Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 


NGƯỜI THẦY VÀ CHIẾC BÓNG CÔ ĐƠN CUỐI ĐỜI 
 

Ngồi uống trà cùng thầy
 
Tôi không vinh hạnh được Thầy chỉ dạy vì tôi là học trò trường Nữ Trung Học Thành Nội. Duyên tôi biết Thầy qua lần tôi đọc thông tin từ bài viết của một đồng nghiệp đàn anh đăng trên Facebook báo tin Thầy ốm.
 
Lần đầu tiên tiếp xúc với Thầy tôi rất lấy làm lạ vì giọng nói có phần hơi trọ trẹ không phải giọng Huế xưa. Quả thực, qua trò chuyện tôi mới biết được Thầy phải "lưu lạc" khá nhiều nơi rồi mới trở lại định cư lâu dài ở Huế.
 
Thầy tên là Nguyễn Đình Niên, năm nay đã 81 tuổi. Tốt nghiệp ĐHSP Văn năm 1958, Thầy dạy ở nhiều trường khác nhau ở Huế với vai trò giáo sư thỉnh giảng. Năm 1965 Thầy vào Nha Trang giảng dạy tại trường Võ Tánh. Sau 5 năm sống tại Nha Trang Thầy quay về Huế và đừng chân ở ngôi trường Đồng Khánh cho đến tận 1989. 19 năm buồn vui với học trò Đồng Khánh đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời Thầy.

Thầy nói vậy.

Cuộc sống của một nhà giáo như Thầy thật thanh bần. Từ khi trở lại Huế dạy học, Thầy vẫn ở trong ngôi nhà tranh vách đất tại 39 Thanh Lam Bồ-Tây lộc, vẫn sống cuộc đời độc thân nuôi cô em gái tâm thần. Mãi cho đến năm 1992, khi chủ trương xoá nhà tạm bợ trong thành phố Huế của nhà nước ban ra, ngôi nhà tranh vách đất ấy mới được dỡ bỏ và bà con họ hàng góp tay nhau dựng lại cho Thầy ngôi nhà cấp 4 để sống mãi cho tận đến bây chừ.

Năm 1989, từ giã nghề dạy học vì sức khoẻ yếu, Thầy về hưu mà không có chế độ hưu bổng gì. Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn. Đau ốm triền miên. Người Thầy mảnh dẻ như một cánh hạc chiều đông. Biết hoàn cảnh Thầy cô đơn khó khăn, những anh chị học trò năm xưa, nhất là học trò Đồng Khánh thỉnh thoảng vẫn ghé thăm Thầy.

Trong ngôi "nhà cổ" tối tăm thường xuyên đóng kín cửa của Thầy mọi vật đều xưa cổ và cùng có "màu thời gian" như nhau, e là chỉ có chồng sách trên kệ, trên bàn là có giá trị. Hai chiếc bóng cô đơn của hai anh em hình như ít khi rời khỏi chiếc giường. Góc bếp đơn sơ lạnh lẽo thiếu bàn tay người phụ nữ nên buồn tênh! Việc chợ búa thỉnh thoảng phải nhờ hàng xóm mua giúp các nhu yếu phẩm để dành ăn trong vài ngày.

Thường cũng rất đạm bạc. Dáng Thầy run run ngồi dậy khi có khách tới thăm trông thật thương cảm. Có lẽ chính lúc này là Thầy vui nhất vì có người trò chuyện. Câu chuyện của Thầy thường xoay quanh những kỷ niệm khi còn đi dạy học và mối bận tâm lớn về sức khoẻ. Thầy hỏi han tôi về các chứng bệnh đang đeo bám Thầy và những thuốc men Thầy đang uống.
 
Tôi không khỏi lo lắng cho Thầy về những tháng năm sắp tới. Người xưa có câu "Trẻ cậy cha-Già cậy con". Thầy biết dựa vào đâu ở những năm tháng cuối đời khi mà còn cõng trên vai trách nhiệm của một người anh với cô em gái. Nhưng tôi tin Thầy vẫn còn những người học trò năm xưa, những người học trò được hưởng thụ nền giáo dục trước 1975 với đầy đủ tính nhân văn trong cuộc sống.
 
Trò chuyện với Thầy hồi lâu tôi ra về, nhìn dáng Thầy cô đơn liêu xiêu trước nhà đưa tay vẫy lòng tôi bâng khuâng lạ. Tôi hiểu được chữ THANH BẦN của nghề giáo là như thế nào.
 
Dnga
Mùa đông 2016

_______________


Đỗ Hứng gởi