Quy luật nhân quả báo ứng rất nghiêm minh không chút sai lệch. Người lòng dạ vong ân bội nghĩa, ắt sẽ phải trả giá; cả gia đình nhà Quế Thiên trong câu chuyện dưới đây cũng không ngoại lệ. Câu chuyện quả là một lời răn dạy sâu sắc cho người đời, rằng ‘được ân nhớ trả cho người’!
Năm Thiên Thuận triều Nguyên, ở phủ Tô Châu tỉnh Giang Nam có một vị viên ngoại ưa làm việc thiện tên gọi Thi Tế. Bởi đi thi nhiều lần mà không đỗ nên ông ta một lòng kết giao bè bạn để giúp đỡ người nghèo, mong được nhờ đó mà nổi danh.
Cha của Thi Tế là Thi Giám vốn là một người giàu có nhưng luôn gìn giữ bổn phận, sống rất tiết kiệm, không bao giờ tiêu pha phí phạm một đồng. Nay người cha thấy con tiêu tiền như rác thì xót ruột quá bèn lén đem vàng bạc chôn giấu nhiều nơi, không cho ai biết, định bụng đến lúc sắp chết mới nói cho con hay.
Ông già nghĩ vậy nhưng có ngờ đâu người đang khỏe mạnh bỗng một hôm đang đêm đột ngột phải về trời, chưa dặn dò được con câu gì, thế là chuyện giấu vàng thành một bí mật mãi mãi.
Bấy giờ Thi Tế đã quá bốn mươi, còn chưa có con trai. Ông ta khấn nguyện với đức Quan Âm Bồ Tát nếu sinh được con trai, sẽ cúng ba trăm lượng bạc để tu sửa điện thờ ngài. Một năm sau, bà vợ là Nghiêm Thị quả nhiên sinh được một cậu bé. Hai vợ chồng nghĩ đến chuyện hoàn ơn Bồ Tát bèn đặt tên cho con trai là Thi Hoàn.
Hôm đứa bé được đầy tháng, Thi Tế mang ba trăm lượng bạc đến điện thờ Quan Âm ở núi Hổ Khâu để thực hiện lời hứa nguyện. Ông ta thắp hương xong, cúi đầu cúng, chợt nghe có tiếng khóc ở bên ngoài, bèn bước ra xem thì thấy người bạn học cùng thuở bé là Quế Thiên đang ngồi bên bờ ao nhìn xuống nước mà nức nở. Thi Tế bước tới hỏi vì sao, Quế Thiên chỉ nước mắt lã chã, không nói nên lời.
Thi Tế bèn kéo bạn vào trong miếu điện, hỏi đi hỏi lại mãi, Quế Thiên mới kể rõ nguồn cơn. Thì ra ông ta sai lầm nghe theo người ta, đem gia sản thế chấp để vay 300 lượng bạc về làm vốn liếng ra ngoài buôn bán, cuối cùng bị mất sạch, chủ nợ đến đòi, lãi mẹ đẻ lãi con, bắt cả nhà ông ta phải làm tôi tớ gán nợ. Ông ta cấp bách quá, đang đêm bỏ trốn, nhưng chẳng còn đường nào mà đi bèn chạy đến đây định nhảy xuống ao tự tử.
Thi Tế nghe xong, lập tức lấy 300 lượng bạc để cúng trả ơn đưa cho Quế Thiên, bảo ông ta mau đi cứu vợ con về. Quế Thiên mừng quá bèn bước tới trước điện Bồ Tát dập đầu thề rằng: “Con chịu ơn cứu mạng của ông Thi, nếu kiếp này không báo đáp được thì kiếp sau nguyện làm chó ngựa để đền ơn ông”. Thi Tế về nhà, lại lấy ra 300 lượng bạc khác đưa cúng đức Quan Âm.
Ba ngày sau, Quế Thiên dẫn đứa con trai lớn mười hai tuổi tên Quế Cao đến bái tạ. Thi Tế rất vui, làm cơm rượu khoản đãi. Rồi bảo với Quế Thiên rằng: “Cứu người phải cứu đến nơi, nhà tôi ở phía ngoài thành có một cái vườn trồng dâu, mấy gian nhà tranh và mười mẫu ruộng xấu. Nếu ông không ngại thì đến đó mà trồng trọt, cũng có thể sống được”. Quế Thiên vô cùng cảm động, rối rít tạ ơn rồi cùng con trai cáo biệt đi về.
Sau khi đến vườn dâu, Quế Thiên bảo vợ là Tôn Thị mang lễ vật đến nhà họ Thi tạ ơn. Tôn Thị biết ăn nói, dễ làm người nghe vui lòng. Vừa mới gặp Nghiêm Thị là đã tỏ ra thân thiết như thể chị em. Bấy giờ Tôn Thị đang có thai 5 tháng, Nghiêm Thị nói: “Chị đã có hai thằng con trai rồi, nếu lần này mà sinh được đứa con gái thì sẽ kết thông gia với nhau”. Tôn Thị về kể lại với chồng, hai người hết sức vui mừng. Sau quả nhiên mụ sinh được đứa con gái, Nghiêm Thị sai người đến thăm, từ đó hai nhà thường xuyên qua lại, như bà con với nhau vậy.
Ở chỗ vườn dâu mà vợ chồng Quế Thiên ở có một cây bạch quả mọc đã lâu đời, nghe đồn ở đó có thần linh hiển hiện, trước đây người coi vườn cứ đến mùng một tháng Chạp là đến thắp hương khấn cầu thần linh phù hộ. Năm đó, Quế Thiên cũng đến thắp hương. Bỗng thấy một con chuột trắng chạy quanh gốc cây một vòng rồi chui vào phía dưới biến mất. Quế Thiên nhìn kỹ, chỉ thấy dưới gốc cây có một cái lỗ to bằng miệng bát, bèn vội vàng bảo vợ mang xẻng đến đào sâu xuống. Đào được độ ba thước thì thấy ba cái hũ sành, mở ra thấy toàn là bạc nén trắng xóa.Hai vợ chồng mang về nhà đếm, được khoảng một ngàn năm trăm lượng. Quế Thiên định lấy ba trăm lượng đem trả nhà họ Thi, nhưng Tôn Thị nói ngay: “Không được! không được!”.Quế Thiên hỏi: “Vậy theo mình thì nên làm thế nào?”
Tôn Thị nói: “Theo tôi thì nếu cứ dựa vào mười mẫu ruộng dâu này, ở nhờ nhà người ta cũng không thể lâu dài được, chi bằng đem số bạc này đến nơi khác mua ít ruộng rồi dần dần thoát thân khỏi đây, tự mình làm ông chủ, bấy giờ hãy trả ơn cho họ, vậy chẳng hơn sao?”
Quế Thiên nói: “Đàn bà khôn ngoan, còn hơn cả đàn ông! Mình nói đúng đấy, tôi có người bà con xa ở huyện Cối Kê, phủ Thiện Hưng, có thể nhờ ông ta lo chuyện đất đai”.
Mùa xuân năm sau, Quế Thiên lấy cớ đi Cối Kê thăm bà con, ngầm mua ruộng đất ở đó rồi nhờ người trông coi, mỗi năm đến một lần tính toán tiền nong, khi về bao giờ cũng mặc quần áo cũ, không lộ vẻ người có tiền. Cứ như vậy năm năm, nhà họ Quế đã có một cơ ngơi lớn mà nhà họ Thi không hề hay biet
hời gian thấm thoắt, lại qua ba năm nữa, Thi Tế đột nhiên bị bệnh qua đời. Tôn Thị bèn thúc giục chồng thừa dịp bỏ đi. Nghiêm Thị cố giữ ở lại không được, đành nước mắt rưng rưng mà tiễn họ. Bởi Thi Tế là người khảng khái, sống rất rộng rãi, nên trong nhà từ lâu đã chẳng có gì, nay lại thêm chuyện tang ma nên mắc một số nợ. Nghiêm Thị lại không biết quản lý tiền nong, nên năm, sáu năm sau mẹ góa con côi thành nghèo túng đến nỗi không sao sống nổi.
Thi Tế khi còn nhỏ có người bạn học rất thân tên gọi Chi Đức. Vừa đúng lúc ông này từ quan trở về quê, nghe nói nhà họ Thi sa sút như vậy, lòng rất xót xa, bèn đặc biệt đến thăm. Thi Hoàn ra nghênh đón, rất là lễ độ. Ông Chi hỏi han, biết cậu này chưa đính ước với ai, bèn gả luôn con gái của mình. Mẹ con Nghiêm Thị vô cùng cảm kích.
Nhưng ông Chi tuy làm quan mà không giàu có gì, sống rất thanh liêm, bây giờ lại phải lo thêm cho nhà con rể nữa nên cũng khó khăn. Rồi chợt nghe nói chuyện Quế Thiên ở Cối Kê giàu lắm, mọi người đều gọi ông ta là Kế Viên ngoại, ông Chi bèn khuyên con rể nên đi Cối Kê một chuyến, chắc Quế Thiên nghĩ đến ơn huệ trước kia thế nào cũng báo đáp hậu hĩ. Thi Hoàn về bàn với mẹ, Nghiêm Thị nói: “Hồi ấy bà Tôn với mẹ tình cảm như chị em, bây giờ phất lên rồi, nhất định sẽ không xử tệ với mẹ con mình. Vậy mẹ cùng đi với con”.
Thế là hai mẹ con đến huyện Cối Kê. Chỉ thấy đúng là nhà họ Quế nhà cao cửa rộng, gia nhân đầy tớ tấp nập. Thế nhưng khi gặp mẹ con họ Thi, họ rất lạnh nhạt, hoàn toàn không nhớ gì đến ơn cứu mệnh ngày trước, chỉ cho hai mẹ con hai chục lượng bạc làm tiền lộ phí. Hai mẹ con rất giận, đành buồn bã ra về.
Nghiêm Thị bị cái đòn đó, lại thêm đi đường vất vả, mệt nhọc, về đến nhà là ngã bệnh không sao dậy nổi, được ít ngày thì qua đời. Để lo tang ma cho mẹ, Thi Hoàn đành phải đem bán ngôi nhà tổ tiên để lại rồi dọn đến ở nhà bố vợ. Lúc dọn đồ đạc, bỗng thấy trên trần phòng ông nội mình có một cuốn sổ, trong đó ghi rõ ràng, chỗ nào chôn bao nhiêu lượng bạc, chỗ nào chôn bao nhiêu, bao nhiêu. Thi Hoàn mừng rỡ vô cùng, trước hết đào chỗ ngạch cửa được hai ngàn lượng, đem đi chuộc lại ngôi nhà tổ.
Sau đó lại cứ theo sổ đào tiếp, đào hết được tất cả mấy vạn lượng bạc trắng. Chỉ có chỗ dưới cây bạch quả chôn một ngàn năm trăm lượng thì đào không thấy, chỉ còn lại ba cái hũ không. Từ đó nhà họ Thi lại trở thành nhà phú hào.
Lại nói chuyện Kế Viên ngoại là tài chủ giàu có ở Cối Kê nhưng do việc sai dịch phải làm cho phủ quán quá nhiều nên rất bực bội. Có người hàng xóm là Vưu Sinh khuyên ông ta nên bỏ tiền ra mua lấy chức quan. Làm quan chẳng những rạng rỡ cửa nhà mà còn được miễn chuyện sai dịch, thật là nhất cử lưỡng tiện. Quế Thiên tin lời, chuẩn bị ba ngàn lượng bạc trắng, cùng Vưu Sinh đi đến kinh đô. Đến nơi, Quế Thiên giao cả số bạc cho Vưu Sinh để hắn lo liệu.
Qua nửa năm Vưu Sinh dùng số bạc đó của Quế Thiên mua chức quan cho mình. Lúc này Quế Thiên mới biết mình bị lừa, căm giận không sao giết chết được Vưu Sinh đi. Nhưng đến đêm hôm đó, Quế Thiên nằm mơ, mơ thấy cả nhà mình biến thành chó hết, đến nhà họ Thi kiếm cái ăn. Lúc tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm.
Gặp cơn ác mộng quái lạ, Quế Thiên lo lắng bối rối, không nghĩ được chuyện giết chết Vưu Sinh nữa, vội vã trở về nhà. Về đến nơi thì hai đứa con trai đã chết, mụ vợ Tôn Thị cũng bệnh nặng mê mệt không biết gì. Quế Thiên la lên một tiếng thì mụ Tôn mở choàng mắt ra, kêu toáng lên: “Cha ơi, con là Quế Cao, con trai cả của cha đây. Vì nhà ta vong ơn bội nghĩa với nhà họ Thi, cha đã từng thề sẽ làm chó ngựa để đền ơn, cho nên Diêm Vương bắt hai anh em con cùng với mẹ ngày mai đến nhà họ Thi đầu thai làm kiếp chó. Cha thì chưa đến tuổi, đến tháng tám sang năm cũng sẽ đầu thai thành chó, chỉ có em gái con có duyên phận với Thi Hoàn nên tránh được nạn này”. Tôn Thị nói xong thì tắt thở chết.
Quế Thiên mới nghĩ lại những điều trong mộng, biết rằng đây là chuyện báo ứng, trong lòng vô cùng hối hận. Lo xong việc tang ma, ông ta đem con gái đi Tô Châu, mong kết thân với nhà họ Thi đồng thời tiếp tế cho hai mẹ con mẹ góa con côi chút ít. Ông ta nghĩ chắc nhà họ Thi nghèo túng lắm, cậu con trai chắc chưa lấy vợ. Nào ngờ, đến nơi thấy họ Thi giàu có hơn trước, chỉ có là bà Nghiêm Thị mất rồi. Quế Thiên thấy xấu hổ quá, vội tạ tội với Thi Hoàn và xin vào cúng Nghiêm Thị phu nhân. Ông ta vừa bày xong đồ cúng, bỗng có ba con chó đen chạy tới, quấn quanh rồi ngậm gấu quần ông ta mà sủa kêu liên tục như có điều gì muốn nói. Quế Thiên biết rằng đây là vợ con mình biến thành bèn khóc òa lên ngã lăn xuống đất.
Về sau, Thi Hoàn cưới con gái Quế Thiên làm thiếp. Quế Thiên cũng ở lại giúp việc trong nhà họ Thi. Rồi ông ta ăn chay niệm Phật, một lòng hối hận nên từ đó không hề bị bệnh tật tai nạn gì cả, sống đến hết tuổi già ở nhà họ Thi.
Đặng Hữu Phát gởi