Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Người vì tự do cứ đi…




Vâng, đó là hoàn cảnh của những “thuyền nhân thời đại”, vì không chịu nổi sự đàn áp và ngược đãi của chế độ cầm quyền, độc tài, độc đảng CSVN. Vào ngày 20 tháng 3, năm 2015, một nhóm gồm 64 người, đã quyết định bỏ nước ra đi, theo bước chân của những người tỵ nạn bằng thuyền năm xưa và đã đến được Úc Châu, một đất nước tự do, từng dang tay đón nhận hàng trăm ngàn người tỵ nạn VN đến định cư tại quốc gia này từ hơn 40 năm qua. Thế nhưng không may, họ trở thành những người “tỵ nạn muộn màng”, vì cánh cửa cùng chính sách định cư tại nước Úc đã thay đổi với sự ra đời của luật “cấm thu nhận thuyền nhân tỵ nạn”, mà hậu quả là toàn bộ 64 người tỵ nạn đã bị Úc trục xuất về VN và bị cầm tù trong nhiều năm!

Theo ông Văn Phạm, Trưởng Ủy Ban Bảo Trợ Người Việt Tỵ Nạn Queensland, Úc Châu cho biết, thì nhà cầm quyền CSVN đã thất hứa với nước Úc là “không truy tố và bỏ tù một ai bị trả về”, nhưng họ đã làm ngược lại. Chính vì thế mà 3 gia đình trong số các thuyền nhân bị trục xuất về VN, sau khi ra khỏi tù, lại chờ cơ hội để tiếp tục cuộc hành trình tìm tự do của họ. Vào ngày 30 tháng Giêng, 2017 cả 3 gia đình xuống thuyền vượt biên lần thứ hai, và sau những ngay lênh đênh trên biển cả, thuyền của họ đã gặp nạn và được hải quân Indonesia cứu vớt, tuy nhiên tất cả đều bị đưa vào trại giam di trú, và cuộc vận động định cư cho họ được khởi đi từ đây.

Trước hết là từ bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhi và bà Shira Sebban, cả hai đều là những thiện nguyện viên ở Úc Châu, thương cảm với hoàn cảnh của những người bị trả về VN trong nỗi oan ức, khổ đau, 2 vị này đã âm thầm liên lạc và gởi tiền bạc về giúp các gia đình thuyền nhân ngay khi họ còn ở trong nước. Và khi họ đến Indonesia thì lập tức BS Ngọc Nhi và bà Sebban đã vội liên lạc với cô Grace Bùi, cũng là một thiện nguyện viên đang giúp đỡ người Việt tỵ nạn ở Thái Lan, và nhờ cô Grace bay sang Indonesia để can thiệp với Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ và tranh đấu cho các thuyền nhân được trả tự do, đồng thời được thụ hưởng quy chế tỵ nạn. Họ đã thành công, vào đầu tháng Giêng, 2018, cả ba gia đình đều được ra khỏi trai giam và được Cao Ủy cấp quy chế tỵ nạn.

Trong lúc đó tại Úc Châu, ông Văn Phạm, phối hợp với BS Bùi Trọng Cường, chủ tịch BCH/Cộng đồng NVTD Queensland, cùng các thành viên của Ủy Ban Bảo Trợ Người Việt Tỵ Nạn Queensland, ráo riết vận động cho họ được nhận vào Úc Châu định cư, nhưng nỗ lực này vẫn gặp phải sự trở ngại về chính sách tỵ nạn khắt khe của nước Úc hiện nay. Vì thế họ đành phải nhờ đến sự tiếp tay của tổ chức VOICE Canada để bảo trợ cả 3 gia đình được định cư tại quốc gia đầy tình nhân đạo này qua chương trình Bảo Trợ Tư Nhân tức “Private Sponsorship”. Sự phối hợp tốt đẹp giữa những người có lòng nói trên, đã dẫn đến kết quả là cả 3 gia đình thuyền nhân ở Indonesia đều được chính phủ Canada phỏng vấn và chấp thuận. Gia đình đầu tiên của bà Nguyễn Thị Phúc, cùng chồng là ông Trần Văn Yên và 3 người con đã đến phi trường Toronto, Canada vào ngày mùng 2 tháng 12, 2021 vừa qua. Họ đã được VOICE Canada cùng các nhà bảo trợ tiếp đón với tình cảm nồng nàn của những người viễn xứ, trong không khí giá lạnh tại thành phố cực Bắc này.
 


Gia đình bà Nguyễn Thị Phúc cùng những người bảo trợ tại phi trường Toronto Canada, ngày 2 tháng 12, 2021

Chúng tôi cũng xin chia sẻ cùng quý vị ở đây rằng, chính phủ Hoa Kỳ đã vừa áp dụng thử nghiệm (pilot program) chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” tương tự như Canada, nhưng tiêu chuẩn đòi hỏi dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy điều kiện vẫn phải có 5 cá nhân ký tên bảo trợ cho một gia đình, nhưng số tiền thế chân chỉ cần 1/4 so với Canada, tức là $2275 US dollars cho mỗi đầu người thay vì $10 ngàn dollars như Canada đòi hỏi. Ngoài ra thời gian trách nhiệm cũng chỉ có 3 tháng thay vì 1 năm như Canada. Càng so sánh chúng ta càng cảm thấy ngưỡng mộ tinh thần phục vụ đồng bào tỵ nạn của VOICE Canada nói riêng và đồng hương người Việt tại quốc gia này nói chung. Vì hiện nay, ngoài Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, thì chỉ có VOICE là tổ chức duy nhất bảo trợ người tỵ nạn VN mà thôi. Hy vọng rằng với cánh cửa đang rộng mở tại Hoa Kỳ, các cá nhân hoặc tổ chức vẫn thường lên tiếng quan tâm đến người tỵ nạn, sẽ đứng ra bảo trợ những người đồng cảnh ngộ được có cơ hội định cư tại đất nước tự do.

Trong cuộc vận động mạnh mẽ của chúng tôi tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào tháng 8 và tháng 9, 2021 vừa qua, để Hoa Kỳ đưa VN trở lại vào danh sách của các quốc gia được quan tâm (special watch list countries) và nhận định cư toàn bộ 1700 người tỵ nạn VN cùng các đồng bào thiểu số gốc Việt đang lánh nạn ở Thái Lan. Phái đoàn gồm có cô Grace Bùi đến từ Bangkok, Thái Lan, cô Bethani Ka, đại diện cho đồng bào Tây Nguyên, từ North Carolina, LS Nguyễn Tiến Đạt, từ Houston, TX và cá nhân tôi. Trong suốt 2 kỳ vận động, phái đoàn chúng tôi đã may mắn tiếp xúc, gặp gỡ với ông giám đốc định cư người tỵ nạn (Office Director Refugee Resettlement) của bộ ngoại giao HK, đặc biệt là bà phu tá thứ trưởng, đặc trách bộ phận tiếp nhận người tỵ nạn (Office of Refugee Admissions). Các viên chức  thuộc văn phòng Lao Động, Dân Chủ, Nhân Quyền (DOS Human Rights, Democracy, Labor Bureau), bộ phận thanh tra về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom). Chúng tôi cũng được quý vị lãnh đạo cao cấp của Sở Di Trú HK tiếp xúc, kể cả bà tân tổng giám đốc vừa được Thượng Viện HK chuẩn thuận. Gặp gỡ 5 vị thượng nghị sĩ và 5 vị dân biểu thuộc lưỡng đảng tại quốc hội Mỹ. Riêng cá nhân tôi đã tiếp xúc trực tiếp với 3 vị dân biểu địa phương để xin họ ủng hộ, đó là các ông Lou Correa, Allan Lowenthal và bà Michelle Steel. Đặc biệt là chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tận tình từ quý vị giám đốc điều hành của các cơ quan thiện nguyện như USCRI, LIRS, USCCB, ICMC v..v... Và quan trọng không kém là buổi họp với các viên chức trách nhiệm về định cư của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tại Hoa Kỳ.

Sau chuyến đi nói trên, chúng tôi cũng đã được các vị lãnh sự trách nhiệm về tỵ nạn thuộc tòa đại sứ Mỹ ở Bangkok, Thailand liên lạc để chia sẻ tin tức về các trường hợp cần được ưu tiên quan tâm. Nhưng tin vui nhất là Cao Ủy Tỵ Nan LHQ tại Thái Lan đã mời một số gia đình tỵ nạn lên phỏng vấn, kể cả các hồ sơ của đồng bào Tây Nguyên. Chúng tôi hy vọng những nỗ lực của tất cả mọi người sẽ đem đến kết quả tốt đẹp cho việc định cư đồng bào tỵ nạn VN tại Thái Lan và Indonesia.

 
Nam Lộc

December 4th, 2021

__________________


usaelection gởi