Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Người muốn bắt “cá anh vũ”
 


 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mấy ngày hôm nay vừa phát đi thông điệp kêu gọi toàn dân “Ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật” trong việc chống lại đại dịch cúm Trung Cộng.    Tôi nom lời kêu gọi này có hơi hướng không khác gì mấy (!) so với “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chí Minh năm xưa. Nhưng thôi, có lẽ lúc nguy cấp này không phải là lúc đi so đo câu chữ các bạn nhỉ !   Vấn đề, theo tôi, nghiêm trọng ở chỗ là liệu lời kêu gọi của thủ tướng có hiệu quả hay không (?) mới là chuyện đáng để bàn.
 
Vâng thưa thủ tướng, Chống dịch như Chống giặc. Tôi hiểu được những nguy nan và áp lực mà chính phủ đang phải đối mặt trước đại dịch khủng khiếp này. Phải nói cho công bằng rằng, tôi đánh giá bản thân thủ tướng và bộ máy chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn để thúc đẩy toàn bộ hệ thống chính trị nhảy vào cuộc chiến chống chọi với thảm hoạ kinh hoàng này. Tôi cũng hiểu chính phủ đang thiếu thốn trăm bề, cần sự chung tay giúp sức của toàn dân. Nhưng thưa thủ tướng, bây giờ không phải là năm 1945, không dễ để kêu gọi người ta dốc cạn giúp chính phủ như ngày xưa đâu !   Nếu thủ tướng không tin, cho phép tôi kể lại cho thủ tướng nghe một câu chuyện từng xảy ra trong gia đình tôi như thế này nhé !
 
Cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây Bắc là một ngã ba sông, nơi con sông Lô đổ vào sông Hồng để chảy về biển. Từ những triều đại phong kiến trước đây, vùng này đã nổi tiếng khắp cả nước vì có một loài cá rất ngon, chuyên dùng để tiến (da^ng) vua.

 
 
Đó là loài cá Anh Vũ, sống trong những hầm đá chìm dưới sông, rất hiếm và khó bắt. Ngay cả người dân địa phương ở đây cũng không mấy ai được nhìn thấy nó. Nhưng câu chuyện này không phải để nói về loài cá Anh Vũ quý giá đó, mà là để kể về một con người đã từng sinh ra ở nơi này. Đó là cụ Nguyễn Hữu Tiệp, cụ thân sinh của bà nội tôi (bà Nguyễn Lân).
 
Cụ Tiệp sinh năm 1879, là một chủ thầu khoán vô cùng giàu có. Từ những năm đầu thế kỷ, cụ đã bắt đầu đi làm cai thầu, xây dựng nhiều đường xá, quốc lộ, đồn bốt, cầu cống quan trọng ở khắp khu vực biên giới Tây Bắc. Tuy công việc gắn bó với chính quyền thực dân Pháp, nhưng cụ Tiệp lại là người có tinh thần dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh, năm 1945 cụ Tiệp đã hiến cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà 93 cân vàng cùng nhiều tài sản khác trong "tuần lễ vàng".
 
Trong các ảnh tư liệu lịch sử để lại, vẫn còn vài bức ảnh cụ Tiệp đứng trên thềm Nhà Hát Lớn cùng với nhà tư sản Hoà Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô), bà Phan Thị Ngọc (mẹ ông Trịnh Văn Bô) và thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây chính là các nhà đại tư sản, đại điền chủ thuộc vào hạng hùng mạnh nhất Việt Nam thời bấy giờ. Họ đã đứng đó, trên bậc thềm Nhà Hát Lớn, không chỉ để góp sức mình vào công cuộc chung, mà còn dùng uy tín của mình để kêu gọi hàng chục ngàn nhà buôn lớn nhỏ khác trên cả nước tham gia ủng hộ cứu đói nhân dân, xây dựng nhà nước Việt Nam mới.
 
Thế nhưng rồi ước mơ xây dựng một nhà nước mới của cụ Tiệp và hàng vạn nhà tư sản, nhà buôn yêu nước khác sớm tắt lụi ! Năm 1953, một người con của cụ là ông Nguyễn Hữu Ngọc, là đại biểu quốc hội khoá 2 bị giết trong cải cách ruộng đất ở Thanh Hoá, vì bị quy là thành phần địa chủ. Mặc dù cụ Tiệp sớm biết chuyện này và can thiệp mạnh, nhưng khi giấy của trung ương về đến nơi thì con cụ đã bị giết rồi !  Tôi từng nghe mấy cụ cao niên trong họ tộc kể lại là hình như tờ giấy đó bị địa phương ỉm đi, vì người ta cần giết cho đủ chỉ tiêu trên giao.
 
Năm 1954, cụ Tiệp buồn bã theo dòng người tản cư bỏ vào Nam, vứt hết mọi gia sản ở lại miền Bắc, và rồi mất ở đó. Cuộc đời cụ Tiệp những năm cuối cùng là sự buồn đau, mất mát và chia ly. Nhưng xem ra số mệnh của cụ còn đỡ thê thảm hơn so với những người như bà Cát Hanh Long (Nguyễn Thị Năm) nhiều lắm !
 
Mãi sau này, con cháu trong dòng họ quyết định mang nắm xương cốt cụ Tiệp từ miền Nam về lại quê hương. Dẫu gì ở đây xóm làng và người dân vẫn còn vô cùng nể trọng cụ.  Đó là do từ ngày xa xưa, cụ Tiệp đã xây không biết bao nhiêu đường xá, trường học, và các công trình phúc lợi cho dân làng ở đây. Trường tiểu học Bạch Hạc hiện nay chính là ngôi trường Pháp văn Đông dương Bạch Hạc, hay còn gọi là “Ecole Cự Tiệp”, do hai cụ Nguyễn Hữu Tiệp và Nguyễn Hữu Cự thành lập từ năm 1913. Bến đá lớn đi xuống nước ngay trước đền Tam Giang ở ngã ba sông Bạch Hạc bây giờ cũng là do cụ Tiệp bỏ tiền của ra xây cất từ năm 1935.
 
Chính ở cái bến đá này, vào năm 1945 người dân làng Bạch Hạc được chứng kiến cảnh tượng cụ Tiệp cho người mở kho vàng, gánh kĩu kịt xuống thuyền nhiều bọc của cải và vàng bạc châu báu, để đưa về xuôi giúp chính phủ ông Hồ Chí Minh cứu đói nhân dân, kiến thiết chế độ mới.
 
Cụ Tiệp giàu lắm, cứ nhìn bản chúc thư phân chia tài sản cho con cháu thì biết. Nhưng những cân vàng nén bạc gửi cho chính phủ ông Hồ Chí Minh là mồ hôi công sức, là kết tinh quá trình lao động của cụ Tiệp trong hàng chục năm bôn ba đi làm cai thầu ở những nơi rừng thiêng nước độc, giáp tới tận biên giới Việt Trung thời Pháp – Thanh. Vì thế những cân vàng hũ bạc ấy nó cũng quý giá chẳng khác gì con cá Anh Vũ dưới sông kia để tiến (da^ng) vua ngày trước đâu !
 
Và rồi còn bao nhiêu ơn nghĩa, ân tình khác lúc khó nguy, những người già cả ở Bạch Hạc này còn nhớ rõ. Từng ấy thứ mà cụ Tiệp vứt bỏ hết để vào Nam thì đủ hiểu câu chuyện hồi ấy cay đắng đến nhường nào !
 
Thưa thủ tướng, đấy chỉ là một câu chuyện nhỏ từng xảy ra trong gia tộc tôi hồi loạn ly đó. Còn bao nhiêu câu chuyện của các gia đình khác, bi thương và tủi cực suốt hàng chục năm trời, trải dài trên nhiều vùng miền khác nhau từ Bắc chí Nam… thủ tướng có biết hay không? Những sự kiện lịch sử như Tuần lễ vàng, Cải cách ruộng đất, Đánh tư sản mại bản, Cải tạo công thương nghiệp, Đổi tiền 1985… chứa đựng quá nhiều câu chuyện đau thương, dân không sao quên được đâu !
 
Tôi nói câu chuyện xưa cũ này không phải là để kể lể, để đòi hỏi lấy lại điều gì !   Nhưng tôi muốn nói để thủ tướng biết một thực tế đau lòng rằng, chế độ CSVN này đã đánh mất điều quý giá nhất mà nó từng có được. Đó là lòng tin của nhân dân.
 
Ngày xưa, không chỉ các nhà tư sản giàu có mới ủng hộ chính phủ, nhân dân người ta còn dám dỡ cả nha` từ đường, cả ban` thờ gia tiên, cả sập gụ tủ chè quý giá … mang ra đường để làm chiến luỹ, để bảo vệ cái chế độ này. Ấy là vì ai ai người ta cũng tin tưởng rằng chế độ mới sẽ đem lại cho con cháu họ một đất nước mới, có độc lập, tự do, hạnh phúc.
 
Ngày nay, riêng cai' chuyện cứ nhìn vào số lượng dân oan đi khiếu kiện khắp nơi vì bị cướp đất, thủ tướng thử nhẩm tính xem còn bao nhiêu dân mình thực sự trông mong vào chính phủ đây ?
 
Tôi như con tằm, rút ruột ra thưa với thủ tướng những lời này, không để trông đợi gì lợi ích cho riêng mình. Tôi biết nếu những lời trên có làm phật ý thủ tướng thì với quyền lực của ông, một cái phẩy tay thôi, là tôi có thể biến mất luôn không dấu tích gì trên cõi đời này. Nhưng tôi vẫn phải nói, vì phận người thì mỏng mà cơ đồ đất nước thì dày, muốn thay đổi gì thì phải mất cả trăm năm mới gặp vận hội. Đây là lúc thiên thời địa lợi nhân hoà để ai đó có quyền lực như thủ tướng có thể xoay vần cái thế đất nước này.
 
Hãy tuyên bố dân chủ hoá đất nước.
Hãy trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Hãy từ bỏ phận chư hầu với kẻ ác ở phương bắc.
 
Ai làm được những điều đó thì muốn kêu gọi gì dân cũng theo. Chết bỏ cũng theo. Còn tôi thì nguyện sẽ nhảy xuống sông sâu kia, để bắt cho được con cá Anh Vũ dâng mừng người anh hùng đó !
 
Mong lắm thay ! (22.3.2020)
 
Nguyễn Lân Thắng
 
 (ngưng trích)
 
Trên đây là bài viết mang tựa đề “Cá Anh Vũ” của ông Nguyễn Lân Thắng, được giới thiệu trên mạng là  “môt người đầy nhiệt huyết đang sống ở Hà-Nội”, và là cháu nội của một nhà giáo nổi tiếng trước kia ở miền Bắc.
 
Bài viết trên đã chứng tỏ tác giả không chỉ “đầy nhiệt huyết” mà còn can đảm vạch ra những tội ác của đảng CSVN với dân với nước qua mấy mươi năm và hỏi “thủ tướng có biết hay không”.
 
Dĩ nhiên là ông Nguyễn Xuân Phúc biết, và ông Nguyễn Lân Thắng cũng biết “ngài” thủ tướng biết, không chỉ biết mà Nguyễn Xuân Phúc còn biết nhiều, biết rõ hơn ai khác vì không người nào trong giới lãnh đạo đảng CSVN mà tay không vấy máu đồng bào, dù họ không trực tiếp phạm tội ác. Họ chỉ ra lệnh giết người hàng loạt, giết chính đồng bào của họ, có khi chính cha mẹ, anh em, họ hàng của họ. Không phải chỉ có vụ “Tuần Lễ vàng”, hay “Cải cách ruộng đất”, hay “Đánh tư sản mại bản”, “Cải tạo công thương nghiệp”, hay vụ “Tết Mậu Thân” ở Huế …mà còn nhiều vụ khác nữa, hay ngay cả giết mà không cần có “vụ” gì cả, chỉ đơn giản chặt đầu, mổ bụng, trói chặt thả trôi sông …
 
Theo ước tính của nhiều sử gia quốc tế khách quan, từ năm 1945 tới năm 1975, không kể những người lính chết trên chiến trường, hơn một triệu thường dân Việt Nam đã bị giết chết, không phải bởi thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ, mà bởi chính những người nhân danh “cách mạng” đánh Tây đuổi Mỹ để giải phóng đất nước và đem lại “độc lập, tự do, hạnh phúc” cho toàn dân theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
 
Cũng vào thời điểm ông Nguyễn Lân Thắng ở Hà-Nội viết bài “Cá Anh Vũ”, tại Sài-Gòn có ông Huỳnh Ngọc Thiên Trường cũng viết một bài vạch trần mặt thật của đảng CSVN cùng cái chế độ chuyên chính do đảng CSVN độc quyền nắm giữ, để đi đến kết luận như sau:
 
 “Chắc các bạn cũng đã nhận thấy rõ, cho đến nay thì cả Đảng CS Việt Nam và Nhà nước CHXHCNVN hiện nay đã hiện nguyên hình là một bọn cướp. Dân oan khắp nơi cùng quẫn đành đổ về Hà Nội và TP.HCM biểu tình, vì bản thân và gia đình họ bị cướp trắng hết đất đai, nhà cửa, nhưng tất cả hành động biểu tình ôn hòa của họ đều bị đám công an côn đồ đàn áp thẳng tay. Người dân làm lụng lam lũ cực khổ để đóng thuế nuôi bọn công an, để rồi đến lượt chúng ra tay giết chính chúng ta một cách tàn nhẫn, dã man như vậy hay sao ?
 
 “Trong hoàn cảnh đó, chỉ có một cách để vươn lên, đó là tuổi trẻ của chúng ta phải dũng cảm đấu tranh, đòi đa nguyên, đa đảng, thực hiện dân chủ hóa xã hội, thì mới hy vọng có một tương lai mới, một mùa Xuân mới đúng nghĩa cho cả dân tộc.
 
 “Đừng thụ động chờ đợi các thế hệ cha anh tiếp tục đấu tranh cho chúng ta nữa ! Họ đã phải hy sinh, mất mát quá nhiều rồi ! Giờ đến lượt tuổi trẻ của chúng ta phải gánh vác trách nhiệm trước dân tộc, trước tương lai của chính chúng ta và các thế hệ con em chúng ta !
 
 “Cuối cùng, mong các bạn hãy cùng nhau phổ biến thông điệp này trên các phương tiện truyền thông, facebook và các mạng xã hội. Hãy gửi luôn cho các đồng chí công an mà các bạn biết, hy vọng thông điệp của chúng ta có thể cảm hóa được họ, từ đó dần đưa đất nước thoát khỏi chế độ độc tài công an trị, vững bước đi lên !
 
 “Tôi công khai tên tuổi, địa chỉ, vì tôi không hèn, không sợ ! Tại sao các bạn lại sợ ?
 
 “Có gì chưa rõ, xin các bạn liên lạc: Huỳnh Ngọc Thiên Trường …” (ngưng trích)
 
Ở cuối bài, tác giả ghi đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, email, FaceBook…
 
Huỳnh Ngọc Thiên Trường sinh tại Miền Nam sau chiến tranh. Ông Nguyễn Luân Thắng sinh năm 1975, hơn ông Huỳnh Ngọc Thiên Trường vài tuổi và cùng có một cái nhìn và suy nghĩ về hiện tình đất nước, muốn dấn thân “làm một cái gì” để cứu nguy dân tộc.
 
Ông Nguyễn Luân Thắng, có lẽ vì đã 45 tuổi, bầu nhiệt huyết đã bớt nóng sau vài lần được làm việc với  Công an Nhân dân về những bài viết thiếu xây dựng, nên tính cũng đã thuần, không dám đấu tranh, dù là đấu tranh bất bạo động, chỉ “như con tằm, rút ruột ra thưa với thủ tướng” để “xin cho” món quà “dân chủ hóa đất nước”, dù biết rằng tự do dân chủ không bao giờ là món quà cho không !
 
Phải chăng vì vậy mà ông Nguyễn Luân Thắng đã bày ra câu chuyện con cá hiếm quý Anh Vũ, và “nguyện sẽ nhảy xuống sông sâu kia, để bắt cho được con cá Anh Vũ” chỉ có trong huyền thoại, hơn nữa ông Thắng không cho biết có làm thợ lặn hay không, tài nghề ra sao, sức khỏe thế nào, có đủ lực để lặn xuống sông sâu hay không (?)
 
Ông Huỳnh Ngọc Thiên Trường, trái lại, còn trẻ và dân miền Nam bản chất hào hùng, “nói là đánh”, nên đã chọn con đường đấu tranh trực diện và kêu gọi giới trẻ đồng trang lứa hãy đứng lên tự cứu mình và cứu dân, cứu nước, đừng hèn, đừng sợ nữa !  “Phải dũng cảm đấu tranh, đòi đa nguyên, đa đảng, thực hiện dân chủ hóa xã hội, thì mới hy vọng có một tương lai mới, một mùa Xuân mới đúng nghĩa cho cả dân tộc”.
 
Ông Huỳnh Ngọc Thiên Trường, có công ty đang làm ăn khá nhưng không sợ bị bắt, bị tù mà còn yêu cầu người nhận được “thông điệp” của ông hãy đưa cho “công an nhân dân” đọc để… chiêu hồi các “đồng chí” trở về với nhân dân, cùng nhau diệt trừ tổ chức Mafia đỏ đội lốt “chính quyền” bất lương.
 
Đây là điều rất quan trọng, vì trong lịch sử loài người từ khi có chủ nghĩa Mác-Lê chưa có cuộc đấu tranh bất bạo động nào của người dân đã thành công mà không có sự tiếp tay góp sức của các phần tử giác ngộ trong tà quyền cộng sản. Thành công “như trong mơ” của các cuộc cách mạng làm sụp đổ hàng loạt chế độ cộng sản tại Đông Âu năm 1989 và làm tan rã đế quốc đỏ Liên-Sô năm 1991 là bài học mà những người yêu nước và dũng cảm đang dấn thân đấu tranh tại Việt Nam không thể quên.
 
Vì thế, câu chuyện về con cá Anh Vũ của ông Nguyễn Luân Thắng chỉ là một chuyện… “Cá Tháng Tư”!
 
 
Ký Thiệt


usaelection gởi