NHẮC NHỚ VỀ TT NGÔ ĐÌNH DIỆM NHÂN NGÀY HIỆP ĐỊNH PARIS ĐƯỢC KÝ KẾT 20/7/1954
PHẦN I : TỪ NHỎ ĐẾN KHI LÊN LÀM THỦ TƯỚNG(7/7/54)
Nguyễn văn Minh (Anh Vô Vi chia sẻ 20/11/2016)
Thưa quý vị, dưới góc cạnh của một người nghiên cứu lịch sử, chúng tôi xin mạo muội trình bài những sự việc mà trước đây chưa được công bố hay bị các thành kiến che lấp, bị các thế lực ganh ghét nói sai sự thật. Thưa quý vị Ngô Đình Diệm bây giờ đã là con người của lịch sử dân tộc như Nguyễn Thái Học ,Phan Bôi Châu, Phan Châu Trinh. Không có Ngô Đình Diệm, không có Miền Nam với 9 năm thanh bình, thịnh vượng, không ai đủ tài cán nắm được thời thế 1950-1955, và hồ chí minh sẽ không có đối thủ. “Anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng” đều đúng với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Phần trình bày sau đây sẽ nói lên: TÀI ĐỨC KHIÊM TỐN - Ý CHÍ QUYẾT TÂM TRÊN LẬP TRƯỜNG QUỐC GIA CHỐNG CỘNG, CHỐNG THỰC DÂN CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM.
Người ta thường đứng núi này trông núi nọ, được voi đòi tiên. Trong đời sống chánh trị của một nước cũng vậy thôi . Khi sống dưới thể chế của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một số người bất mãn và chỉ trích những nhược điểm và sai lầm của chánh quyền , điều này cũng đúng thôi. Họ mong muốn một chính quyền hữu hiệu và tốt đẹp hơn. Nhưng sau khi Tổng Thống Diệm bị lật đổ và bị ám sát ngày 2-11-1963, xứ sở mất chủ quyền, các chánh quyền kế tiếp bất lực, người ta mới thấy không có lãnh đạo hay chế độ nào hoàn hảo cả. Tổng Thống Diệm và chánh quyền của ông cũng vậy thôi dù có sai lầm và nhược điểm nhưng vẫn KHÁ NHỨT so với các chánh quyền khác tại miền Nam hay chế độ cộng sản ở miền Bắc. Ngay cả những người Mỹ trước kia đả kích và chủ trương lật đổ tổng thống Diệm cũng thay đổi nhận định về ông và chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa. Trước cảnh tượng các tướng cầm quyền chỉ làm tay sai cho ngoại bang hết Pháp đến Hoa Kỳ, với mặt trái của cộng sản Hà Nội và con người cá nhân gian xảo hồ chí minh, hình ảnh Tổng Thống Diệm là con người yêu nước, chống cả cộng sản và thực dân dù Pháp hay Hoa Kỳ, hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền, với nếp sống đạo đức cá nhân, đã trở nên đáng kính hơn bất cứ nhân vật hiện đại nào từ 1945 đến nay.
A - Hổ phụ sinh hổ tử
Trong dân gian thường có câu truyền tụng “Đày vua không Khả, đào mả không Bài”. KHẢ là Ngô Đình Khả, một thượng thư, chống lại việc Pháp bắt đày vua Thành Thái (1907). Bài là Nguyễn Hữu Bài, một thượng thư chống lại việc Khâm sứ Mahet đào mộ vua Tự Đức tìm vàng (1913).
Ông Ngô Đình Diệm là con thứ 3 cuả Ông Ngô Đình Khả, sinh ngày 3-1-1901 tại Huế, học trường Pellerin, trường Hậu Bổ và Sĩ Tử.
Từ 1924 đến 1933: Ông lần lượt được bổ nhiệm: Tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên) - Tri phủ Hải Lăng (Quảng Trị) - Quản Đạo (Phan Rang) - Tuần Vũ (Phan Thiết). Ngày 2-3-1933 làm Thượng Thư Bộ Lại (Nội Vụ) kiêm Tổng Thư Ký Hội Đồng hổn hợp Việt Pháp về canh tân. Nhưng sau vài tháng làm việc, ông thấy dã tâm của Pháp, và sự vô trách nhiệm của vua Bảo Đại, Ông đã từ chức, chấm dứt mọi sự cộng tác với thực dân Pháp.
B - Ngô Đình Diệm: vị quan thanh liêm chánh trực
Từ 1933 đến 1945: Ông không làm gì, chỉ sống rất đơn giản với số tiền dành dụm và với sự giúp đỡ của các anh em, ông đọc sách, trau giồi kiến thức và theo dõi tình thế.
a) Trong thời gian Đệ Nhị thế chiến Pháp nghi ngờ ông liên lạc với Nhựt Bổn, ra lịnh bắt đày đi Lào Xiêng Khoảng, ông trốn vào Phan Thiết rồi phải nhờ một hiến binh Nhựt (là người Việt tên Trần Văn Dĩnh) giúp đỡ bảo vệ.
b) Năm 1945 trên đường về Huế, Ông bị Việt Minh bắt ở Tuy Hoà, rồi đưa đi an trí ở Thái Nguyên. Cùng thời gian đó, Việt Minh bắt người anh cả là Ngô Đình Khôi (và con trai là Huân). Việt Minh đã bắn chết hai cha con và nhà báo Phạm Quỳnh tại kho dầu bỏ trống ở Huế.
Bị phong trào Giáo dân phản đối, lại thấy Ông Ngô Đình Diệm được dân chúng kính nể và cảm phục do lập trường không cộng tác với Pháp và từ bỏ phú quý không chút luyến tiếc; phe cộng Sản lúc này biết mình còn yếu, nên để xoa dịu, hồ chí minh thả tự do cho Ông và còn mời Ông tham gia chính phủ. Ông Ngô Đình Diệm quen biết nhiều chức sắc Thiên Chúa Giáo, họ ủng hộ ông, một phần nhờ uy tín của người anh là Giám mục Ngô Đình Thục (ông Bốn: có 4 bằng tiến sĩ).
C - “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người” (1945-1954)
a) Năm 1945 ông tá túc trong một dòng tu ở Hà nội.
b) Từ 1946 đến 1950 : Ông sống trong vùng Pháp kiểm soát, Ông có qua Hương cảng gặp Bảo Đại đề nghị đòi cho VN độc lập. Bảo Đại mời Ông lập Nội các nhưng ông từ chối. Năm 1948 ông tá túc tại nhà thờ Cha Tam (linh mục Huỳnh Tịnh Hướng, số 25 đường Học Lạc Chợ Lớn).
Ngày 16-6-1949 ông Ngô Đình Diệm cho công bố một bản tuyên ngôn gồm 3 điểm:
- Dân Việt phải có qui chế như Ấn Độ và Hồi Quốc, nghĩa là độc lập.
- Phải thực hiện các cải cách kinh tế và xã hội.
- Các thành phần kháng chiến trừ cộng sản phải được chấp nhận vào chánh phủ.
c) Tháng 8-1950 Ông Ngô Đình Diệm cùng Cha Thục đi La Mã dự năm Thánh. Khi ở Tokyo, Ông Diệm gặp vài người Mỹ như giáo sư Wesley Fishel Đại học Michigan..., Vị giáo sư này giúp ông liên lạc với nhiều người Mỹ sau này.
d) Từ La Mã Ông đi thăm Bỉ, Thụy Sĩ, Pháp, rồi Ông đi Hoa Kỳ và trong thời gian 2 năm ở Mỹ, Ông học hỏi được rất nhiều, trau giồi kiến thức, học anh ngữ, được mời đi diễn thuyết ở nhiều Đại Học, gặp Hồng Y Spellman và nhiều nhân vật chánh trị: Thượng Nghị Sĩ Mainsfield, John F. Kennedy ( sau là TT), Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện W. O.Douglas. Bàn về Miền Nam - Việt nam ông Douglas viết nhiều lời ca tụng ông Diệm như: ”mới 32 tuổi, ông Diệm từ chức Thượng thư bộ Lại phản đối Pháp vì không cho bầu quốc hội cho người Việt giống như Ấn Độ trong Liên Hiệp Anh. Pháp trả đủa bằng cách ép Bảo Đại tước hết phẩm hàm của ông” . Những điều khen ngợi trong sách của ông Douglas, các cuộc tiếp xúc, các buổi diễn thuyết, lập trừơng cứng rắn đòi độc lập của ông Ngô Đình Diệm đã làm cho các chính giới Hoa Kỳ, các học giả nghiên cứu về ĐNÁ lưu ý đến Ông.
Đến tháng 5-1953 Ông Diệm rời Hoa Kỳ đi Pháp rồi sang Thụy Sĩ ngụ ở dòng tu Benedictine. Trước biến cố Điện Biên Phủ 7-5-1954 và Hội Nghị Geneva sắp họp, Ông trở lại Paris, tháng 6-1954 Bảo Đại mời ông làm Thủ Tướng Chính Phủ với toàn quyền về quân sự và dân sự trong một bối cảnh chánh trị thế giới mới, với sự can thiệp của Hoa kỳ vào nội tình Việt nam. Thủ tướng Ngô Đình Diệm đáp máy bay về Saigon ngày 21-6-1954.và chính thức cầm quyền ngày 7-7-1955
D- NGÔ ĐÌNH DIỆM NHÀ CHÍ SĨ TÀI TRÍ, ĐỨC ĐỘ, CHIẾN SĨ CHỐNG CỘNG VÀ THỰC DÂN.
Vì sao Ông Ngô đình Diệm được cử làm thủ tướng?
Có nhiều luận điệu nói về vấn đề ông Bảo Đại chọn Ông Diệm làm thủ tướng. một số người Việt và một số nhà báo, hay tác giả Tây phương cho rằng ông Diệm là người của Hoa kỳ; hay Hồng y Spellman, giới Thiên Chúa Giáo Mỹ, phong trào Cộng Hòa Bình Dân Thiên Chúa Giáo Pháp hợp tác với toà thánh Vatican vận động với chính phủ Mỹ ủng hộ ông Diệm. Ngay cả tài liệu mật của Ngũ Giác Đài cũng không nói đúng về vấn đề này.
Sự kiện lịch sử không xảy đến một cách đơn giản, như quan điểm chủ quan hay hời hợt của một số người, ủng hộ hay chống đối, ưa thích hay ganh ghét ông Diệm.
Không có bằng chứng nào cho thấy các thế lực trên, vận động với chính phủ Mỹ, Pháp, hay Bảo Đại để Ông Diệm làm thủ tướng cả. Tổng Thống Eisenhower và ngoại trưởng John Foster Dulles không đặt vấn đề gì với Pháp hay Bảo Đại về chức vụ THỦ TƯỚNG. Trong khi hội nghị Geneva đang nhóm họp, người Pháp không quan tâm đến việc ai làm thủ tướng, họ thờ ơ với vấn đề này, họ không ưa gì ông Diệm nhưng họ cũng không chống lại việc chọn Ông.
Trước tình thế quân sự, nội trị và đối ngoại năm 1954, có ai chịu ra làm thủ tướng? Pháp bại trận, suy yếu. lãnh thổ quốc gia Việt Nam gồm những vùng Pháp kiểm soát thì mục nát, hỗn loạn và các nơi lâu nay do Việt Minh kiểm soát còn nhiều cán bộ cộng sản nằm vùng. Còn vùng của cộng Sản thì có hệ thống đảng và chính quyền có tổ chức, kỷ luật và trung kiên ... như thế quốc gia Việt nam có thể tồn tại được không? Thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ làm được gì? Hồ chí Minh với nhiều thủ đoạn sẽ thắng cử vào 1956.
Nhiều nhà báo và học giả Tây phương, sau này lên tiếng chỉ trích chánh quyền ông Ngô Đình Diệm, bây giờ phải thừa nhận rằng chẳng có cá nhân, tôn giáo, đảng phái hay chánh phủ nào vận động đưa ông Diệm ra làm thủ tướng cả. Ông Ngô Đình Diệm ra cầm quyền được vì Ông là một người yêu nước, Ông có uy tín vì liêm khiết và trong sạch. Lâu nay ông không bị tai tiếng gì, ông từ quan, không cộng tác với Pháp, cũng không dính líu với Nhựt, dù rằng ông có nhờ Nhựt bảo vệ chống sự truy nã của Pháp. Ông mơ ước đem lại tự do độc lập cho dân tộc. Ông bác bỏ lời mời tham gia chính phủ của Hồ chí Minh. Trong giai đoạn 1949-1953, Ông Diệm có sự khôn ngoan chính trị là 2 lần từ chối lời mời của Bảo Đại ra lập nội các. Nếu ông ra làm thủ tướng lúc bấy giờ, chắc chắn ông bị thất bại vì không có đủ thực lực để chống cả cộng sản lẫn thực dân Pháp. Nhưng khi chính thức cầm quyền (7-7-1955) Ông Ngô Đình Diệm đã nắm được thời cơ, ra cầm quyền đúng lúc, tình hình quốc tế thuận lợi dù còn quá nhiều trở ngại lớn lao.
* Sau đây là một vài tài liệu lịch sử dẫn chứng:
1- Tác giả Denis Warner, người chỉ trích chế độ ông Diệm viết rằng: Bảo Đại dù bị nhiều bạn hữu...phản đối, vì không còn tin vào nhóm thực dân nhơ nhớp ở Sàigon, ông miễn cưỡng phải chọn ông Diệm.
2- Hoa Kỳ không tiến cử ông Diệm, ngoại trưởng Foster Dulles không phản đối, sau này còn có lúc muốn thay thế ông nữa, họ chỉ ủng hộ lại ông Diệm khi thấy ông thành công.
3- Một tác gỉả khác ,Stanley Karnow, trong quyển ”Vietnam, A History”, chống phe quốc gia và ông Diệm đã phát biểu như sau: ”Khi cuộc đàm phán tại Geneva gần kết thúc, Bảo Đại mới ý thức rằng sinh mệnh chính trị của ông treo mỏng manh như sợi tóc, ông ta bèn mời ông Diệm đến. Người ăn chơi và nhà đạo đức không thích hợp nhau, nhưng vẫn có ý dùng nhau. Diệm coi Bảo Đại là con đưòng đưa đến chánh quyền. Còn Bảo Đại nhìn thấy hai cái lợi ở Diệm. Thứ nhứt, ông Ngô Đình Nhu đã thành lập được Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc ở Saigon, một cơ cấu có thể chấp nhận như là một Liên minh Chính Trị, Thứ hai Bảo Đại nghĩ rằng Diệm đã từng ở Hoa Kỳ, sẽ đưa Mỹ vào chính tình Việt nam để thay thế Pháp, nhưng không bằng con đường nhờ Mỹ vận động dùm, Hoa Kỳ lúc ấy vẫn chưa chấp nhận ông Diệm, các nhà ngoại giao Mỹ ở Geneva đã từ chối khéo đề nghị của ông Ngô Đình Luyện”( trang 218).
4- Một người Mỹ gốc Áo, ông Buttinger đã viết nhiều sách Lịch sử về Việt nam, đã từng đến Saigon, từng vận động ủng hộ ông Diệm sau quay lại chống đối. Ông cho rằng ngay cả những người thân Pháp và ghét ông Diệm cũng đồng ý cử ông Diệm làm thủ tướng , kể cả Bảo Đại, nghĩ rằng phần chia cắt phía Nam chẳng còn tinh thần chiến đấu và tồn tại. Trong hoàn cảnh ấy chỉ có kẻ điên khùng mới đứng ra gách vác, và kẻ ấy chắc chắn chuốc lấy thảm bại về chánh trị...” ... ” sự việc còn đấy, những kẻ khởi xướng Việt cũng như Pháp, cũng như Thiên Chúa giáo, cũng như Hoa Kỳ, không ai dọn đường cho ông Diệm lên cầm quyền. Diệm được đặt vào ghế thủ tướng là do những biến cố dồn dập của thời cuộc lúc đó”( trang 385-6).
5- Một trí thức Thiên Chúa Giáo, luật sư Nguyễn Văn Chức đã phân tích và trình bày khá đầy đủ và công tâm về việc ông Diệm được cử làm thủ tướng trong tác phẩm “ Chính sử “ của ông. Ông bác bỏ sự vu khống của Hilaire du Berrier chuyện ông Diệm thề trung thành với Bảo Đại và nhận 1 triệu đồng, ông Diệm chỉ thề trước Thánh Giá là bảo vệ lảnh thổ chống cộng sản và nếu cần chống cả người Pháp nữa.
6- Tài liệu mật Ngũ Giác Đài, ấn bản Gravel, quyển IV, trang 174 cũng sai lầm khi nói Bảo Đại bị Pháp và Mỹ thúc đẩy cử ông Diệm. Tóm lại Bảo Đại cử ông Diệm là do những tính toán chánh trị của ông về thời cuộc, còn ông Diệm nắm được thời cơ ra cầm quyền đúng lúc.
7- Kết Luận:
* Thế kỷ 19 Người Mỹ đến Việt Nam vì ngoại thương. Đệ nhị thế chiến vì chiến tranh với Nhựt, rồi can thiệp vào nội tình Việt nam vì an ninh chiến lược của họ. Trước 1954 các đảng phái quốc gia đều thất bại trong việc giành quyền lãnh đạo dân tộc với Hồ chí Minh.
* Nay đất nước bị chia đôi, miền Nam dưới hình thức “độc lập” nhưng thực chất là của Pháp và Bảo Đại là bù nhìn. Hoa Kỳ cần có một lãnh tụ, có khả năng xây dựng miền Nam thành một tiền đồn chống cộng. Trong khi ấy, ông Ngô Đình Diệm cũng cần sự ủng hộ và viện trợ của Hoa Kỳ mới giành được chủ quyền từ thực dân Pháp. Quyền lợi của Hoa Kỳ, quyền lợi của lãnh tụ quốc gia Ngô Đình Diệm cùng đại đa số đồng bào không muốn sống dưới chế độ cộng sản trùng hợp với nhau nên hai bên cộng tác với nhau, cùng làm đồng minh trong một giai đoạn.
* Kết thúc bài nói chuyện hôm nay xin dẫn chứng lời nói của cựu hoàng Bảo Đại, được ký giả Phan Văn Trường ghi lại lời phỏng vấn đăng trong Tạp chí Phụ nữ Diễn Đàn số 104 tháng 9-1992:
- Hỏi: Tại sao ngài trao quyền cho ông Ngô Đình Diệm để rồi bị ông ấy lật ngài ?
- Bảo Đại: Ông Diệm là người tôi tín nhiệm. Lúc đó thế lực của Pháp đã thất bại. Phía cộng sản đã được Liên xô, Trung Quốc ủng hộ về mọi mặt, nên tôi khuyên ông Diệm tìm sự ủng hộ của Mỹ. Ông Diệm là người yêu nước... "
Trước kia ông Bảo Đại đả kích dữ dội ông Ngô Đình Diệm, nhứt là sau khi bị truất phế năm 1955. Nay, 38 năm sau, ông Bảo Đại bày tỏ sự kính nể đối với ông Diệm. Bảo Đại thừa nhận Ông Diệm là người yêu nước, cố sức giữ vững miền Nam, và chết khi thi hành nhiệm vụ.
Quả vậy, để giữ vững miền Nam chống cộng sản, trước hết ông Ngô Đình Diệm phải dành lại chủ quyền từ tay thực dân Pháp.
Trong sự nghiệp 9 năm phục vụ dân tộc Việt nam, nhiều thành tích lớn lao về nội trị (như cuộc định cư hơn một triệu đồng bào di cư), hệ thống hành chánh, chánh sách kinh tế dinh điền, ấp chiến lược...
Thời gian phán xét công bằng: TổngThống Ngô đình Diệm có nhiều công hơn tội đối với dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam tưởng nhớ và ghi tạc sự đóng góp của Ông trong sự nghiệp đấu tranh cho quyền tự chủ của dân tộc chống cả cộng sản và thực dân trong mọi hình thức. Đời sống của Tổng Thống Ngô Đình Diệm không được lâu dài và ông không được hưởng nhiều lạc thú trên đời, nhưng dân tộc Việt Nam sẽ nhớ lâu dài đến người yêu nước Ngô Đình Diệm. Rồi đây khi đất nước không còn bóng cộng sản, buổi lễ tưởng niệm như hôm nay sẽ được long trọng tổ chức trong toàn quốc, những kỳ đài, những trường học, những đại lộ sẽ mang tên Ông.
Nguyễn văn Minh
Cựu SV ĐHSPSG, ban Sử Địa, khóa 1968-1971 - Cao học Giáo Dục Sử học.
Cử nhân giáo khoa Địa lý, Cao học địa lý ĐHVK SG.
**
Ông Cao Xuân Vỹ kể việc Ông Ngô Đình Nhu bí mật gặp Ông Phạm Hùng ở khu rừng Tánh Linh Bình Tuy
Posted By: Minh Võ on: June 14, 2012
Ô. Cao Xuân Vỹ, TT. Ngô Đình Diệm & Ô. Ngô Đình Nhu
Về Ô. Cao Xuân Vỹ
Như đã hứa, (1) ông Cao Xuân Vỹ, sau ba lần vào cấp cứu và điều trị tại bịnh viện, đã vui lòng dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn để cống hiến bạn đọc một số hồi ức và kỷ niệm của ông trong thời gian đi theo Việt Minh kháng chiến rồi về hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm với tư cách là người phụ tá thân cận của ông Ngô Đình Nhu, bào đệ và là cố vấn chánh trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
1. Hỏi: Thưa ông, nghe nói ông cùng quê Nghệ An với ông Hồ Chí Minh?
Đáp: Phải. Tôi người làng Thịnh Mỹ, phủ Diễn Châu ở về phía biển, còn ông Hồ ở xã Kim Liên huyện Nam Đàn về phía núi.
2. Hỏi: Ông có thể cho biết gia đình ông có liên hệ gì với gia đình ông Hồ không?
Đáp: Tôi được biết ông cố tôi là cụ Cao Xuân Dục, thượng thư bộ học thuộc triều đình Huế có giúp đỡ thân phụ ông Hồ là Nguyễn Sinh Sắc về tài chính và khuyến khích, giúp đỡ ông ấy nhiều trong việc học hành để có thể đi thi và đậu phó bảng. Một phần vì ông Nguyễn Sinh Sắc là bạn học với ông nội tôi là Cao Xuân Tiếu. Đây là hình căn nhà ông nội tôi cho ông cử Sắc. (Ông Vỹ đưa xem hình căn nhà.)
3. Hỏi: Có tài liệu của phía Cộng Sản, như của Sơn Tùng và Nguyễn Đắc Xuân nói, khi thấy ông Nguyễn Sinh Sắc thi hỏng khoa Ất Mùi, (năm 1895), ông Cao Xuân Dục đã giúp cho ông Nguyễn Sinh Sắc được vào Huế, để có phương tiện và đủ sách vở hầu tiếp tục việc học và có thể thành đạt. Điều này có đúng không?
Đáp: Đúng. Ông cố tôi còn can thiệp để cho ông Nguyễn Sinh Sắc, dù không phải là con quan cũng được vào học ở Quốc Tử Giám. Đến khoa thi năm Tân Sửu (1901) chánh chủ khảo Cao Xuân Dục thấy khóa sinh Sắc không trúng tuyển đã cho lệnh xét lại bài thi của 4 thí sinh để rồi xin vua Thành Thái cho ông ta đậu phó bảng. Khóa ấy có 9 tiến sĩ, 13 phó bảng. Ông Sắc đậu phó bảng thứ 11.
4. Hỏi: Hồi còn nhỏ ông có biết về hoạt động của Cộng sản ở quê nhà và có chứng kiến các cuộc nổi dậy của Cộng Sản thường được gọi là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh không?
Đáp: Có. Phong trào này mạnh nhất ở hai huyện Nam Đàn và Thanh Chương. Nhiều người bị chết oan. Cộng Sản đã giết hai tri phủ. Vì thế phản ứng của chánh quyền bảo hộ cũng rất quyết liệt. Pháp đem bom thả cũng giết nhiều người, trong số ấy có cả Cộng Sản lẫn thường dân. Cha tôi có kể lại rằng để đối phó với phong trào này, ông Nguyễn Hữu Bài, thượng thư bộ Lại của Triều Đình Huế, (tương đương với chức thủ tướng thời nay), đã cho áp dụng một kế hoạch chiêu dụ Cộng Sản khá thành công. Lúc ấy ông cố tôi cùng ở trong nội các Nguyễn Hữu Bài.
5. Hỏi: Khi Việt Minh cướp chính quyền ông ở đâu? và có ủng hộ họ không?
Đáp: Lúc ấy tôi đang học ở Hà Nội. Tôi nhớ là mấy tháng trước khi Việt Minh cướp chánh quyền, thanh niên sinh viên Hà Nội chúng tôi rất hăng hái ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, vì là chính phủ của Việt Nam độc lập đầu tiên, dù phải nhờ có người Nhựt lật đổ người Pháp. Nhưng chúng tôi rất phấn khởi và đã ủng hộ hết mình. Tiếc rằng bỗng nhiên chính phủ này từ chức ngày 7 tháng 8 (1945). Thật khó hiểu. Tuy từ chức nhưng chính phủ Trần Trọng Kim vẫn xử lý theo lệnh nhà vua. Khi mà Việt Minh tới trám vào chỗ trống chánh trị này thì chúng tôi đã đi theo Việt Minh. Chúng tôi không biết Việt Minh là Cộng Sản. Thực ra lúc ấy chả mấy người biết Việt Minh là Cộng Sản.
6. Hỏi: Ông có gặp ông Hồ bao giờ không?
Đáp: Có. Hồi ấy tôi ở trong phong trào thanh niên sinh viên tranh đấu. Chúng tôi được hai ông Hoàng Minh Giám và Phan Mỹ giới thiệu để gặp ông Hồ ở Bắc Bộ Phủ. Lúc ấy ông ấy có cái vẻ bề ngoài rất ân cần và dễ mến. Về sau tôi mới hiểu tại sao ông ấy đã chiêu dụ được nhiều người đi theo ủng hộ Việt Minh. Cho đến giờ này tôi vẫn nghĩ ông ta thật là thông minh và xảo quyệt. Lại được tay Võ Nguyên Giáp cũng rất thông minh trợ tá đắc lực. Tôi học với Võ Nguyễn Giáp 4 năm, Tôi biết ông ta rất rõ. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã tỏ ra sắc sảo và quả đoán… Rất “độc tài”. Nhưng dẫu sao Võ nguyên Giáp không thể sánh được với Ngô Đình Nhu. Còn Phạm văn Đồng thì không đáng là học trò Ngô Đình Nhu.
7. Hỏi: Rồi tại sao ông lại bỏ Việt Minh?
Đáp: Vì chúng tôi kết án ông Hồ đã ký thỏa ước mồng 6 tháng 3, nhượng bộ Pháp quá nhiều. Hơn nữa họ đã hãm hại nhiều người yêu nước bất đồng chính kiến. Chúng tôi chạy sang phía Việt Cách của các ông Nguyễn Hải Thần và Nghiêm Kế Tổ…
8. Hỏi: Khi nào thì các ông rời Hà Nội?
Đáp: Liền khi cuộc chiến giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ ngày 19-12-46. Lúc ấy ông Hồ và đại bộ phận Việt Minh chạy lên Việt Bắc kháng chiến. Thì chúng tôi gồm 36 nhà trí thức và thanh niên sinh viên tranh đấu chạy vào khu Tư, gồm Thanh Nghê Tĩnh, để cùng với một số Việt Minh ôn hòa lập một phòng tuyến mới phi Cộng Sản chống thực dân và giúp dân mở mang về kinh tế và văn hóa. Có thể nói Liên Khu Tư lúc ấy như là một khu tự trị.
9. Hỏi: Ông có thể cho biết tên một số trong 36 nhà trí thức mà ông bảo đã rời Hà Nội vào Liên Khu Tư sau kháng chiến bùng nổ không?
Đáp: Tôi còn nhớ chẳng hạn có Luật Sư Trần Chánh Thành, các ông Trần Hữu Dương, Hồ Đắc Điềm, Phạm Thành Vinh, sau này trở thành rể của ông Hồ Đắc Điềm, ông Nguyễn Duy Quang, người của ông Bảo Đại, ông Phan Huy Xương, anh của bác sĩ Phan Huy Đán tức Phan Quang Đán, ông Tôn Thất Trạch v.v… Các ông này về sau đã hợp tác với thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ông Trần Chánh Thành từng là bộ trưởng phủ thủ tướng, với ông Tôn Thất Trạch là đổng lý văn phòng. Ngoài ra, về phía thường dân tôi nhớ còn có bà Hòa Tường là một thương gia giàu có ở phố Hàng Đào cũng đi theo.
Tôi xin nói thêm ông biết điều này, là những vị này và tôi hồi đầu theo Việt Minh. Nhưng tất cả đều không phải Cộng Sản. Và ngay từ 1930 thì đã có hai phe cùng chống Pháp một bên là Đảng Cộng Sản, lúc ấy chưa có Việt Minh. Một bên là các nhân vật và tổ chức quốc gia phi Cộng Sản trong đó ngoài những người như ông Ngô Đình Diệm đã bắt đầu hoạt động từ đó, còn có các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà đảng trưởng là Nguyễn Thái Học và 13 đồng chí đã bị Pháp xử bắn.
Về ông Ngô Đình Nhu
10. Hỏi: Khi nào ông rời Liên Khu Tư vào Sài Gòn và gặp ông Ngô Đình Nhu?
Đáp: Chúng tôi rời Liên Khu Tư ra Hà Nội. Chứ chưa vào Sài Gòn. Lúc ấy là vào khoảng đầu năm 1953. Ông Hồ chí Minh theo lệnh Stalin và Mao Trạch Đông khỉ sự chuẩn bị mở chiến dịch Giảm Tô và cải cách ruộng đất. Có người thân trong Việt Minh cho chúng tôi biết. Nên tìm đường chạy trước. Về sau trong họ tôi có nhiều người có chút tư điền bị đem ra đấu tố. Chị ruột tôi cũng bị giết. Tôi “dinh Tề” qua ngã Phúc Nhạc, Phát Diệm là khu an toàn tự trị dưới quyền trông coi của giám mục Lê Hữu Từ. Khó khăn lắm mới tới được Hà Nội. Hà Nội lúc ấy đang sống an bình dưới chánh quyền Bảo Đại. Tôi đi thoát được là nhờ có người chú họ ở trong tổ chức Việt Minh cấp cho một giấy thông hành. Ở Hà Nội tôi gặp lại các ông Đặng Văn Sung, Phan Huy Quát từng hoạt động chung với chúng tôi thời 1945.
Trong thời gian còn ở Liên Khu Tư chúng tôi nghe biết cán bộ Cộng Sản trong tổ chức Việt Minh chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cán bộ Trung Cộng. Sau khi Mao Trạch Đông chiếm trọn lục địa vào cuối năm 1949, ông ta đã bắt Hồ Chí Minh gửi một số lớn cán bộ Việt Cộng sang Tầu để tẩy não, cải tạo tư tưởng, bắt học tập chủ nghĩa Mao-ít. Vì cái chủ nghĩa này mà các chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đã đẫm máu với những vụ con tố cha, vợ tố chồng và nông dân tàn sát lẫn nhau thật rùng rợn. Làng tôi có ông hàn Lương biết mình sắp bị đưa ra đấu tố đã nhảy xuống giếng tự tử, vậy mà đội cải cách đã lôi xác ông lên để đấu cái thây ma. Chúng đánh nát bấy cái thây ấy. Tôi mong có người thâu thập những tin tức khắp nước về cuộc Cải Cách Ruộng Đất thời gian đó để cho mọi người biết Cộng Sản dã man chừng nào.
11. Hỏi: Khi nào thì ông gặp ông Ngô Đình Nhu?
Đáp: Cuối năm 1953. Tôi vào Sài Gòn thì gặp lại ông Trần Chánh Thành. Ông Thành giới thiệu tôi với ông Nhu. Ông Thành vào Sài Gòn năm 1952 cùng một lượt với phần lớn trong số 36 nhà trí thức đã vào Liên Khu Tư để kháng chiến chống Pháp nhưng bất hợp tác với Việt Minh. Lúc gặp lại tôi thì ông Thành đang làm cho tờ báo Xã Hội của ông Nhu, đồng thời tập sự luật sư với Luật Sư Trương Đình Du…
12. Hỏi: Theo chỗ chúng tôi biết thì ông Ngô Đình Nhu từng có 5 nhiệm vụ quan trọng: một là dân biểu Quốc Hội, hai là Cố Vấn Chánh Trị của Tổng Thống, ba là thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa, bốn là Tổng Bí Thư đảng Cần Lao Nhân Vị, và sau hết vào năm cuối cùng ông còn là chủ tịch ủy ban liên bộ về Ấp Chiến Lược. Vậy ông ấy có một lực lượng nhân sự nào đáng kể để giúp thi hành chừng ấy nhiệm vụ không? Ví dụ ông ấy có mấy văn phòng? Có bao nhiêu nhân viên được ăn lương?
Đáp: Ông ấy chỉ có một mình thiếu tá Phạm Thu Đường làm chánh văn phòng, thường được gọi là chánh văn phòng ông Cố Vấn. Và dưới quyền thiếu tá Đường chỉ có 5 nhân viên, hầu hết tự túc. Không có ngân khoản nào dành cho ông Cố Vấn. Và phải nói thực khó hiểu là chính chức Cố Vấn này cũng chẳng được một văn kiện nào bổ nhiệm hay quy định nhiệm vụ. Thực tế ông Nhu chỉ giúp việc cho riêng ông Diệm với tư cách là phụ tá cho Tổng Thống. Người ta thấy việc ông làm thì gọi ông là Cố Vấn vậy thôi. Vì thế ông không có quyền hạn và nhiệm vụ gì chính thức.
Còn về thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa, thì ông chỉ thị cho chúng tôi, phải tự túc. Mọi đoàn viên đều tự nguyện và tự túc theo tinh thần cách mạng. Cho nên cũng chẳng có quyền lợi gì.
Về văn phòng dân biểu, ông cũng không có. Thực ra ông ấy rất ít đi họp Quốc Hội. Chỉ khi nào có vấn đề chính sách quan trọng như Ấp Chiến Lược chẳng hạn, hay vấn đề “Giáo Dục nhân bản”, vấn đề “kinh tế tư hữu cơ bản” v.v.. thì ông mới tới trình bày mà thôi. Cho nên mọi thứ một mình ông cáng đáng. Tôi thật phục sức làm việc của ông Nhu.
13. Hỏi: Thế còn chức chủ tịch ủy ban liên bộ về Ấp Chiến Lược thì sao? Có văn thư nào qui định không?
Đáp: Chức này thì có. Nhưng cũng chỉ là một thông tư của phủ Tổng Thống gửi đến các bộ, để việc ông chủ tọa các phiên họp Ủy Ban Liên Bộ được danh chính ngôn thuận. Ông Nhu quan niệm chương trình Ấp Chiến Lược là một cuộc cách mạng xã hội và chánh trị, chứ không phải chỉ là một chiến lược để đối phó với sự xâm nhập và khủng bố của Cộng Sản mà thôi. Ông thúc đẩy các tỉnh trưởng khai hóa người dân quê theo tinh thần tam túc, nghĩa là tự túc về tư tưởng, tự túc về tổ chức và tự túc về kỹ thuật, để có thể làm chủ cuộc đời mình, làm chủ được xã hội, không bị lệ thuộc vào bên ngoài, vào ngoại bang. Ông để rất nhiều thì giờ đích thân soạn những bài thuyết trình có tính lý luận cao dành cho các cấp lãnh đạo chính phủ và cán bộ cao cấp, chỉ cho họ cách thức đưa những tư tưởng cao vào đầu óc thường dân qua những hình ảnh và ngôn ngữ bình dân dễ hiểu. Mục đích của ông là tiến dần tới một xã hội có tổ chức cao, có đầy đủ các phương tiện truyền thông, giao tế, kinh tế, văn hóa cao trong đó mỗi con người, “mỗi nhân vị”, đều được quan tâm đồng đều, chứ không biến con người thành những “cái đinh, con ốc” trong một guồng máy xã hội theo kiểu Cộng Sản. Ông tin tưởng rằng phương pháp đó về lâu về dài sẽ làm cho CS phải đầu hàng. Chứ không phải chỉ dựa vào những hàng rào dây kẽm gai. Dĩ nhiên ban đầu thì việc rào ấp là cần thiết để giữ cho Ấp Chiến Lược được an toàn trước sự phá hoại và tấn công của du kích CS. Quốc sách Ấp Chiến Lược mà thành công thì Cộng Sản sẽ thành cá bị tát ra khỏi ao, nằm trên đất.
14. Hỏi: Về đảng Cần Lao Nhân Vị, nó thành hình ra sao, và ai là những đồng chí cốt cán nhất của ông Nhu?
Đáp: Hai người cùng với ông Nhu sáng lập ra đảng Cần Lao Nhân Vị là các ông Trần Quốc Bửu và Huỳnh Hữu Nghĩa. Nhưng ban đầu các ông không gọi tên đảng là Cần Lao mà gọi là đảng Công Nông. Nhưng vì không muốn gợi ý về cái liên minh công nông của Cộng Sản, nên về sau các ông đổi ra là Cần Lao. Còn vế Nhân Vị thì sau nữa mới thêm vào theo đề nghị của ông Nhu. Ông Bửu, chủ tịch Liên Đoàn Lao Công có kinh nghiệm về đấu tranh nghiệp đoàn, đã quen ông Nhu khi còn ở bên Pháp. Và ông Huỳnh Hữu Nghĩa một tín đồ Cao Đài, là cố vấn chính trị của tướng Trình Minh Thế. Ông Nghĩa đã giúp ông Nhu chinh phục được tướng Thế, chứ không phải như có người Mỹ cho rằng ông Nhu có được ông Thế là nhờ đại tá Edward Lansdale. Ông Lansdale có can thiệp để quân của tướng Thế được hợp thức hóa và trả lương như Quân Đội Quốc Gia thì đúng. Người nào bảo Lansdale dùng tiền mua Tướng Thế là cố tình xuyên tạc để hạ uy tín của một vị tướng kiên cường anh dũng, thanh liêm mà anh em ông Diệm rất quý trọng. Khi nghe tin tướng Thế tử trận Tổng Thống Diệm đã ngất xỉu. Điều này tướng Lansdale có ghi trong hồi ký.
Văn phòng Tổng Bí Thư đảng Cần Lao cũng do một mình Thiếu Tá Phạm Thu Đường quán xuyến, kiêm nhiệm.
Inline image
Về TT. Ngô Đình Diệm
15. Hỏi: Ông Ngô Đình Diệm có giữ vai trò gì trong đảng Cần Lao không?
Đáp: Không. Ông ấy hoàn toàn ở ngoài và trên đảng Cần Lao. Với ông Diệm chỉ có Tổ Quốc và Quốc Dân. Tôi còn nhớ khoảng năm 1956, Tổng Thống gọi tôi vào bảo tôi lên cao nguyên đèo heo hút gió để quan sát nghiên cứu tìm ra những địa điểm thích hợp để lập các khu dinh điền, hòng đưa người kinh lên trấn giữ địa điểm mà ông bảo là vô cùng quan trọng về mặt chiến lước. Tôi thấy mình đi thì ông Nhu thiếu một trợ lý. Lại cũng hơi ngán cảnh cô đơn ở nơi xa lạ. Tôi bèn thưa với Tổng Thống: Công tác đoàn thể của ông Cố Vấn đang thiếu người. Tổng Thống nói: Đoàn thể gì. Dẹp. Tuy nhiên rồi ông cũng xoa dịu, cứ đi đi. Thỉnh thoảng tôi sẽ lên với anh… Cũng cần thêm rằng ông Diệm rất quan tâm đến vùng cao nguyên. Ông thường nói: giữ được cao nguyên thì giữ được miền Nam. Và ông tìm cách đưa nhiều cán bộ và những người dân có kinh nghiệm với Cộng Sản lên đó lập nghiệp.
16. Hỏi: Ông nghĩ gì về việc chánh phủ Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý truất phế ông Bảo Đại?
Đáp: Nhiều người chê ông Diệm, là nhà Nho mà bất trung, không giữ lời thề trung thành với cựu hoàng. Nhưng tôi thấy không đúng. Trước hết chính cựu hoàng bảo ông Diệm chỉ thề trước Thánh Giá trung thành với Tổ Quốc. Thứ nữa, khi cựu hoàng triệu ông sang Pháp, ông Diệm đã sẵn sàng lên đường, dù biết sang đó sẽ mất chức thủ tướng.
Nhưng chính nhóm liên khu Tư chúng tôi đã thuyết phục ông, gần như làm áp lực với ông, để ông bỏ ý định sang Cannes . Chúng tôi xúm vào yêu cầu ông ở lại lấy cớ tình hình không cho phép vắng mặt. Chúng tôi phải nói với thủ tướng rằng nếu Cụ bỏ chúng tôi lại mà đi một mình thì sinh mệnh chúng tôi ai sẽ lo? Chúng tôi đã bỏ tất cả vào đây là vì cụ, vì tin cụ sẽ bảo vệ phần đất tự do còn lại này, bảo vệ chúng tôi. Nay cụ nỡ lòng nào bỏ chúng tôi, bỏ đất nước này cho Thực dân, Cộng Sản? Rồi nhiều đoàn thể họp nhau lại đặt ông Diệm trước sự việc đã rồi là tự ý hạ bệ ông Bảo Đại. Cuộc trưng cầu dân ý của chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức sau đó chỉ là để hợp pháp hóa hành động của chúng tôi.
17. Hỏi: Có sử gia Mỹ bảo ngày 22 tháng 8 năm 1963, Thanh Niên Cộng Hòa đã tấn công chùa Xá Lợi cùng với Cảnh Sát và Lực Lượng Đặc Biệt. Điều này có đúng không?
Đáp: Hoàn toàn bịa đặt. Tổ chức này không phải để dùng vào những việc như vậy. Nó là tổ chức phi vũ trang mà.
18. Hỏi: Sử gia Mark Mayor viết trong tác phẩm Triumph Forsaken rằng gần ngày đảo chánh, tỉnh trưởng Định Tường báo cáo với ông Nhu rằng đại tá Có là phụ tá của tướng Đính rủ ông ta làm đảo chánh. Ông Nhu hỏi lại tướng Đính, thì tướng Đính xin đi chém đầu Có. Ông có biết vụ này không?
Đáp: Không cần tỉnh trưởng Định Tường báo cáo thì ông Nhu đã biết rồi. Nhưng ông muốn cứ để vậy để theo dõi.
19. Hỏi: Khi ông cùng ông Nhu đi gặp Phạm Hùng ở Bình Tuy, ông Nhu có cho ông biết hai người họ bàn chuyện gì không?
Đáp: Lúc ấy thì không. Chỉ biết chúng tôi cùng đến Quận Tánh Linh ở đây có một vùng do Cộng quân kiểm soát. Ban đầu cứ tưởng đi săn cọp như mọi khi. Nhưng đến nơi ông Nhu bảo chúng tôi ở ngoài, còn ông đi về phía trước độ vài trăm mét. Có Phạm Hùng chờ ở đó. Sau này về nhà tôi cũng không tiện hỏi ông Nhu. Nhưng qua những gì ông tự ý nói ra vào một lúc nào đó thì, nội dung câu chuyện trên một tiếng đồng hồ, gồm nhiều điều cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Có một điều mà phía họ rất lo ngại, nếu không bảo là sợ, rất sợ chương trình Ấp Chiến Lược. Họ yêu cầu cho biết ai là người chủ trương và mục đích để làm gì? Ông Nhu trả lời: đó chỉ là một chủ trương của chính phủ nhằm bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, ngăn ngừa sự xâm nhập, phá phách của du kích các ông… Các ông bảo cán bộ đừng tìm cách đánh phá làng xã, thì chúng tôi sẽ bỏ luật 10/59. Cán bộ các ông có thể về sống với dân lành tại các ấp…
Về các điều kiện để hiệp thương thì nhiều lần Tổng Thống Diệm đã nói, phải có 6 giai đoạn:
– Bắt đầu bằng việc cho dân hai miền trao đổi thư tín tự do.
– Rồi cho dân qua lại tự do
– Thứ 3 là cho dân hai bên được tự do chọn đinh cư sang bên kia nếu muốn
– Thứ 4 mới đến giai đoạn trao đổi kinh tế. Ví dụ miền Nam đổi gạo lấy than đá của miền Bắc chẳng hạn.
– Qua được các giai đoạn đó rồi mới tiến tới hiệp thương.
– Và sau cùng là tổng tuyển cử.
Có lần ông Nhu tính với chúng tôi: Ông dự đoán rằng, nếu cho dân tự do chọn nơi định cư, thì căn cứ theo tình trạng về tự do dân chủ tồi tệ và kinh tế kiệt quệ của miền Bắc lúc ấy, sẽ có khoảng 3 triệu người dân sẽ dần dần vào định cư ở miền Nam. Vì vậy “mình” phải chuẩn bị đất cho dân. Ông cũng tính rằng hiện dân số miền Bắc có tới 23 triệu, trong khi dân số miền Nam chỉ có 17 triệu. Nếu có được 3 triệu dân Bắc vào định cư ở miền Nam thì dân số 2 bên sẽ cân bằng. Bầu cử tự do, với sự giám sát của Quốc Tế thì chắc mình sẽ thắng.
20. Hỏi: Lần ông tháp tùng ông Nhu đi dự lễ đăng quang của quốc vương Ma-rốc năm 1962, ông có cho biết là sau đó các ông đến Paris gặp ông Pinay, đại diện Tổng Thống Charles De Gaulle, bàn chuyện hiệp thương với ông Hồ. Lúc ấy có mặt giáo sư Bửu Hội không?
Đáp: Dĩ nhiên là có. Vì Giáo sư Bửu Hội là đại sứ của VNCH ở Ma-rốc, và là bạn học với ông Nhu ở bên Pháp. Ông Bửu Hội lại từng là cố vấn cho Hồ Chí Minh. Nên trong việc này, có thể nói vai trò của ông Bửu Hội cũng quan trọng không kém ông Nhu. Ông Nhu và chúng tôi ở khách sạn Grillon cả tháng. Cuộc tiếp xúc xảy ra nhiều lần mà hầu như lần nào cũng có sự hiện diện của giáo sư Bửu Hội. Ông Nhu cho biết lúc ấy ông Hồ Chí Minh đã nhờ ông Jean Sainteny xin Tổng Thống De Gaulle giúp. Ông Hồ biết là ông De Gaulle đang có chủ trương trung lập Đông Dương, lại hận Mỹ đã “hất cẳng” Pháp. Ông Hồ nhờ Sainteny xin Tổng Thống De Gaulle can thiệp để tiếp xúc với Sài Gòn. Tổng Thống Pháp rất sốt sắng trong việc này. Sau chuyến đi này ít tháng thì xảy ra vụ ông Nhu “đi săn cọp” ở Tánh Linh.
21. Hỏi: Gần ngày đảo chính đại sứ Cabot Lodge có điện đàm với Tổng Thống Diệm. Lúc đó ông có ở bên cạnh Tổng Thống không?
Đáp: Không.
22. Hỏi: Trong cuốn Nhớ Lại Những Ngày ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cựu đại tá Nguyễn Hữu Duệ viết rằng ông ta xin phép Tổng Thống đem xe tăng thiết giáp lên bộ tổng Tham Mưu để bắt các tướng và dẹp đảo chính. Nhưng Tổng Thống không cho. Ông có biết chuyện này không?
Đáp: Lúc ấy tôi đang ở bên Tổng Thống Diệm và ông Nhu tại dinh Gia Long. Chính tôi nghe điện thoại của ông Duệ và trình lên Tổng Thống.
Inline image
Tổng Thống la tôi: Các anh muốn gì? Ở với tôi bấy lâu mà không hiểu ý tôi sao? Dân Nghệ An các anh chỉ thích làm loạn. Đem quân đội chống quân đội là cách bảo vệ Tổ Quốc hả?
Tôi thưa: Nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng Thống. Chẳng lẽ để phải chết sao?
Ông quát lên: Chết thì đã sao.
Đúng, đối với ông chết thì đã sao. Nhưng đối với chúng ta thì cái chết của ông là cái chết dần của miền Nam. Ông còn nói quân đội là để bảo vệ Tổ Quốc chứ không phải để bảo vệ cá nhân Tổng Thống.
Ông bảo tôi liên lạc với ông Trương Vĩnh Lễ, chủ tịch Quốc Hội yêu cầu cho triệu tập Quốc Hội để ông ra từ chức trước Quốc Hội, hòng tránh cảnh đổ máu. Nhưng tôi gọi ông Lễ 4 lần không được.
Lúc ấy không phải chỉ có Lữ Đoàn xin lên tấn công tổng hành dinh của nhóm đảo chánh. Mà còn có cả một đại đội biệt kích thuộc Lực Lượng Đặc Biệt đi hành quân ở Tây Ninh vừa về đến Sài Gòn cũng báo cáo là lực lượng phòng vệ của các tướng đảo chính ở Tổng Tham Mưu rất yếu, đại đội biệt kích xin phối hợp với 2 tiểu đoàn của Lữ Đoàn Phòng Vệ phủ Tổng Thống để đột kích vào bắt hết các tướng đảo chánh. Tướng Nguyễn Văn Phú, lúc ấy còn là Thiếu Tá đã tiếp xúc với tôi về việc này. Nhưng như vừa nói. Tổng Thống không chấp thuận.
Viên đại úy đại đội trưởng Biệt Kích đề nghị cho lực lượng của Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống có xe bọc thép dẫn đầu tiến tới bao vây bộ Tổng Tham Mưu, còn đại đội của anh ta sẽ đột kích bọc hậu từ phía sân vận động vào bắt sống các tướng. Tôi rất buồn bực và lấy làm khó hiểu tại sao ông cụ lại không cho đánh. Ông Nhu ngồi cạnh đó cũng chẳng nói gì.
23. Hỏi: Theo ông trong số các tướng lãnh lúc ấy ai có khả năng nhất?
Đáp: Tôi hầu như không tiếp xúc với các tướng. Ngay cả Phó Tổng Thống cũng vậy. Hầu như chẳng bao giờ gặp. Nhưng tôi có nghe ông Nhu nói ông Nguyễn Văn Thiệu, lúc ấy mang lon đại tá, là một tư lệnh (sư đoàn 5) giỏi nhất. Ông Nhu có nhận xét đó sau khi nghe ông Thiệu thuyết trình ở hội trường Suối Lồ Ồ.
Còn các tướng thì rất sợ Tổng Thống Diệm mỗi khi phải thuyết trình cho ông về tình hình an ninh. Bởi vì ông nắm vững tình hình và nhứt là địa hình địa vật… địa lý của từng vùng. Kiến thức về quân sự của ông cũng rất uyên bác. Tôi được biết, khi mới về nước làm thủ tướng, ông đã yêu cầu tổng lãnh sự ở Hồng Kông mua cho ông tất cả tác phẩm của Mao Trạch Đông, Chu Đức, Lâm Bưu, Bành Đức Hoài để đọc và bắt ông Nhu phân tích nghiên cứu trình lên.
24. Hỏi: Nghe nói ông bà Nhu có một biệt thự đẹp lắm ở Đà Lạt. Ông có tới đó bao giờ không?
Đáp: Ông nói đến cái biệt thự này, tôi lại nhớ tới cái ông luật sư Trương Phú Thứ ở Seattle . Ông ấy muốn tìm cách phỏng vấn bà Ngô Đình Nhu mà không sao được. Chẳng rõ tại sao ông ta biết nhà tôi, tìm đến xin tôi giới thiệu với bà Nhu. Tôi biết đã từ lâu bà ấy ẩn dật không muốn báo chí nhắc tới. Nhưng tôi biết bà ấy hãy còn quyến luyến ngôi nhà hai phòng ngủ của một người Pháp, bỏ hoang đã lâu mà anh em chúng tôi hùn tiền mua cho ông bà ấy vào khoảng năm 1960, mà không đủ tiền sửa chữa, cho nên đến khi ông Nhu bị sát hại và bà Nhu sống lưu vong, cũng mới chỉ sửa được phần nửa.
Tôi bảo ông Thứ hãy về Việt Nam, lên Đà Lạt chụp ảnh ngôi nhà ấy rồi mang theo sang Pháp, tìm cách đưa tấm hình đó tận tay bà Nhu thì may ra bà ấy cho gặp. Thì quả thật chắc ông đã biết, ông Thứ đã viết một bài cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong nói về bà Nhu ở tuổi gần bát tuần sống như một nhà tu ở Paris. Tôi mong ông Thứ có dịp phổ biến tấm hình này để độc giả thấy cái “ngôi biệt thự xinh đẹp” của ông bà Nhu.
25. Hỏi: Thống tướng Maxwell Taylor, Đại sứ Frederick Nolting và nữ ký giả Marguerite Higgins đều nói được Tổng Thống Diệm tiếp hơn kém khoảng 5 giờ đồng hồ. Ông có biết điều đó và có ý kiến gì không?
Đáp: Lúc ấy nhiều người nói tổng thống tiếp khách lâu quá. Tôi có trình ông, bảo người ta phê bình tổng thống đọc thoại!
Ông cười. Ông bảo: Người Mỹ họ ít hiểu về dân tộc mình về lịch sử của nước mình. Mình phải lợi dụng lúc họ chịu nghe để nói cho họ hiểu chứ. Mấy người này đều chăm chú nghe tôi và đặt nhiều câu hỏi. tôi phải trả lời cho họ chứ.
26. Hỏi: Gần ngày đảo chánh Tổng Thống có mời ông bà Đại Sứ Mỹ lên Đà Lạt nghỉ tại biệt điện của Tổng Thống và dự dạ tiệc thân mật. Ông có biết họ thảo luận về việc gì không?
Đáp: Tôi có biết và nhớ là Tổng Thống đề nghị chính phủ Mỹ thông cảm những khó khăn của miền Nam và đừng ép ông phải cải cách gấp rút. Ông cũng hứa sẽ xem xét những đề nghị của chánh phủ Mỹ một cách nghiêm chỉnh. Nhưng cần phải có thời gian. Phía ông Lodge thì nằng nặc đòi Tổng Thống phải đưa ngay ông Nhu ra ngoại quốc. Nhưng dĩ nhiên không bao giờ Tổng Thống nhượng bộ điều này được.
27. Hỏi: Xin ông tha lỗi, ông là Phật tử chứ ạ? Và trong vụ Phật Giáo có ai nhờ ông làm trung gian để thương lượng giàn xếp giữa chánh quyền và bên Phật Giáo đấu tranh không?
Đáp: Phải, tôi là Phật tử đã quy y… – Ông vào phòng lấy ra một cuộn giấy mở cho tôi thấy tờ "PHÁI QUI Y " rồi nói tiếp :
Tôi qui y với thầy Thích Minh Châu. Khi vụ Phật Giáo xảy ra tôi có ra Huế gặp thầy Thích Trí Thủ để nhờ thầy can thiệp với Thượng Tọa Thích Trí Quang… nhưng Hòa Thượng Trí Thủ nói bây giờ các thầy trẻ học thức nhiều, họ có đường lối riêng, các sư già chúng tôi nói họ không nghe. Nên không kết quả. Nhiều người khác cũng can thiệp nhiều ngả khác, cũng không hơn gì. Hồi ấy còn cả một ủy ban của chính phủ gồm nhiều Phật tử đứng đầu là phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cố gắng dàn xếp. Nhưng bên Phật Giáo tranh đấu chỉ muốn lật đổ chánh phủ thôi. Nên họ cố đưa ra những yêu sách không cách nào làm được. Tôi rất ân hận là không giúp gì được với tư cách là một Phật tử.
Inline image
28. Hỏi: Theo ông thì ai cố ý giết hai ông?
Đáp: Theo tôi thì người ra lịnh trực tiếp là tướng Dương văn Minh. Còn ông Minh có nhận lịnh ở trên nào không thì không biết. Sở dĩ tôi dám quả quyết ông Minh, là vì chính ông Minh sai cận vệ của ông ta là đại úy Nguyễn Văn Nhung cùng đi với tướng Mai Hữu Xuân, để “thi hành nhiệm vụ”(!). Và Nhung đã leo lên xe bọc thép trong đó có hai anh em Tổng Thống. Nhung là một tay giết người không gớm tay, y còn khắc dấu vào cán dao găm mỗi lần giết được một người. Ngay tối mồng hai y còn khoe “con dao lịch sử” của y với con của tướng Đôn cơ mà. Đó là theo chính lời của tướng Đôn thuật lại trong Việt Nam Nhân Chứng. Còn tướng Xuân thì khi “đi đón ông cụ” về và ông cụ đã chết rồi, đã tới trước Dương văn Minh giơ tay làm dấu, miệng nói: “Mission accomplie” (Nhiệm vụ hoàn thành). Cứ theo những lời trên của tướng Đôn, thì không nghi ngờ gì người chủ trương và ra lịnh giết hai ông là tướng Minh.
29. Hỏi: Thời gian quấy rầy ông đã quá dài. Nhứt là trong lúc ông còn bịnh nhiều. Xin cám ơn ông đã mất công trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Và nếu có thể được xin ông cho một cảm tưởng chung về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.
Đáp: Tôi cũng xin cám ơn ông đã tốn công đi từ xa đến để cho tôi được có dịp nói lên vài điều trong số những gì mình còn nhớ được về thời gian dài phục vụ Đất Nước bên cạnh hai nhân vật lịch sử mà tôi hằng kính mến. Cứ mỗi lần nhớ đến hai cụ, tôi đều ngậm ngùi xót xa. Nhất là đối với cụ Diệm. Ông quá ngay thẳng, quá quân tử, quá rộng lượng, lúc nào cũng nghĩ tới làm cho dân được ấm no hơn. Vậy mà người ta nỡ hãm hại ông. Không phải chỉ có những ngày giỗ hai ông tôi mới khóc.
Cụ Vỹ dằn cơn xúc động bắt tay tôi khi tôi từ biệt ra về…
Minh Võ, San Diego
_________________
Alice Dupond gởi