĩ mà thẹn với những quốc gia Á Châu bây giờ, sống sung túc tiến bộ trong chế độ tự do, dân chủ.
Lúc đó anh chỉ lớn hơn tôi vài tuổi mà thôi vì anh trông rất trẻ. Tuổi trẻ của anh cũng chung vai với tuổi trẻ của những người lính miền Nam xông pha lửa đạn hiểm nguy, đổ máu mình trên chiến trường VN mà còn bị nghi ngờ xa cách như tôi đã xa cách anh.
Xem phim nầy, tôi nhớ tới anh, và tự nghĩ có phải anh là một trong những chàng trai trẻ thời đó, đã rời xa quê nhà, xa gia đình tới một xứ sở xa lạ để kiếm những đồng tiền giúp cho gia đình như câu chuyện trong phim nầy, hay anh đến xứ sở của chúng tôi vì một lý tưởng cao cả, sát cánh đồng minh trong trận chiến tranh giữa tự do và cộng sản, đổi lấy tiền viện trợ giúp cho xứ sở anh hùng mạnh như ngày nay?
Trong phim có đoạn nói về chiến tranh VN cho tới 1975.
Chỉ là vài thước phim ngắn ở Saigon, năm 71 lúc xẩy ra khủng bố cộng sãn mang bom vào một trung tâm vui chơi, nổ tung, giết chết một ít lính Mỹ và rất nhiều thường dân vô tội ngay tại bùng binh phun nước Saigon. Đó chính là thời gian anh lính Đại Hàn sống ở nhà chúng tôi.
Và cảnh cuối tháng Tư, mấy người lính (Kỹ thuật) Đại Hàn trốn chạy lúc cộng sản tiến vào ngoại ô Saigon và được toán lính Thủy Quân Lục Chiến miền Nam cứu thoát. Sau đó họ đã cứu thoát một số dân Việt trốn chạy cộng sãn.
Tôi nghĩ tới anh, hình dung thời gian các anh đã hòa cùng một nhịp sống lo âu, khắc khoải, mạng sống nguy hiểm từng giờ từng khắc trong trận chiến ở nước tôi, và tôi ân hận lắm, khi nhớ mình đã thờ ơ, xa cách, không hề dành cho anh một chút thiện cảm dù anh đã tỏ ra quan tâm tới tôi rất nhiều..
Bây giờ nếu anh vẫn còn sống đâu đó ở xứ sở, anh cũng đã già đi như chúng tôi, chắc đã con đàn cháu đống, có bao giờ anh nhớ tới cô bé Việt Nam ngày xưa mà anh đã khóa cổng không cho vào nhà, mặc dù đó chính là ngôi nhà của cô bé.
Tình cảm con người ai cũng giống nhau, dù là người phương Tây hay Châu Á.
Tôi đã coi nhiều phim Hàn, nhưng phải cho tới phim Hãy Hứa Với Cha, tôi mới nhìn thấy anh, người lính trẻ Đại Hàn năm nào đã sống trong nhà tôi.
Trương Ngọc Anh
17/03/2017
____________________
usaelection gởi