Người Tù Đi Gánh Củi
Hồi ký
1 - Một thời gian tôi từng trở thành một hình ảnh gây ấn tượng trong trí nhớ của nhiều người. Đó là hình ảnh một anh tù ốm yếu gánh một gánh củi hết sức… chất lượng, từ ngoài cổng trại đi vào, trong một ngày cuối năm thật ảm đạm.
Việc một anh tù đi củi thì chẳng có gì đặc biệt hết, ai ở trong tù mà lại chẳng đi lấy củi?
Nhưng đối với gần 400 tù binh trong Trại 4 Ái Tử thuộc Đoàn 76 ngày hôm đó, ngồi trong hội trường nhìn ra thấy tôi gánh một gánh củi thật chất lượng huỳnh huỵch chạy vào cổng trại thì quả là một hình ảnh thật đặc biệt có một không hai.
Vâng. Câu chuyện như sau:
Tôi nhớ đó là một ngày giáp Tết Âm Lịch năm 1977. Đây là năm thứ hai sau khi đám tù chúng tôi được chuyển từ trại Cồn Tiên về trại Ái Tử ở Quảng Trị. Tôi nhớ không lầm thì chỉ còn một tuần nữa là qua năm mới, nhưng ngoài cái không khí se lạnh của Tháng Chạp miền Trung, chúng tôi vẫn chưa thấy cái gì là Tết hết. Chúng tôi vẫn đi lao động như thường lệ.
Và như thường lệ, buổi tối hôm trước, chúng tôi được anh nuôi phát cơm để ngày mai đi lấy củi. Bởi vì rừng ở xa đi cả nửa buổi mới đến nên tù binh nào đi củi phải nhận cơm vào buổi tối để sáng mai đi sớm.
Vào thời điểm những năm 75-78, các trại tù giam giữ các sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa còn do quân đội Cộng Sản quản lý nên việc canh gác có phần lỏng lẻo. Việc đi vào rừng lấy củi thì mạnh anh nào, anh nấy đi chẳng có ai kiểm soát.
Chính vì thế nhân cơ hội này nhiều anh tù bạo gan lẻn về thăm nhà, nhất là những anh có nhà ở khu vực thị trấn Đông Hà cách trại chỉ chừng chục cây số. Củi thì tích trữ từ nhiều ngày trước giấu một chỗ kín đáo hay nhờ bạn bè chặt hộ, buổi chiều trở lại đến chỗ giấu củi, gom lại rồi đàng hoàng gánh về.
Thường đi củi thì gần sáng mới đi, nhưng những anh có mưu đồ lẻn về thăm vợ con thì đi sớm hơn. Nhất là những anh có gia đình ở địa phương Quảng Trị, hay Đông Hà thì đi khoảng 4 giờ sáng. Nhưng những người ở xa hơn, thì ra đi khi trời còn tối mù tối mịt.
Tôi đã nuôi ý định trốn về nhà như đã từng trốn về hai lần rồi. Bởi thế mới có ngày hôm đó. Như tôi đã nói, đúng là một ngày thật xui xẻo. Tôi đi lúc 3 giờ sáng. Đến 4 giờ sáng, thì đột xuất có lệnh từ trên khung, đình chỉ việc đi lấy củi.
Tất cả tù binh phải điểm danh đầy đủ để 7 giờ lên hội trường học tập chính trị cuối năm do cán bộ chính trị viên Đoàn 76 đột xuất xuống dạy. Tất nhiên tôi không hề hay biết chuyện này. Buổi chiều khi gom củi gánh về, vào đến trại mới biết, đúng là mình xui tận mạng.
Kết quả tôi cùng gánh củi bị hai vệ binh áp tải lên gặp chính trị viên và an ninh trại. Người ta kết tội tôi là có mưu đồ trốn trại. Tôi nói tôi không có ý định trốn trại, bằng cớ là tôi trở về trại đúng giờ quy định. Viên an ninh trại nói hai bó củi của tôi có dấu chặt từ nhiều ngày trước chứ không phải dấu mới. Hắn nói:
- Củi này do anh tích lũy từ nhiều ngày trước, mà tích lũy như thế thì tất nhiên phải có ý đồ. Vậy tôi hỏi anh, nếu anh nói anh không có ý đồ trốn trại vậy thì trong ngày hôm nay anh đi đâu và làm gì?
Không còn cách nào khác, cuối cùng tôi phải nói:
- Gần Tết rồi, nhớ vợ con quá nên nhân việc đi củi, tôi tranh thủ… trốn về thăm vài tiếng đồng hồ xong thì quay lại ngay. Chứ thật tâm tôi không có ý định trốn trại.
Viên an ninh đưa tôi tờ giấy nói tôi phải kê khai đầy đủ về nhà lúc mấy giờ, gặp ai, nói chuyện gì… vân vân.
- Anh phải thật thà khai báo. Chúng tôi sẽ kiểm tra để xem anh khai có đúng không.
Ngay tối hôm đó tôi bị cùm tay nhốt trong nhà giam và hân hạnh được nằm chơi xơi nước trong đó đến năm ngày sau mới cho ra.
Về đến lán, tôi đem chuyện này kể lại cho Phát, người bạn thân nằm bên cạnh tôi và than thở.
- Tao lo quá!
- Lo chuyện gì?
- Trong bản kiểm điểm, tao có ghi, hôm đó về nhà lúc mấy giờ, gặp vợ gặp con ra sao. Lỡ tụi nó tìm đến xác minh thì… bỏ mẹ.
- Thì mi khai đúng như vậy thôi việc chi phải lo?
Tôi im lặng không nói.
Không lo sao được, bởi vì ngày hôm đó, thật sự TÔI KHÔNG CÓ TRỐN VỀ NHÀ.
2 -Vậy ngày hôm đó, tôi đi đâu?
Thật sự đây mới là câu chuyện mà tôi muốn kể ra cho các bạn nghe. Một câu chuyện mà tôi không thể giữ mãi được trong lòng. Có cái gì đó cứ thôi thúc một cách âm ỉ và dai dẳng đến với tôi vào mỗi đêm khiến tôi không thể chịu đựng được.
Nó khiến tim tôi phải thắt lại một cách đau đớn và lòng tôi tựa hồ như muốn sôi trào lên trong một cảm giác thật kỳ lạ. Cho đến một hôm không thể kìm hãm được, cuối cùng tôi phải phun ra, dù biết rằng đây quả là một điều nguy hiểm cho tôi.
Một buổi tối sau giờ cơm một lúc, và khi màn đêm lắng xuống êm đềm bên cạnh những người tù đang nằm chờ những giấc mơ.
Tôi bắt đầu kể câu chuyện này với người bạn nằm bên cạnh.
Tôi bước ra khỏi cổng trại lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng. Cuối Tháng Chạp Âm Lịch, gió heo lạnh, một mặt trăng tròn trịa và đỏ sẫm treo lơ lửng trên đầu tôi với một màu sáng âm u kỳ lạ. Bây giờ mới nhớ lại, chứ lúc đó tôi không để ý.
Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến một việc là đi thật lẹ đến bến xe Đông Hà để lên chiếc xe đò sớm nhất về Huế. Tôi đã từng trốn về nhà hai lần theo kiểu này rồi nên đường đi nước bước rất thông thạo.
Trước hết tôi phải đến chỗ giấu hai bó củi của tôi đã chặt từ nhiều ngày trước dưới một cái hố bom để giấu cái đòn xóc, xong ních một bụng cơm độn khoai mì, trong gô mang theo để lấy sức mà đi tiếp.
Từ chỗ giấu củi đi ra đến chỗ mà bọn tù chúng tôi gọi là Ngã 3 Huế khoảng 20 phút. Sau đó chỉ việc đi dọc theo đường rầy xe lửa chừng tiếng đồng hồ nữa là đến Đông Hà. Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió như hai lần trước thì tất nhiên không có chuyện gì phải kể ra.
Trong ánh sáng trăng đỏ lừ tựa như màu máu, tôi tìm đến cái hố bom đường kính chừng 5 mét và cạn chỉ sâu ngang lưng, dưới đó có giấu hai bó củi trong một lùm bụi. Thế rồi bất ngờ, tôi nghe một tiếng nổ dữ dội sát bên tai và tôi té nhào xuống hố bom không hiểu do phản xạ của mình hay chính sức ép của tiếng nổ đó.
Bụi đất bay rào rào xuống đầu cổ tôi kế đó là hàng loạt tiếng súng, tiếng M16 nghe đanh gọn xen lẫn tiếng AK 47 chát chúa, hòa lẫn tiếng nổ bụp bụp quen thuộc của khẩu M79, những âm thanh mà tôi không thể nào quên được trong cuộc đời sáu năm làm lính tác chiến.
Chuyện này nếu xảy ra trước cái năm 1975, thì rõ ràng đây là một cuộc đụng độ giữa lực lượng Cộng Sản Bắc Việt và một đơn vị nào đó của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tiếng chân chạy rầm rập và rồi có ba bốn bóng người từ trên nhảy xuống.
Tiếng súng ngưng bặt. Tôi nghe một người nói, giọng miền Nam: Mày nói thằng Tư cho con cái lục soát phía bên rìa làng chỗ có cái bụi tre lớn, xem còn sót đứa nào không. Xong nói tụi nó đâu nằm yên đó?
Âm thanh sè sè của chiếc máy PRC 25 với cái cần ăng ten cong cong của người âm thoại viên nằm bên cạnh ông ta, nói: Hỏa Long gọi Thanh Long, anh nghe rõ không? Thẩm quyền nói anh cho con cái lục soát cái chỗ bụi tre bên phía rìa làng xong ở đâu thì nằm yên đó. Nghe rõ, trả lời. Tiếng trong máy trả lời: Thanh Long nghe rõ, trình với thẩm quyền chỉ có vài con vịt con lẻ tẻ, tụi nó chạy mất rồi đang cho con cái lục soát đây.
Người vừa ra lệnh, có vẻ là cấp chỉ huy quay đầu lại nhìn tôi. Đó là khuôn mặt phong trần của một người lính miền Nam. Mũ vải đi rừng, bộ đồ Thủy Quân Lục Chiến trên người. Ông ta mỉm cười với tôi thản nhiên tựa như đã từng quen nhau:
- Anh thấy chưa? Chúng tôi vẫn luôn luôn chiến đấu để bảo vệ xóm làng của người dân miền Nam, chống lại bọn giặc Cộng miền Bắc.
Nếu như các bạn là tôi, thì các bạn trả lời sao? Tôi thều thào:
- Nhưng anh ơi, cuộc chiến đã chấm dứt từ Tháng Tư, 1975.
Ông ta chưa kịp trả lời tôi, thì phía bên cạnh ông, người lính âm thoại viên quay qua nhìn tôi, tôi thấy hắn hả miệng ra, sửng sốt:
- Trời đất ơi. Phải Trung Úy L. đó không? Trung úy nhận ra em không?
Tôi nhận ra thằng này ngay, nhờ khuôn mặt bầu bỉnh của hắn. Hắn là thằng mang máy PRC 25 cho tôi cách đây sáu, bảy năm về trước, từ hồi còn ở Trung Đoàn 2 Bộ Binh. Sau đó khi tôi về Trung Đoàn 1 thì đơn vị hắn sáp nhập vào Sư Đoàn 3 BB tân lập. Có điều lạ lùng, tôi nghe tin hắn tử trận trên đường rút quân trong mùa Hè đỏ lửa năm 1972.
Tôi nói như một thằng đang mớ ngủ:
- Phan đó hả? Nhưng tau nghe mi chết rồi?
Hắn trả lời giọng bùi ngùi:
- Thì em chết rồi đó. Bị một trái pháo trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Chết tươi, không kịp ngáp.
Người lính Thủy Quân Lục chiến xốc lại dây ba chạc nằm ngửa lưng dựa vào thành hố bom, ông ta nhìn lên bầu trời lờ đờ một màu trăng đỏ như máu:
- Cuộc chiến ở dương thế chấm dứt từ Tháng Tư, 1975, nhưng ở đây đối với chúng tôi cuộc chiến vẫn tiếp tục. Người dân miền Nam vẫn tiếp tục tin tưởng và trông cậy vào sự bảo vệ của chúng tôi.
Tôi không nghĩ là mình đang nói chuyện với những hồn ma. Tôi nói là tôi không hiểu gì hết. Người lính Thủy Quân Lục Chiến rút trong túi áo một bao thuốc Quân Tiếp Vụ, lấy một điếu gắn trên môi, bật hộp quẹt Zippo kêu tách một cái, châm lửa. Ông ta hít một hơi nhả khói ra, mùi thơm của điếu Rubi Quân Tiếp Vụ thoang thoảng bay trong không khí. Ông ta nói:
- Tôi dính một viên đạn ở đầu khi dẫn toán lính bò vào cổ thành Quảng Trị trong trận đánh cuối cùng. Còn cái thằng đang ngồi ở đầu kia là binh nhất nhảy dù cũng mất mạng dưới cái hào nước.
Thế đấy, ở đây ai cũng là những hồn ma hết. Tất nhiên ngoại trừ anh. Anh thấy được chúng tôi và dự một trận đánh điển hình của chúng tôi, một trong những muôn vàn trận đánh vẫn tiếp tục diễn ra ở đây là nhờ một may mắn kỳ diệu.
Có lẽ anh không biết, cứ một trăm năm là đến một chu kỳ, diễn ra cuộc tiếp xúc giữa hai thế giới âm và dương, Cuộc tiếp xúc này xảy ra ở một số nơi nào đó thì chúng tôi không biết nhưng rõ ràng anh xuất hiện đúng lúc tại nơi này và đúng vào thời điểm thích hợp này.
Thế là anh đến được với chúng tôi. Anh thấy cái màu trăng đỏ sẫm như máu đó không? Đó cái mặt trăng ảo không có thật nó là một hiện tượng xuất hiện vào thời điểm cuộc tiếp xúc giữa hai thế giới.
Khi tôi nhìn bầu trời đêm màu máu này và bất chợt nhìn thấy anh, tôi biết anh là người có cơ duyên gặp gỡ với chúng tôi.
Tôi bắt đầu bình tĩnh trở lại, dù có hơi lo lắng:
- Nhưng cuộc tiếp xúc này kéo dài bao lâu?
- Anh đừng lo. Chỉ kéo dài chừng một tiếng đồng hồ. Nhưng sau đó trong giai đoạn chuyển tiếp từ thế giới này qua thế giới kia phải mất chừng 4 tiếng đồng hồ. Nghĩa là anh bị mê trong khoảng thời gian đó mới tỉnh lại được.
Phen này thì chắc chắn là hết được về thăm nhà. Nhưng không sao, miễn là đủ thời gian để gánh củi về trại kịp giờ là được rồi. Tôi nghĩ theo cách nghĩ an phận của một tên lính tan hàng rã ngũ và trở thành tên tù binh trong một cuộc chiến đã chấm dứt ở thế giới của chúng tôi từ Tháng Tư, 1975.
Nhưng cuộc chiến của những người lính ở thế giới bên kia, thì vẫn tiếp tục.
Một vài loạt đạn M16 vang lên, và một trái hỏa châu nổ bùng lập lòe trên bầu trời, xen lẫn âm thanh phành phạch của chiếc trực thăng đang sà xuống đâu đó. Nước mắt tràn ngập trong mi, tôi quên hết hiện tại, tôi có cảm giác như đang sống lại những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của một người lính năm xưa.
Người lính Thủy Quân Lục Chiến tiếp tục nói giữa khói thuốc bay lơ lửng:
- Đơn vị chúng tôi tập họp từ hồn phách của những người lính thuộc đủ mọi binh chủng, tử trận đâu đó trong địa phương này. Chúng tôi nhận ra nhau nhờ tinh anh của cuộc chiến lý tưởng, sáng ngời, làm ngọn đuốc dẫn chúng tôi đến với nhau.
Chúng tôi chưa tan thành mây khói có lẽ vì chúng tôi vẫn còn mang nặng trong người một món nợ đối với đồng bào miền Nam. Món nợ mà chúng tôi chưa trả được khi còn sống: Đó là bảo vệ đồng bào miền Nam chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản.
- Nhưng còn những người lính bên kia?
- Đám lính đó phần lớn tử trận trong cổ thành Quảng Trị. Hồn phách của họ vẫn chưa tan vì nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất mà tôi biết, là trong ký ức họ vẫn còn bị hằn sâu bởi cái thứ gọi là bạo lực cách mạng của bọn Cộng Sản nhồi nhét vào, từ lúc còn bé tí. Đâu có dễ gì một sớm một chiều mà những nếp hằn đó phẳng phiu trở lại.
Những tên lính Việt Cộng hung bạo này kết bè kết đảng trở thành những hồn ma vất vưởng đi cướp hương khói của những hồn ma vô tội khác, trêu chọc, dọa dẫm những người còn sống và làm nhiều điều ác đức khác như chúng đã từng làm trước kia ở trên dương thế.
Chính vì thế chúng tôi mới ra tay diệt trừ chúng. Một phần nhờ sự bảo vệ chúng tôi mà người dân trong khu kinh tế mới này đã yên tâm làm ăn sinh sống.
Tôi không thể tưởng tượng nổi điều này. Cuộc chiến của người lính Việt Nam Cộng Hòa hóa ra vẫn tiếp tục, dù ở một thế giới khác, và trong một trạng thái khác mà những người còn sống, nói riêng như tôi và nói chung khoảng 400 tù binh đang sống ngoan ngoãn trong Trại 4 Đoàn 76 Ái Tử này, chưa bao giờ biết được.
Tôi thấy một người lính từ trên nhảy xuống đến gần người lính Thủy Quân Lục chiến, nói gì đó với ông ta. Tôi ngạc nhiên khi thấy hắn mặc quần áo bộ đội, mũ tai bèo, tay cầm khẩu AK 47, báng xếp.
- Ủa sao lại có một ông bộ đội này?
- Đúng rồi nó là bộ đội chính cống đấy. Chết trong trận đánh đầu tiên với Tiểu Đoàn 11 nhảy dù ở Ga xe lửa Quảng Trị năm 72. Thằng này trước kia đi theo cái đám Sư 325 chuyên phá phách ở đây. Giờ thì nó hồi chánh theo tụi tui rồi.
Phải gọi đó là một thằng bé mới đúng, hắn có một khuôn mặt non choẹt, nhiều lắm cở 16 tuổi là cùng.
Đặc biệt có một vết sẹo đỏ hỏm chạy từ trên vành tai bên trái kéo xuống tận cằm. Nếu không có vết sẹo đó chắc khuôn mặt hắn trông dễ thương hơn. Tôi hỏi:
- Em tên gì? Sao lại hồi chánh?
- Em tên là Bích. Hồi chánh hả? Em cũng không hiểu nữa, nhưng em tin những người lính Cộng Hòa này đang làm những việc tốt. Họ đang làm nhiệm vụ bảo vệ đồng bào của họ. Nói thật với anh, trước kia khi còn sống em cũng có ý định hồi chánh từ lâu. (thằng bé cười) Nhưng giờ cũng không muộn.
Thời gian trong thế giới này trôi qua có vẻ nhanh hơn tôi tưởng. Màu đỏ của ánh trăng chênh chếch về phía Tây đã bắt đầu nhạt dần giữa một màn sương mỏng bay là là từ cánh rừng phía trước.
Người lính Thủy Quân Lục Chiến nhổm dậy lấy bi đông tu một hơi rồi quay qua nói với người âm thoại viên:
- Mày gọi thằng Tư cho con cái chuẩn bị Zoulu. Lẹ lên kẻo trễ.
Ông ta đưa tay chào tôi, vừa cười vừa nói:
- Rất vui vẻ khi gặp được anh hôm nay. Rất tiếc giờ phút của cuộc tiếp xúc âm dương này đã chấm dứt. Tôi còn phải đi làm nhiệm vụ của mình.
Đó là hình ảnh cuối cùng của những người lính mà tôi được nhìn thấy và mãi mãi chẳng bao giờ gặp lại họ. Họ tan dần theo màn sương như trong một giấc mơ.
***
Tôi bừng mắt dậy thấy mình đang nằm dưới cái hố bom, kề bên đống củi và trong cơn nắng chói chang của buổi trưa. Đầu óc choáng váng và mãi một lúc sau tôi mới nhớ lại những gì mà tôi thấy trong giấc mơ. Tôi không hiểu có phải đó là một giấc mơ hay không, nhưng phảng phất trong không khí, lạ thay dường như tôi vẫn ngửi được cái mùi thơm dìu dịu của khói thuốc Rubi Quân Tiếp Vụ mà anh lính Thủy Quân Lục Chiến vừa hút.
Tôi gom củi lại và gánh về trại giữa những hình ảnh lạ lùng đó vẫn không rời khỏi đầu tôi. Chuyện gì xảy ra đến với tôi, sau đó thì tôi đã kể với các bạn rồi.
Nhưng câu chuyện đến đây chưa phải đã chấm dứt
3 - Đây là một đoạn cuối mà đến bây giờ tôi mới dám tiết lộ.
Ba ngày sau khi tôi kể lại câu chuyện này với Phát, câu chuyện mà sau này tôi biết rằng không phải chỉ có Phát là người duy nhất được nghe. Sáng 30 Tết, tôi được gọi lên Khung nhưng lần này không phải để gặp chính trị viên và an ninh trại. Người gặp tôi là viên trại phó.
Ông ta rót nước trà, mở một phong bánh quy, với một phong cách lịch sự đến nỗi tôi phải ngờ vực. Theo tôi biết, anh trại phó này là một bộ đội phục viên, từng tham gia trận đánh cổ thành Quảng Trị. Tế tên người trại phó, nói:
- Có người báo cáo cho tôi về câu chuyện mà anh kể cách đây ba ngày. Câu chuyện này đối với người khác chắc phải cho đó là câu chuyện nhảm nhí.
Tôi không biết cái thằng ăng ten mất dạy nào đã báo cáo câu chuyện này lên đây. Tôi hồi hộp ngồi chờ thái độ của viên cán bộ trại phó này. Tế nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Nhưng tôi tin anh.
Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì Tế cười, nói tiếp:
- Nghe báo cáo lại thì dĩ nhiên không rõ ràng lắm. Chi bằng chính nghe anh kể thì chắc hay hơn. Vậy anh làm ơn thuật lại cho tôi, những gì xảy ra cho anh dưới cái hố bom, trong đêm hôm đó.
Đằng nào thì cũng chết. Tôi bèn thuật lại một cách chi tiết, thậm chí còn chi tiết hơn lúc nằm kể cho thằng Phát nghe. Kể xong, tôi khoan khoái làm một ngụm trà xanh, cắn một cái bánh quy thật ngon lành và chuẩn bị tư thế bị kéo cổ vào trong nhà “gi” ăn Tết. Nhưng khác với sự chờ đợi của tôi. Viên trại phó ngồi trầm ngâm một chốc rồi hỏi:
- Anh nói người bộ đội mà anh gặp dưới hố bom tên là Bích?
- Vâng.
- Người này có một vết sẹo ở bên má trái.
- Vâng.
Tế rút túi áo ra một tấm ảnh, chìa ra trước mặt tôi.
- Anh nhìn có phải là nó không?
Trời đất, người tôi như nổi gai ốc. Đây chính là Bích thằng bộ đội hồi chánh mà tôi gặp dưới hố bom.
Tế cất tấm hình vào túi áo, châm thêm nước trà, mở thêm phong bánh mời tôi và cũng với phong cách thật từ tốn, hắn nói:
- Bích là em ruột của tôi cùng tham gia trận đánh Quảng Trị năm 1972. Tội nghiệp, thằng bé tử trận lúc còn quá nhỏ. Nó mới 16 tuổi. Chính vì thế tôi hoàn toàn tin câu chuyện của anh. Một câu chuyện nếu đến tai người khác có thể khiến anh bị cùm ít nhất là một tháng. Tôi nói thế chắc anh đã hiểu chứ?
Khi đưa tôi ra cửa, Tế cười, nói vừa đủ cho tôi nghe:
- Ví dụ lần sau anh có cơ duyên gặp lại thằng Bích, anh nói là tôi khen nó có một sự lựa chọn thật đúng đắn. Nói thật với anh, đặt tôi vào trường hợp nó. Tôi cũng làm như nó.
Nguyễn Đình Liên
30/04/2021
usaelection gởi